Thảm họa từ những “cỗ máy giết người”
Những cái chết thương tâm dưới bánh của những “ hung thần xe ben” gồm xe tải, xe ben, xe bồn ngày càng dày thêm đến nỗi nhiều người đã gọi đó là những “ cỗ máy giết người”. Thậm chí có những lái xe còn dã tâm cố tình cán chết người để tránh trách nhiệm nuôi dưỡng nạn nhân. Điều này đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ và bức xúc.
Những cái chết thương tâm
Vào 7h ngày 17-7, tại chân cầu vượt Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội lại xảy ra một vụ tai nạn kinh hoàng làm một cô gái trẻ bị chết dưới bánh xe của chiếc xe bồn chở bê tông BKS: 29LD-4152 chạy theo hướng Nam Thăng Long – Mỹ Đình. Khi đến ngã tư gầm cầu vượt Mai Dịch, chiếc xe đã va chạm với xe máy Wave màu đỏ BKS: 20L2-0079 do anh Nguyễn Hữu Tú (SN 1984, ở TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) điều khiển, chở bạn gái là Đào Thị Thanh Huệ (SN 1987, ở Đoan Hùng, Phú Thọ). Cú va chạm làm anh Tú văng ra ngoài, còn chị Huệ thì ngã xuống và bị xe bồn băng lên cán vào người, tử vong tại chỗ. Tại hiện trường, chiếc xe máy sau khi bị cán đã bị biến dạng hoàn toàn, thi thể chị Huệ nằm cách chiếc xe bồn khoảng 20m, còn chiếc xe gây tai nạn “hung hãn” nằm bên đường trong khi tài xế đã bỏ chạy.
Trước đó vào khoảng 11h30 ngày 22-3-2011, chiếc xe tải loại 18 tấn mang BKS: 30K-4999 chạy hướng Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng (Từ Liêm – Hà Nội) khi đến khu vực trước cửa Bưu điện Thăng Long đã bất ngờ va chạm với chiếc xe máy Honda Wave mang BKS: 29K9-7056. Chiếc xe máy ngay sau đó đã bị xe tải cuốn vào gầm và bị nghiền nát ngay tức khắc. Nạn nhân tử vong được xác định là một nữ bác sĩ khoa Ngoại 3 của Bệnh viện 19-8 Bộ Công an.
Mới đây vào tối 6-6, cũng trên tuyến đường Phạm Hùng (Hà Nội) liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, khiến một người chết tại chỗ, một người khác nằm bất tỉnh. Vụ tai nạn thứ nhất xảy ra vào lúc 10h30, khiến một người phụ nữ tử vong. Theo người dân chứng kiến vụ việc, người phụ nữ đang đi xe máy trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) theo hướng từ BigC về Keangnam thì bất ngờ có một chiếc xe tải chở đất chạy vượt lên, người phụ nữ này đã bị cuốn theo xe tải.
Sau khi vụ tai nạn trên xảy ra, cũng trên đường Phạm Hùng một vụ tai nạn khác đã khiến người đàn ông đi xe Airblade trắng nằm bất tỉnh. Một chiếc xe ô tô bán tải đã va chạm với người này khi hai xe đi ngược chiều. Xe máy nằm cách nạn nhân khoảng 10 m, còn chiếc ô tô bán tải cách nơi nạn nhân nằm hơn 20 m.
Coi thường tính mạng người khác
Tuyến đường Phạm Văn Đồng – Phạm Hùng là tuyến đường vành đai có mật độ tham gia giao thông lớn, cũng là tuyến đường có các xe trọng tải lớn thường xuyên qua lại. Trên tuyến đường này cũng thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Phần lớn các lái xe loại này thường chỉ là lái xe thuê chở vật liệu xây dựng, hoặc rác phế thải. Tiền công của lái xe được tính theo số chuyến xe nên tình trạng phóng nhanh vượt ẩu là phổ biến. Lái xe Nguyễn Văn Dũng, Việt Yên, Bắc Giang thổ lộ: Thu nhập của lái xe được tính theo chuyến, mỗi 1 chuyến được nhà xe trả 25.000-30.000 đồng, mọi chi phí khác nhà xe chịu. Vì vậy để tăng thu nhập, các lái xe phải nghĩ cách sao cho chạy được nhiều chuyến. Phóng nhanh vượt ẩu cũng được xem là một cách để rút ngắn thời gian. Cùng với vấn đề thu nhập, sức ép từ tiến độ của công trình, yêu cầu của nhà xe cũng buộc cánh lái xe phải tăng tốc, tăng chuyến. Hơn nữa, xe ben chủ yếu hoạt động vào mùa khô, nên càng phải tăng tốc tranh thủ những ngày tạnh ráo. Đến mùa mưa, các bãi đất lầy lội, dễ sụt lún nên xe cũng phải nghỉ.
