“Thần đèn” dịch chuyển Chánh điện nghìn tấn ở Quốc tự Diệu Đế
Tọa lạc trên con đường Bạch Đằng (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) với diện tích khoảng 10.000 m2, chùa Diệu Đế là một trong ba ngôi Quốc tự còn lại đến nay ở Thừa Thiên Huế.
Không chỉ nổi tiếng là Quốc tự dưới triều Nguyễn, mà còn được nhiều người biết đến với bức tranh quý “ Long vân khế hội” (còn gọi là Cửu Long ẩn vân).
Những ngày qua, “ thần đèn” Nguyễn Văn Cư cùng êkip của mình đang có mặt tại Quốc tự Diệu Đế để thực hiện dịch chuyển ngôi Chánh điện cũ hơn 70 năm tuổi đến vị trí mới, nhằm tạo cảnh quan thông thoáng cho chùa cũng như giữ lại được bức bích họa Long vân khế hội độc đáo.
Ngôi Chánh điện được “thần đèn” Nguyễn Văn Cư và các công nhân di dời.
Theo kế hoạch, ngôi Chánh điện có bề ngang 25m và chiều sâu khoảng 14m sẽ được dịch chuyển lui 18m so với vị trí ban đầu. Để thực hiện được việc dịch chuyển ngôi Chánh điện này phải trải qua rất nhiều công đoạn, Thần đèn Nguyễn Văn Cư đã huy động đến Huế hơn 10 công nhân, 2 ben thuỷ lực, 2 máy vận hành và tiến hành lắp đặt 14 đường ngăn.
Theo ông Nguyễn Văn Cư – Giám đốc Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư, ước tính ngôi chùa này nặng khoảng 1 nghìn tấn. Quá trình khảo sát có rất nhiều phương án được đưa ra, bằng mọi giá phải giữ được nguyên trạng chánh điện cũng như các bệ thờ bên trong. Phương án cuối cùng là đào sâu xuống phần móng và cho đổ hệ đà bằng bê tông, kết nối với sắt thép để tạo nên kiên cố. Quá trình này được thực hiện từng đoạn khoảng 1-1,2m. Tổng hệ đà được đổ lên đến 180m, trong hơn 2 tháng liên tục.
Đến thời điểm này đã chuyển lùi về phía sau gần 7 mét, nếu thời tiết thuận lợi, việc di dời ngôi Chánh điện sẽ hoàn tất trong 6 ngày, sau đó mất thêm 4 ngày để nâng tòa Chánh điện lên cao thêm.
Trước đây, khi thực hiện dự án trùng tu chùa Diệu Đế, Chánh điện mới được xây dựng với diện tích gần 600m2, nằm quá sát với công trình Chánh điện cũ hơn 70 tuổi này nên không gian đi lại, tổ chức các hoạt động bị hạn chế.
Việc di dời được thực hiện một cách đúng kỹ thuật, đảm bảo không xảy ra hư hại, ảnh hưởng đến kết cấu Chánh điện.
Ban đầu nhà chùa dự định đập bỏ Chánh điện cũ đã xuống cấp; bên trong công trình này có 3 bệ thờ, gồm bệ thờ Phật ở giữa, bệ bên thờ bài vị vua Thiệu Trị và các ngài. Đặc biệt nơi đây đang sở hữu bức tranh Long vân khế hội quý hiếm, có giá trị nghệ thuật cao. Tác phẩm được vẽ trên trần của Chánh điện từ đầu những năm 1950, gồm 5 con rồng ẩn hiện trong mây trên trần điện và 4 con rồng ở 4 trụ cột trung tâm của Chánh điện.
Với mối cơ duyên được gặp gỡ “Thần đèn” Nguyễn Văn Cư, là người gốc Huế nổi tiếng về việc di dời, xử lý chống lún, chống nghiêng nhiều công trình xây dựng tại TP Hồ Chí Minh. Thay vì hạ giải ngôi Chánh điện cũ của Quốc tự Diệu Đế, nhà chùa đã chọn phương án nhờ sự vào cuộc của Thần đèn để dịch chuyển, giữ nguyên hiện trạng, bảo vệ bức bích họa “Long vân khế hội” được vẽ trên trần Chánh điện.
Video đang HOT
Bức tranh “Long vân khế hội” trên trần ngôi Chánh điện chùa Diệu Đế.
Thượng Toạ Thích Hải Đức -Trụ Trì chùa Diệu Đế cho hay, việc dịch chuyển ngôi chánh điện cũ nhằm bảo vệ lại bức bích họa “Long vân khế hội” cũng như những giá trị lịch sử của chùa. Sau khi dịch chuyển đến vị trị mới sẽ cho trùng tu lại ngôi chánh điện cũ này theo khả năng nhà chùa để làm Tổ đường và một phần cho không gian sinh hoạt.
