Thảm kịch Thalidomide và sự ra đời của đạo luật về an toàn và quản lý thử nghiệm thuốc
Bi kịch sau khi loại thuốc có tên Thalidomide được tung ra thị trường và được sử dụng thời gian dài chính là chất xúc tác đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống giám sát và phê duyệt thuốc nghiêm ngặt tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
“Thần dược” của giấc ngủ
Năm 1956, Thalidomide – một dẫn xuất của acid glutamic do Công ty dược phẩm Chemie Grunenthal GmbH của Đức sản xuất – được tung ra thị trường với tác dụng được kê là một loại thuốc an thần. Vốn chuyên về thuốc kháng sinh, Thalidomide được Chemie Grunenthal GmbH phát triển như một sản phẩm tiên phong của công ty trong quá trình mở rộng phạm vi sản phẩm. Đó là một loại thuốc chống co giật nhưng khiến người dùng buồn ngủ và thư giãn nên được chỉ định để an thần.
Khi được cấp phép để bán ở Đức và các nước khác vào tháng 7/1956, Thalidomide được đưa vào danh sách thuốc bán không cần kê đơn bởi nhà sản xuất khẳng định sản phẩm của họ an toàn với mọi người, kể cả phụ nữ đang nuôi con, trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai.
Tuyên bố này được đưa ra dựa trên báo cáo cho hay, trong giai đoạn cấp bằng sáng chế và phê duyệt, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thuốc trên động vật và nhận thấy liều lượng thalidomide không đủ cao để làm chết một con chuột.
Trong thời kỳ hậu chiến tranh, khi chứng mất ngủ phổ biến dẫn tới sự hình thành một thế giới gắn liền với thuốc an thần và thuốc ngủ, nhu cầu về một loại thuốc như Thalidomide là rất lớn.
Theo một số ước tính, ở thời kỳ này, cứ 7 người Mỹ thì có 1 người thường xuyên sử dụng thuốc an thần. Nhu cầu về thuốc này thậm chí còn cao hơn ở một số thị trường châu Âu. Chính vì vậy, sự khẳng định về mức độ an toàn của Thalidomide càng khiến cho thuốc trở nên hấp dẫn hơn. Đến năm 1960, Thalidomide đã được bán ở 46 quốc gia, với doanh số khổng lồ.
Trong khoảng thời gian này, bác sĩ sản khoa người Australia William McBride đã phát hiện ra rằng loại thuốc này cũng làm giảm bớt tình trạng ốm nghén rất hiệu quả. Do đó, ông bắt đầu khuyến nghị sử dụng thuốc để giảm tình trạng buồn nôn – công dụng không được liệt kê trong danh mục điều trị của thuốc – cho các bệnh nhân đang mang thai ở giai đoạn đầu của thai kỳ.
Ở thời kỳ này và ngay cả hiện nay, việc kê đơn một thuốc để điều trị triệu chứng không có trong các tác dụng chỉ định đã được cơ quan quản lý dược cấp phép vẫn là một thói quen phổ biến ở nhiều nước, trong đó có cả Mỹ. Trong nhiều trường hợp, việc kê đơn thuốc để chữa các vấn đề không có trong chỉ định như vậy rất hiệu quả.
Xu hướng sử dụng Thalidomide cho phụ nữ mới mang bầu nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới. Đến cuối những năm 1950, nó trở thành một trong những cái tên không thể thiếu trong danh mục các sản phẩm chăm sóc sức khỏe bà bầu, với công dụng giảm triệu chứng ốm nghén giai đoạn đầu thai kỳ.
Rất nhiều bà bầu đã tin dùng sản phẩm này, bao gồm cả ở châu Âu, Canada, Australia, Nam Mỹ, châu Á. Nhiều người khi đó xem đây như một thần dược mà không biết rằng tai họa thực sự đã nảy sinh.
Những em bé dị tật
Từ “phocomelia” có nghĩa là khuyết tật ở chi. Từ này được dùng để mô tả một tình trạng cực kỳ hiếm gặp, khi những đứa trẻ được sinh ra với các chi trông giống như chân chèo. Ở những trẻ này, xương cánh tay của chúng không phát triển, nhưng ngón tay đôi khi mọc ra từ vai.
Trong một số trường hợp, chân chúng cũng không phát triển. Nhà giải phẫu học người Pháp Étienne Geoffroy Saint-Hilaire đã đặt ra từ này vào năm 1836 nhưng sau đó, từ này hiếm khi được sử dụng. Đến sau khi Thalidomide ra đời, “phocomelia” đột nhiên trở nên quá quen thuộc sau 120 năm bị quên lãng.
Cụ thể, chỉ trong vài năm kể từ khi Thalidomide được sử dụng rộng rãi ở châu Âu, Australia, Nhật Bản và những nước khác, những bất thường ở những người sử dụng thuốc đã được ghi nhận. Thống kê cho thấy, chỉ trong vài năm, tại Tây Đức – nơi loại Thalidomide được ra mắt đầu tiên, ước tính đã có từ 5.000 đến 7.000 trẻ được sinh ra với chân và cánh tay bị dị tật nghiêm trọng.
Tại Anh, khoảng 2.000 trường hợp trẻ sơ sinh bị biến dị. Những trẻ này thường không có tay hoặc chân. Một số ít có tay, chân nhưng cực kỳ ngắn với những ngón và đốt không rõ ràng, đôi khi bị dính lại như mái chèo.
Video đang HOT
Những em bé bị dị tật do Thalidomide.
Năm 1960, các bác sĩ đã bắt đầu lo ngại về các tác dụng phụ có thể xảy ra ở những người đã sử dụng Thalidomide khi một số bệnh nhân được phát hiện đã bị tổn thương thần kinh ở tay chân sau khi sử dụng thuốc trong thời gian dài. Công ty Grunenthal khi đó đã không cung cấp được bằng chứng lâm sàng thuyết phục để bác bỏ những lo ngại này.
Đến năm 1961, bác sỹ McBride nhận thấy sự liên quan rõ ràng giữa cái gọi là hợp chất vô hại Thalidomide với những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở những đứa trẻ mà ông đã đỡ đẻ. Bởi, những trẻ bị dị tật thường là những em bé có mẹ đã dùng Thalidomide trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
Ông dần nhận ra dường như loại thuốc trên đã cản trở sự phát triển bình thường của thai nhi. Bác sỹ người Đức Widukind Lenz cùng lúc cũng công bố kết quả nghiên cứu về mối liên hệ giữa Thalidomide với các dị tật ở thai nhi.
Ngoài dị tật giảm chi, các tác dụng khác sau đó được quy cho là do Thalidomide bao gồm bệnh tim bẩm sinh, dị tật ở tai trong và ngoài, khiếm thính, bất thường ở mắt, khiếm thị, hở hàm ếch. Trên thực tế, các thử nghiệm trên động vật đối với thuốc Thalidomide mà Chemie Grunenthal GmbH cũng không bao gồm các thử nghiệm để xem xét tác dụng phụ của thuốc trong thai kỳ.
Chưa dừng lại ở đó, những nạn nhân sống sót cũng mắc các bệnh như bệnh mạch vành, hạn chế cử động khớp, thoái hóa khớp, biến dạng cột sống và khớp xương. Thalidomide cũng được báo cáo là lý do khiến hàng ngàn phụ nữ bị sảy thai vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960.
Từ năm 1958, tháng 11/1961, Chemie Gruenenthal bắt đầu thu hồi Thalidomide ở Đức và hầu hết các nước. Đến năm 1962, loại thuốc này đã biến mất khỏi các kệ bán hàng và trở thành cái tên cấm kỵ trong ngành y tế. Song, ở một số nước có điều kiện chăm sóc sức khỏe không tốt, người dân vẫn tiếp tục sử dụng thalidomide trong một vài năm sau đó. Ở những nơi này, tỉ lệ trẻ sơ sinh bị mắc dị tật tiếp tục được ghi nhận ở mức cao.
Đến lúc này, hậu quả mà Thalidomide để lại là vô cùng khủng khiếp và không thể đảo ngược. Khoảng 8.000 đến 12.000 trường hợp dị tật bẩm sinh, còn được gọi là những “em bé chân chèo”. Những nạn nhân được ghi nhận ở khoảng 50 nước trên thế giới.
