Tham vọng hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc gặp họa
Các đại dự án hạ tầng của Trung Quốc như cầu treo Momzambique, cảng biển Pakistan đang chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo các đại dự án trong sáng kiến này phải đối mặt với nhiều hệ quả của biến đổi khí hậu, từ áp lực di cư, bất ổn chính trị và nước biển dâng.
Tại hội nghị thượng đỉnh của Nhà Trắng gần đây, một nhóm bộ trưởng quốc phòng mô tả biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh, tác nhân có thể đẩy các khu vực bất ổn trên thế giới vào tình trạng xung đột bạo lực nghiêm trọng hơn. Giới phân tích cho rằng các dự án phát triển trong những môi trường như vậy hay khu vực duyên hải đều có rủi ro cao.
“Ít nhất hàng trăm dự án đầu tư của Trung Quốc nằm ở những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và nhiều dự án trong số đó nằm trên hoặc gần bờ biển”, Courtney Hulse, nhà phân tích tại RWR Advisory Group, công ty tư vấn ở Washington chuyên theo dõi các dự án đầu tư của Trung Quốc trên thế giới, cho hay.
Bắc Kinh đã xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại những địa điểm mà các nghiên cứu đã chỉ ra là dễ bị ảnh hưởng bởi tác động cực đoan của biến đổi khí hậu.
Khu vực Sahel ở châu Phi có nhiều dự án xây dựng của Trung Quốc, trong đó có đập thủy điện Kandadji ở phía nam Niger.
“Khu vực Bắc Phi và Sahel là nơi chứng kiến toàn bộ tác động của biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles Fernández nói tại hội nghị thượng đỉnh của Nhà Trắng, mô tả mâu thuẫn giữa nhóm du mục và nông dân ở khu vực cận Sahara đang trở nên tồi tệ hơn do áp lực của khí hậu nóng lên và nguồn tài nguyên suy giảm.
Một dự án khác của Trung Quốc là cầu Maputo-Katemb, cầu treo dài nhất châu Phi, ở Mozambique, một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các trận lốc xoáy liên tục tàn phá Mozambique trong những năm gần đây. Một báo cáo của tổ chức Germanwatch năm nay cho biết những cơn bão đã khiến Mozambique mất hơn 12% GDP vào năm 2019.
Video đang HOT
“Hơn một nửa quốc gia châu Phi được dự báo bùng phát xung đột do biến đổi khí hậu”, Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba nói.
Cảng do Trung Quốc đầu tư xây dựng ở thành phố Gwadar, tỉnh Balochistan, Pakistan năm 2018. Ảnh: Xinhua.
Cảng biển ở thành phố Gwadar, tỉnh Balochistan, Pakistan, một trong những dự án ở nước ngoài đáng chú ý nhất của Trung Quốc, được coi là cửa ngõ cho phép Bắc Kinh dễ dàng tiếp cận với khu vực Ấn Độ Dương. Theo các dự báo của nhóm Climate Central tại Mỹ, đường bờ biển bao quanh khu cảng Gwadar sẽ bị nước biển nhấn chìm vào năm 2060, thời điểm mà Trung Quốc tuyên bố đạt mục tiêu trung hòa carbon.
“Điều đáng sợ về an ninh khí hậu hiện nay là bạn có thể xoay quả địa cầu và xác định chính xác vị trí có rủi ro về an ninh khí hậu”, Erin Sikorsky, phó giám đốc Trung tâm Khí hậu và An ninh, tổ chức nghiên cứu ở Washington, cho biết. “Tôi cho rằng Trung Quốc nên nhìn các kế hoạch tương lai qua lăng kính khí hậu”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nói có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đi theo hướng này khi thực hiện các dự án BRI.
Bắc Kinh từng thừa nhận vấn đề này khi nói về BRI. Một tài liệu của chính phủ năm 2015 mô tả các mục tiêu của sáng kiến đã đề cập tới biến đổi khí hậu. Thuật ngữ “Vành đai và Con đường xanh” đã được sử dụng phổ biến hơn trong các tài liệu chính thức, nhưng vẫn thiếu cụ thể, theo giới chuyên gia.
Một nhà phân tích giấu tên mô tả các dự án BRI như vậy là “hộp tối”, với rất ít bằng chứng cho thấy các chi tiết quan trọng như nước biển dâng được xem xét cẩn trọng khi xây dựng cảng biển.
“Bất chấp điều kiện thời tiết cực đoan và đại dịch, hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Momzambique trong khuôn khổ BRI ngày càng sâu sắc”, đại sứ Trung Quốc tại Mozambique nói cuối năm ngoái.
Xia Li, thành viên của Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu tại Đại học Boston, nhận định nhiều công ty Trung Quốc ít tính đến rủi ro về khí hậu khi cân nhắc đầu tư vào dự án cơ sở hạ tầng mới.
“Không có nhiều người trong số họ đánh giá chuyên sâu về mức độ biến đổi khí hậu tương lai ảnh hưởng như thế nào tới dự án của mình”, bà nói.