Điều đáng nói là khi xe bị lập biên bản vi phạm hành chính, hoặc nộp phạt để lấy xe ra đều do nhà xe chịu. Vì vậy các lái xe càng mặc sức vi phạm dẫn đến xảy ra tai nạn. Thậm chí khi để xảy ra tai nạn, nhiều lái xe còn bỏ trốn tránh trách nhiệm. Dã tâm hơn, trong cánh lái xe còn chọn cách “đâm cho chết còn hơn để què”. Điều này không phải là chưa từng xảy ra. Lái xe Nguyễn Văn Dũng cũng cho biết: Trong đời lái xe chẳng mấy ai là không dính vào tai nạn, đó là điều không ai muốn. Tuy nhiên đại đa số sợ phải chịu cảnh nuôi báo cô nạn nhân tàn tật.
Theo Luật sư Nguyễn Hoài Nam, Đoàn LS TP Hà Nội: Nếu nạn nhân đã chết, việc xác định cố ý hay vô ý là rất khó. Mà đã là tai nạn vô ý, trong trường hợp bất khả kháng thì sẽ được bảo hiểm, công ty bỏ tiền chi trả hết. Lái xe hầu như không mất gì. Nhưng nếu để nạn nhân sống thương tích, sẽ phải nuôi suốt đời, nên lái xe rất sợ. Nếu đơn thuần chỉ là vi phạm các quy định về an toàn giao thông, như thiếu chú ý quan sát, lái xe ẩu chẳng may gây tai nạn để lại hậu quả là chết người, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, chiếu theo điều 202 Bộ luật Hình sự, thì thường chỉ bị xử lý với mức án thấp như theo khoản 1 chỉ là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Trong hầu hết các vụ tai nạn do xe bồn, xe ben gây ra, nguyên nhân tai nạn rất khó xác định, nhất là khi hiện trường bị dao động. Trong khi đó, luật xử các tai nạn giao thông khi không có bằng chứng “cố ý giết người” thì các mức phạt tù sau khi đã đền bù là không đáng kể. Điều đó đã khiến một bộ phận lái xe có tâm lý coi thường tính mạng người khác.
Dư luận còn chưa hết phẫn nộ khi nhắc tới vụ lái xe cố tình cán qua người bé gái 15 tuổi đến chết, xảy ra tối 14-5-2009, trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú – TP.HCM). Xe container do Đặng Hữu Anh Tuấn điều khiển đã va chạm với xe gắn máy của em Nguyễn Thị Hội, làm em Hội ngã vào trục bánh sau xe container và bị bánh xe cán qua 2 chân. Lúc này Hội còn tỉnh và kêu cứu. Thấy vậy, một số người đi đường đã lấy xe máy chặn trước đầu xe container và kêu Tuấn dừng xe lại để cứu em Hội. Nhưng tên Tuấn và phụ xế không xuống xe, cũng không lùi xe lại, mà cho xe chạy thêm 2 mét khiến bánh xe đè lên người em Hội. Không những vậy, Tuấn còn cho xe lùi lại khoảng 3 mét làm xe cán lên người em Hội lần thứ hai. Sau đó, Tuấn đánh tay lái sang trái để tránh xe máy của người dân rồi cho xe chạy về phía trước làm bánh xe container cán lên người em Hội lần thứ ba, rồi nhấn ga nhằm tẩu thoát. Mặc dù sau đó Tuấn đã bị tuyên phạt 8 năm tù về tội “Giết người” và bồi thường cho gia đình nạn nhân 75 triệu đồng nhưng dư luận vẫn cho rằng đây là bản án quá nhẹ cho hành vi vô nhân tính này.
