Thăm tàu sân bay xịn hơn cả tàu mạnh nhất hiện nay của Mỹ
Hàng không mẫu hạm với lượng giãn nước 100.000 tấn sẽ được sử dụng trong thời gian tới và được đánh giá là trụ cột mới của hải quân Mỹ trong tương lai.
Tàu sân bay USS Gerald Ford neo đậu ở cảng.
Hải quân Mỹ sẽ chính thức sử dụng tàu sân bay thế hệ mới USS Gerald Ford vào ngày 22.7 tới. Đây được giới thiệu là tương lai của lực lượng hải quân và sẽ trang bị hiện đại nhất trong số các hàng không mẫu hạm hiện có.
Phóng viên tạp chí National Interest của Mỹ đã được tới thăm con tàu này trước khi nó chính thức hạ thủy. Tại cảng hải quân Norfolk, tàu USS Gerald Ford vẫn thể hiện được sự ấn tượng của mình khi đứng cạnh những người tiền nhiệm “cỡ khủng” như tàu sân bay USS George Washington hay tàu USS Eisenhower.
Tàu USS Gerald Ford mới tinh với lớp sơn màu vàng nhẹ bên ngoài mỏ neo. Một tấm phù hiệu danh dự báo hiệu con tàu này có số lượng thủy thủ nhiều kỉ lục. Để lên khoang tàu, phóng viên Dave Majumdar sử dụng thang cuốn. Tàu chiến lớp Nimitz mới này chỉ có hai khoang chứa máy bay, phù hợp hơn cho việc bảo trì.
Khi Dave bước vào trong tàu, điều ông ấn tượng nhất chính là dàn lạnh cực mát. Tàu USS Gerald Ford có thể sản sinh 9.900 tấn không khí mát giúp đảm bảo điều kiện tốt nhất cho trang thiết bị trong tàu cũng như các thủy thủ làm việc trong tình trạng ẩm ướt. Một điểm khác biệt quan trọng nhất của tàu chiến này là khả năng vận hành đáng tin cậy và ít phải sửa chữa. Theo tính toán, mỗi 12 năm tàu mới phải vào cảng đại tu một lần.
Khi bước vào khoang bên trong, con tàu này không hổ danh là sở hữu thiết bị kĩ thuật hiện đại bậc nhất của hải quân Mỹ, thậm chí hơn cả tàu khu trục tên lửa lớp Zumwalt mới nhất hiện nay. Hệ thống điều khiển và dẫn đường đều bằng kĩ thuật số và có màn hình cảm ứng.
Tàu sân bay USS Gerald Ford với lượng giãn nước lên tới 100.000 tấn.
Video đang HOT
Toàn bộ con tàu với lượng giãn nước 100.000 tấn này chủ yếu dựa vào tự động hóa, với tỉ lệ nhiều hơn bất kì tàu sân bay nào. Để đáp ứng nguồn điện cho tàu “hàng khủng”, USS Gerald Ford được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân, công suất gấp 3 lần lò phản ứng trên thế hệ cũ, tạo ra nhiều hơn 250% lượng điện.
Hệ thống kiểm soát bay cơ bản vẫn giống tàu sân bay lớp Nimitz truyền thống, theo đại úy Hải quân Jon Biehl. Ông nói rằng rất tự tin với hệ thống phóng máy bay mới trên tàu. “Nó chắc chắn sẽ thành công”, Jon nói.
Trong phòng Điều khiển Sàn tàu, Dave rất ngạc nhiên khi thấy bảng hiệu “Ouija” truyền thống vẫn được sử dụng. Đây là một bảng chứa các kí hiệu chỉ rõ vị trí và trạng thái của tàu trên biển. Dù đã được tự động hóa toàn bộ nhưng thủy thủ đoàn vẫn để bảng “Ouija” như một sự nhắc nhở quá khứ vàng son.
Tàu sân bay lớp Nimitz rẽ sóng trên đại dương.
Trên boong tàu, Dave cho biết phần cất hạ cánh dành cho máy bay đã được thiết kế lại để rộng hơn phiên bản cũ. Đường băng dài 337 mét và đủ lớn cho mọi loại máy bay cất cánh dễ dàng. Hệ thống phóng máy bay cũng được thay thế bằng thiết bị phóng điện từ (EMALS) và hệ thống tiếp đất tiên tiến (AAG). Tàu USS Gerald Ford trang bị 40 trạm nhiên liệu và cải thiện số lần cất cánh lên hơn 25% so với người tiền nhiệm.
Thuyền trưởng Rick McCormack, chỉ huy tàu USS Gerald Ford nói rằng ông đang rất háo hức tới ngày được sử dụng con tàu trên biển. “Là một chỉ huy tàu sân bay, tôi chỉ muốn ra khơi càng nhanh càng tốt”, Rick nói.
Theo Danviet
Ba rào cản ngăn Nga sở hữu siêu tàu sân bay lớp 'Bão táp'
Hạn chế kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm và ngân sách quốc phòng bị cắt giảm là những trở ngại với dự án siêu tàu sân bay mới của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/6 xác nhận kế hoạch đóng siêu tàu sân bay Đề án 23000E "Shtorm" (Bão táp) trị giá 9 tỷ USD để tăng cường năng lực hải quân, trực tiếp cạnh tranh với tàu sân bay lớp Nimitz và Ford của Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng tham vọng sở hữu siêu tàu sân bay của Nga khó trở thành hiện thực ở thời điểm này, theo National Interest.
