Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Phà Sewol bị chìm vì đâm trúng tàu ngầm?
“ Phà Sewol bị chìm vì đâm trúng tàu ngầm” chỉ là một trong hàng loạt những tin đồn thất thiệt liên quan đến thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc. Cảnh sát nước này bắt giữ 4 người vì đã tung tin đồn về vụ chìm phà trên các trang mạng xã hội.
Lực lượng tìm kiếm, cứu hộ tại khu vực chìm phà Sewol ngày 22.4 – Ảnh: Reuters
Phà Sewol chở 476 người, đa số là học sinh, trên đường từ Incheon đến đảo Jeju thì bị chìm ở ngoài khơi đảo Jindo, Hàn Quốc vào ngày 16.4.
Trong số 4 người bị bắt có một người đàn ông 31 tuổi, giả dạng một thợ lặn và lên mạng nói rằng anh ta có tham gia tìm kiếm, cứu hộ nhưng bị chính quyền Hàn Quốc cản trở, theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc).
Người đàn ông này còn chỉ trích chính phủ Hàn Quốc thiếu trách nhiệm trong công tác tìm kiếm, cứu hộ.
Cảnh sát Hàn Quốc phát hiện người đàn ông này không hề có giấy phép thợ lặn và những lời nói của ông ta hoàn toàn không đúng sự thật.
Ngoài ra, còn có một nam sinh 18 tuổi cũng bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra.
Nam sinh này bị phát hiện đăng tải hàng loạt các lời bình luận trên mạng xã hội Facebook, liên tục phỉ báng những người thiệt mạng và gia đình của họ trong thời gian từ ngày 16 – 20.4, cảnh sát cho biết.
Vào ngày 21.4, cảnh sát cũng bắt giữ một người đàn ông thất nghiệp 28 tuổi vì người này đã viết những lời bình luận tục tĩu, khiêu dâm về một số nữ sinh và giáo viên mất tích trên phà Sewol.
Video đang HOT
Người đàn ông này thừa nhận với cảnh sát rằng anh ta đăng tải những lời bình luận đó đơn giản chỉ để được mọi người chú ý.
“Chúng tôi sẽ nghiêm khắc xử lý những trường hợp tung tin đồn thất thiệt về vụ chìm phà Sewol”, Yonhap dẫn lời một cảnh sát có tham gia công tác điều tra cho biết.
Vào ngày 22.4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đề nghị cảnh sát điều tra xem ai đã tung những tin đồn thất thiệt trên các trang mạng xã hội, nói rằng quân đội gây ra thảm họa chìm phà Sewol.
Một trong số những tin đồn đó là “phà Sewol bị chìm vì tông vào một tàu ngầm”, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Lực lượng tìm kiếm, cứu hộ tại khu vực chìm phà Sewol ngày 23.4 – Ảnh: Reuters
Trong ngày 23.4, 212 tàu, 34 máy bay và 550 nhân viên cứu hộ tiếp tục tìm kiếm và trục vớt thêm các thi thể nạn nhân mất tích, mắc kẹt trong chiếc phà.
Chính quyền Hàn Quốc vào sáng 23.4 xác nhận số người chết trong vụ chìm phà Sewol tăng lên 128 người và trên 170 người vẫn còn mất tích.
Yonhap cho hay một quan chức thuộc lực lượng tuần duyên Hàn Quốc đã bị sa thải vào ngày 22.4, sau khi đưa ra những phát ngôn không đúng về công tác tìm kiếm, cứu hộ với các phóng viên báo đài.
Theo TNO
Đắm phà HQ: Ám ảnh mò xác chết bằng tay không
Thợ lặn phải làm việc liên tục trong điều kiện nguy hiểm để vớt xác nạn nhân.
Số người thiệt mạng trên chiếc phà khổng lồ Sewol bị đắm trên biển Hoàng Hải đang tăng lên nhanh chóng khi các thợ lặn của hải quân và cảnh sát biển tìm được đường vào những khoang tàu tối tăm ngập nước bên trong và dùng tay không mò tử thi của các em học sinh mắc kẹt bên trong khi họ bơi qua một ma trận các hành lang, cabin của chiếc phà 5 tầng đang nằm lật úp dưới đáy biển.
Những người nhái này được trang bị ống thở ô xy và hệ thống liên lạc thay phiên nhau tìm đường vào bên trong phà. Dưới độ sâu hàng chục mét, dù được trang bị đèn chiếu sáng nhưng họ cũng chỉ có thể nhìn thấy khoảng 20 cm ở trước mặt khi họ tìm kiếm ở những khu vực mà các em học sinh xấu số được lệnh ngồi yên để "đảm bảo an toàn" trong khi chiếc phà chìm dần.
