Tham nhũng vặt và chuyện cải cách thủ tục hành chính
Nếu không thực hiện nghiêm túc, “nạn” tham nhũng vặt, tham nhũng thời gian trong bộ máy hành chính sẽ làm suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cách đây hơn 1 năm, ngày 2/4/2014, kết quả công bố Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2013 cho thấy tham nhũng vặt diễn ra phổ biến ở hầu hết địa phương, trong khi người dân bị cán bộ đối xử thiếu tôn trọng… Những thực tế trong các hoạt động hành chính, trong đó có các nghiên cứu PAPI, là một phần cơ sở để năm 2014, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực.
Sau hơn một năm, thực tế hoạt động hành chính đã có những bước cải cách đáng kể, nhưng câu chuyện tham nhũng vặt vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn.
Trước hết, xin được nhắc lại một số thông tin từ PAPI 2013 được công bố tháng 4/2014, đó là: Theo ông Jairo Acuna Alfaro (Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, trưởng nhóm thực hiện PAPI), khoảng 80% người tham gia cuộc khảo sát khẳng định không được biết đến quy hoạch hay kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Có 42% người dân cho rằng họ vẫn phải hối lộ khi đi khám bệnh ở bệnh viện tuyến quận, huyện. 30% người dân được hỏi cho rằng có tham nhũng khi làm thủ tục liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 24% cho rằng phải mất thêm tiền khi xin cấp phép xây dựng, 42% nêu có tiêu cực khi xin việc vào cơ quan nhà nước…
Tất nhiên, những con số này chưa phải là hoàn toàn chính xác, nhưng những kết quả này có lẽ cũng chẳng xa lạ gì với người dân, vì mỗi khi có việc phải “tới cửa công” là một lần người dân phải mất công, mất của và vấp phải thái độ thiếu tôn trọng của các cán bộ trong bộ máy hành chính công.
Ảnh minh họa: Tiền Phong
Thế nhưng, từng đó đã đủ để đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp về một nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả cũng như ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt hay chưa? Câu trả lời là chưa, vì muốn làm được điều đó, nỗ lực của Chính phủ và người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương là chưa đủ. Nó phải bắt nguồn từ nỗ lực và mong muốn tự thân của từng cán bộ tham gia bộ máy hành chính.
Video đang HOT
Khi nào từng cán bộ tham gia trong bộ máy hình chính các cấp nhận thức được rằng nếu mình làm tốt phận sự, không rầy rà, hạch sách, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp thì chính mình được hưởng lợi, thì khi ấy mới hạn chế được tình trạng tham nhũng vặt.
Nhưng để làm được điều đó thì rõ ràng chính sách tiền lương cần xây dựng sát với thực tiễn hơn nữa, bộ máy hành chính cũng cần gọn nhẹ và năng động hơn theo hướng một người có thể đảm nhiệm nhiều phần việc, hoặc mỗi người làm một phần việc nhưng phải tinh, phải sâu và thật hiệu quả. Nói đi nói lại, bài toán con người vẫn là mắt xích quan trọng nhất trong toàn bộ tiến trình cải cách tổng thể nền hành chính nhà nước nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng.
Mới đây, ngày 6/4, tại Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong năm 2015 phải tạo được những chuyển biến rõ nét trong cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức. Trong đó, cải cách chế độ công vụ, công chức là một khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, kiên quyết đưa ra khỏi nền công vụ những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực. Đây là nhiệm vụ rất khó và có thể ảnh hưởng, động chạm đến một bộ phận cán bộ, công chức vẫn “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” ở một số cơ quan nhà nước hiện nay. Nhưng rõ ràng là nếu không thực hiện nghiêm túc thì tình trạng tham nhũng vặt, tham nhũng thời gian trong bộ máy hành chính sẽ làm suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như giảm năng lực cạnh tranh quốc gia – điều mà những năm qua chúng ta đang cố gắng bồi đắp./
Theo VOV Online
Cán bộ xã dính tiêu cực: Cần loại "con sâu" ra khỏi bộ máy
Ở gần dân, lãnh đạo trực tiếp của dân mà không giúp dân cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống đã là có tội với dân, với nước.
Ở gần dân, lãnh đạo trực tiếp của dân mà không giúp dân cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống đã là có tội với dân, với nước chứ chưa nói đến việc lạm dụng chức vụ, lạm dụng chính sách để trục lợi cá nhân. Những cán bộ tha hóa, yếu kém như thế cần phải xử lý thật nghiêm minh, thậm chí loại khỏi bộ máy. Đó là ý kiến thẳng thắn của ông Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ khi trao đổi với PV.
Bất chấp dư luận
Ông đánh giá thế nào về việc làm của một phận cán bộ, lãnh đạo cấp xã ăn chặn từ gói mì tôm, con gà, con nhím, thậm chí đánh dân?
