Tham vọng ‘định hình chiến tranh’ của Trung Quốc
Quân đội Trung Quốc đặt mục tiêu đạt thế chủ động trong chiến tranh vào năm 2025, nhưng tham vọng này khó thành hiện thực vì trở ngại công nghệ.
“Quân đội Trung Quốc phải mở rộng các phương pháp tiếp cận chiến lược để bắt kịp, vượt qua và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi từ thích ứng thụ động sang chủ động định hình cách thức tiến hành chiến tranh”, thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, viết trong kế hoạch phát triển quân đội Trung Quốc (PLA) tới năm 2025.
Trong bài viết được Nhà xuất bản Nhân dân công bố đầu tháng 11, tướng Hứa nhận định Trung Quốc “phải phát huy hết tác dụng của động lực cải cách” nhằm xây dựng lực lượng quân đội kiểu mới. “Hãy luôn nhớ rằng một quốc gia sẽ gặp nguy nếu lãng quên chiến tranh hay không chuẩn bị đầy đủ cho chiến tranh”, ông viết.
Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng quân đội hiện đại vào năm 2027 trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 được công bố sau phiên họp của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10.
Biên đội tàu tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc huấn luyện ở khu vực tây Thái Bình Dương, tháng 4/2018. Ảnh: Reuters .
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình nhận định việc tướng Hứa nhấn mạnh hoạt động “định hình phương thức chiến tranh” cho thấy PLA “sẽ tập trung hơn vào phát triển vũ khí phù hợp với khả năng phát động chiến tranh trong tương lai và ở những nơi mà quốc gia khác yếu thế hơn”.
Theo chuyên gia này, trong những năm qua, PLA chỉ phản ứng một cách thụ động với kế hoạch của các nước khác cũng như những vũ khí mà họ sở hữu. “Nếu chúng ta trên cơ trong việc quyết định cách thức tác chiến và phát triển chiến lược của riêng mình, các nước khác sẽ phải theo sau”, ông nói.
Video đang HOT
Lĩnh vực máy bay không người lái ( UAV) sẽ được đầu tư để đảm bảo cho các quân binh chủng đều được trang bị khí tài này, ông Tống cho biết.
Các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng đây có thể là sự thay đổi chiến lược lớn của quân đội Trung Quốc. “Từ ngữ của tướng Hứa cho thấy Trung Quốc đang cố gắng giành thế chủ động và định hình các sự kiện quân sự”, Malcolm Davis, chuyên gia chiến lược và năng lực quốc phòng thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia, nêu ý kiến.
“Chúng còn có thể cho thấy Trung Quốc tìm cách xác lập vị thế chủ động trong công nghệ quân sự bằng cách áp dụng đổi mới mang tính đột phá, có thể là áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống tự điều khiển, siêu vượt âm, chiến tranh không gian và nhiều thứ khác”, Davis nói.
Michael Raska, trợ lý giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết Trung Quốc tự tin hơn khi năng lực công nghệ của họ đã phát triển. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi tìm cách giành thế chủ động trong chiến tranh “do khoảng cách công nghệ quân sự của PLA so với các cường quốc khác còn khá xa”.
Chuyên gia Davis cho biết các quốc gia trong khu vực và Mỹ sẽ tìm cách đối phó việc Trung Quốc chuyển sang thế chủ động trong chiến tranh. “Họ có thể tìm cách không chỉ làm suy giảm hay vô hiệu hóa lợi thế tấn công trước của Trung Quốc, mà còn đảo ngược chúng”, Davis nói.
Chuyên gia Trung Quốc vạch chiến thuật đối phó UAV
Quân đội Trung Quốc có thể xác định vị trí căn cứ UAV đối phương để tung đòn tấn công, hoặc dùng tiêm kích hạ mục tiêu, theo chuyên gia quân sự nước này.
Máy bay không người lái (UAV) là vũ khí công nghệ cao trong chiến tranh hiện đại, với kích thước nhỏ và hoạt động ở độ cao thấp nên khó bị phát hiện. Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định biện pháp hiệu quả nhất để đối phó với UAV là bắn hạ ít nhất một chiếc, sau đó sử dụng dữ liệu trên xác máy bay thu được để xác định xem nó xuất phát từ đâu.
"Quân đội Trung Quốc có thể xác định vị trí căn cứ của UAV sau khi bắn hạ nó và thu thập dữ liệu. Biện pháp đối phó hiệu quả nhất là cho tấn công phá hủy căn cứ và tiêu diệt toàn bộ số UAV tại đó", Chu Thần Minh, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho biết.
Tuyên bố được Chu Thần Minh đưa ra sau khi tạp chí Air Force, có trụ sở tại Mỹ, đưa tin quân đội nước này tổ chức một cuộc diễn tập mô phỏng tấn công đảo ở California hồi tháng 9 với UAV MQ-9. Các binh sĩ Mỹ tham gia diễn tập đeo biểu tượng hình UAV MQ-9 chồng lên bản đồ Trung Quốc màu đỏ, hình ảnh bị truyền thông Bắc Kinh coi là động thái "khiêu khích".