Video đang HOT
Hung thần đổ trộm phế thải
Càng về đêm, lưu lượng các phương tiện xe ben, xe tải, xe bồn tham gia giao thông càng tăng về số lượng. Không chỉ là nỗi kinh hoàng gây ra các vụ tai nạn chết người, các phương tiện này còn là thủ phạm của việc đổ trộm phế thải. Đường vắng, lực lượng chức năng vắng bóng, nên cánh tài xế thỏa sức vít ga, phớt lờ quy định để vi phạm. Hình ảnh những chiếc xe tải chở đất cát có ngọn, nhưng không hề được che chắn phông bạt, phóng bạt mạng, chạy đến đâu đất cát rơi vãi đến đó không còn là chuyện lạ. Chưa kể nhiều xe ben, xe tải không ngần ngại đổ thẳng vật liệu xây dựng xuống lòng đường để rút ngắn thời gian chạy và thêm được nhiều chuyến. Hiện tượng này đã trở thành nỗi bức xúc của nhiều người dân. Tăng chuyến để tăng thu nhập cũng là một trong những nguyên nhân khiến cánh lái xe lợi dụng những lúc không có lực lượng chức năng, đường tối đổ trộm vật liệu xây dựng.
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục tuần tra, xử lý nhiều vụ vi phạm trên những tuyến đường trọng điểm song vẫn không xuể. Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội CSGT số 6 – Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (Công an TP Hà Nội), cho biết: Tính từ đầu năm 2012 đến nay, đơn vị đã lập biên bản, xử lý trên 100 trường hợp xe tải, xe bồn vi phạm. Đặc biệt, có tháng đơn vị còn lập biên bản hàng chục trường hợp. Ví như trong tháng 3 vừa qua, đơn vị đã xử lý gần 40 trường hợp vi phạm. Mật độ đô thị hóa ở thành phố Hà Nội đang không ngừng gia tăng, thế nên số xe tải, xe bồn chở vật liệu vi phạm luôn tiềm ẩn. Bên cạnh việc tuần tra kiểm soát trên đường của lực lượng CSGT ra, các đơn vị chức năng hữu quan khác như: TTGT, Công an phường, chính quyền địa phương cũng thường xuyên phải bố trí lực lượng để ngăn chặn các vi phạm. Song sẽ là không triệt để nếu như lực lượng chức năng liên tục phải “chạy theo” để rình bắt các lái xe vi phạm. Bởi chỉ trong một vài phút là lái xe có thể hạ ben đổ vật liệu ra đường.
Cần thiết phải có những quy định chặt chẽ hơn như việc yêu cầu các chủ xe, lái xe phải cam kết không thực hiện các hành vi vi phạm. Hoặc các chủ dự án, các công trình xây dựng phải có phương án đổ phế thải đúng nơi quy định từ khi xin cấp phép xây dựng. Cùng với đó cần có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Đặc biệt, đối với những lái xe coi thường pháp luật, coi thường tính mạng con người thì cần phải bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc bằng những hình phạt tương xứng.
Theo ANTD
'Hung thần' băm nát mặt đường, cầu 'già' kêu cứu
Quốc lộ 3 đang bị băm nát, hàng ngày vẫn oằn mình đỡ xe siêu trường siêu trọng, nhiều cây cầu "già" được đỡ tạm bằng gỗ, có đoạn đường nhấp nhô như sóng lượn.
Quốc lộ 3 là tuyến đường huyết mạch đi từ Hà Nội đi qua các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn ra các cửa khẩu nằm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Khoảng 2 năm lại đây, sự gia tăng đột biến về các xe chở hàng quá tải trọng đã biến quốc lộ 3 từ con đường được rải nhựa phẳng lì xuống cấp nghiêm trọng.
Ẩn họa sập cầu
Tuyến đường quốc lộ 3 có tải trọng cho phép từ 17-20 tấn, tuy nhiên, những cây cầu qua địa phận tỉnh Bắc Kạn có thời gian sử dụng đã lâu nhưng vẫn phải oằn mình cõng những xe tải, xe container...lên đến 60 - 70 tấn, khiến cho những cây cầu này luôn có nguy cơ... sập.
QL3 liên tục trong cảnh phải chắp vá.
Theo ghi nhận của chúng tôi trên quốc lộ 3 đoạn qua tỉnh Bắc Kạn, những cây cầu như: cầu Nà Pặc (km 192 228), cầu Cao Kỳ (km 133 811), cầu Khuổi Lắc (km 126 292)...đã xuống cấp hết sức nghiêm trọng, mỗi khi có xe tải chạy qua cầu rung bần bật, đất đá rơi như có người ném.
Đơn vị quản lý đoạn đường trên khắc phục bằng cách tại đầu cầu đóng những miếng gỗ đóng vào những khe hở của tấm bê tông, khi xe tải chạy qua cầu rung mạnh khiến cho nhiều thanh sắt trong những khối bê tông bị lộ ra hoen gỉ.
Một cây cầu "già" trên QL 3 được đỡ tạm bằng gỗ.
