Thảm sát tại Kenya: Những giấc mơ vụt tắt
Ngày 2.4, các tay súng Hồi giáo al-Shabaab tấn công vào trường đại học Garissa, Kenya khiến 148 người thiệt mạng. Trong số đóc có nhiều sinh viên trẻ yêu đời và có nhiều mơ ước.
Các sinh viên biểu tình tại thủ đô Nairobi ngày 7.4 lên án vụ thảm sát – Ảnh: Reuters
Ngày 7.4, hàng ngàn người Kenya xuống đường cũng như tham gia các mạng xã hội để bày tỏ nỗi đau buồn sau cái chết của 148 người trong cuộc thảm sát của nhóm Hồi giáo al-Shabaab vào trường đại học Garissa, miền bắc Kenya hôm 2.4.
Mặc dù danh tính nạn nhân chưa được công bố chính thức nhưng gia đình và bạn bè đã đăng tải tên và những hình ảnh của người bị hại lên mạng, theo BBC. Tờ Daily Nation của Kenya cũng đưa những hình ảnh của một số nạn nhân lên trang nhất ngày 7.4.
Người phụ nữ tên Ory Okolloh đã mở một chiến dịch trên mạng để tưởng nhớ tất cả các nạn nhân với dòng chữ “#147notjustannumber (147 không chỉ là con số). Chúng ta sẽ nêu tên từng người một”.
Bức ảnh của các nạn nhân được treo lên tại buổi lễ tưởng niệm tại thủ đô Nairobi – Ảnh chụp màn hình BBC
Video đang HOT
Những sinh viên yêu đời
John Mwangi Maina, sinh viên 20 tuổi học ngành quản trị kinh doanh tại đại học Garissa đã bị giết mặc dù đã thoát khỏi ngôi trường. Người chú của Maina cho biết anh đã quay lại trường để cứu bạn gái mình mặc dù đã chạy thoát và trốn vào một bụi cây ở bên ngoài khuôn viên trường, theo tờ Daily Nation.
Lãnh đạo đoàn sinh viên của trường Garissa, Laban Kumba vừa trở về sau một cuộc họp ở một trường đại học khác, cũng chịu chung số phận với những người bạn mình. Kumba đã cố quật ngã một tay súng xuống sàn nhưng cũng bị bắn chết ngay sau đó, theo Daily Nation.
Trên trang Twitter cá nhân, phóng viên Edith Honan của hãng tin Reuters đã đăng tải những thông tin mà cô có được từ người thân nạn nhân bên trong nhà xác Chiromo tại thủ đô Nairobi. Đó là những sinh viên rất yêu đời và có những mơ ước giản đơn như sẽ trở thành một giáo viên sau này.
“Samuel Mwangi Maingi, 24 tuổi, cậu ấy có khoảng trống giữa 2 răng cửa giống cha mình. Cậu ấy rất đáng yêu”, “Alice Mbete Mulu, 21 tuổi, cô ấy muốn trở thành giáo viên. Cô ấy chơi bóng chuyền rất giỏi và thích đọc kinh thánh”, Những dòng được trích từ trang Twitter của Honan.
Một người thân cầm tấm ảnh của sinh viên thiệt mạng trong vụ thảm sát ngày 2.4 tại Kenya – Ảnh: Reuters
Những binh sĩ sẵn sàng nghe lệnh
Trong số các nạn nhân vụ thảm sát ngày 2.4, ngoài những sinh viên còn có 3 thành viên lực lượng an ninh và 3 bảo vệ tại trường đại học, theo BBC.
Ông Joshua Nzeya kể rằng con trai Peter Masinde 29 tuổi của ông là một sĩ quan cảnh sát được điều tuần tra tại trường đại học Garissa ngày hôm đó. Ông Nzeya cho biết cô con dâu đã gọi nói với ông rằng Masinde đã bị giết trong cuộc giao chiến với những tay súng.
“Nó giúp đỡ tôi rất nhiều, tôi rất tin tưởng nó. Tôi đã mong rằng nó sẽ chôn cất cho tôi”, ông Nzeya nói về con mình. Masinde chỉ mới được điều động đến giúp đỡ bảo vệ tại trường đại học 3 tuần trước vụ tấn công, theo Daily Nation.
Một người khác, Bernard Tonui, là một sĩ quan thuộc đơn vị bán quân sự tinh nhuệ. Tonui qua đời ở tuổi 39 vì bị thương trong cuộc thảm sát ngày 2.4. Tonui mới đây đã tham gia khóa huấn luyện chống khủng bố tại Mỹ, theo tờ The Star (Kenya).
Một đồng đội của Tonui cho biết anh là người giỏi nhất và phối hợp với đồng đội rất tốt. “Bảo mọi người trong trại đánh giá về cậu ấy và họ sẽ nói với bạn rằng cậu ấy giỏi nhất. Cậu ấy sẽ sẵn sàng bảo vệ tính mạng mọi người nếu được gọi”, sĩ quan trên nói.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Mối đe dọa ngày càng lớn từ al-Shabaab
Vụ tấn công khủng bố vào trường Đại học Moi ở thị trấn Garissa, đông bắc Kenya, làm gần 150 người thiệt mạng đã cho thấy mối đe dọa ngày càng lớn và khả năng gây ra những vụ thảm sát của nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Shabaab, bất chấp những chiến dịch thanh trừng của Nairobi và cái chết của những tên cầm đầu nhóm này.
