Thảm họa an ninh quốc gia Mỹ tiềm ẩn ở Aleppo
Đối mặt với nguy cơ bị tiêu diệt ở thành phố Aleppo, phe nổi dậy Syria có thể cảm thấy bị Mỹ bỏ rơi và đầu quân cho các nhóm cực đoan, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia nước này.
Quang cảnh hoang tàn, đổ nát ở thành phố Aleppo, Syria. Ảnh: Fox News
Trước khi thỏa thuận ngừng bắn một phần có hiệu lực, quân đội Syria dưới sự yểm trợ của không quân Nga đã mở chiến dịch tấn công lớn hình thành thế trận bao vây Aleppo, thành phố lớn thứ hai Syria. Giới quan sát đánh giá đây có thể là diễn biến mang tính bước ngoặt, không những ảnh hưởng tới cục diện chiến sự Syria mà còn mang đến những tác động to lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ, theo Fox News.
Theo bà Jennifer Cafarella, chuyên gia phân tích tình hình Syria thuộc Viện nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ, nếu Washington không triển khai các biện pháp ngăn chặn quân đội Syria áp sát và cô lập Aleppo, có khả năng quân nổi dậy bị vây hãm trong thành phố này sẽ trở mặt, quay lại tấn công các lợi ích của Mỹ, tạo ra mối hiểm họa an ninh nghiêm trọng.
Các nhóm nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn bên trong Aleppo là một phần của phe đối lập Syria, tương đối tách biệt với các lực lượng Hồi giáo cực đoan trong khu vực. Tuy nhiên, họ hiện không ngăn chặn được việc hình thành thế bao vây Aleppo và dường như cũng sẽ không thể trụ được lâu dài.
Bà Cafarella cho rằng nếu Aleppo thất thủ, những người sống sót của phe nổi dậy sẽ quy về dưới trướng của Mặt trận al-Nusra, nhóm phiến quân thân al-Qeada ở Syria, hoặc các nhóm theo đường lối cứng rắn khác để giúp họ trụ vững khi không được ai giúp đỡ, Cafarella nhận xét.
Theo bà, nếu Mỹ vẫn tiếp tục không hành động gì trong bối cảnh Nga và quân chính phủ Syria siết chặt gọng kìm quanh thành phố Aleppo, họ sẽ đánh mất niềm hy vọng lớn nhất về một phe đối lập phi cực đoan mà nước này có thể hợp tác.
Bên cạnh đó, chính sách ngoại giao thụ động đang khiến Mỹ trở nên yếu thế trước Nga, phải mong chờ Moscow đồng ý về một lệnh ngừng bắn ở Syria trong khi chưa hiểu thấu đáo mục đích thực sự của đối phương, Cafarella nhận xét. Khủng hoảng chính sách mà Mỹ đang đối mặt một phần cũng xuất phát từ chiến lược can thiệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Syria.
Video đang HOT
Nga tuyên bố không kích nhắm vào các “nhóm khủng bố” ở Syria, nhưng Moscow và Washington lại chưa thống nhất được định nghĩa về các tổ chức khủng bố này. Chính vì thế, những cuộc oanh kích của Nga ngoài việc khiến phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Nusra suy yếu còn được cho là đang nhắm vào cả các phe nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn tại thành phố Aleppo, tạo điều kiện để lực lượng thân chính phủ Syria tung đòn đánh quyết định cuộc chiến.
Giới phân tích cho rằng việc các nhóm nổi dậy ở Aleppo thất thủ sẽ là một thảm họa chiến lược đối với Mỹ. An ninh quốc gia Mỹ phụ thuộc rất lớn vào việc tiêu diệt IS và al-Qaeda, trong khi các nhóm đối lập ở Aleppo lại là lực lượng chống IS mạnh mẽ nhất trên lãnh thổ Syria. Họ đã chiến đấu với IS từ đầu năm 2014 với mục tiêu giống của Mỹ là diệt trừ tận gốc các tay súng cực đoan.
Thế nhưng, các nhóm này nhất quyết không từ bỏ mục tiêu lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad để dồn trọng tâm sang đánh IS, điều mà Mỹ từng yêu cầu họ thực hiện để đổi lấy viện trợ. Đây là lý do chính khiến các chương trình hợp tác với phe nổi dậy của Mỹ thất bại trong quá khứ.
Vị trí thành phố Aleppo. Đồ họa: BBC
Khi phải đối mặt với một loạt mối đe dọa như việc sắp bị quân đội ông Assad tiêu diệt, áp lực tấn công từ IS cộng với sự thờ ơ của Mỹ, các nhóm nổi dậy ở Aleppo trong cơn tuyệt vọng sẽ có xu hướng tìm đến với Mặt trận al-Nusra hay những nhóm cực đoan khác để đảm bảo sự tồn tại của mình.