Tạp chí Air Force cho biết cuộc diễn tập là sự kiện huấn luyện đầu tiên tập trung vào chiến thuật sử dụng UAV ở khu vực Thái Bình Dương, phù hợp với xu hướng rút dần hoạt động ở Trung Đông của quân đội Mỹ.
UAV MQ-9 Reaper lượn trên căn cứ không quân Creech, bang Nevada, Mỹ, tháng 6/2015. Ảnh: USAF.
Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều loạt oanh tạc cơ, trinh sát cơ và UAV bay qua khu vực từ đầu năm. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc lo ngại Mỹ có thể sử dụng UAV như MQ-9 tấn công vào các đảo nhân tạo nước này bồi đắp và quân sự hóa trái phép trên Biển Đông.
MQ-9 là UAV đầu tiên hoạt động liên tục hơn 40 tiếng, với sải cánh 24 m và 7 giá treo vũ khí, cho phép mang tới 4 tên lửa đối đất AGM-114 và hai bom dẫn đường laser GBU-12 hoặc bom thông thường GBU-38. Mỹ từng sử dụng MQ-9 trong cuộc không kích hạ sát thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Iran, hồi tháng 1.
"MQ-9 không còn bị hạn chế hoạt động tại các căn cứ tiền phương hoặc bên trong lục địa Mỹ", Brian Davis, chỉ huy phi đoàn tấn công số 29 đóng tại căn cứ không quân Holloman, nói trong bài viết tạp chí Stars and Stripes. Davis cho biết mẫu UAV này có thể hiện diện ở những "điểm nóng" tại châu Á - Thái Bình Dương.
Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc thừa nhận phần lớn UAV nước này không thể đối phó với MQ-9, tuy nhiên Bắc Kinh có thể triển khai tiêm kích để đánh chặn khi máy bay không người lái Mỹ xâm nhập vào không phận. Chu Thần Minh cho rằng Trung Quốc còn sở hữu hai mẫu UAV tấn công có thể chống lại MQ-9.
UAV Dực Long II của Trung Quốc được cho đã hạ khoảng 16 UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc nội chiến Lybia. Các chuyên gia quân sự nhận định xung đột tại Libya là cuộc chiến UAV đầu tiên và lớn nhất thế giới đến nay.
UAV Dực Long do phi công UAE vận hành bay gần Tripoli, Libya, tháng 6/2019. Ảnh: Twitter/towersight.
"Trung Quốc chỉ có hai UAV vũ trang có khả năng đối đầu với MQ-9 là Dực Long II và Thái Hồng-5", chuyên gia Chu Thần Minh nói. "Tuy nhiên, độ bền bỉ và tải trọng của UAV Trung Quốc chỉ bằng 2/3 máy bay Mỹ vì chúng sử dụng động cơ kém hơn".
Giá thành một máy bay Dực Long II bằng một nửa MQ-9, do đó Trung Quốc có thể điều nhiều chiếc tham chiến với chiến thuật "biển UAV" để đối phó với máy bay Mỹ, chuyên gia Chu Thần Minh cho biết.
Chuyên gia hải quân Lý Kiệt tại Bắc Kinh nói quân đội Trung Quốc (PLA) cũng có thể triển khai tiêm kích J-10, J-11 hoặc J-16 để đối phó với UAV. Ngoài ra, PLA còn có phương án sử dụng tên lửa hoặc pháo phòng không để tiêu diệt UAV.
"Trung Quốc có thể triển khai tiêm kích bởi chúng bay nhanh và cao hơn UAV, song với điều kiện phải phát hiện được máy bay của đối phương", Lý Kiệt nói. "Đó là lý do Trung Quốc phát triển các hệ thống tác chiến điện tử toàn diện và tinh vi, bao gồm sử dụng radar để phát hiện và hệ thống gây nhiễu điện tử làm gián đoạn liên lạc của đối phương".
Armenia và Azerbaijan tung video tấn công vị trí đối phương Nga muốn trang bị UAV tự sát cho trực thăng vũ trang 'Sát thủ vô hình' trong xung đột Azerbaijan - Armenia Nga phát triển tên lửa mini đối phó UAV Nga phát triển phi cơ chuyên diệt UAV
Anh muốn chế tạo 30.000 "chiến binh robot" Tham mưu trưởng Nick Carter cho rằng 30.000 "chiến binh robot" sẽ tạo nên một lực lượng quan trọng trong quân đội Anh vào thập niên 2030, sát cánh với con người ở tuyến đầu và xung quanh. Quân đội Anh thử nghiệm các vũ khí không người lái. Ảnh: thedefensepost Trả lời phỏng vấn trên Kênh Sky News hôm 8-11, Tướng Carter...