Binh sĩ Kenya được triển khai truy lùng phiến quân al - Shabaab, một ngày sau vụ tấn công ở Garissa, ngày 3/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vụ tấn công khủng bố vừa qua cũng đặt ra những câu hỏi về chiến lược an ninh của Chính phủ Kenya mà những nhà chỉ trích cho rằng đang khiến những người Hồi giáo và cộng đồng người Somali ở Kenya trở nên xa lánh với những cộng đồng khác trong xã hội. Ông Mohamed Mubarak, một nhà phân tích an ninh đang làm việc tại Somali, nói: "Al-Shabaab muốn tạo ra một bầu không khí lo sợ và nghi ngờ nhằm giành lấy chỗ đứng lâu dài. Chúng có thể thành công nếu phản ứng của Kenya không được tính toán kỹ lưỡng".
Các tay súng Al-Shabaab đã tấn công vào trường Đại học Moi ở thị trấn Garissa gần biên giới Somali hôm 2/4. Sau đó, chúng đã thả một số người Hồi giáo và nhằm mục tiêu vào những người theo đạo Cơ đốc. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ khi Al-Qaeda đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi năm 1998 và là hành động gây chú ý nhất của nhóm Al-Shabaab kể từ khi nhóm này tấn công vào Trung tâm thương mại Westgate ở Nairobi năm 2013, khiến 67 người thiệt mạng.
Mặc dù sau đó Al-Shabaab mất dần quyền kiểm soát các khu vực ở Somali và bị phân tán lực lượng, nhưng các nhà ngoại giao cảnh báo nhóm này vẫn có khả năng gây ra những vụ tấn công tàn bạo theo kiểu du kích. Một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây phát biểu: "Về cơ bản, chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một nhóm Boko Haram ở Kenya. Al-Shabaab có chiến lược rõ ràng, đầu tiên là làm suy yếu quyền lực của chính quyền trung ương Kenya đối với toàn bộ khu vực đông bắc và khiến cho cộng đồng thiểu số Somali xa lánh những người Kenya còn lại". Một nhà ngoại giao cấp cao khác của phương Tây cho biết: "Nhà chức trách Kenya đã có thông tin tình báo và cố gắng hành động nhưng Al-Shabaab đã tìm ra được kẽ hở".
Mặc dù Chính phủ Kenya mới đây đã cải tổ bộ máy an ninh, trong đó có việc thay thế các nhân vật không được lòng dân và tăng cường các nỗ lực nhằm cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan an ninh và "nhổ tận gốc rễ" nạn tham nhũng, nhưng các nhà ngoại giao cho rằng việc nhằm mục tiêu vào những người gốc Somali đang mang lại kết quả ngược với mong muốn.
Nhiều nhóm vận động nhân quyền và hoạt động xã hội của người Hồi giáo cho biết cộng đồng của họ đang trở nên xa lánh với những cộng đồng khác do những cuộc thanh trừng mạnh tay của lực lượng an ninh Kenya. Cảnh sát Kenya đã khám xét hàng loạt nhà thờ và các khu vực được cho là che giấu những tay súng thánh chiến và bắt giữ hàng nghìn người gốc Somali, trong đó nhiều người đã phàn nàn là bị đối xử tồi tệ và buộc phải đút lót mặc dù sau đó họ được thả mà không bị cáo buộc gì. Ông Mubarak cho rằng: "Al-Shabaab không nhằm mục tiêu vào người Hồi giáo vì Chính phủ Kenya đã làm điều đó và do vậy họ làm điều ngược lại".
Trong những tháng gần đây, Al-Shabaab đang gặp phải những vấn đề mà các chuyên gia cho rằng càng khiến cho nhóm này trở nên nguy hiểm hơn đối với Kenya. Nhóm này đã bị suy yếu nghiêm trọng, mất dần lãnh thổ ở Somali vào tay lực lượng đa quốc gia do các nước châu Phi điều đến. Ngoài những mâu thuẫn nội bộ dẫn đến các vụ thanh toán lẫn nhau, các vụ không kích của Mỹ cũng đã khiến một số tên cầm đầu Al-Shabaab thiệt mạng. Một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng: "Al-Shabaab đang trở nên nguy hiểm hơn vì chúng đang bị phân tán lực lượng. Chúng sẽ chỉ tìm các mục tiêu "mềm" và chúng đã tìm thấy một mục tiêu như vậy".
Theo Huy Hiệp/Thời báo Tài chính
baotintuc.vn
Kenya tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Sinh viên Kenya đã tuần hành tại thủ đô Nairobi ngày 7.4 để yêu cầu chính phủ tăng cường an ninh cho đất nước sau vụ thảm sát tại trường đại học Garissa khiến 148 người thiệt mạng hôm 2.4, theo Reuters. Người dân đến dự lễ tưởng niệm tại thủ đô Nairobi ngày 7.4 - Ảnh: Reuters Người dân tại Nairobi đã...