Những em bé bị dị tật do Thalidomide.
Thắt chặt các quy định về thử nghiệm thuốc
Tại Mỹ, tháng 7/1962, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông John F. Kennedy và báo chí nước này bắt đầu ca ngợi anh hùng của họ – nữ thanh tra FDA Frances Kelsey, người đã bất chấp áp lực từ công ty dược phẩm và các giám sát viên của FDA để ngăn chặn việc Thalidomide được phê duyệt ở Mỹ.
Theo lời bà Kelsey, bà ngăn cản việc phê duyệt Thalidomide lưu hành ở Mỹ do cảm thấy hồ sơ về thalidomide không cung cấp đầy đủ và toàn diện những dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của thuốc. Trong đó, nữ thanh tra băn khoăn nhất về việc thiếu dữ liệu cho thấy liệu thuốc có thể truyền qua nhau thai vào thai nhi hay không. Bên cạnh đó, bà Kelsey cũng lo ngại về việc chưa có bất kỳ kết quả nào từ các thử nghiệm lâm sàng do Mỹ tiến hành đối với loại thuốc này.
Kelsey cũng nhận thấy rằng ngay cả khi những dữ liệu thử nghiệm đã được công bố có thể không hoàn toàn đáng tin cậy. Vào thời điểm đó, các thử nghiệm lâm sàng không bắt buộc phải có sự chấp thuận của FDA và cũng không chịu sự giám sát.
Thảm kịch xung quanh Thalidomide và sự cương quyết của bà Kelsey trong việc từ chối phê duyệt loại thuốc này đã giúp thúc đẩy những thay đổi sâu sắc trong FDA. Bằng cách thông qua Đạo luật dược phẩm sửa đổi Kefauver-Harris năm 1962, các nhà lập pháp Mỹ đã bắt buộc tất cả các loại thuốc phải trải qua thử nghiệm tiền lâm sàng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả của chúng.
Luật cũng bao gồm các quy định nhằm thắt chặt quy trình giám sát và phê duyệt thuốc được bán ở Mỹ, trong đó có việc yêu cầu các nhà sản xuất chứng minh rằng các loại thuốc của họ an toàn và hiệu quả trước khi đưa ra thị trường. Cũng theo các quy định được nêu trong luật, quá trính để phê duyệt thuốc có thể mất từ 8 đến 12 năm, bao gồm cả các đến thử nghiệm trên động vật và các thử nghiệm lâm sàng ở người được kiểm soát chặt chẽ.
Minh Ngọc / Pháp luật Bốn phương
Theo baophapluat
Bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh
Bốc hỏa kháng trị khi các cơn bốc hỏa tái diễn mặc dù đã sử dụng estrogen đúng liều.
Bốc hỏa kháng trị
Bốc hỏa kháng trị khi các cơn bốc hỏa tái diễn mặc dù đã sử dụng estrogen đúng liều.
Bước đầu tiên là xác định xem họ đang dùng thuốc gì có thể làm giảm sự hấp thu của estrogen (ví dụ: kháng sinh phổ rộng) hoặc thuốc có thể làm tăng hoạt động của enzym gan và do đó làm tăng chuyển hóa estrogen (ví dụ: barbiturat, thuốc chống co giật hoặc thuốc an thần). Ngừng hoặc thay thế các thuốc này có thể hữu ích.
Ngoài ra, việc thay đổi đường dùng estrogen từ dạng uống sang dạng thẩm thấu qua da có thể kiểm soát cơn bốc hỏa do không chuyển hóa qua gan. Tuy nhiên, không có dữ liệu thử nghiệm lâm sàng để hỗ trợ phương pháp này.
Thêm vào đó, cũng cần xem xét đến các nguyên nhân khác có thể gây nên cơn bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi ban đêm như: cường giáp, bệnh ác tính tiềm ẩn, nhiễm trùng và SSRIs.
