Thâm nhập một điểm giữ trẻ chui
Đã nghe rất nhiều về các cơ sở giữ trẻ chui, nhưng khi được thấy tận mắt chúng tôi lại càng xót xa hơn cho thân phận những em bé và thêm thương cảm cuộc đời của bố mẹ chúng, những người công nhân ngụ cư.
Khoảng 20h ngày 25/11, sau khi lân la hỏi han, thăm dò, chúng tôi quyết định trong vai nữ công nhân đi tìm chỗ gửi con để đột nhập vào một vài hộ trông trẻ gần khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM.
Tan ca tối, hối hả về đón con
Con đường Huỳnh Tấn Phát bị triều cường dâng cao, ngập lênh láng. Như bao người công nhân khác hối hả giờ tan ca, chiếc xe máy của tôi “bảy nổi ba chìm” trong…nước cống. Một nữ công nhân thiếu kiên nhẫn vì sợ trễ giờ đón con (trên xe máy có gắn ghế ngồi cho con nít), rồ ga chạy nhanh làm nước sình bắn tung tóe.
Tôi bám theo xe chị, chạy vào hẻm số 502 đối diện siêu thị điện máy Thiên Hòa. Chạy được một quãng, người phụ nữ ấy rẽ vào một con ngách tối om, không đèn đóm. Chị dừng lại, đập cửa căn nhà có cổng rào kín mít.
Một người đàn bà trung niên bồng đứa bé chừng 3 tuổi chạy ra, hai mẹ con nữ công nhân ôm nhau chóng vánh rồi như vội vã công chuyện, chị hấp tấp đặt con lên xe, rồ ga chạy.
Nơi mà 10 em bé được trông giữ chỉ rộng chưa đầy 15 mét vuông
Tôi quay trở ra đầu hẻm, hỏi thăm bà bán hàng tạp hóa chỗ gửi trẻ.
Người đàn bà dáng đậm đà nhiệt tình, hồ hởi: “Công nhân gửi con để tăng ca hả? Chỗ gửi thì thiếu gì, tuy nhiên giá cả quyết định chất lượng đấy nhé”.
Nói rồi người phụ nữ quay sang hỏi luôn chị bán chuối chiên bên cạnh: “ Sao Thúy, mày có nhận không? Nhận một đứa về mà trông cũng…được!”.
Nhìn tôi mắt tròn mắt dẹt, người phụ nữ cười ha hả: “Thôi, để cô chỉ cho mày nhà bà Hường, cái nhà có cổng xanh xanh trong ngách kia kìa. Nếu bà ấy không nhận thì mày đem ra đây, cô trông giúp cho. Cô tên là Liễu, nhớ nhé!”.
Video đang HOT
Tôi đến trước chiếc cửa màu xanh theo chỉ dẫn của bà Liễu gọi cửa thì một người phụ nữ gầy gò, cỡ ngoài 40 tuổi đánh tiếng, chạy ra, hất hàm: “Có gì không?”.
Sau khi tôi nói chị Liễu giới thiệu vào gửi trẻ thì các nếp nhăn trên mặt người phụ nữ ấy giãn ra, thay vào đó là một nụ cười thân thiện: “Thế hả, vào đi rồi nói chuyện”.
15m nuôi 10 đứa trẻ
Vào được chỗ giữ trẻ của gia đình bà Hường vô cùng khó khăn, phải để xe ở ngoài vì lối đi chỉ rộng chừng hơn nửa mét.
Căn nhà áng chừng chưa được tới 15 mét vuông, khắp nơi giăng đầy quần áo. Bày giữa nhà là một cái võng, một cái xe tập đi của em bé. Mấy chiếc bình sữa của bé được treo trên tường nứt nẻ, nổi mốc đen.
Nhà vệ sinh xuống cấp được bố trí luôn trong khoảng không gian rộng chưa tới 15 mét vuông ấy, chỉ ngăn cách với nơi giữ trẻ bằng một chiếc cửa nhựa kéo nửa kín, nửa hở. Thành viên trong nhà bà Hường cả thảy gồm 5 người. Tất cả sinh sống ở đây thôi đã thấy…tức thở, huống hồ còn nhận nuôi thêm trẻ con.
