Thảm cảnh cha già tự tay “kết liễu” đứa con nát rượu bất hiếu
Thương con, cả cuộc đời đặt hy vọng vào sự trưởng thành của con nhưng đón nhận lại chỉ là sự bất hiếu đã khiến người bố chán nản và buồn bực. Chứng kiến cảnh đứa con mình suốt ngày rượu chè và chìm trong men say, người cha đã bất lực trong việc dạy bảo và hai bố con ngày càng cách xa nhau hơn, chưa từng có một cuộc trò chuyện nghiêm túc suốt 20 năm nay. Kết cục bi thảm đến vào một buổi chiều khi đứa con ấy trở về nhà trong hơi rượu và lè nhè chửi bố.
“Báo hiếu” cha bằng… chửi bới
Vào một chiều hè nóng nực ngày 5/7/2011, ông Hoàng Ngọc Quyển (75 tuổi, ngụ xóm Mai Tùng, thôn Nà Sèn, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) về nhà cùng vợ để nấu bữa cơm chiều và chăm sóc vật nuôi. Khi ông đang cho đàn lợn ăn thì nghe tiếng lè nhè của người say rượu đi vào nhà mình. Ngoảnh ra, ông thấy cảnh quen thuộc thường ngày: Đứa con trai út Hoàng Văn Quang (SN 1958) “chân nam đá chân chiêu” trở về, vừa đi vừa chửi.
Bước vào đến sân nhà, đứa con thấy cha liền… chửi luôn. Thấy con chửi bới, ông lão hỏi: “Mày chửi ai thế thằng kia? Mày chửi ai mà tục thế! Mày có thôi đi ngay không? Suốt ngày chỉ biết say thôi à?”. Nghe bố mắng, đứa con bất hiếu không “khách khí” nữa mà chửi ngay: “Bố già cũng chẳng ra gì” rồi lôi đích thân tên cha ra: “Thằng Quyển cũng chẳng ra gì”. Ông lão đứng bật dậy quát to: “Tên tao không phải lúc nào cũng để mày lôi ra chửi. Thằng con hỗn láo! Đồ bất hiếu”. Vừa nói ông vừa tiến ra sân, đi thẳng đến chỗ con giơ tay định tát một cái cho tỉnh rượu thì nào ngờ đứa con né được và lao vào túm áo bố hành hung luôn. Giằng co một hồi với bố, đứa con say bị ông bố 75 tuổi đẩy ra.
Người cha 75 tuổi sát hại con trước vành móng ngựa.
Lúc này, chỉ có hai bố con ở nhà nên không có ai can ngăn. Đúng lúc đứa con ngã xuống cạnh bó củi nấu bếp, người cha thấy thằng con vẫn lè nhè và không ngớt chửi ông. Cơn nóng giận không kìm lại được, thấy con dao trong bó củi thò ra ngoài, ông vớ lấy chém thẳng một nhát vào đứa con đang nằm cạnh đó. Nhát dao oan nghiệt đã ngay lập tức làm tắt những tiếng chửi của đứa con. Không kịp trăn trối lấy một lời, đứa con say chỉ kịp nhìn bố mình lần cuối cùng, thoi thóp rồi tắt thở.
Thấy hai bố con cãi chửi nhau một hồi rồi im bặt, một người cháu của ông Quyển vừa đi làm về thấy bất thường liền chạy vội sang. Thấy cảnh hãi hùng, anh này chỉ kịp tri hô mọi người rồi định đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng không kịp. Nhát dao chém vào chỗ hiểm sau gáy đã gây ra vết thương rất nặng khiến nạn nhân tử vong ngay sau đó.
Tối cùng ngày, ông lão 75 tuổi đến trụ sở công an xã Mai Sao đầu thú.
Vụ án không có những tình tiết rắc rối. Hung thủ nhận hết mọi lỗi lầm mình gây ra nên các điều tra viên công an tỉnh Lạng Sơn nhanh chóng có thể kết thúc điều tra. Chỉ có điều phía sau những con chữ khô khan trong tập hồ sơ, nỗi lòng người cha giết con là khiến không ít người day dứt.
Thủ phạm cho biết, ngày còn nhỏ, Quang là đứa hiếu hiếu học nhất trong bốn anh chị em nên được ông rất cưng chiều. Khi thi đỗ vào một trường trung cấp tại tỉnh Hưng Yên những năm 1980, Quang còn được cha nhiều lần đạp xe hàng trăm cây số đưa đi xuống trường, dạy con từng cách cư xử, ăn nói, mong muốn con mau trưởng thành.
