Thám tử tự còng tay với kẻ ám sát Kennedy
Khi Lee Harvey Oswald bị bắn chết năm 1963, thám tử Jim Leavelle đang còng tay trái của mình với tay phải của anh ta.
Ngày 22/11/1963, John F. Kennedy, tổng thống thứ 35 của nước Mỹ, bị ám sát khi ngồi trên xe mui trần diễu hành qua Dealey Plaza tại thành phố Dallas, bang Texas.
Hai ngày sau, giới chức áp giải nghi phạm Lee Harvey Oswald tới tầng hầm sở cảnh sát Dallas để chuyển anh ta từ nhà tù thành phố tới nhà tù hạt. Jim Leavelle, thám tử chuyên điều tra các vụ giết người, đứng ở bên phải Oswald, tự còng tay trái của mình vào tay phải của nghi phạm. Thám tử L.C. Graves đứng bên trái Oswald trong quá trình áp giải.
Jim Leavelle (mặc đồ sáng màu) đang áp giải Lee Harvey Oswald khi anh ta bị Jack Ruby bắn ngày 24/11/1963. Ảnh: Dallas Times Herald.
“Tôi đã nói với anh ta: ‘Lee này, nếu ai đó bắn anh, tôi hy vọng họ sẽ bắn chuẩn như anh đã bắn Kennedy”, Leavelle kể lại vào năm 2005. “Oswald cười xòa và nói với tôi: ‘Ông đang làm quá lên đấy. Không ai định bắn tôi cả’”.
Khi họ đi ngang qua nhóm phóng viên, chủ hộp đêm Jack Ruby bước ra khỏi đám đông, rút ra khẩu súng lục ổ quay và bắn một phát vào Oswald. Trong khoảnh khắc được phóng viên ảnh Robert H. Jackson ghi lại, Ruby cầm súng chĩa về phía trước, trong khi Oswald nhăn mặt vì đau đớn.
Leavelle, mặc một bộ vest sáng màu, ngả người ra sau, có vẻ sốc khi nhìn thẳng vào mặt Ruby. Ảnh của Jackson đoạt giải Pulitzer, trở thành một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Leavelle cho biết ông đã nhìn thấy Ruby tiến lại gần nhưng không kịp phản ứng. “Tôi đã cố gắng kéo anh ta lại phía sau”, Leavelle nói vào năm 2002, “nhưng tôi chỉ có thể xoay người anh ta, khiến viên đạn trúng điểm cách rốn khoảng 10 cm về bên trái, thay vì trúng vào chính giữa”.
Khi Oswald gục xuống, Leavelle dùng tay phải nắm lấy vai trái của Ruby. Thám tử Graves đặt tay lên ổ quay khẩu súng lục, ngăn chủ hộp đêm tiếp tục nổ súng. Các cảnh sát khác nhanh chóng khống chế Ruby. Leavelle mở còng, kiểm tra mạch cho Oswald khi nghi phạm được đưa đến bệnh viện Parkland, cũng là nơi Kennedy được cấp cứu hai ngày trước đó. Oswald chết 105 phút sau khi bị bắn.
Leavelle bắt đầu tham gia điều tra sau khi Oswald bị bắt tại một rạp chiếu phim với cáo buộc giết cảnh sát J.D. Tippitt, 88 phút sau vụ ám sát Kennedy. Ban đầu, cảnh sát không cho rằng vụ giết cảnh sát có liên quan tới vụ ám sát Kennedy, nhưng Leavelle và các thám tử khác trở nên nghi ngờ về câu trả lời của Oswald.
“Tôi không bắn ai cả”, Oswald nói khi bị thẩm vấn.
“Hầu hết nghi phạm sẽ nói ‘tôi không bắn cảnh sát đó’ hoặc ‘tôi không bắn người đó’”, Leavelle cho biết. “Tôi nhận ra anh ta biết chuyện gì đã xảy ra và chuẩn bị sớm lời chối tội”.
Một ngày sau khi Oswald bị giết, Leavelle chở Ruby đến nhà tù hạt Dallas. Lần này cảnh sát không thông báo cho truyền thông và rất cảnh giác khi đưa Ruby lên xe. Ruby giải thích động cơ gây án của mình là quá đau buồn trước cái chết của Kennedy và muốn thực thi công lý ngay thay vì tốn thời gian với các phiên tòa. Những người khác đưa ra giả thuyết rằng Ruby muốn giết người diệt khẩu và liên quan đến tội phạm có tổ chức. Ruby bị tuyên án tử hình nhưng chết trong tù vào tháng 1/1967 vì ung thư trong khi đang kháng cáo.
Jim Leavelle sinh ngày 23/8/1920 tại Bogota, Texas, lớn lên trong trang trại ở đông bắc Texas. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông gia nhập hải quân và từng làm việc trên tàu USS Whitney.
