Thần đồng 10 tuổi đã đỗ ĐH không tuổi thơ, không được đến trường
Nuôi mộng con gái thành công sớm, cha mẹ của Zhang Yiwen tự dạy con ở nhà, không cho con đến trường. Dù đỗ đại học ngay lúc còn nhỏ, cô bé sớm gặp khó khăn khi phải lớn trước tuổi.
Từng được biết đến với biệt danh “ thần đồng”, cô bé Zhang Yiwen (13 tuổi) lại không có cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa vì kỳ vọng quá lớn của cha mẹ, theo Sina.
Năm 2016, khi mới 9 tuổi, Yiwen (Thương Khâu, tỉnh Hà Nam) gây xôn xao dư luận Trung Quốc khi trở thành thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia kỳ thi đại học gaokao vốn nổi tiếng khốc liệt ngay cả với người lớn.
Kỳ thi năm đó, số điểm của cô bé không đủ đỗ. Một năm sau, cha mẹ của Yiwen quyết tâm cho con gái dự thi lần hai.
Lần này, Zhang Yiwen đạt số điểm cao, đỗ vào Trường Kỹ thuật Điện tử và Thông tin của Học viện Công nghệ Thương Khâu.
Zhang Yiwen từng khiến du luận Trung Quốc nổ ra tranh cãi khi mới 10 tuổi đã đỗ đại học. Nguyên nhân cốt lõi nằm ở chỗ cha mẹ bắt con gái học vượt. Ảnh: qq.
Tại thời điểm đó, công chúng dành nhiều lời khen ngợi đến nữ sinh mới chỉ vừa học hết tiểu học đã vượt qua kỳ thi có tính cạnh tranh gay gắt. “Thần đồng”, “Thông minh vượt bậc” là những mỹ từ mà nhiều người dành tặng cho cô bé 10 tuổi.
Dư luận càng ngạc nhiên hơn khi cha mẹ cô bé tiết lộ Yiwen chưa từng đến trường và tự học ở nhà dưới sự hướng dẫn của phụ huynh. Lý do chính nằm ở việc họ cảm thấy giáo dục ở trường có quá nhiều sai sót.
Video đang HOT
“Tôi cảm thấy một giáo viên không thể nào có đủ khả năng dạy dỗ, theo sát một người trong một lớp đông học sinh như thế. Con gái tôi đã học hết kiến thức phổ thông với số điểm xuất sắc về tiếng Trung, tiếng Anh, toán học”, ông Zhang Mintao, cha của cô bé, chia sẻ với truyền thông vào năm 2017.
Sau khi con gái nhỏ tuổi đỗ đại học, cha mẹ tiếp tục nuôi hy vọng cô bé học hết chương trình đại học 4 năm chỉ trong 3 năm và chuyển sang một trường khác để lấy bằng tiến sĩ.
Tuy có thành tích ấn tượng, phương pháp nuôi dạy con của gia đình không được số đông ủng hộ. Nhiều cư dân mạng phê phán lối dạy này khiến Yiwen không biết cách giao tiếp với người xung quanh, gây ra rào cản rất lớn cho việc hòa nhập của cô bé ở trường học.
Vóc dáng nhỏ bé mới chỉ 1,4 m khi nhập học đại học của cô bé thần đồng so với các bạn bè cùng lớp. Ảnh: Sohu.
Theo các chuyên gia giáo dục, Yiwen chắc chắn thông minh và có tố chất, nhưng việc bỏ qua nền giáo dục cơ bản là điều nguy hại. Hệ thống giáo dục vốn được thiết kế cung cấp đủ thời gian cho học sinh lớn lên và trưởng thành.
Tất yếu, một cô bé đi học đại học khi mới chỉ 10 tuổi vấp phải nhiều khó khăn khi các bạn chung lớp đều gấp đôi tuổi. Vóc dáng nhỏ bé, vốn sống quen trong vòng tay cha mẹ, Yiwen hiếm dám tự làm điều gì một mình mà phải có bạn cùng phòng đi cùng.
Chưa kể, các vấn đề ở tuổi trưởng thành mà các sinh viên thường trải qua, cùng nhau bàn luận cũng là điều quá xa vời với một bé gái mới lớn.
Trên thực tế, các tài năng nhí, có trí thông minh vượt trội ngay từ khi nhỏ tuổi nhưng lại sống dưới sức ép nặng nề của cha mẹ, thường không có một tuổi thơ trọn vẹn và lớn lên lại gặp nhiều khó khăn hơn so với những người bình thường khác.
Hầu hết thần đồng đều học nhảy lớp, không có môi trường thuận lợi và đủ thời gian để kết bạn. Những người có cùng trình độ hiểu biết lại trưởng thành hơn về tâm lý nên ở mọi môi trường, thần đồng hiếm khi được tiếp nhận và đối xử như những người bạn.
Chỉ số thông minh cao, các tài năng nhí dễ bị ép trưởng thành sớm, tiếp cận những vấn đề vượt qua độ tuổi. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt các kỹ năng mềm. Đây cũng là lý do khiến họ khó thành công trong sự nghiệp hay trải qua cuộc sống thuận lợi.
Trà My
Cuộc sống của thần đồng 4 tuổi
Cô bé Jeeva Jandu, 4 tuổi, thường đưa ra câu hỏi hóc búa như "Tim bơm máu đi khắp cơ thể bằng cách nào?" hoặc chủ đề vũ trụ, không gian.
