Thảm cảnh Serie A ở hai Cup châu Âu
Việc các ông lớn lần lượt rời cuộc chơi để mình Roma trụ lại ở tứ kết hai Cup châu Âu gióng lên hồi chuông báo động cho sự đi xuống của Serie A.
Inter bật bãi ngay từ vòng bảng, Alatanta, Juventus rồi Lazio lần lượt dừng cuộc chơi ở vòng 1/8 Champions League. Tại Europa League, Napoli rời sới từ vòng 1/16, và với việc Milan thất thủ trên sân nhà trước Man Utd ở lượt về vòng 1/8, Serie A chỉ còn đúng một CLB – là AS Roma – góp mặt ở vòng tám đội cuối cùng tại sân chơi số hai châu lục.
Cầu thủ Milan rời sân sau khi thua Man Utd trong trận lượt về và dừng bước ở vòng 1/8 Europa League hôm 18/3. Ảnh: Lapresse
Khoanh tay dựa lưng vào ghế, Fabio Capello ngả người, thở dài não nuột trong trường quay Sky Italia , trong chương trình bình luận trực tiếp ở lượt về vòng 1/8 Europa League hôm 18/3. Cựu HLV lừng danh này không giấu nỗi cảm giác thất vọng. Một lần nữa, ông cho rằng các cầu thủ Italy chơi bóng với nhịp quá chậm, thiếu cường độ và sức mạnh trong từng pha lên bóng. Đồng thời, các trận đấu ở Serie A quá thường xuyên bị làm gián đoạn đến mức vỡ vụn bởi trọng tài liên tục cắt còi và một pha va chạm nhỏ nhất cũng có thể bị tính là tình huống phạm lỗi.
Cựu hậu vệ, thành viên trong bộ tứ vệ lừng lẫy của Milan ngày nào, Alessandro Costacurta, thì cho rằng thảm cảnh của bóng đá Italy ở châu Âu mùa này là một dấu hỏi lớn về nguồn lực. Serie A không còn thịnh vượng như thời của ông nữa, và các CLB khác trên khắp châu lục đang dần chi tiêu bạo tay hơn.
Trong khi đó, ký giả tờ La Repubblica Paolo Condo thì tin rằng vấn đề cốt lõi là thất bại của các CLB Italy trong việc tạo ra các thế hệ kế cận mang đậm giá trị bản sắc. Đây vốn là nền tảng làm nên thành công cho những đội bóng vĩ đại như Ajax thời Rinus Michels, Milan thời Arrigo Sacchi và Barca thời Pep Guardiola.
Nhưng, như đại văn hào Lev Tolstoy viết trong áng văn bất hủ “Anna Karenina”, rằng: “Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau. Ngược lại, mỗi gia cảnh không hạnh phúc đều bất hạnh theo cách riêng của họ”. Mỗi CLB Italy bị loại vì những lý do khác nhau, mà không nhất thiết liên quan đến tình trạng của giải đấu.
Lazio, sau 13 năm vắng mặt ở Champions League, đã xuất sắc vượt qua vòng bảng. Việc họ bị loại dưới tay Bayern – nhà ĐKVĐ châu Âu và thế giới cấp CLB – là kết cục được báo, dù thất bại ở lượt đi là điều đáng xấu hổ. Atalanta, dù không tái hiện được chiến tích vào tới tứ kết mùa 2019-2020, vẫn ghi nhận những thành công nhất định. Họ tích luỹ nhiều điểm số hơn ở vòng bảng, giành những thắng lợi vẻ vang trên sân Liverpool, Ajax.
Video đang HOT
Ý chí dường như là vũ khí tối thượng để cứu vãn danh dự cho bóng đá Italy trên bình diện châu Âu. Nhưng mong chờ Lazio hay Atalanta – hai đội nằm ngoài top 30 CLB giàu nhất, theo Deloitte – đánh bại Bayern hay Real Madrid – hai đội giàu mạnh bậc nhất dường như là kỳ vọng quá sức. Với Atalanta, vào tới vòng 1/8 Champions League thậm chí có thể xem là phép màu, xét tới việc họ đang đứng ở nửa dưới trong thứ tự quỹ lương các CLB Serie A.