Siêu tàu sân bay lớp Shtorm sẽ có lượng giãn nước 100.000 tấn, dài 330 m, rộng 40 m, thủy thủ đoàn 4.000 người và có thể mang tới 90 máy bay các loại. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng Moscow đang phải đối mặt với ba vấn đề chính trong dự án này.
Hạn chế kỹ thuật
Trước đây Nga chưa bao giờ đóng tàu sân bay. Chiếc Đô đốc Kuznetsov trong biên chế hải quân Nga, cũng như mọi tàu sân bay từ thời Liên Xô, đều được đóng ở Ukraine. Một tàu sân bay đóng dở cùng lớp với Đô đốc Kuznetsov sau này bị bán cho Trung Quốc, trước khi được đại tu và biên chế với tên gọi Liêu Ninh.
Việc Liên Xô tan rã khiến ngành đóng tàu quân sự Nga bị thu hẹp, mất khả năng đóng các tàu cỡ lớn ngang tàu sân bay. Moscow vốn gặp nhiều khó khăn khi đóng mới các tàu hộ vệ hạng nặng với giãn nước dưới 6.000 tấn như Đề án 11356PM "Đô đốc Grigorovich" hay Đề án 20350 "Đô đốc Gorshkov". Điều này khiến một tàu chiến với giãn nước 100.000 tấn như lớp Shtorm gần như nằm ngoài tầm tay của công nghiệp đóng tàu Nga.
Thiếu kinh nghiệm
Nga không có nhiều kinh nghiệm đóng tàu mặt nước chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hiện nước này chỉ sở hữu một vài tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, bao gồm 4 tàu tuần dương hạng nặng Đề án 1144 Orlan (lớp Kirov) và các tàu phá băng chiến lược.
Hồi năm 2007, Nga đã cân nhắc đóng tàu sân bay hạt nhân. Tuy nhiên, hệ thống động lực mới của Đề án 23000E là thứ nằm ngoài tầm tay Nga, kể cả khi họ có thể thừa hưởng thành tựu đóng tàu thời Liên Xô. Trong suốt lịch sử tồn tại, cả Liên Xô, Nga và Ukraine chưa bao giờ chế tạo tàu sân bay hạt nhân.
Liên Xô và Nga chưa từng sở hữu tàu sân bay hạt nhân. Ảnh: Sputnik.
Moscow dự tính tiếp thu kinh nghiệm tàu nổi dùng động cơ hạt nhân bằng việc đóng siêu khu trục hạm Đề án 23560 "Lider". Tuy nhiên, chương trình liên tiếp bị chậm tiến độ. Việc đóng tàu bị hoãn đến năm 2019, trong khi chiếc đầu tiên chỉ có thể hoàn thiện sớm nhất vào năm 2025, muộn 6 năm so với kế hoạch.
Việc chậm trễ của dự án tàu Lider sẽ khiến Nga mất thêm thời gian kiểm tra, xây dựng kinh nghiệm vận hành động cơ hạt nhân cho tàu chiến. Điều đó càng làm hệ thống động cơ hạt nhân cho lớp Shtorm nằm ngoài tầm với của Moscow.
Ngân sách quốc phòng bị cắt giảm
Trong những năm gần đây, chi tiêu quốc phòng Nga liên tiếp bị cắt giảm. Moscow đang trải qua năm cắt giảm ngân sách quốc phòng thứ ba liên tiếp, với mức cắt giảm 25%. Đây là đợt cắt giảm chi phí quân sự lớn nhất tại Nga kể từ khi Liên Xô tan rã. Nếu Đề án 2300E được bố trí ngân sách, nó sẽ ngốn tới 20% trong số 49,2 tỷ USD ngân sách quốc phòng Nga năm 2017.
Chuyên gia quân sự Zachary Keck khẳng định siêu tàu sân bay Shtorm đứng đầu trong các chương trình quân sự buộc phải cắt giảm. Nga là cường quốc trên đất liền, nên họ sẽ không có nhu cầu duy trì một siêu tàu sân bay và biên đội hộ tống, vốn tiêu tốn khoản tiền rất lớn để vận hành.
Shtorm có thể đứng đầu các dự án bị cắt giảm của Nga. Ảnh: Sputnik.
Nhiệm vụ cụ thể của siêu tàu sân bay lớp Shtorm vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, nhu cầu triển khai sức mạnh hải quân toàn cầu của Moscow vẫn nhỏ hơn nhiều so với Washington. Điều này càng làm tương lai của Đề án 23000E trở nên mờ mịt hơn nhiều.
Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, nhiều khả năng Nga sẽ tập trung chế tạo máy bay và tên lửa tầm xa để bảo vệ lợi ích quốc gia. Tham vọng sở hữu siêu tàu sân bay lớp Shtorm vẫn khó thành hiện thực trong tương lai gần, ông Keck nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Tàu sân bay hạt nhân Mỹ lần đầu đến Israel sau 17 năm Tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ, USS George H.W. Bush, đã cập cảng Israel trong chuyến thăm đầu tiên như vậy trong 17 năm qua. Tàu này được xem là một căn cứ di động cho các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại nhóm phiến quân IS. Tàu sân bay USS George H.W....