Thế mà khi học xong, công việc ổn định cũng là lúc Quang ngày càng xung khắc với bố. Những lời nói và khuyên bảo của ông đều bị Quang bỏ ngoài tai, rồi chây lười trong công việc và tìm đến rượu. Đến năm 1990, khi có quyết định giảm biên chế tại nơi làm việc, Quang là người đầu tiên bị loại khỏi cơ quan. Từ hy vọng đến thất vọng về con, ông Quyển không biết nói gì hơn đành chấp nhận để đứa con về làm việc tự do tại nhà, hy vọng lúc đó con mình đã cưới vợ thì tu chí làm ăn hơn.
Video đang HOT
Thế nhưng thất vọng nối thất vọng, cứ làm được đồng nào là Quang lại tụ tập với bạn bè uống rượu. Men rượu vào là lời ra, đứa con thường xuyên chửi bới mọi người xung quanh khiến không chỉ dân làng mà cả người thân trong nhà cũng khiếp sợ. “Suốt từ lúc tôi về hưu cho đến ngày xảy ra vụ án là hơn 20 năm nhưng chưa khi nào tôi và nó ngồi nói chuyện với nhau một cách nghiêm túc. Bình thường không say, nó lầm lì không nói một câu suốt cả ngày. Còn khi say, nó cứ lè nhè chửi bới đến khi chán miệng thì thôi”, người cha thuật lại.
Lỗi tại “ ma men”
Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, nhận thấy sức khỏe bị cáo có phần không đảm bảo và tuổi cao, sức yếu nên người bố tội nghiệp này được cơ quan chức năng cho phép tại ngoại, chờ khi bản án chính thức có hiệu lực mới phải đi thi hành án.
Buổi sáng sớm một ngày giữa tháng 12/2011 trời lạnh như cắt da cắt thịt, bên hành lang TAND tỉnh Lạng Sơn, chở bị cáo đến phiên tòa là con gái thứ hai của ông. Người con gái trào nước mắt xót xa vì thương bố, thương em: “Hôm tôi nhận được điện thoại cũng là lúc rụng rời chân tay vì thảng thốt. Có ai ngờ là chuyện đau lòng như thế lại xảy ra. Mẹ tôi thì tuổi đã cao nên ngày càng suy sụp hơn sau chuyện này. Bố tôi vốn nghiêm khắc, sống điềm đạm, có lẽ do bị kích động quá nên mới hành động như thế”.
Đứa cháu của bị cáo, cũng là con của nạn nhân mới 18 tuổi thì dường như vẫn còn chưa tin bi kịch lại xảy đến đột ngột như vậy. Cậu kể lại: “Hôm đó em không ở nhà mà ra ngoài có chút việc. Lúc về thấy mọi người bảo ông nội chém bố chết rồi mà em cứ ngỡ chuyện đùa. Em thương ông, thương bố nhưng giá như bố em không uống quá nhiều rượu, ông em không quá nóng nảy thì có lẽ cơ sự này đã không xảy ra”.
Theo người nhà thuật lại, nạn nhân là con trai út của bị cáo và từ nhiều năm nay đã chìm trong men rượu. Sau cuộc hôn nhân lần thứ nhất tan vỡ, anh sống chung với một phụ nữ khác và cách đây khoảng 5 năm, trong một lần say xỉn anh đánh vợ hờ thừa sống thiếu chết nên chị này dù ai khuyên bảo thế nào cũng nhất định không bao giờ dám quay lại chung sống nữa. Từ đó anh về sống hẳn với bố mẹ đẻ và hai con của người vợ trước.
Tại buổi xét xử, dáng vẻ chậm rãi và mệt mỏi, ông Quyển đứng trước vành móng ngựa thuật lại câu chuyện trong tiếng nấc của những đứa con, đứa cháu ngồi dưới. Bị cáo thưa chuyện: “Cáo trạng của Viện KSND truy tố mình không oan, không sai. Nói ra câu chuyện này dài lắm, nó dài cả mấy chục năm nay mà tôi không biết phải kể từ đâu. Chỉ có điều, thằng con tôi hư đốn, tôi không bảo được nên trong lúc nóng giận nhất thời ấy, tôi đã gây ra tai họa. Ai đời mấy chục năm đi hoạt động cách mạng, đi dạy học người ta, cuối đời tôi lại gây ra cái lỗi giết chính con mình. Tôi xin nhận mọi trách nhiệm về mình”.
