Thận ào ạt “chảy” qua biên giới
Ở nước ta hiện nay, luật pháp cấm việc mua, bán thận cũng như mô, tạng người. Trên thực tế nhu cầu về việc này rất lớn nên không ít trường hợp đã tìm cách lách luật, thậm chí vượt biên ra nước ngoài để bán thận.
Ghép thận là biện pháp hiệu quả hơn so với chạy thận nhân tạo, song không phải ai cũng có điều kiện
Trăm nghìn kế… mua, bán thận
Mới đây, Cơ quan điều tra – Công an TP Cần Thơ đã điều tra, phát hiện và đề nghị truy tố một đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài để bán thận. Theo đó, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến tháng 2/2011, đã có 19 nạn nhân của đường dây này ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ được tổ chức vượt biên trái phép sang Trung Quốc bán thận. Đây là một vụ án có tính chất nghiêm trọng cần được xử lý nghiêm. Mặt khác, nó cũng phần nào cho thấy nhu cầu mua bán tạng nói chung, thận nói riêng là rất cao và dù luật pháp nước ta có cấm nhưng những người có nhu cầu cũng sẵn sàng lách luật.
Video đang HOT
Chúng tôi đến khoa Thận nhân tạo – BV Bạch Mai, tuyến điều trị cao nhất các loại bệnh thận mạn tính với trung bình khoảng 500 bệnh nhân thường xuyên ra vào điều trị chu kỳ. Các bác sĩ ở đây cho biết, có khoảng 15% trong số các bệnh nhân nói trên có nhu cầu được ghép thận, thế nhưng khó khăn lớn nhất là không có nguồn thận để ghép. Tính đến thời điểm này tại BV Bạch Mai mới chỉ tiến hành được 4 ca ghép thận, nguồn thận này đều từ người mẹ cho con. Ở các BV khác như BV Việt Đức, BV Quân đội 103, BV Chợ Rẫy, số ca ghép thận được thực hiện thường xuyên hơn song số lượng ghép vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi ước tính cả nước mỗi năm có từ 7.000-8.000 người có nhu cầu ghép thận.
Một thực tế mà ít người biết đến là trong khi nguồn tạng hiến nói chung cực kỳ hiếm hoi thì hàng ngày, hàng giờ vẫn có rất nhiều người có nhu cầu bán thận. TS.BS cao cấp Nguyễn Cao Luận, Trưởng khoa Thận nhân tạo – BV Bạch Mai chia sẻ: “Tại khoa hầu như tuần nào cũng có 3, 4 thanh niên đến đặt vấn đề xin bán thận. Luật nước ta không cho phép việc mua bán tạng người nên chúng tôi phải tìm lý lẽ giải thích cho họ hiểu…”. Theo bác sĩ Luận, người đến xin bán thận đa phần là người nghèo, có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn về kinh tế, cũng có những trường hợp do nghiện ngập, cờ bạc dẫn đến phá sản và bế tắc.
“Tất nhiên vẫn có không ít trường hợp tìm cách để bán thận bằng được. Tương tự, người bị suy thận, có tiền cũng sẽ tìm mọi cách liên lạc với người có nhu cầu bán thận để đạt được mục đích, thường là qua “cò” môi giới hoặc rao bán ngấm ngầm bằng tờ rơi, trên mạng internet. Và khi bên có “cung” đã gặp bên có “cầu” thì họ sẽ thỏa thuận với nhau để qua mặt các bác sĩ, kiểu như nhận nhau là anh em, bố mẹ nuôi… tình nguyện xin “hiến” thận, BV không thể từ chối” – bác sĩ Luận cho biết.
Nên chăng cho “bán” công khai?
Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc khan hiếm nguồn tạng, thận để ghép không chỉ xảy ra ở nước ta mà tại hầu hết các nước trên thế giới. Trước đây, những người có nhu cầu ghép thận ở Việt Nam đều phải tìm sang Trung Quốc để được phẫu thuật. Thậm chí có thời kỳ một số BV ở Quảng Đông (Trung Quốc) còn tìm sang các BV Trung ương của nước ta để… tìm khách sang ghép thận.
