Thăm trường học của em Mũ, thắt lòng thương trẻ!
Tại ngôi trường nằm chênh vênh trên sườn núi ấy, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những đứa trẻ chừng 4-5 tuổi, áo cánh mỏng, lặng lẽ bám vào vách đá, qua mấy ngọn núi để đến trường trong tiết trời giá lạnh nơi vùng cao…
Thương học trò vùng cao nhọc nhằn đi tìm chữ
Cách Hà Nội chừng 450 km, đến thị trấn Pác Miầu (Bảo Lâm, Cao Bằng), phải vượt thêm 7km nữa, chúng tôi mới đặt chân được đến trường tiểu học Nà Ca – ngôi trường nằm trên một khu đất hẹp, chênh vênh bên sườn một ngọn núi đá cao. Điểm chính của trường có 6 lớp tiểu học và 3 lớp mầm non. Được xây từ năm 2001 từ nguồn vốn trong dự án kiên cố hóa trường lớp của nhà nước nhưng cũng mới chỉ có 6 lớp tiểu học của trường được xây gạch lợp ngói chắc chắn 3 lớp mầm non đành phải thu gọn lại một lớp học trong căn nhà gỗ tạm.
Cô Nông Thị Lới – Chủ tịch công đoàn nhà trường – ái ngại chia sẻ: “Lớp học nhỏ quá, sắp xếp thế nào cũng chỉ được 29 chỗ ngồi. Thành ra cả 3 lớp mẫu giáo nhà trường chỉ có 29 em. Nhiều em muốn đi học nhưng không có chỗ ngồi nên dần các em chán, ở nhà theo mẹ lên nương, không đi học mẫu giáo nữa”.
Các cô giáo và học sinh trường Nà Ca. (Ảnh: Anh Thế)
Trong cái lạnh cuối đông miền núi, hầu hết các em vẫn chỉ mặc một chiếc áo mỏng đến lớp ngồi học bài.
Trên khoảnh sân chơi nhỏ lúc nào cũng mịt mù thứ bụi đỏ, những em học sinh vùng cao rụt rè khi thấy có khách lạ. Cô giáo Ngọ Thị Minh Yến – Tổng phụ trách đội nhà trường – chia sẻ: “Hầu hết là các em là người dân tộc Mông, nhà chon von trên đỉnh các ngọn núi cao. Có em mới 4-5 tuổi mà ngày nào cũng dậy từ gà gáy bám theo vách đá cả 5km đi học. Mùa đông miền núi lạnh cắt da thịt, thấy các em vẫn áo cánh, chân trần, tóc ướt đẫm sương, lập cập tới trường mà không cầm lòng được”.
Vẻn vẹn chỉ có 7 lớp học, trường tiểu học Nà Ca của em Mũ còn thiếu thốn đủ bề. Có được một ngôi trường tạm đủ cơ sở vật chật như dưới xuôi là điều mà cô trò trường tiểu học Nà Ca không bao giờ dám mơ tới. Nhưng ngay cả những điều kiện tối thiểu cho các em cũng không thể nào có. Vừa tan học, hàng chục em lấp xấp lớn nhỏ chạy ào ra phía sau trường trên con lạch rộng chưa đến 1 mét. Cô Lới dẫn chúng tôi theo sau mới biết hóa ra ở đó có một đường dẫn nước qua ống nhựa của người dân trên khe núi xuống. Các em xếp hàng trật tự, rút ống nhựa lên và cứ thế uống dòng nước tuôn xối xả trong tiếng cười hồn nhiên và ánh mắt trong veo.
Hầu hết các học sinh nơi đây đều uống nguồn nước được nối ống dẫn từ trên núi xuống nhà dân.
Ngay cả một khu vệ sinh tạm kín đáo cho cô trò trong trường cũng không có. Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm trường, các cô giáo cũng đành tiếp khách ngoài sân trường vì đang giờ học của các em, cả 7 lớp đều kín học sinh mà nhà trường thì không có một phòng nào khác cho các cô cả. Một thoáng suy nghĩ, cô Nông Thị Lới mời chúng tôi nghỉ tạm tại “Thư viện thân thiện” của nhà trường.
Video đang HOT
Em Mũ (áo hoa) và các bạn đọc sách tại thư viện thân thiện nhà trường.