Leavelle may mắn không bị thương trong vụ Nhật tập kích Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941, nhưng sau đó bị thương nặng trong một tai nạn trên tàu. Trong thời gian hồi phục sức khỏe, ông gặp y tá Taimi Trast và họ kết hôn vào tháng 10/1942.
Leavelle đã dành nhiều tháng để điều tra vụ ám sát Kennedy và tìm hiểu liệu Oswald có đồng bọn không. “Chúng tôi không phát hiện ai khác có liên quan”, ông nói.
Bất chấp kết luận của giới chức, nhiều thuyết âm mưu được lan truyền về vụ ám sát. “Người duy nhất họ chưa cáo buộc đã bóp cò là phu nhân Jackie Kennedy”, Leavelle nói vào năm 2002.
Leavelle qua đời vào tháng 8/2019 ở tuổi 99. Một trong những lý do khiến nhiều người nhớ đến Leavelle trong vụ bắn chết Oswald là trong số những cảnh sát ở đó, chỉ mình ông mặc đồ sáng màu và đội mũ trắng. Bộ quần áo và chiếc mũ đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tầng 6 ở Dallas, cùng với chiếc còng tay ông đã dùng với Oswald.
Nỗi dằn vặt của cảnh sát Mỹ trong biểu tình
Có những cảnh sát được ca ngợi vì cùng quỳ gối với người biểu tình, nhưng cũng có nhiều người bị sa thải vì một phút sai lầm.
Tại trung tâm thành phố Dallas, một người biểu tình la hét vào mặt những sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục: "Tại sao các anh sống được như thế? Tại sao các anh lại làm việc cho cái mà các anh biết là sai trái?" Ở bên đường, đứng cạnh các sĩ quan đang bị la ó, một thành viên thuộc Sở Cảnh sát Dallas mặc thường phục đang bật khóc dưới lớp khẩu trang.
Đó là một khoảnh khắc nhỏ bé suýt bị bỏ qua trên những con phố đang bị đốt cháy vì biểu tình và bạo loạn tại Mỹ sau khi George Floyd, người đàn ông da màu ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, bị cảnh sát ghì đến chết hồi tuần trước. Nó cho thấy những khó khăn và dằn vặt mà các cảnh sát Mỹ phải đối mặt.
Cảnh sát đối mặt với người biểu tình ở Seattle, Mỹ, ngày 30/5. Ảnh: Crosscut.
Họ bị người biểu tình tấn công và họ cũng tấn công người biểu tình, kích động giận dữ trong đám đông. Một số cảnh sát được hoan nghênh vì bắt tay, ôm, quỳ gối hoặc tuần hành cùng người biểu tình nhằm biến các cuộc đối đầu căng thẳng thành những cuộc diễu hành đề cao tinh thần đoàn kết. Số khác bị kỷ luật, sa thải hoặc bị truy tố vì sử dụng vũ lực quá mức với người biểu tình.
Thông điệp từ Tổng thống Mỹ Donald Trump là dùng vũ lực trấn áp biểu tình. Thông điệp từ nhiều thị trưởng thành phố và thống đốc bang lại là khoan dung, kết nối và đồng cảm. Thông điệp từ đường phố đôi khi cho rằng cảnh sát chính là một phần của vấn đề. Thông điệp từ truyền thông là hãy cân nhắc kỹ lưỡng lời nói và hành động của bạn.
Tất cả các thông điệp trên đang xung đột với nhau, khi chiến thuật đối phó với biểu tình của cảnh sát được phân tích trên mạng xã hội, khi phản ứng của giới chức ngày càng được liên bang hóa và khi các sĩ quan ở một số thành phố bị ném gạch, bị bắn và bị người biểu tình quá khích lái xe lao vào người.
Tại thành phố St. Louis, bang Missouri, đêm 1/6, 4 sĩ quan bị trúng đạn trong một cuộc đấu súng giữa cảnh sát và những kẻ có vũ trang tham gia một cuộc biểu tình. Tại Las Vegas, một sĩ quan đang phải thở máy sau khi bị bắn gần khách sạn kiêm sòng bài Circus Circus trong lúc cảnh sát cố gắng giải tán đám đông đang ném đá và chai lọ về phía họ. Tại Buffalo, một tài xế đã lái chiếc xe SUV lao vào hàng rào cảnh sát chống bạo động, khiến hai người bị thương.
"Chúng tôi cảm thấy mình như những con tốt trên bàn cờ", một lãnh đạo cảnh sát ở St. Louis nói. "Như thể có hẳn một kế hoạch và chúng tôi đang bị cả hai bên xoay vần, cả bên trái lẫn bên phải, để họ đạt được mục đích".