Như để quảng cáo sự bề thế cho “trường mầm non” của mình, bà Hường thao thao bất tuyệt: “Vì em được người quen giới thiệu nên chị mới tiếp đấy nhé, chỗ của chị đông lắm, mà phải… nhìn mặt mới nhận. Cơ sở của chị uy tín nên người ta gửi đông. Chị nhận trông đến hơn 10 đứa cơ đấy”.
Nghe đến đây, tôi cố lắp bắp hỏi: “Mà con em còn bé lắm, mới hơn 10 tháng, em lại hay về trễ, chị nhận được không?”.
Đây là nơi để bình và sữa gia đình gửi cho các bé
Người đàn bà cười khà khà: “Em gửi con lần đầu hả, hèn chi! Con thế mà bé à, bé…gì, ở đây chị trông có đứa mới 3 tháng. Đứa nào thích nằm võng chị cho nằm võng, chán võng thì xuống đất nằm chiếu. Gửi trễ cũng chẳng sao, sau “giờ hành chính” chị tính thêm tiền, 11 đêm giờ đón cũng được”.
Tôi tiếp lời: “Đông thế chúng nó đánh nhau làm sao hả chị?” thì chồng bà Hường cười khanh khách trả lời: “Đánh thế nào được, đánh để chết à? Tôi nói cho cô biết nhé, nhà tôi không gắn biển hiệu nhận giữ trẻ mà đã đông đến thế, vậy là đủ hiểu chất lượng ở đây ra sao rồi đấy!!”.
Tôi làm bộ bằng lòng, bàn tiếp sang chuyện giá cả. Bà Hường đề nghị một tháng học phí là 650.000 đồng, tiền ăn một ngày 20.000 đồng, sữa tự túc. Nếu sau 17h30 chưa đón con thì một tiếng tính 5.000 đồng. Giá trên chưa có phí cho ngày chủ nhật. Chủ nhật công nhân đem con đến gửi sẽ tính như phí tăng ca, tương đương 5.000 đồng/tiếng.
Tôi cúi gằm mặt than thở: “Ôi cô ơi, cô tính phí ngoài giờ thế thì chết con, con làm công nhân lương cứng có một triệu hơn, khi nào tăng ca thì may ra được 3 hoặc 4 triệu. Tiền gửi con cao thế thì con xoay xở làm sao?”.
Nắn gân thấy “gà” này “không béo”, bà Hường cười, làm bộ thông cảm: “Ờ, nói thì nói thế thôi, chứ cô thương người lắm, con khó khăn cô chỉ tính tiền tiếng đầu, còn mấy tiếng sau cô khuyến mại“.
Tôi lủi thủi ra về, hẹn chiều thứ 7 sẽ mang con đến.
Vừa dắt xe ra khỏi cổng, một chị vẫy tôi lại ra chiều thấu hiểu: “Gái ơi, chị bảo, em đừng gửi con ở đó. Rẻ hơn chỗ khác thật mà bà ý xếp lớp em bé như cá mòi, tội lắm! Con em ăn thì ăn, không ăn thì đói luôn, đông thế sao bà ý trông hết được. Trẻ gửi trong đấy đứa nào về cũng bị muỗi đốt tùm lum sưng cả mặt. Em đem bé vào trường mầm non tư thục bên hẻm trên mà gửi, người ta cũng nhận trông buổi tối đấy”.
Sau khi ghé vào trường mầm non người phụ nữ mách, tôi thấy điều kiện vật chất tuy có tốt hơn thật nhưng giá thành cũng “tốt” tới tận 1,5 triệu/tháng, tiền phụ phí ngoài giờ cũng cao gấp 3, một tiếng hết 15.000 đồng.
Tôi quay về bỗng cảm thấy nghẹn ngào, thương cảm cho người công nhân và con cái của họ. Bởi nếu là họ, vì cuộc sống mưu sinh tôi cũng đành cắn răng mà đem con đến gửi ở những khu nhà ổ chuột như của bà Hường mà thôi!
Theo Vietnamnet
Clip bé gái bị bạo hành được quay như thế nào?
Đằng sau clip quay cảnh bảo mẫu tắm bé gái 3 tuổi, ít người biết rằng, tác giả của clip đó đã phải mất công bố trí nhiều ngày dài mới có được hình ảnh sống động về cảnh bạo hành đó.