Quả thật thư viện của Trường tiểu học Nà Ca là thư viện “thân thiện” nhất mà chúng tôi từng thấy. Hai chiếc bàn cũ đặt ngoài hiên cùng vài chục cuốn truyện tranh được phát. Một lần cô hiệu trưởng đi họp tại Phòng Giáo dục của huyện được thấy tờ lịch Thư viện thân thiện, mừng như bắt được vàng, cô xin được một tờ về treo trang trọng sau hai chiếc bàn cũ, đôn đáo xin thêm được mấy chục cuốn truyện tranh, thế là lập được thư viện cho các em.
Trường tiểu học Nà Ca còn có phân trường Mạy Rại sát đỉnh một ngọn núi cao. Để đến được trường, hàng ngày các cô giáo phải từ chỗ trọ vượt núi dốc đứng, bám vào vách đá cả 4km mới đến được lớp bất kể ngày mưa dầm nắng gắt. Cũng vẻn vẹn với 5 lớp tiểu học đã được kiên cố hóa và một lớp mẫu giáo gộp trong căn nhà gỗ tạm. Một căn nhà tập thể cho các cô giáo vùng cao tại đây là ước mơ thật khó thành hiện thực.
Những “người mẹ hiền” thầm lặng tại ngôi trường Nà Ca
Trường tiểu học Nà Ca có 21 cô giáo, cô nhiều tuổi nhất cũng đã ngoài 60 tuổi, cô trẻ nhất vừa mới bước qua tuổi đôi mươi. Nhiều cô giáo chưa lập gia đình, từ các vùng xa xôi đến với Nà Ca, thuê trọ nhà dân để cố gắng bám trường bám lớp. Ở trường tiểu học Nà Ca này, Mũ và các bạn gọi 21 cô giáo là 21 người “mẹ hiền” thầm lặng.
Cô Vi Thị Kim Mỹ – Hiệu trưởng trường tiểu học Nà Ca – xúc động kể: “Trong một tuần, các em phải học cả ngày vào thứ 3 và thứ 5. Hầu hết nhà quá xa không thể leo núi về buổi trưa được. Đầu năm học, thấy các em cơm nắm, mèn mén ở lại, ra đứng cạnh ống nước sau trường, cứ ăn một miếng cơm, một miếng mèn mén lại uống một ngụm nước rừng thay canh các cô bàn nhau mỗi tháng góp 10 nghìn mỗi cô, cô nào dư giả thì góp hơn, để mua mì tôm. Buổi trưa vặt thêm ít rau rừng nấu lấy nước canh chan mèn mén cho các em bớt nghẹn mà lại không phải uống thứ nước rừng lạnh bụng”.
Chiếc xoong nhôm và bát đũa để cuối lớp các cô giáo đi xin về, dùng nấu canh mì tôm cho bữa trưa của các em
Nghĩ là làm, các cô giáo trường Nà Ca chia nhau đi xin trong các quán ăn dưới thị trấn được bát đũa cho các em. Mỗi lớp một chiếc xoong nhôm, một chồng bát cũ. Cuối buổi học, các cô giáo lại lỉnh kỉnh xoong nồi, hì hụi nổi lửa đun nấu phía sau trường, lo cho các em xong mới yên tâm về nhà.
Thương các cô giáo vất vả, trên đường đến lớp buổi sáng, các em lại vừa đi vừa tranh thủ nhặt củi mang đến trường. Chứng kiến cảnh những học sinh nhỏ bé lặng lẽ địu bó củi sau lưng, các cô hạnh phúc trào nước mắt. Có canh mì tôm chan mèn mén no bụng, các em ở lại trường đông hơn…
Cô Nông Thị Lới kể rằng: “Chính các cô giáo ở đây đặt ngày khai sinh cho các em thì chẳng là mẹ của các em còn gì. Bố mẹ của các em sinh con ra nhưng không nhớ ngày nhớ tháng. Lúc đi học, cô giáo phải tất bật lo làm khai sinh cho các em, chọn cho mỗi em một ngày ra đời, thường thì chọn ngày sinh cho học sinh của mình vào ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn để mong cuộc đời chúng nó sau này tươi sáng hơn chăng!”.
Được xem tivi trong giờ giải lao là niềm vui khôn tả của những học sinh vùng cao này.
