Tham gia TPP: Lo “tảng đá làm trĩu cánh chim đại bàng”
Chia sẻ với phóng viên NTNN về việc Việt Nam tham gia TPP, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói: “Tôi lo lắng những hạn chế của nền kinh tế sẽ là “tảng đá làm trĩu cánh con đại bàng” nếu chúng ta không nhanh chóng thay đổi”.
Ông có thể chia sẻ những ghi nhận của ông khi Việt Nam chính thức tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
- Việt Nam đã trở thành thành viên trong cộng đồng 12 quốc gia với nền kinh tế mạnh, có những quốc gia năng động nhất trên thế giới như Mỹ, Nhật, Canada… Có nghĩa là mình cũng sẽ được ảnh hưởng thuận lợi từ sự năng động ấy. Tuy nhiên, cùng với nó là những thách thức đòi hỏi mình cũng phải thay đổi theo hướng tích cực và năng động theo.
Bên cạnh sự lạc quan bởi những cơ hội rộng lớn được mở ra cho chúng ta từ việc tham gia TPP thì không thể không nói đến thách thức, khó khăn. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Tôi cho rằng thủ tục hành chính, hệ thống luật pháp chưa thật hoàn thiện là vấn đề đáng lo ngại nhất của chúng ta hiện nay sau khi vào TPP. Nó như một “tảng đá làm trĩu cánh con đại bàng”. Nền kinh tế của chúng ta dù có phát triển nhưng vẫn như vận động viên thiếu dinh dưỡng, đội ngũ cán bộ thì thiếu kinh nghiệm. Trong khi chúng ta lại là đối tác của những nước tư bản hàng đầu, thậm chí có những luật chơi của họ mình còn chưa được biết, chưa được học.
Ông có thể nói cụ thể hơn về những thách thức này?
- Tôi ví dụ, việc hàng hóa trên thế giới sẽ tràn vào Việt Nam khiến các doanh nghiệp nội địa, hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh được, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chết ngay trên sân nhà. Hiện nay nhiều hàng hóa Việt Nam làm ra không đáp ứng được thị trường quốc tế.
Một thách thức khác nữa tôi cho rằng cũng vô cùng quan trọng đó là việc các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam gần như chưa có khả năng, năng lực tiếp cận được với lãnh đạo các tập đoàn lớn của các quốc gia đối tác để tiếp cận thị trường, chẳng hạn như Walmart, Microsolf, Cisco… Trong khi muốn hội nhập TPP nhanh và tận dụng tốt cơ hội thì chúng ta phải chủ động.
Vậy theo ông, việc cần làm ngay lúc này, không thể chậm trễ để biến TPP từ giấc mơ trên giấy, thành hiện thực có giá trị đối với đời sống toàn xã hội là gì?
- Tôi cho rằng doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Chúng ta được chấp nhận vào “Câu lạc bộ TPP” thì mình phải thay đổi để có tư duy rõ ràng. Phải xây dựng nội lực của mình. TPP là cơ hội cực kỳ quan trọng của Việt Nam, nhưng phải có nội lực thì mới làm được. Nếu mình chưa chuẩn bị tốt nội lực sẽ có nguy cơ không có sức lực để bảo vệ “sân nhà”. Mà “sân nhà” ở đây có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi không thể bỗng chốc mà dùng sức mạnh như ông cha ta ngày xưa để bảo vệ như bảo vệ giặc ngoại xâm được. Chúng ta “mời họ vào” thì chúng ta không thể dùng “vũ lực” để mời họ ra nếu chúng ta “yếu thế” không muốn chơi chung nữa.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet