Thâm hụt ngân sách của Đức giảm mạnh
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Đức ( Destatis) cho biết dù nền kinh tế đầu tàu châu Âu phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, song trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ thâm hụt ngân sách quốc gia vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Toàn cảnh cảng container ở Hamburg, miền Bắc Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Số liệu của Destatis cho thấy trong nửa đầu năm nay, tổng thu ngân sách công của Đức tăng 11,9% lên 841,4 tỷ euro (817,3 tỷ USD), trong khi tổng chi giảm 1% xuống 874,3 tỷ euro (849,3 tỷ USD). Như vậy, mức thâm hụt ngân sách là 32,9 tỷ euro (31,9 tỷ USD), giảm mạnh so với mức thâm hụt 131,1 tỷ euro (127,3 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2021.
Các chuyên gia thống kê của Destatis nhấn mạnh do lạm phát cao, nguồn thu từ thuế và các loại phí tăng mạnh đã góp phần tăng thu ngân sách công. Trong nửa đầu năm 2022, nguồn thu từ thuế và các loại phí tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 744,2 tỷ euro (722,9 tỷ USD).
Trong các loại thuế, mức tăng thuế bán hàng cao nhất. Ở cấp liên bang, doanh thu từ thuế bán hàng và thuế nhập khẩu tăng 30,4% lên 68,2 tỷ euro (66,2 tỷ USD). Tại các bang, mức tăng này là 23,2% lên 70,1 tỷ euro (68,1 tỷ USD). Nguyên nhân là do lạm phát tăng cao khiến thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng tăng theo. Tuy nhiên, các chuyên gia thống kê cho rằng nguồn thu thuế tăng chủ yếu dựa vào doanh thu bán hàng từ tháng 11/2021 đến tháng 4/2022, khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại sau đại dịch. Ngoài ra, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng đáng kể, với mức 18% ở cấp liên bang và 16,9% ở các bang.
Trong khi đó, chi ngân sách công giảm nhẹ chủ yếu do các khoản chi hỗ trợ đại dịch COVID-19 giảm. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2022, do những khó khăn hiện tại, các chuyên gia kinh tế dự báo rằng khoản chi ngân sách công của Đức sẽ tăng trở lại.
Đức vẫn duy trì tình trạng nhập siêu từ Nga
Số liệu từ Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 12/9 cho biết, mặc dù số lượng hàng hóa Đức nhập khẩu từ Nga giảm mạnh so với trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine nhưng kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng và Đức tiếp tục duy trì tình trạng nhập siêu từ Nga.
Hoạt động bơm dầu tại giếng dầu Gremikhinskoye ở phía Đông vùng Izhevsk, Cộng hòa Udmurt, Nga. Ảnh minh họa: REUTERS/TTXVN
Theo Destatis, trong tháng Bảy, khối lượng hàng hóa nhập khẩu từ Nga giảm 45,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10,2% lên 2,9 tỷ euro (2,93 tỷ USD). Các nhà thống kê cho rằng sự gia tăng kim ngạch nhập khẩu này chủ yếu là do giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng, đặc biệt là năng lượng. Các mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất từ Nga là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, với kim ngạch tăng 1,6% lên 1,4 tỷ euro. Đặc biệt, giá khí đốt đã tăng phi mã sau khi Nga liên tục cắt giảm nguồn cung cho Đức. Kim ngạch nhập khẩu từ Nga cũng tăng đối với một số mặt hàng như các sản phẩm luyện cốc và dầu mỏ (tăng 72,5%, lên 0,5 tỷ euro) hay than đá (tăng 108,5%,lên 0,3 tỷ euro).
Trong khi đó, do các biện pháp trừng phạt của phương Tây, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đức sang Nga giảm 56,8% xuống còn 1 tỷ euro trong tháng 7/2022.
Như vậy, theo Destatis, Đức tiếp tục nhập siêu từ Nga 1,9 tỷ euro trong tháng 7/2022, trong khi nhập siêu 0,2 tỷ euro từ nước này trong cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo Destatis, tính chung trong tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Đức đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thặng dư cán cân thương mại lại giảm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đức đạt 127,6 tỷ euro, tăng 10,8%; trong khi tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa đạt 122,7 tỷ euro, tăng 26,2%. Thặng dư cán cân thương mại đạt 4,9 tỷ euro, giảm mạnh so với mức 17,8 tỷ euro cùng kỳ năm ngoái.
Một số thị trường xuất khẩu quan trọng khác của Đức như Mỹ, Pháp, Hà Lan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đức trong tháng 7 cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, như thị trường Mỹ tăng 14,6% (lên 12,4 tỷ euro), Pháp tăng 12,7% (lên 9,5 tỷ euro), Hà Lan tăng 12% (lên 9,2 tỷ euro).
Về giá năng lượng, Viện nghiên cứu kinh tế Ifo dự báo trong dài hạn, giá năng lượng sẽ giảm. Theo Chủ tịch Viện Ifo Clemens Fuest, trong tương lai Nga sẽ bán khí đốt và dầu mỏ cho các quốc gia khác, khiến các quốc gia này giảm nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác. Do đó, dòng khí và dầu mỏ từ các nhà cung cấp bên ngoài Nga sẽ "chảy nhiều hơn sang châu Âu". Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt là rất tốn kém. Với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại, Chủ tịch Ifo lên tiếng ủng hộ việc tăng cường hỗ trợ nền kinh tế để vượt qua khủng hoảng.
Người Đức thất bại trong phép thử tiết kiệm năng lượng đầu tiên Dữ liệu của cơ quan quản lý năng lượng Đức cho thấy mức tiêu thụ khí đốt của người tiêu dùng nước này trong tuần cuối cùng của tháng 9 cao hơn mức bình quân trong 5 năm trở lại đây. Đức lo ngại với mức tiêu thụ hiện giờ, nước này sẽ thiếu khí đốt để sưởi ấm trong mùa Đông tới....