Sau phán quyết 4 năm tù cho tội danh giết người và nhận được sự đồng tình của những người tham gia phiên tòa, một vị Hội thẩm nhân dân chia sẻ bên hành lang phòng xử:: “Buồn quá! Đây không phải là trường hợp thiếu hiểu biết pháp luật, nhưng những mâu thuẫn trong gia đình đã không được điều hòa đã khiến án mạng xảy ra. Suốt bao nhiêu năm qua, cả người bố và anh con trai đều tự làm khổ lẫn nhau để cuối cùng đi đến một kết cục bi thảm. Rõ ràng những vụn vặt trong đời sống tưởng là nhỏ nhưng nếu không có biện pháp kịp thời sẽ trở thành chuyện lớn, bỏ lại hệ lụy đạo đức xuống cấp cho xã hội, nỗi đau cho những người thân trong gia đình”.
Trong giờ Hội đồng xét xử nghị án, phóng viên đã có cuộc trò chuyện ngắn ngủi với bị cáo Hoàng Ngọc Quyển
Ông có hối hận khi đã nỡ tay giết hại chính con trai mình không?
(thở dài). Tôi không hiểu sao tôi lại làm như vậy lúc đó nữa. Đó là giây phút đen tối nhất cuộc đời tôi.
Đối diện với bản án pháp luật dành cho mình, ông suy nghĩ như thế nào?
Tôi làm, tôi chịu. Lỗi là ở tôi nên án phạt thế nào tôi cũng chấp nhận. Nhưng nếu phải đi tù thì tôi mất tất cả tiền lương, chế độ phụ cấp bấy lâu nay được hưởng. Như vậy, bà nó và mấy đứa cháu không biết trông vào đâu cả.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Lương của tôi được hơn 2 triệu đồng/tháng. Cả nhà trông vào duy nhất khoản đó mà thôi. Nhà tôi không có ruộng, bà nó thì quanh ra quẩn vào với mảnh vườn và chăn nuôi thêm nhưng đã hơn 80 tuổi rồi, có làm được gì nhiều đâu. Giờ thì lại đang ốm liệt giường rồi, không đi lại được.
Tôi cũng có lỗi với bà ấy nhiều lắm! Còn mấy đứa cháu, tôi thương thằng cháu bị bệnh não nhiều nhất. Nó bị bệnh suốt mấy năm nay, chữa trị nhiều lần mà không khỏi, tôi cũng đưa cháu đi nhiều nơi nhưng xem ra bệnh tình của nó ngày càng nặng.
Mọi người trong nhà có trách ông về việc này không?
Các con tôi cũng thông cảm, bảo mọi việc qua rồi thì tôi không phải suy nghĩ gì nhiều, gắng giữ gìn sức khỏe, mọi việc đã có phán quyết của cơ quan pháp luật. Tôi có bốn đứa con thì thằng thứ ba đã mất năm kia vì bệnh gan. Suốt từ hôm xảy ra vụ án đến nay, thằng cả và đứa thứ hai cứ chạy đi chạy lại vì mẹ nó yếu hơn trước.
Nghe tòa tuyên án, tay chân ông Quyển run bần bật. Người con cùng vài người họ hàng của mình chạy lên hỏi một cán bộ tòa án thủ tục làm kháng cáo bản án dành cho bố mình nhưng ông Quyển thì lắc đầu từ chối: “Có lẽ Tòa đã xử cho bố bản án nhẹ nhất có thể rồi. Thôi con ạ!”.
Theo PLVN
Bài 3: Thảm hoạ nhà vệ sinh bẩn: "Tôi sẽ uống nước nhà vệ sinh cho nhà báo xem"
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mỗi tháng chi 100 triệu đồng cho vấn đề vệ sinh môi trường nhưng với nhu cầu "có giấy và xà phòng rửa tay sau khi đi vệ sinh" cho sinh viên vẫn là "thiếu kinh phí".
Có trường nào sạch hơn, chỉ cho chúng tôi học tập!
Sau khi hẹn gặp, 14h chiều 31/10, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ban quản trị trường ĐH Sư phạm Hà Nội về vấn đề nhà vệ sinh bẩn, thiếu giấy và xà phòng rửa tay như đã phản ánh. Trao đổi với PV bao gồm ThS. Ngô Văn Hoan, Trưởng phòng Quản trị, Ông Nguyễn Xuân Tuyển, Phó trưởng phòng quản trị và Cô Ngô Thị Chí, Quản lý vệ sinh môi trường.