Thế nhưng những năm gần đây, nguồn thận ở Trung Quốc có vẻ cũng khan hiếm nghiêm trọng và trên thực tế, số người Việt Nam tìm sang Trung Quốc bán thận còn nhiều hơn số người sang ghép thận. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm vì chúng ta không quản lý được tình trạng sức khỏe của người đã bán một quả thận cũng như kỹ thuật lấy thận có đảm bảo hay không? Mới đây đã có trường hợp sau khi đi bán thận ở Trung Quốc về phải vào BV cấp cứu và tử vong ngay sau đó vì chảy máu trong.
Việc siết chặt quản lý tình trạng vượt biên trái phép ra nước ngoài bán thận là đương nhiên phải làm. Mặt khác, nên chăng chúng ta có chính sách cụ thể, luật hóa về việc cho phép lấy, ghép tạng trong khả năng có thể quản lý, kiểm soát được? Tất nhiên việc cho phép mua bán thận này phải do một cơ quan được chỉ định đứng ra điều phối, tốt nhất là thành lập Ngân hàng tạng độc lập và cũng chỉ khuyến khích thực hiện với những người đăng ký bán tạng sau khi chết hoặc chết não chứ không khuyến khích với những trường hợp khỏe mạnh muốn bán tạng để lấy tiền giải quyết khó khăn về kinh tế. TS. Luận cho rằng, nếu được luật pháp hóa và có Ngân hàng tạng như vậy, số người được ghép tạng, ghép thận sẽ nhiều hơn, số người “hiến” tạng, thận cũng sẽ được quản lý, chăm sóc sức khỏe sau “hiến” tốt hơn.
Vấn đề quan trọng hơn cả là phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa nhân văn của hành động hiến tạng sau khi qua đời (do chết não). Tuyệt đối không vì vật chất mà “chui lủi” tìm cách bán đi một phần nội tạng cơ thể mình, rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Hiện ở Việt Nam có nhiều BV đã thực hiện tốt kỹ thuật ghép thận. Chi phí cho một ca ghép thận trung bình khoảng 250-300 triệu đồng. Sau ghép thận người bệnh phải điều trị bằng thuốc chống thải ghép liên tục, ước tính tốn khoảng 5-7 triệu đồng mỗi tháng. Do đó chỉ có khoảng 15% người suy thận, bệnh thận mạn tính có nhu cầu và điều kiện ghép thận.
Theo Dân Trí
Nhộn nhịp 'chợ' thận online
Hiện nay, ở VN có khá nhiều người muốn được hiến, bán, mua thận nhưng việc này bị pháp luật nghiêm cấm.
"Tôi là sinh viên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi muốn bán một bên thận của mình. Ai có nhu cầu ghép thận xin liên lạc với tôi qua email: huy15...@yahoo.com". Đây chỉ là một trong rất nhiều lời rao được đăng tải trên mạng muaxxx.com.
Rao bán bằng tờ rơi
Dạo quanh các "chợ" trên mạng khác như raoxxx.com, vatxxx.com... cũng có nhiều thông tin về mua bán thận. Hầu như những dòng tin nhắn này đều nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, trong đó có tin nhắn nhận được gần 1.300 lượt truy cập. Trên trang giaxxx.com, một người có nick name phuong12, 35 tuổi, đang sống ở TPHCM rao bán quả thận với nội dung khá thảm thương: "Gia đình tôi gặp khó khăn vì mẹ mắc bệnh hiểm nghèo nên tôi muốn bán thận để chạy chữa cho mẹ. Tôi nhóm máu A, mong sớm nhận được hồi âm để có tiền chữa bệnh cho mẹ". Tin rao này cập nhật ngày 18/2, đến nay gần 500 người đã truy cập.
Mấy ngày qua, trước cổng Bệnh viện 108 (Hà Nội) người ta đã nhặt được rất nhiều tờ rơi của 2 người rao bán thận. Trong tờ rơi này, người bán thận tên là Trịnh Văn T., 20 tuổi, ngụ tại huyện Thanh Hà, Hải Dương và em trai 17 tuổi, lý do bán thận vì bố mẹ làm ăn thua lỗ, đang bị các chủ nợ siết.