Thất bại của Lazio (áo xanh), tuy nặng nề, không phải là kết quả bất ngờ, xét tới chênh lệch quá lớn giữa họ với Bayern. Ảnh: Twitter / FC Bayern
Như Paolo Maldini chỉ ra trước trận lượt về vòng 1/8 Europa League, cách biệt về doanh thu giữa Milan – đứng thứ 30 trong danh sách của Deloitte, sau cả đội chót bảng Ngoại hạng Anh Sheffield United – với Man Utd là hơn 400 triệu euro. Việc đại diện Italy thua ông lớn Anh 0-1 ngay tại San Siro và thua chung cuộc 1-2 chỉ là ánh xạ của cách biệt quá lớn ấy, dù Milan đã chiến đấu bằng hơn 100% khả năng.
Trừ Porto và Dortmund, sáu đội còn lại ở tứ kết Champions League đều có doanh thu cao hơn các đối thủ đến từ Italy nếu không tính đến doanh thu từ bán cầu thủ. Việc các CLB Serie A phụ thuộc vào việc mua bán cầu thủ để làm dày nguồn thu cho thấy các đội khó có được sự ổn định cấu trúc cần thiết để cạnh tranh.
Theo The Athletic , từ rất lâu, các đời Trưởng ban tổ chức Serie A đều rơi vào vòng xoáy đấu đá chính trị, thay vì tập trung cho việc phát triển giải đấu, như cách Richard Scudamore làm ở Ngoại hạng Anh, hay Christian Seifert và Javier Tebas định hình cho Bundesliga và La Liga.
Đến giờ, Serie A vẫn chưa thể thống nhất việc đấu thầu bản quyền truyền hình tiếp theo, hay việc bán cổ phần của một công ty giải trí cho một tập đoàn cổ phần tư nhân với giá 1,7 tỷ euro. Thay vì chắp cánh, giải VĐQG đang cản đường các đội bóng Italy sải cánh vẫy vùng trên bầu trời châu Âu và việc giải đấu này không có khả năng cải tổ là một lý do khiến Andrea Agnelli – Chủ tịch Juventus – dành nhiều thời gian và tâm sức cho châu Âu, nơi ông đang giữ chức người đứng đầu Hiệp hội các CLB bóng đá châu Âu (ECA).
Nhưng chỉ Atalanta và Lazio thực sự xứng đáng được ca ngợi vì đạt kết quả vượt quá tiềm năng của họ, còn với Juventus và Inter – hai đội được xét theo tiêu chí đại gia, sự cảm thông là điều xa xỉ.
Juventus từng đánh bại Barca ngay tại Nou Camp hồi tháng 12/2020, nhưng kết quả đó chìm vào lãng quên khi họ thất bại ở vòng knock-out. Hai năm liền, đều tại vòng 1/8, đội bóng số một Italy lần lượt bởi các đối thủ yếu hơn nhiều là Lyon mùa trước, rồi Porto mùa này. Với Inter – một tập thể được đầu tư lớn trong hai năm qua, khả năng tận dụng cơ hội quá kém khiến họ phải xếp chót trong bảng đấu được xem là dễ, với Real Madrid, Monchengladbach và Shakhtar Donetsk.
Juventus, với Ronaldo làm chủ công, được kỳ vọng nhiều hơn cả khi ra châu Âu, nhưng năm thứ hai liên tiếp dừng bước ở vòng 1/8 Champions League. Ảnh: AFP
Điều ngược đời là bóng đá Italy lại bắt đầu một chu kỳ sản sinh ra những cầu thủ hàng đầu. Dù chưa thể tiệm cận với đẳng cấp của thế hệ cha chú những năm 1980, 1990, tập thể trẻ trung mà HLV trưởng Roberto Mancini đặt niềm tin ở tuyển Italy đã phát đi những tín hiệu lạc quan. Tiền vệ Inter Nicolo Barella mang đến một trong những khoảnh khắc khó quên nhất của vòng bảng với pha đánh gót kiến tạo đầy ngẫu hứng trong trận gặp Real Madrid. Thủ môn Milan, Gianluigi Donnarumma có nhiều pha cứu thua xuất thần trước Red Star Belgrade, trong khi Federico Chiesa gây ấn tượng mạnh nhất trong hai trận Juventus đấu Porto.