Chùa Diệu Đế từng là nơi tiềm để của vua Thiệu Trị. Sau khi ông lên ngôi, năm 1844, ông đã cho xây dựng và tôn tạo lại, sắc phong nơi đây là Quốc tự Diệu Đế. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, tu bổ, tuy nhiên trải qua nhiều biến động của lịch sử, đến khoảng năm 1887 thì các công trình của chùa Diệu Đế bị triệt giải. Từ năm 1953- 1955, các công trình của chùa được phục hồi và xây dựng lại dưới sự bảo trợ của Từ Cung Thái Hậu, trong đó Chánh điện cũ này được xây mới và xuất hiện bức tranh Long vân khế hội tồn tại cho đến hiện nay.
“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư chia sẻ về việc thực hiện chuyển dịch ngôi Chánh điện chùa Diệu Đế (bên trái).
Hé lộ ngôi chùa Huế chính điện 1.000 tấn đang được dịch chuyển
Trần chính điện chùa Diệu Đế có bức tranh 'Long Vân Khế Hội' xưa và lớn nhất Việt Nam. Bức tranh này chính là lý do nhà chùa di dời toàn bộ khu chính điện.
Những ngày gần đây, thông tin "thần đèn" Nguyễn Văn Cư tiến hành di dời tòa chính điện nặng 1.000 tấn của chùa Diệu Đế - ngôi chùa cổ nổi tiếng của Cố đô Huế - được đông đảo dư luận quan tâm. Ngôi chùa này có gì đặc biệt? Ảnh: Tiền Phong.
Tọa lạc bên bờ sông Đông Ba, gần cầu Gia Hội, chùa Diệu Đế là một trong ba ngôi Quốc tự của triều Nguyễn còn ở Cố đô Huế. Xưa kia, chùa là một khu vườn rất đẹp, nơi Hoàng tử Miên Tông, con vua Minh Mạng, đã ra đời vào năm 1807.
Sau khi Miên Tông nối ngôi với niên hiệu Thiệu Trị, vào năm 1844 ông cho xây một ngôi chùa ở nơi mình sinh ra, đặt tên là Diệu Đế Tự và sắc phong làm Quốc tự.
Khi mới xây, chùa có kiến trúc rất khác so với bây giờ. Cảnh chùa lúc này rất huy hoàng tráng lệ, được coi là một danh lam của đất kinh kỳ. Tương truyền, chùa có một bảo tháp làm bằng ngà voi cao khoảng 1 mét đặt trước chính điện.
Trải qua các biến cố lịch sử như vụ kinh đô thất thủ năm 1882 và năm 1885, hầu hết các kiến trúc xưa của chùa Diệu Đế đều bị phá hủy, cảnh chùa tang thương đến nao lòng. Đây là số phận của rất nhiều ngôi chùa khi đất nước rơi vào tay giặc.
Đến năm 1910 thời vua Duy Tân, chùa đã được kiến thiết lại hoàn toàn. Năm 1950 chùa lại được đại trùng tu một lần nữa. Về cơ bản, diện mạo ngôi chùa hiện tại có từ hai đợt kiến thiết này.
Về tổng quan, chùa nằm trong một mảnh đất rộng vuông vức, được giới hạn bởi bốn con đường. Ngoài cùng là cổng tam quan hai tầng, phía trên có lầu Hộ Pháp.
Sau cổng tam quan là con đường lát gạch Bát Tràng thẳng tắp, hai bên rợp bóng cây xanh dẫn vào tòa chính điện đậm nét kiến trúc cung đình nhà Nguyễn, được trang trí khá công phu. Đây là công trình đang được "thần đèn" di dời.
Bên trong chính điện thờ tượng Tam Thế Phật ở giữa, xung quanh là các chư Phật và một số vị Thánh. Sát vách bên trái có khám thờ vua Thiệu Trị và một vài công chúa, hoàng tử.
Trần chính điện có bức tranh "Long Vân Khế Hội" xưa và lớn nhất Việt Nam. Được biết, bức tranh này chính là lý do nhà chùa di dời khu chính điện.
Trước khi di dời, chính điện chùa Diệu Đế đã xuống cấp nặng nề. Do không thể phá bỏ để xây mới vì có bức tranh vô giá, tòa chính điện cũ sẽ được lùi lại 18 mét để phục vụ quá trình cải tạo, mở rộng.
Các công trình khác của chùa Diệu Đế là hai nhà lôi gia đặt tượng Kim Cương, nhà bia, nhà để chuông, khu nhà tăng xá, nhà bếp...
Trước kia chùa Diệu Đế có ba bến thuyền ở phía trước, mỗi bến thuyền có 10 bậc lên xuống. Nay chỉ còn bến thuyền phía trước tam quan.
Dù không còn giữ được vẻ huy hoàng của thời hoàng kim nhưng chùa Diệu Đế ngày nay vẫn là một trong những điểm tham quan vãn cảnh nổi bật của Cố đô Huế.
/
Cận cảnh 'thần đèn' di dời chánh điện chùa Diệu Đế nặng 1.000 tấn ở Huế Chánh điện chùa Diệu Đế (TP Huế) - nơi có bức tranh "Long vân khế hội" - đang được "thần đèn" Nguyễn Văn Cư cùng đội ngũ của ông di dời đến nơi khác bằng cách nâng toàn bộ chánh điện ngôi chùa lên. Chánh điện Đại Hùng của chùa Diệu Đế - nơi có bức tranh kỷ lục Long vân khế hội...