Chị Nông Thị Thơm (38 tuổi) nhà tại huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) bức xúc cho biết, con đường này vài năm trước rất đẹp, mặt đường rải nhựa phẳng lì, các cây cầu không bị hư hỏng như hiện tại. Từ khi xuất hiện những đoàn xe container đi từ Hải Phòng lên Cao Bằng và các xe chở quặng từ Cao Bằng xuống Thái Nguyên ngày một nhiều làm cho những cây cầu hư hỏng nghiêm trọng.
"Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, những cây cầu này rất dễ bị sập bởi các xe quá tải" - chị Thơm cảnh báo.
Mặt đường bị băm nát
Hiện nay, quốc lộ 3 đang được cải tạo nâng cấp và được thiết kế tương đương đường cấp 4 miền núi có trọng tải 10 tấn. Nhưng con đường đẹp vẫn nằm ở dạng thiết kế thì mỗi ngày vẫn có hàng trăm xe tải siêu trường siêu, siêu trọng chạy liên tục, băm nát mặt đường.
Mặt đường QL3 bị bong tróc nham nhở.
Theo ghi nhận của PV, tại đèo Tà Hồ Sìn đoạn qua xã Bạch Đằng (Hòa An) chỉ đứng tại đây chưa đầy 15 phút đã có hàng chục xe container, xe tải chạy qua. Những đoàn xe siêu trường, siêu trọng này chở hàng đông lạnh xuất phát từ cảng Hải Phòng - Cao Bằng thực hiện xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu Tà Lùng, Lý Vạn, Hùng Quốc... cùng với những xe tải lớn chở khoáng sản và hàng hóa nông sản.
Đây chính là nguyên nhân gây ra những vết sụt lún, ổ gà, ổ voi trải khắp mặt đường thậm chí nhiều đoạn vừa mới được sửa chữa xong đã lại bắt đầu xuất hiện những vết nứt hoặc bị bong tróc.
Thiết kế trọng tải của tuyến đường chỉ cho phép là 17-20 tấn, nhưng trên thực tế hiện nay, mỗi ngày con đường phải gồng mình gánh hàng trăm lượt xe tải trọng.
Có đoạn đường như... sóng lượn.
Bên cạnh đó, một số đoạn mặt đường hẹp nên các loại xe siêu trường, siêu trọng lưu thông với số lượng lớn gây nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông khác - điều mà trước đây một tỉnh miền núi như Cao Bằng hiếm khi xuất hiện.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe container, xe tải tăng đột biến trên quốc lộ 3 là do tuyến quốc lộ 4 đoạn từ Thất Khê - Đông Khê (Lạng Sơn) đang trong quá trình nâng cấp. Do đó, hầu hết các xe container, xe tải...vận chuyển hàng từ cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội chuyển sang chạy tuyến quốc lộ 3.
Gần một năm qua trên tuyến quốc lộ 3, đoạn đi qua hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn liên tục xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Những vụ tai nạn này đều có một đặc điểm chung là xảy tại các đèo cao.
Anh Phương chạy xe khách trên tuyến quốc lộ 3 Cao Bằng - Hà Nội cho biết: "Các xe container hiện nay không chỉ gây hư hỏng đường, mà còn rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác. Do đường hẹp nên khi gặp những xe tải trọng lớn như vậy liên tục xảy ra va chạm nhất là vào buổi đêm các xe thường chạy với tốc độ nhanh và đỗ xe bừa bãi ngay giữa đường".
QL3 có tải trọng cho phép từ 17-20 tấn nhưng vẫn phải oằn mình cõng những xe tải, xe contener...lên đến 60 - 70 tấn.
Qua khảo sát thực tế thì tại tuyến đường này, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn xe container và xe tải có nhiều cua gấp, dốc, đèo, mặt đường có độ nghiêng lớn, khi xe vào cua chỉ cần chạy với tốc độ nhanh là rất dễ lật.
Để giảm bớt tai nạn từ các loại xe "khủng" và chấn chỉnh lại hoạt động giao thông trên tuyến quốc lộ 3, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và sử dụng các chế tài mạnh tay hơn nữa nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đang ở mức báo động như hiện nay.
Theo VTC
Nhà xe tranh giành khách kiểu "xã hội đen" Tuyến vận tải phía Bắc trong thời gian gần đây liên tục xuất hiện hiện tượng cạnh tranh khách theo kiểu "xã hội đen" như tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Hòa Bình... Nguyên nhân của nó là do cung đã vượt cầu, để có khách, các nhà xe tìm...