Không chỉ bán thận được quảng bá trên mạng mà nhiều người muốn ghép thận cũng cầu cứu trên mạng. Một cá nhân giấu tên tại TP HCM đã rao trên trang raoxxx.com: "Tôi bị viêm cầu thận mãn ở giai đoạn cuối, muốn tìm người hiến thận nhóm máu O, tôi sẽ hậu tạ hậu hĩnh. Xin liên lạc số điện thoại 098533..." cũng nhận được quan tâm của hơn 100 lượt xem.
Vào bệnh viện tìm người bán thận
TS-BS Nguyễn Cao Luận, Trưởng Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai- Hà Nội), cho biết tuần nào cũng có người đến khoa gạ gẫm mua thận. Những người này thường liên hệ trực tiếp với khoa để tìm bệnh nhân bán thận. Hầu hết những người bán thận là người nghèo cần tiền để trang trải cuộc sống. Có người rao bán thận với giá 1.000-2.000 USD. Tuy nhiên, do chưa có luật quy định về việc mua bán, lưu trữ nội tạng, bộ phận cơ thể người nên bệnh viện phải từ chối.
Khoảng 6.000 người suy thận mãn cần ghép thận:
Ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết hiện nay, ở VN có khoảng 6.000 người suy thận mãn cần ghép thận và hàng ngàn người được chỉ định ghép gan nhưng không có nguồn. Dù ca ghép thận đầu tiên được tiến hành cách đây gần 20 năm nhưng đến nay, VN mới thực hiện được gần 300 ca ghép thận. Số ca ghép gan và ghép tủy chỉ đếm được trên đầu ngón tay mặc dù hiện nay cả nước có 11 bệnh viện đủ điều kiện ghép thận.
TS-BS Luận phân tích: Việc cá nhân rao bán thận là điều bình thường vì có cầu ắt phải có cung. Tại VN, các trường hợp hiến, ghép thận trước khi làm thủ tục lấy, ghép thận đều phải chứng minh với bệnh viện rằng họ có quan hệ huyết thống với bệnh nhân và việc cho là tự nguyện, nhân đạo, không vì mục đích thương mại. Trong số khá đông bệnh nhân có nhu cầu ghép thận thì chỉ có rất ít bệnh nhân được ghép thận thành công vì có người cho thận hợp pháp, có các chỉ số sinh học phù hợp. Những người cho thận này thường là bố, mẹ hoặc anh chị em ruột của bệnh nhân.
Thực tế những người có nhu cầu hiến, bán thận không ít song vướng ở Luật Hiến lấy ghép mô bộ phận cơ thể người (có hiệu lực từ ngày 1/7/2007). Luật này nghiêm cấm hành vi mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác; lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Vì thế, chuyện thận người nghèo... xuất ngoại qua môi giới của "cò" để bán thận không còn là chuyện hiếm. Theo đó, nhiều bệnh nhân có điều kiện muốn ghép thận cũng phải xuất ngoại để chữa bệnh.
Chưa có nơi giữ nội tạng
Theo thống kê, ở VN có khoảng 10% dân số bị suy thận. Rất nhiều trường hợp trong số này có nhu cầu ghép thận. Tại Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai), một trong những cơ sở điều trị bệnh nhân thận lớn nhất miền Bắc, hiện đang quản lý hồ sơ của 500 bệnh nhân điều trị liên tục. Phần đông bệnh nhân ở đây bị suy thận giai đoạn cuối, họ buộc phải chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng. Một số bệnh nhân có điều kiện về kinh tế thì lựa chọn giải pháp ghép thận. Tuy nhiên, rất khó khi tìm được người cho thận phù hợp các chỉ số với thận của bệnh nhân.
TS-BS Luận cho rằng ở VN, Luật Hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người đã có hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa có trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người, nên không có nguồn tạng dự trữ. Nếu trung tâm này được thành lập, người hiến hoặc mua dễ dàng hơn khi có nhu cầu. Hơn nữa, sẽ tận dụng được nguồn tạng, nguồn thận rất lớn từ những bệnh nhân tử vong do các tai nạn.
Theo Người Lao Động