"Những cuộc biểu tình kiểu này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần của các cảnh sát và chúng cũng tạo thêm không ít áp lực", Manny Ramirez, sĩ quan sở cảnh sát Fort Worth, chủ tịch liên đoàn cảnh sát địa phương, nói. "Ở đây là Fort Worth, Texas, cách Minneapolis hơn 1.600 km, nhưng các sĩ quan cảnh sát vẫn trở thành mục tiêu của cơn thịnh nộ đó".
Ramirez, 35 tuổi, đang có mặt tại sở chỉ huy vào ngày 31/5 khi những người biểu tình bắt đầu ném chai nước, gạch đá về phía cảnh sát. Một người bị trúng đạn vào khuỷu tay. Một người khác bị gãy chân khi đuổi theo kẻ đập phá cướp đồ.
Tại Beverly Hills, California, ngày 2/6, hàng trăm người biểu tình vừa đi vừa la hét. Cảnh sát được đặc nhiệm SWAT hỗ trợ bằng các phương tiện chiến thuật nhằm theo dõi chặt chẽ từng hành động của đám đông.
"Tôi mới chỉ về nhà một lần trong suốt 4 ngày qua", một sĩ quan cảnh sát Los Angeles cho hay. "Bạn gái phải mang quần áo tới để tôi thay. Đây thực sự là địa ngục với tất cả mọi người. Nước tăng lực là thứ duy nhất giúp tôi tỉnh táo".
Trong khi cả thế giới theo dõi các cuộc biểu tình qua truyền hình và mạng xã hội, cả mặt tốt nhất và xấu nhất của lực lượng thực thi pháp luật Mỹ đều được phơi bày.
Những người biểu tình, cả bạo lực lẫn ôn hòa, bị các cảnh sát đánh đập. Tại Denver, một sĩ quan hai ngày trước bị sa thải sau khi đăng một bức ảnh có ba cảnh sát trong trang phục chuyên dụng với dòng bình luận "Hãy bắt đầu cuộc bạo loạn".
Tại Austin, Texas, một người Mỹ gốc Phi 20 tuổi tham gia biểu tình đã bị thương nặng sau khi trúng đạn của cảnh sát vào vùng đầu hôm 31/5. Một người biểu tình đứng cạnh anh này đã ném đồ về phía cảnh sát song cảnh sát lại nhắm bắn vào anh. Nhiều người khác cũng bị trúng đạn từ lực lượng an ninh, bao gồm một phụ nữ đang tham gia hỗ trợ y tế và một phụ nữ gốc Phi đang mang thai.
"Tôi đã suy sụp", cảnh sát trưởng Austin Bryan Manley nói trong họp báo ngày 1/6. "Hôm nay, tôi đã khóc rất nhiều lần".
Ở vào thời điểm nhạy cảm và căng thẳng như hiện nay, những hành động sai lầm sẽ gây ra tác động không nhỏ đến hình ảnh của sở cảnh sát. Tại Richmond, Virginia, hai sĩ quan đang được điều trị vì trúng đạn. Họ bị bắn chỉ vài giờ sau khi sở cảnh sát đăng lên Twitter lời xin lỗi những người biểu tình ôn hòa bị dính hơi cay trước đó.
Bên cạnh hình ảnh cứng rắn, nhiều sĩ quan cảnh sát cũng tỏ ra đồng cảm với người biểu tình. Ở nhiều nơi, các lãnh đạo cảnh sát đã thể hiện khía cạnh rất khác của họ với cảm xúc mạnh mẽ hơn.
Tại một cuộc biểu tình ở Redlands, vùng ngoại ô thuộc hạt Bernardino, Nam California, người biểu tình quỳ gối và cúi đầu im lặng để gợi nhớ về 8 phút 46 giây Floyd bị viên cảnh sát Minneapolis ghì lên gáy. Trong đám đông quỳ gối có cả Chris Catren, cảnh sát trưởng Redlands.
"Đó là kiểm soát cộng đồng 2.0", Catren nói. "Khi làm công việc này, bạn không thể làm nửa vời. Bạn cần dấn thân hoặc không gì cả. Khi những sự việc tương tự xảy ra, đối với tất cả các sĩ quan cảnh sát trên khắp đất nước, nó làm lu mờ đi mọi công việc mà chúng tôi đã làm, mọi niềm tin mà chúng tôi đã xây dựng trong cộng đồng, điều đó thật sự đáng thất vọng".
Cảnh sát New York quỳ gối cùng người biểu tình.
Cháy siêu tàu sân bay Mỹ Tàu sân bay thế hệ mới John F. Kennedy bị cháy trong quá trình thi công, nhưng ngọn lửa sớm được kiểm soát và không gây thiệt hại lớn. Các công nhân tại nhà máy đóng tàu Newport News, bang Virginia, Mỹ sáng 20/7 nhận được thông báo về đám cháy trên tàu sân bay John F. Kennedy đang thi công, Duane Bourne,...