Bước đầu tiên là xác định xem họ đang dùng thuốc gì có thể làm giảm sự hấp thu của estrogen
Cuối cùng, đối với những phụ nữ đang dùng liều rất cao của estrogen nhằm ngăn chặn các cơn bốc hỏa thì thử dừng estrogen hoàn toàn trong 1 - 2 tuần và sau đó bắt đầu lại ở liều bình thường có thể hiệu quả. Điều này sẽ cho người phụ nữ có cơ hội để so sánh mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa khi dùng và ngưng estrogen. Nếu ngưng sử dụng estrogen là có lợi thì điều đó có thể giúp họ chịu đựng tốt hơn.
Phối hợp bazedoxifene và estrogen liên hợp (biệt dược: Duavee)
Bazedoxifene là một loại điều biến thụ thể estrogen chọn lọc. Duavee là thuốc đầu tiên được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận trong điều trị bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh và phòng ngừa loãng xương (FDA, 2013). Bazedoxifene có tác dụng đồng vận estrogen lên xương và đối vận estrogen trên mô tử cung. Tác động của nó trên mô vú là trung lập, nhưng đang được nghiên cứu thêm. Theo lý thuyết, sự kết hợp này sẽ làm giảm các triệu chứng thiếu hụt estrogen, trong khi có thể tránh được tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung.
Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) và chất ức chế tái hấp thu serotonin - norepinephrine (SNRIs)
Tác dụng quan trọng nhất của nhóm thuốc này là tạo điều kiện cho serotonin phát huy hiệu lực nhờ ức chế rất đặc hiệu quá trình tái hấp thu serotonin ở màng tế bào thần kinh. Đây là nhóm thuốc chống trầm cảm thông dụng nhất và thường dùng điều trị các rối loạn như: nghiện rượu, chứng chán ăn, rối loạn nhân cách giới hạn, chứng cuồng ăn, rối loạn tính khí, bốc hỏa, rối loạn ám ảnh cưỡng bách, hoảng loạn, rối loạn stress sau chấn thương, xuất tinh sớm, hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn lo sợ xã hội. Ngoài ra, chúng còn làm giảm các triệu chứng vận mạch và là một trong những lựa chọn đầu tay ở những phụ nữ không dùng estrogen.
Việc thay đổi đường dùng estrogen từ dạng uống sang dạng thẩm thấu qua da
Liều thấp paroxetine (biệt dược: Brisdelle) là thuốc duy nhất trong nhóm này được FDA phê duyệt để điều trị bốc hỏa. Brisdelle chứa 7,5mg paroxetine và được dùng mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ.
Các thuốc SSRIs khác cũng được chứng minh có hiệu quả hơn giả dược trong điều trị bốc hỏa như venlafaxine (Effexor) và escitalopram (Lexapro).
Tác dụng không mong muốn: SSRIs nói chung được dung nạp tốt và hầu hết các tác dụng phụ là thoáng qua. Tăng serotonin trong hệ thần kinh trung ương là nguyên nhân của một số tác dụng không mong muốn hay gặp nhất của SSRIs, bao gồm: chán ăn, đau đầu, buồn nôn và rối loạn chức năng tình dục.
Ung thư vú và SSRIs: SSRIs phải được sử dụng thận trọng ở phụ nữ bị ung thư vú được điều trị hỗ trợ bằng tamoxifen vì SSRIs làm giảm sự chuyển hóa tamoxifen thành dạng hoạt động nhất của nó là endoxifen, bằng cách ức chế các enzym cytochrome P450, CYP2D6. Sắp xếp theo tiềm năng ức chế CYP2D6 từ cao đến thấp như sau: paroxetine, fluoxetine, sertraline, citalopram và venlafaxine. Tác động của các chất này lên sự tái phát hay tiếp diễn ung thư vú vẫn còn chưa rõ. Chỉ sử dụng SSRIs để điều trị các cơn bốc hỏa cho phụ nữ bị ung thư vú có dùng chất ức chế aromatase hoặc không điều trị bổ trợ.