“Vấn đề không phải là chiến thuật”, Esteban Cambiasso nói khi được hỏi về thất bại của Serie A ở châu lục. Conte đã vô địch Ngoại hạng Anh, và Claudio Ranieri, Carlo Ancelotti cũng vậy. Những ý tưởng được thai nghén ở Italy đã phát huy tác dụng ở Anh, và chắc chắn bóng đá Italy nói chung cũng như Serie A nói riêng vẫn là một phòng thí nghiệm hấp dẫn của những luồng suy nghĩ mới. Nhưng nhìn chung, họ vẫn không chấp nhận rủi ro, từ chối tiếp nhận những ý tưởng chiến thuật cũng như văn hoá bóng đá mới từ nước ngoài. Biểu hiện gần nhất là làn sóng phản đối dữ dội năm ngoái, khi các ông chủ người Mỹ của Milan tính mời Ralf Rangnick – một bậc thầy chiến thuật ở Bundesliga – về làm HLV.
Serie A hiện có ba HLV ngoại quốc làm việc. Paulo Fonseca – một người Bồ Đào Nha ở Roma – có triết lý bóng đá gần tương tự. Hai người còn lại, Ivan Juric (Hellas Verona) và Sinisa Mihajlovic (Bologna) – thì đã chơi bóng, cống hiến quá nhiều năm ở Italy, đến nỗi xem đây như quê hương thứ hai, thấm nhuần các tư tưởng, triết lý, văn hoá bóng đá ở mảnh đất hình chiếc ủng.
Giải đấu cũng chứng kiến cảnh cùng một vị Giám đốc Thể thao chuyển từ CLB này sang CLB khác, bổ nhiệm một HLV từng cộng tác, rồi ký hợp đồng với những cầu thủ họ từng quản lý. Đó là tình trạng kế thừa trì trệ, rồi ai cũng sẽ có việc làm, chẳng ai chịu thiệt và không hề bắt kịp thời cuộc, trong một hệ sinh thái tự mãn, cố chấp, không sẵn sàng hoặc thậm chí, không thể chào đón sự thay đổi.
Vì thế, Cambiasso tin rằng những khó khăn gần đây của xứ sở mỳ ống bắt nguồn từ văn hóa và tâm lý.
“Tôi nghĩ lịch sử hàm chứa những giới hạn”, cựu tiền vệ người Argentina của Inter lập luận trên Sky Italia . “ Chiến thắng khiến bạn hạnh phúc, sung sướng nhưng nó cũng có thể kìm hãm bạn. Theo dõi tất cả giải đấu và lắng nghe những gì mọi người nói về họ vì tôi đã đi du ngoạn đôi chút, biết các nhà báo đang viết gì ở đây hay ở kia, tôi thấy chúng tôi có giới hạn. Tôi dùng từ ‘chúng tôi’, vì ở Argentina, chúng tôi ít nhiều cũng gặp phải những vấn đề tương tự ở Italy. Khi mọi người góp ý rằng chúng tôi nên thay đổi, câu trả lời luôn là: ‘,Đúng nhưng chúng tôi đã thắng rất nhiều kỳ World Cup’. Tây Ban Nha đã thay đổi, vì họ chưa từng vô địch trước đây và những thay đổi mà họ thực hiện đã dẫn đến việc Barca thống trị các mặt trận và Tây Ban Nha lên ngôi tại World Cup…”.
“Nếu bạn muốn bắt đầu lại, bạn cần phải quên đi ngay lập tức dư vị ngọt ngào của chiến thắng và tập trung vào những gì sắp tới,” Cambiasso kết luận. “Quá khứ là quá khứ và bạn đừng bao giờ chối bỏ nó. Nhưng nếu bạn chỉ nhìn lại, bạn sẽ không tiến lên được. Chỉ có đi theo những nguồn ánh sáng tân thời, dòng chảy Serie A mới trở lại đúng quĩ đạo vốn có”.