Khi nói về mong ước của các cô giáo tại ngôi trường Nà Ca, sau một thoáng suy nghĩ, cô Vi Thị Kim Mỹ – Hiệu trưởng nhà trường – nhẹ nhàng bày tỏ: “Nhiều em học sinh nhà quá xa, nhất là những hôm bị ốm, hay như trường hợp 3 chị em Mũ, nhiều khi chúng tôi không yên tâm, muốn ở lại chăm sóc các em mà không có điều kiện. Chúng tôi chỉ mong muốn có một phòng nhỏ, gọi là phòng hội đồng cũng được để chia làm đôi. Một nửa cho các cô giáo họp chuyên môn, một nửa làm một căn phòng cắt cử các cô giáo trẻ ở lại chăm nom 3 chị Mũ hay các em khác những hôm trái gió trở trời”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông La Quang Vinh – Chủ tịch UBND thị trấn Pác Miầu – cho biết: “Cơ sở vật chất trường tiểu học Nà Ca còn quá khó khăn. Chúng tôi cũng rất muốn quan tâm nhưng điều kiện kinh tế của địa phương quá eo hẹp. Mong muốn của các cô giáo có một căn phòng như vậy, chúng tôi cũng biết nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn “lực bất tòng tâm”. Chúng tôi hy vọng có những tấm lòng hảo tâm quan tâm san sẻ giúp một phần cho sự nhọc nhằn với các cô giáo và học sinh nơi đây”.
Theo Dân Trí
Bé gái 9 tuổi làm 'mẹ'
Mùa xuân này, cô bé Hoàng Thị Mũ ở bản Nà Ca (thị trấn Bảo Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) chưa tròn 9 tuổi, nhưng đã có 7 tháng "làm mẹ".
Mũ làm mẹ từ cái đêm đầu tháng 7/2010 khi ôm chặt đứa em út 8 tháng tuổi trong đêm mưa như trút nước, trên chiếc mảng giữa dòng sông Gâm - dòng sông vừa cướp mẹ và đứa em trai 4 tuổi của em.
Từ ngày mẹ mất, bố "ăn" nhiều rượu và nhiều đêm không về, nhà đã nghèo giờ thêm lạnh, việc chăm 2 cậu em trai 6 tuổi và 8 tháng tuổi phó mặc hết cho Mũ.
Vệ sinh cho mình và cho các em.
Còn bé xíu nhưng Mũ đã biết chuẩn bị cho em lớn vào lớp 1, nấu cơm thêm nước để chắt cho em bú thay sữa, biết dọn nhà, biết thức trắng đêm trông em ốm, biết can bố không "ăn" nhiều rượu... Nhưng Mũ vẫn nhớ trường học, nhớ bạn, nhớ những thầy cô không ít lần tìm đến nhà dặn em tiếp tục đi học.
Ngày Mũ trở lại trường sau 1 tháng nghỉ học với đứa em lớn dắt tay, đứa em nhỏ trên lưng, các thầy, cô mừng mà bật khóc. Cũng từ buổi ấy, bữa sáng, bữa trưa, các thầy cô ở Trường Tiểu học Nà Ca (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) xúm vào lo cho cả 3 chị em mà mọi người gọi đùa là "3 mẹ con".
Bố đã bớt rượu, thương chị em Mũ hơn, nhưng chặng đường đến trường của em vẫn thật trắc trở, bởi "đứa con" địu sau lưng lớn nhanh mà "mẹ" không chịu lớn.
Hái rau chuẩn bị cho bữa ăn chiều.
Thay quần cho em kịp thời khi nó "tè".
Cho các em ăn trước.
Với bé Hoàng A Bình giờ đã hơn 1 tuổi, chị Mũ đã thực sự là bà mẹ.
Đường đến trường dài hơn 2km với 5 con dốc, chặng đường này cũng qua khúc sông Gâm đã cướp đi mẹ và em cháu.
Lớp 3A đã quen với "mẹ con" Mũ.
Mỗi buổi chiều, Mũ thường địu em ngồi nơi mỏm đá đầu bản - cháu chờ bố về hay nhớ mẹ...
Mọi sự giúp đỡ cháu Hoàng Thị Mũ gửi về Báo Nông thôn Ngày nay (số 13 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội); tài khoản 1506311002117 Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT Tây Hồ, Hà Nội.
Theo Dân Việt
Lào Cai: Nước sông Hồng bất ngờ chuyển màu đục ngầu Cả ngày hôm nay 24/2, nhiều người dân TP Lào Cai đi qua cầu Cốc Lếu và cầu Phố Mới bất ngờ khi nhìn thấy dòng sông Hồng chảy qua dâng cao hơn các ngày trước và có màu nước xám nhạt, sủi bọt đục ngầu. Nước sông Hồng chuyển từ màu xanh sang màu xám nhạt, sủi bọt đục ngầu. Kỹ sư...