Gabapentin
Cơ chế hoạt động chính xác của gabapentin vẫn chưa rõ. Nó có thể vượt qua hàng rào máu não và bắt chước các hiệu ứng sinh lý của chất dẫn truyền thần kinh gamma-aminobutyric acid (GABA). Gabapentin được chấp nhận cho việc điều trị các rối loạn co giật và đau dây thần kinh sau Herpes, nhưng đã được sử dụng off-label cho những chỉ định khác, đặc biệt trong việc giảm tần số các cơn bốc hỏa.
Gabapentin (biệt dược: Neurotin) liều 300 - 600mg trước khi đi ngủ là khá hữu ích cho việc làm giảm các cơn bốc hỏa về đêm nhờ tác dụng gây ngủ và tác dụng giảm rối loạn vận mạch của gabapentin. Nói chung, các cơn bốc hỏa vào ban ngày ít gây khó chịu cho bệnh nhân và gabapentin có thể chỉ cần thiết vào ban đêm. Phác đồ này cũng giảm thiểu các tác dụng phụ của gabapentin gặp vào ban ngày.
Cây thiên ma
Progestin
Progestin đơn độc có thể ức chế tiết gonadotropin và tăng hoạt động peptide opioid nội sinh ở vùng dưới đồi. Liều cao của progestin (so với liều trong liệu pháp thay thế hoóc-môn) dường như có hiệu quả điều trị bốc hỏa.
Megestrol acetate là một progestin tổng hợp được dùng chủ yếu trong điều trị ung thư vú. Với liều uống 20 - 80mg hàng ngày, nó làm giảm tần số của các cơn bốc hỏa 85% (so với giả dược là 21%). Tăng cân (chủ yếu là chất béo) là tác dụng không mong muốn chủ yếu khi điều trị kéo dài; và một trong những lo ngại là megestrol acetate có hoạt tính như glucocorticoid, vì vậy, suy thượng thận có thể xảy ra sau khi ngừng thuốc.
Liều cao depot medroxyprogesterone acetate (DMPA) cũng có thể có hiệu quả. Trong một thử nghiệm so sánh liều duy nhất 400mg medroxyprogesterone acetate tiêm bắp (MPA) và venlafaxine (37,5mg mỗi ngày trong bảy ngày và 75mg mỗi ngày sau đó), điểm bốc hỏa giảm ở nhóm dùng MPA là 80% trong khi nhóm dùng venlafaxine là 55%. Mặt khác, venlafaxine gây nên một số tác dụng không mong muốn như: buồn nôn, chán ăn, chóng mặt, táo bón, khô miệng, mất ngủ. Điều này có thể gợi ý rằng progestin có hiệu quả và ít tác dụng không mong muốn hơn nhóm SSRIs/ SNRIs, tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để làm sáng tỏ vấn đề này.
Các loại progestin khác như norethindrone acetate (10mg mỗi ngày) dường như cũng có hiệu quả đối với triệu chứng vận mạch.
Bốc hỏa là một trong những triệu chứng gây khó chịu nhiều nhất ở phụ nữ mãn kinh. Bốc hỏa mức độ nhẹ không cần điều trị bằng thuốc, tuy nhiên có thể áp dụng các biện pháp như: thay đổi lối sống, các sản phẩm không cần toa như bổ sung isoflavon, thiên ma, vitamin E... Đối với bốc hỏa mức độ trung bình hay nặng thì liệu pháp estrogen ngắn hạn vẫn là lựa chọn đầu tay. Bên cạnh đó, SSRI và SNRI cũng đã chứng minh được hiệu quả trong điều trị bốc hỏa. Gabapentin cũng là một loại thuốc hữu hiệu, đặc biệt với những trường hợp bốc hỏa về đêm.
BS. Phan Diễm Đoan Ngọc
Theo suckhoedoisong
6 nhóm người không nên uống nhiều cà phê vì có thể làm hại tim, gan, dạ dày Người mắc bệnh gan, bệnh tiêu hóa, trẻ em hay phụ nữ đang mang thai... cần hạn chế uống cà phê để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Cà phê không chỉ là một món ngon thỏa mãn vị giác mà còn giúp giải tỏa căng thẳng, giúp tinh thần tỉnh táo và khơi dậy cảm hứng sáng tạo. Cà phê thật sự...