Ra đời năm 2013, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là chương trình đầy tham vọng để kết nối nhiều quốc gia từ châu Á, Trung Đông tới châu Phi và châu Âu. Công ty đầu tư Morgan Stanley ước tính ngân sách của BRI có thể chạm ngưỡng 1,2-1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Hiện tại, các lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải là trọng tâm đầu tư của BRI, trong đó các dự án năng lượng ước tính chiếm tới 44% ngân sách của sáng kiến.
Tuy nhiên, không chỉ chịu tác động từ biến đổi khí hậu, dự án BRI của Trung Quốc còn vấp nhiều trở ngại khác.
Mỹ và nhiều quốc gia đã chỉ trích BRI, không chỉ vì ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường mà còn bởi tính minh bạch của các thỏa thuận, khi một số quốc gia tham gia rơi vào “bẫy nợ”.
Nhiều nhà hoạt động và chính phủ đã phản đối BRI vì lo ngại về môi trường. Kenya, Ai Cập và Bangladesh là một trong số nước đã hủy hoặc có kế hoạch hủy dự án xây dựng nhà máy than mới do Trung Quốc đầu tư.
Không chỉ các dự án khai thác than mới có thể gây hủy hoại môi trường. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2019 ước tính các công trình giao thông của BRI cũng có thể làm tăng 0,3% lượng khí thải CO2 của toàn cầu.
Trung Quốc đã cố gắng giải quyết các lo ngại đó. Tại Diễn đàn Vành đai và Con đường năm 2019, Bắc Kinh đã thông báo “không dưới 11 sáng kiến xanh”, nhưng “tất cả đều là tự nguyện và không có sáng kiến nào ràng buộc hay minh bạch”, theo Jonathan Hillman, thành viên cấp cao của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Mỹ.
“Dù Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết khiến BRI trở thành dự án xanh hơn nhưng chưa có bất kỳ hành động cụ thể nào được thực hiện để hạn chế đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp có hại với môi trường”, Page-Jarrett, một nhà nghiên cứu về dự án BRI của Trung Quốc, nhận định.
Nga cảnh báo cấm vận sẽ đẩy Myanmar tới một cuộc nội chiến khốc liệt
Nga ngày 6/4 lên tiếng phản đối lệnh cấm vận nhằm vào các quan chức quân đội Myanmar, cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt có thể gây ra một cuộc nội chiến quy mô lớn ở quốc gia Đông Nam Á này.
Người biểu tình tập trung tại thành phố Yangon, Myanmar ngày 10/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng tin Interfax dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, tiến trình đe dọa, gây sức ép, trong đó có việc sử dụng cấm vận chống lại chính quyền quân sự Myanmar, sẽ không hiệu quả và đặc biệt nguy hiểm. Bởi những chính sách như vậy sẽ đẩy người dân Myanmar lún vào một cuộc xung đột nội bộ quy mô lớn.
Myanmar rơi vào bất ổn chính trị từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng, bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội Myanmar cáo buộc đã có nhiều gian lận xảy ra trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra tháng 11/2020, điều mà Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar đã bác bỏ.
Sau khi nắm tạm quyền điều hành đất nước, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, đồng thời cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực. Quân đội cũng phủ nhận đã tiến hành đảo chính. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối bước can thiệp của quân đội. Theo thống kê, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng thực thi pháp luật ở Myanmar từ đầu tháng hai đến nay đã làm hơn 550 người thiệt mạng.
Mỹ và nhiều nước phương Tây tìm cách gây sức ép nhằm vào chính quyền quân sự Myanmar, thông qua việc trừng phạt các thực thể, công ty Myanmar có lợi ích ràng buộc với quân đội, nhất là trong ngành khai thác, buôn bán đá quý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các đòn cấm vận cùng với lời kêu gọi kiềm chế của quốc tế chưa thể giúp dập tắt đối đầu, bất ổn ở Myanmar.
Tuần trước, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã đồng thuận bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang bạo lực, lên án việc sử dụng bạo lực và yêu cầu các bên giảm căng thẳng, đối thoại để giải quyết vấn đề.
Brunei, nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ngày 5/4 cho biết nước này ủng hộ kế hoạch tổ chức một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN để thảo luận về tình hình Myanmar. Trong một tuyên bố chung, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah cho biết họ đã đề nghị các bộ trưởng và quan chức cấp cao hai nước thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết cho cuộc họp được tổ chức tại Jakarta, Indonesia.
Một năm sau đại dịch, Haiti vẫn chưa nhận được vaccine COVID-19 Hơn một năm sau khi đại dịch bùng phát, Haiti vẫn chưa triển khai bất kỳ một loại vaccine COVID-19 nào cho trên 11 triệu dân nước này. Điều này làm dấy lên lo ngại sức khỏe của người dân đang bị phớt lờ trong bối cảnh bạo lực và bất ổn chính trị leo thang. Các nhân viên Bộ Y tế đo...