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đang nỗ lực phát triển kinh tế đều nhằm mục đích chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần, an sinh xã hội cho người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những cán bộ xã gần dân, sát dân lại "ăn bẩn" của dân, coi thường pháp luật, bất chấp dư luận để trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Đơn cử như những vụ việc quan xã "ăn chặn" của dân từ con gà, con nhím, đến đất nông nghiệp cũng mang đi bán và có lối hành xử thô bạo với dân...
Ông Lê Đức Tiết.
Rõ ràng những việc làm không thể chấp nhận được đang ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất lòng tin của nhân dân vào chính quyền địa phương. Những cán bộ tha hóa về đạo đức, ăn chặn của dân như thế không thể đứng trong bộ máy phục vụ nhân dân. Có thể nói đây là những "con sâu, con mọt" đang đục khoét, sống trên vai những người dân nghèo.
Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng quan xã "ăn chặn", lộng quyền đang ngày càng phổ biến, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Tôi cảm thấy buồn với việc làm của không ít lãnh đạo địa phương. Bởi chính những "công bộc" của dân lại hành xử và có những việc làm đáng xấu hổ như vậy. Đúng là ngày càng nhiều cán bộ xã "ăn chặn" của dân nghèo từ cái nhỏ đến cái lớn. Tình trạng tha hóa quyền lực, đạo đức ở chính quyền cấp xã ngày càng có chiều hướng gia tăng. Hơn nữa, vấn đề khiến người dân bức xúc đối với chính quyền cơ sở là sự hách dịch, cửa quyền, tự tung tự tác để phục vụ cho mục đích cá nhân. Có thể nói, để xảy ra tình trạng đó có sự tiếp tay, bao che của cơ quan cấp trên là cấp huyện, cấp tỉnh.
Tôi cho rằng, những vụ việc gần đây mới chỉ là bề nổi, còn nhiều địa phương chưa được phát hiện.
Nhiều "quan xã" đang lạm dụng chức quyền
Theo ông, nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đáng xấu hổ như vậy là do đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa, biến chất của lãnh đạo cấp cơ sở mà nguyên nhân chính vẫn là sự lạm dụng chức quyền, đứng trên pháp luật, lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm để chia chác. Nhiều quan xã tự cho mình là "ông vua con", lạm dụng chức quyền, quyền hạn để lộng quyền. Với cái tư tưởng đó, người dân còn khổ, việc "ăn chặn" của dân nghèo sẽ vẫn còn. Ngoài ra, trình độ, năng lực, đạo đức của cán bộ cấp cơ sở còn nhiều hạn chế. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ có vấn đề.
Cần có những giải pháp như thế nào để hạn chế tình trạng trên, thưa ông?
Tôi cho rằng, cần phải xử lý nghiêm minh đối với cán bộ xã, dù chỉ tham nhũng một con gà, một gói mì. Bởi việc quan xã "ăn chặn" của dân nghèo từ cái nhỏ ban đầu thì sau những cái lớn là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều đó rất nguy hiểm. Vì thế, chúng ta cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn nữa các chính sách, dự án xóa đói giám nghèo, trong đó giám sát từ cộng đồng rất quan trọng. Cơ chế công khai, minh bạch cần thiết hơn bao giờ hết để người dân nắm bắt kịp thời những chính sách ưu tiên, ưu đãi, quyền lợi được hưởng để có thể giám sát ngược lại chính quyền cơ sở.
Đã chiếm đoạt của dân dù là nhỏ không chỉ đơn thuần là xử lý về mặt Đảng, chính quyền mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Dù là lý do gì, quyền lợi của dân mà giữ lại trong nhà mình là hành vi đáng lên án. Để bảo vệ lợi ích của người dân thì phải thẳng tay đối với những cán bộ tham nhũng. Tham nhũng vặt cũng phải xử lý nghiêm theo pháp luật, cần thiết có thể sa thải cán bộ tha hóa, biến chất.
Chân thành cảm ơn ông!
Suy thoái đạo đức đến mức báo động Theo ông Lê Đức Tiết, hành vi trục lợi thông thường đã rất phản cảm, đáng lên án, chứ chưa nói đến việc trục lợi của người nghèo, đánh dân thì lại càng đáng lên án. Cán bộ gần dân, sát dân có những việc làm như thế là sự suy thoái đạo đức đến mức đáng báo động. Qua những vụ việc đó có thể nói công tác quản lý ở không ít địa phương còn quá kém, không có chế tài kiểm soát, xử lý triệt để. Đặc biệt, vấn đề giám sát, thanh tra kiểm tra còn rất qua loa, cả nể, thậm chí còn có tiêu cực, thỏa thuận trục lợi trong đó.
Văn Chương - Vũ Phương - Trinh Phúc
Theo_Người Đưa Tin
Thủ tướng: Quyết liệt xử lý cán bộ tiếp tay cho buôn lậu Ngày 2/3/2015, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 2/2015. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành phần lớn thời gian tập trung thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2015. Chính phủ cũng bàn về Dự...