Bí mật quay clip
Khoảng 6h sáng 24/11, cộng đồng mạng khá sốc và phẫn nộ khi xuất hiện đoạn clip dài độ 1 phút 15s được lưu truyền đến chóng mặt. Ngay lập tức nhiều độc giả đã gửi ý kiến phản hồi, lên án hành động nhẫn tâm của bảo mẫu.
Trong đoạn clip này, "chủ nhân" khi đưa lên mạng xã hội tự nhận mình là một công nhân, cho biết đây là cảnh quay tại một nơi trông trẻ tự phát ở xã Thuận Giao, huyện Thuận An (Bình Dương).
Và chỉ sau 90 phút truy tìm, các cơ quan chức năng xã Thuận Giao đã truy tìm và xác định được vị trí nội dung trong cảnh clip là tại nhà bảo mẫu Trần Thị Phụng, tại số nhà 2/91, ấp Bình Thuận 1.
Vị trí nơi cảnh tắm bạo hành của bé Ngân
Sau khi các cơ quan vào cuộc, bảo mẫu Trần Thị Phụng đã bị tạm giữ phục vụ quá trình điều tra, công nhân này mới thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng đã giúp những bậc cha mẹ cùng cảnh ngộ có con gái gửi tại đây có cái nhìn rõ ràng nhất về bà bảo mẫu, miệng luôn xởi lời: "Chưa bao giờ đánh các cháu".
Ở khu dãy trọ của anh cũng đã có nhiều đứa trẻ chỉ sau thời gian ngắn gửi tại đây đã khóc thét, không dám đến nhà bảo mẫu và gia đình phải chuyển đi chỗ khác nhờ trông giữ.
Theo người bạn của công nhân quay clip, bạn của anh đã bí mật ghi hình và tung lên mạng tố cáo. Đoạn clip đó là cả một quá trình theo dõi và phục kích vì công nhân nói trên đã nhiều lần chứng kiến tận mắt hình ảnh bạo hành của bảo mẫu Phụng.
Đến thời điểm này, vì đảm bảo an toàn cho công nhân đã quay đoạn clip nói trên, danh tính vẫn không được tiết lộ.
Nhờ Trung tâm trợ giúp pháp lý hỗ trợ bé gái 3 tuổi bị bạo hành
Lo sợ con gái sau quãng thời gian dài bị bảo mẫu Trần Thị Phụng bạo hành, tâm lý bất ổn với nhiều triệu chứng như: đêm ngủ hay giật mình, mỗi lần tắm đều không dám gội đầu...anh Lực, bố bé Ngân, nạn nhân trong clip, đã liên hệ với Trung tâm trợ giúp pháp lý huyện Thuận An tư vấn hỗ trợ.
Vợ chồng anh cho biết rất lo sợ sau này nếu những di chứng từ nhỏ không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng khi bé Ngân trưởng thành.
Gia đình anh Lực lo sợ nếu không có phương pháp hỗ trợ tâm lý, bé Ngân lớn lên sẽ chịu ảnh hưởng của các di chứng bị bạo hành.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn xã Thuận Giao có đến 20 cơ sở giữ trẻ, trong đó có 5 điểm giữ trẻ không phép, trong đó có cơ sở bà Phụng.
Tổ kiểm tra liên ngành của xã Thuận Giao đã lập biên bản kiểm tra hành chính cơ sở giữ trẻ trái phép này rất nhiều lần. Lần nào đến kiểm tra, bà Phụng cũng đều giấu trẻ đi chỉ để trong nhà 1 đến 2 trẻ và bà Phụng đều khai là giữ cháu của mình đề né tránh pháp luật, qua mặt ngành chức năng. Bà đã phớt lờ các yêu cầu của chính quyền địa phương để hành nghề.
Giang Uyên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cảnh khốn cùng ở 'xóm cái bang' Hơn 30 con người trong xóm, mỗi người một hoàn cảnh, một quán nhưng giống nhau một điều: đều là những thân phận cùng khổ. Xóm gồm 13 túp lều với hơn 30 người sinh sống nằm lọt thỏm giữa cánh đồng bạt ngàn lau sậy bên ven đê con sông Cấm thuộc xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Hễ thấy...