Pirlo kích hoạt 'quả bom' Chiesa
Từ một tân binh nhút nhát, bị chỉ trích vì lối chơi thiếu sáng tạo, Federico Chiesa đã trở thành một quả bom thật sự của Juventus trong tháng 1 này. Chỉ riêng trong tháng 1/2021, anh đã là chân sút chủ lực của Juve.
Điểm đặc trưng của Federico Chiesa khi thi đấu là dáng chạy. Khi chạy, cầu thủ này hơi chúi đầu xuống, một cách để anh giảm lực cản không khí khi tăng tốc. Khi Chiesa chơi hiệu quả, điều này không có gì đáng bàn, nhưng khi anh đá kém sắc sảo, dáng chạy là một chi tiết khiến Chiesa bị mỉa mai. 9 trận đầu ở Juventus tại Serie A, Chiesa chỉ ghi 1 bàn, nhận 1 thẻ đỏ ngô nghê trước Crotone và dính một chấn thương cơ bắp. Lúc đó, CĐV Juve rất "ngứa mắt" với phong cách đi bóng của chàng trai trẻ.
Nhưng trong tháng 1/2021, chi tiết đó chẳng còn làm phiền ai. Chiesa là cầu thủ hiệu quả nhất của Juve với 4 bàn ghi được ở Serie A và 1 tại Coppa Italia. Xét tại Serie A, chỉ 1 người hiệu quả hơn anh là Duvan Zapata của Atalanta. Hiệu suất ghi bàn của Chiesa tăng một cách đáng kinh ngạc, từ 0,16 bàn/trận trong tháng 12/2020 lên mốc 0,53 bàn/trận trong tháng này. Với tổng cộng 8 bàn trên mọi đấu trường, cầu thủ 23 tuổi thành chân sút số 3 của đội, chỉ thua hai tiền đạo chủ lực Cristiano Ronaldo và Alvaro Morata.
HLV Pirlo nhận xét: "Giai đoạn đầu, Federico rất nhút nhát bởi Juve là đội bóng lớn đầu tiên của cậu ấy. Nhưng sau đó, cậu ấy vào phom, tâm lý thoải mái nên bùng nổ. Chúng tôi rất hạnh phúc".
Trong tháng 1/2021, Chiesa (giữa) đã có 5 bàn cho Juve, nhiều nhất đội
Bí quyết của Pirlo là... chẳng có bí quyết nào. Sự thăng tiến đến từ những tố chất tiềm ẩn của Chiesa. Ban đầu, Pirlo khai thác Chiesa hệt giai đoạn anh vẫn chơi tại Fiorentina, tức đơn thuần là chân chạy cánh. Nhưng gần đây, Chiesa hoạt động đa năng ở nhiều vị trí, chạy cánh phải trước Milan và Udinese, nhưng đá rất tự do trong trận gần nhất gặp Sampdoria.
Trước Samp, Ronaldo không phải là tiền đạo chủ lực của Juve như đội hình dự kiến. Chính Chiesa mới là cầu thủ xuất hiện trong vòng cấm nhiều hơn. CR7 lùi xuống đá như một tiền vệ tổ chức. Bàn mở tỉ số là kết quả của lối chơi này, với quả chuyền phát động của Ronaldo và Chiesa là người kết thúc.
Với cách khai thác này, Chiesa trở thành một quân bài rất khó nắm bắt với các đối thủ của Juve, và là nhân tố để Pirlo sáng tạo. Cánh trái, cánh phải, trung tâm, thậm chí tiền đạo, chỗ nào anh cũng chơi được. Anh giúp các vệ tinh khác hoạt động thoải mái hơn. Việc đá bám biên khiến Chiesa gần như chỉ đá bằng tốc độ và sự nhiệt tình, nhưng khi chơi không có một vị trí cố định, cầu thủ trẻ này trở thành nhân tố gây đột biến hàng đầu.
Messi sút phạt thành bàn nhiều gấp 7 lần Ronaldo trong 5 mùa Trong 5 mùa gần nhất chỉ tính tại các 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, Lionel Messi sở hữu thống kê ghi bàn từ chấm sút phạt áp đảo toàn bộ phần còn lại. Cú đá phạt tung lưới Athletic Bilbao rạng sáng 1/2 là lần thứ 21 Messi sút tung lưới đối phương từ chấm đá phạt trong 5 mùa giải...