Một thợ lặn chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân dưới phà Sewol
Thợ lặn Hwang Dae-sik tâm sự: "Chúng tôi được huấn luyện để thực hiện nhiệm vụ ở những môi trường khắc nghiệt, thế nhưng chúng tôi vẫn bị ám ảnh khi mò thấy những thi thể trong nước biển tối đen."
Những thợ lặn này có thể hoạt động liên tục được gần một giờ, miễn là các ống cung cấp ô xy không bị thủng hoặc bị gấp khúc tại các ngóc ngách ở trên phà. Còn những thợ lặn được trang bị bình ô xy gắn trên lưng thì chỉ lặn liên tục được khoảng 20 phút trước khi tín hiệu báo động vang lên và họ phải tìm đường thoát ra ngoài.
Phà Sewol bị đắm hôm thứ Tư tuần trước ở gần đảo Jindo, mang theo gần 300 người mất tích, trong đó chủ yếu là các học sinh một trường trung học ở Ansan. Số người chết được xác nhận cho đến sáng hôm nay là 135 người, và các thi thể chủ yếu được phát hiện ở phần đuôi của phà tại tầng 4.
Hwang cho biết nhóm của anh đã tìm được tổng cộng 14 thi thể. Anh kể: "Chúng tôi phải dùng tay sờ vào tận từng thi thể, bởi dưới đó quá tối không thể nhìn thấy rõ cái gì. Đây là công việc khó khăn nhất và đau đớn nhất trong sự nghiệp của tôi."
Hai thợ lặn ngoi lên sau khi tìm kiếm bên trong phà Sewol
Thuyền trưởng Lee Joon-seok và một số thành viên thủy thủ đoàn khác đã bị cảnh sát bắt giữ với tội danh bỏ mặc người bị nạn trên phà và "không giảm tốc độ khi cho phà chuyển hướng".
Các nhân chứng cho biết thuyền trưởng và nhiều thủy thủ đã cùng nhau rời khỏi chiếc phà sau khi nó nghiêng dần về bên trái, bỏ mặc hàng trăm hành khách vẫn đang ngồi yên trong cabin theo mệnh lệnh của họ. Tổng thống Park Geun-hye đã gọi hành động này của thuyền trưởng là "không khác gì hành động sát nhân".
Đoạn liên lạc giữa thủy thủ phà Sewol và trạm giao thông đường biển Jindo cho thấy hành khách trên phà liên tục được yêu cầu ở nguyên vị trí trong cabin "để tránh nguy hiểm".
Trong suốt nửa giờ đồng hồ, các thủy thủ trên tầng thứ ba của chiếc phà 5 tầng này liên tục sử dụng bộ đàm để hỏi buồng điều khiển rằng họ có nên phát lệnh sơ tán rời khỏi phà hay không, thế nhưng họ không nhận được câu trả lời nào.
Lực lượng cứu hộ đưa thi thể nạn nhân lên bờ
Cho đến khi trạm Jindo yêu cầu các thủy thủ cho hành khách mặc áo phao và sẵn sàng rời khỏi phà, chiếc phà đã bị nghiêng gần 90 độ khiến hành khách không thể di chuyển được và chỉ còn ngồi chờ chết.
Sau khi chìm xuống đáy biển Hoàng Hải, chiếc phà Sewol vẫn tiếp tục trôi dạt bởi những dòng hải lưu chảy xiết, khiến các thợ lặn phải rất vất vả mới tiếp cận được, và họ cũng chịu nguy cơ bị mắc kẹt bên trong chiếc phà.
Trước khi thực hiện nhiệm vụ, hơn 600 thợ lặn này chỉ được nghiên cứu bản vẽ thiết kế của chiếc phà mà không biết cấu trúc thực sự của nó như thế nào, khiến họ gần như phải liên tục mò mẫm trong bóng tối.
Anh Hwang mô tả lại nỗi ám ảnh khi phải tìm kiếm các thi thể nạn nhân trong một không gian chật hẹp như vậy: "Nó rất có hại cho sức khỏe và an toàn tính mạng của thợ lặn. Chúng tôi có thể bị lạc đường và bị mắc kẹt bất cứ lúc nào. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hết sức mình, bởi không chỉ có chúng tôi, cả đất nước đều đang lo lắng."
Theo Khampha
Đắm phà HQ: Học sinh mắc kẹt cào cấu bật móng tay Lực lượng cứu nạn không tìm thấy bất cứ túi khí nào bên trong phà, và móng tay các thi thể học sinh đều bị gãy nát vì cào cấu tuyệt vọng vào thành phà. Ngày 23/4, các thợ lặn tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt bên trong chiếc phà Sewol cho biết họ không tìm thấy bất cứ túi khí nào...