Jeeva sống tại thành phố Coventry, là một trong những thần đồng trẻ nhất nước Anh. Bảy tháng tuổi, Jeeva có thể nói "cat" (mèo), "grandma" (bà). 11 tháng tuổi, Jeeva tự kể chuyện trước giờ đi ngủ. Nội dung những câu chuyện do Jeeva nghe cha mẹ kể từ trước hoặc đọc qua sách tranh. Đến 15 tháng tuổi, em có thể tự đọc truyện.
Malveen, mẹ của Jeeva, là nha sĩ trong khi bố em, Hardeep, là chuyên gia định phí bảo hiểm. Ở tuổi 32, cả hai đều sở hữu những thành tích học tập ấn tượng. Malveen từng giành điểm A trong kỳ thi GCSE (kỳ thi chứng chỉ THPT), hiện học cao học ngành Nha khoa. Trong khi Hardeep là thạc sĩ chuyên ngành Khoa học tính toán. Ngoài ra, Jeeva có người anh họ cũng là thành viên của Mensa.
Dù biết con có điểm vượt trội so với bạn bè đồng trang lứa, đến năm Jeeva 3 tuổi, cha mẹ mới đăng ký làm bài kiểm tra IQ. Đạt 160 điểm, ngang với IQ của thiên tài Albert Einstein và nhà vật lý Stephen Hawking, Jeeva chính thức trở thành thành viên của Mensa vào năm 2019.
Qua bài kiểm tra, em được nhận xét có trình độ đọc hiểu và toán học tương đương trẻ 8 tuổi. Jeeva rất thích được trò chuyện và kết bạn. Malveen kể con gái từng trò chuyện "một mình" với bạn đồng trang lứa vì các em khác chưa biết nói. Tuy vậy, Jeeva vẫn cảm thấy vui và muốn chơi đùa cùng bạn bè mỗi ngày.
Lên 4 tuổi, Jeeva có thể đọc những cuốn sách khó hơn trình độ như bộ truyện Isadora Moon dành cho trẻ từ 5 đến 8 tuổi hay Cây ma thuật xa xôi của tác giả Enid Blyton. Trong khi những đứa trẻ bằng tuổi em đang học cách đánh vần.
"Cháu thích đọc và tìm hiểu về mọi thứ trên thế giới. Cháu cũng thích trò chuyện với bạn bè. Cháu từng ước các bạn có thể nói chuyện như mình để kết thêm nhiều bạn mới", Jeeva nói.
Jeeva thích đọc sách và khám phá nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Ảnh: Fabio De Paola/The Guardian.
Hiện Jeeva theo học trường mẫu giáo tư thục tại thành phố Coventry, Anh. Trong các tiết học đọc, em được giáo viên mời lên đọc sách cho các bạn cùng lớp. Jeeva có thể phát âm chính xác những từ dài và khó đọc. Em tham gia hoạt động ngoại khóa là thể dục, cờ tướng và lập trình.
Jeeva thích đặt câu hỏi, thường đưa ra những câu hỏi hóc búa và cha mẹ em luôn cố gắng trả lời hết. Những câu hỏi khó, họ tìm mua sách về lĩnh vực liên quan để Jeeva tự nghiên cứu.
Giống như nhiều bạn đồng trang lứa, Jeeva thích chơi đồ chơi nhưng bằng cách tháo tung các bộ phận để tìm hiểu cách thức hoạt động và thử lắp ráp lại. Malveen kể thời gian đầu, cô chọn đồ chơi theo độ tuổi nhưng đã chuyển sang mua đồ chơi theo sở thích của Jeeva. "Chúng tôi nhận ra đồ chơi theo độ tuổi có thể đặt ra những giới hạn không nên có cho trẻ", Malveen nói.
Dù nuôi dạy trẻ thần đồng, cha mẹ Jeeva mong con có cuộc sống vui vẻ, thoải mái như bạn bè đồng trang lứa. Vào tối cuối tuần, cả gia đình sẽ cùng nhau xem phim hoạt hình để giải trí.
Khi mọi người xung quanh khen ngợi trí thông minh của Jeeva, Malveen và chồng không quên nhấn mạnh đến lòng tốt, tính quảng giao của con gái. Bà mẹ giải thích không muốn con gái bị đóng khung trong những nhận xét như "thông minh" hay "thần đồng".
Tài năng thường bị gắn liền với sự hoàn hảo, xuất chúng nhưng Malveen không nghĩ như vậy. Bà mẹ kể thường mắc sai lầm trước mặt con nhưng những sai lầm sẽ dạy Jeeva về sự không hoàn hảo. Gia đình Jeeva có thói quen chia sẻ và cùng nhau tìm ra giải pháp cho các sai phạm.
"Chúng tôi không theo đuổi sự hoàn hảo mà mong con gái được hạnh phúc, thoải mái. Chúng tôi ăn mừng cả thành công lẫn thất bại", Malveen nói.
Tú Anh
Học sinh cuối cấp mong trở lại trường 7/4 là ngày đáng nhớ đối với Yin Shirui, học sinh trung học sống tại thị trấn Cám Châu, tỉnh Giang Tây, vì được đi học sau thời gian dài nghỉ phòng Covid-19. "Tôi không thích ở nhà một mình cả ngày trong khi bố mẹ đi làm. Tôi cũng không thích học trực tuyến vì giáo viên không thể theo dõi trình...