Mặt trận al-Nusra là một nhóm mạnh ở bắc Syria. Nhóm phiến quân thân al-Qaeda này đã gần như thiết lập xong một căn cứ vững chắc ở tỉnh Idlib. Aleppo rất có thể sẽ trở thành căn cứ địa thứ hai của al-Nusra ở Syria, nếu Mỹ không có biện pháp can thiệp hiệu quả, bà Cafarella nhận định.
Để cứu vãn tình hình ở Aleppo, chuyên gia này cho rằng Mỹ cần triển khai hành động theo ba bước, bao gồm ngay lập tức hỗ trợ các nhóm đối lập ở Aleppo, cung cấp viện trợ nhân đạo đường không và tạo dựng một vùng an toàn dọc biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Ít nhất điều này sẽ giúp tổng thống Mỹ kế nhiệm có thêm lựa chọn và nhận ra các lợi ích an ninh sống còn của nước này ở Syria để thực thi những quyết sách phù hợp, Caferella nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Liên Hiệp Quốc tạm dừng đàm phán hòa bình cho Syria
Các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria sẽ tạm ngưng 3 tuần sau khi Nga bị cáo buộc tiếp tục không kích nhằm vào các tay súng nổi dậy tại thành phố Aleppo, theo Reuters.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura tuyên bố 3 cuộc hòa đàm Syria tạm ngưng 3 tuần vì Nga tiếp tục không kích - Ảnh: Reuters
Tuyên bố này được đưa ra hôm 3.2, đồng nghĩa các cuộc đàm phán tìm giải pháp chính trị cho Syria diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) tiếp tục bế tắc.
Cuộc đàm phán dự kiến có sự tham gia của đại diện các phe nổi dậy ở Syria và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Phe nổi dậy cho rằng không thể tiếp tục đàm phán khi Nga, nước ủng hộ chính phủ ông al-Assad, tiếp tục không kích nhằm vào họ thay vì tiêu diệt tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
Điều này được Liên Hiệp Quốc xác nhận, và quyết định ngừng đàm phán vì những hành động quân sự leo thang của Nga.
"Tôi đã chỉ ra ngay từ đầu rằng sẽ không nói chuyện vô mục đích", Reuters dẫn lời đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura; khi khẳng định hòa đàm lần này là "cơ hội cuối cùng" cho Syria.
Liên Hiệp Quốc cho biết hàng trăm gia đình đã mất nhà cửa sau các đợt ném bom với "tần suất chưa từng có" trong 2 ngày qua, theo Reuters.
Khói bốc lên ngày 3.2 tại thành phố Adadan, cách Aleppo 10 km, được cho xuất phát từ các cuộc không kích của Nga nhằm vào các tay súng nổi dậy ở Syria - Ảnh: Reuters
Như vậy, mâu thuẫn cốt yếu của các bên vẫn không được giải quyết, hoặc ít nhất lắng dịu trong thời gian đàm phán. Lực lượng nổi dậy ở Syria vẫn cáo buộc Nga không kích nhằm vào họ, dù nói trước rằng việc tạm dừng tấn công là điều kiện tiên quyết để đàm phán hòa bình.
Trong khi đó, Nga không có ý định ngừng không kích. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moscow chỉ nhắm tới các phần tử khủng bố liên kết với al-Qaeda, và "không có lý do gì để ngưng các cuộc không kích này".
Xung đột ở Syria diễn ra từ năm 2011, với mâu thuẫn giữa chính quyền Bashar al-Assad với các phe nổi dậy. Tình hình tồi tệ hơn khi IS trỗi dậy và kiểm soát một phần lớn lãnh thổ ở Syria và Iraq; Nga tham gia không kích tại Syria từ tháng 9.2016, và đó là xuất phát điểm cho hàng loạt mâu thuẫn giữa Moscow và Washington.
Mỹ vẫn cho rằng Nga đang bảo vệ chính quyền al-Assad và "mượn" chuyện đánh IS để tiêu diệt các tay súng của phe nổi dậy, vốn do Mỹ ủng hộ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 3.2 cho rằng quân đội chính phủ Syria đang sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề thay vì đàm phán chính trị. Ông cũng cho biết Mỹ mong muốn các cuộc đàm phán tiếp theo được tổ chức vào cuối tháng 2 này, theo Reuters.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Hòa đàm bế tắc, phe nổi dậy Syria chỉ trích Mỹ, Nga Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bị tố đã ép các phe đối lập ở Syria ngồi vào bàn đàm phán, trong bối cảnh hòa đàm Syria vẫn bế tắc, theo Reuters. Cuộc đàm phán hòa bình ở Syria tiếp tục bế tắc và chưa ấn định ngày bắt đầu - Ảnh: Reuters Ủy ban đàm phán cấp cao, gồm đại diện các phe...