Ông Tuyển, Phó phòng Quản trị cho biết, nhà trường không trực tiếp làm vệ sinh mà thuê hẳn một công ty vệ sinh môi trường để duy trì vệ sinh môi trường cho toàn trường. Nhà trường có một ban an toàn vệ sinh, một tháng đi kiểm tra đột xuất một lần để xem công ty vệ sinh có làm đúng hợp đồng, quản lý tòa nhà có duy trì điện nước hay không.
Bể chứa nước trong nhà vệ sinh ĐH Sư phạm (Ảnh chụp chiều 28/10)
Đối với việc mất nước vào chiều ngày 28/10 như phóng viên phản ánh, Ông Tuyển cho rằng có thể thời điểm ấy quản lý tòa nhà chưa kịp bơm. Nước bơm theo giờ nên trong giờ học họ không bơm vì sợ gây tiếng ồn ảnh hưởng đến việc học.
Khoảng 14h20 phút, ông Hoan, Trưởng phòng Quản trị đề nghị ông Tuyển đưa PV đi thăm quan lại các điểm vệ sinh được phản ánh là bẩn, thiếu nước rồi về văn phòng trao đổi tiếp. Ông Tuyển dẫn chúng tôi đi. Chúng tôi vào thăm phòng quản lý tòa nhà khoa Văn thì thấy máy bơm nước đang chạy. Lên thăm nhà vệ sinh nữ ở tầng 2 thì đã có nước, thấy một cô lao công đang lau sàn nhà vệ sinh.
"Có nước, bạn bảo nước bẩn tôi rất tự ái. Tôi sẵn sàng uống nước nhà vệ sinh cho bạn xem", ông Tuyển vừa bảo tôi kiểm tra vòi nước vừa nói.
Quay trở lại văn phòng trao đổi với PV, ông Hoan khẳng định, công tác chăm lo cho sinh viên, giảng viên nhà trường luôn đi đầu. Trong các kỳ kiểm tra vệ sinh môi trường thì Trường ĐH Sư phạm được đánh giá là một trong số những trường đẹp nhất Hà Nội. Ông Hoan cho rằng nếu có sinh viên phản ánh với PV về tình trạng vệ sinh bẩn thì chưa chắc đã phải sinh viên của trường, là sinh viên học ngoại ngữ, bồi dưỡng ôn thi đại học hay là sinh viên trường nào khác không hiểu gì về trường nên mới nói vậy.
"Có trường nào đẹp hơn, chỉ cho chúng tôi, chúng tôi học tập", ông Hoan nói.
100 triệu/tháng vẫn "thiếu kinh phí" cho giấy vệ sinh
Ông Hoan cho biết, nhà trường chi 100 triệu đồng mỗi tháng cho vấn đề vệ sinh môi trường của toàn trường. Số tiền này lấy từ kinh phí của nhà trường và một phần từ bao cấp của nhà nước. Sinh viên trong trường không phải đóng bất cứ một khoản chi phí nào.
Khi được hỏi tại sao không có giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay cho sinh viên, ông Tuyển cho biết từ trước đến nay nhà vệ sinh dành cho sinh viên không có giấy, còn xà phòng rửa tay chỉ cung cấp cho giảng viên, cán bộ. Nhà trường không đủ kinh phí để bao cấp giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay cho sinh viên.
"Giấy vệ sinh và xà phòng vệ sinh không có trong hợp đồng vệ sinh. Tại sao không có thì phải hỏi phòng kế toàn tài chính, người ta phân bổ ngân sách.", ông Tuyển nói.
Chưa nói đến nhà vệ sinh hiện đại như thế này, nhà vệ sinh có giấy, có xà phòng rửa tay vẫn là "đồ xa xỉ" với sinh viên.
Cũng cùng câu hỏi này, ông Hoan trả lời: "Chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi này khi bạn đi thống kê cho tôi những trường sau đây có giấy vệ sinh, có xà phòng rửa tay không: ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược, ĐH Y tế cộng đồng, ĐH Quốc gia HN, ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính,...Nếu những trường đó, có trường làm thì tôi sẽ đến để học kinh nghiệm."
Cô Chí, Quản lý vệ sinh môi trường cho biết, nhà trường cũng từng bàn đến vấn đề đưa giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay vào nhà vệ sinh cho sinh viên. Đã thử nghiệm ở nhà D nhưng thất bại.
"Giấy với xà phòng đã bàn và thí điểm ở nhà D. Nhưng bỏ cuộn giấy vào quay ra mất luôn, các em lấy về dùng dần, các em lấy về lau tay, lau chỗ ngồi,... Bây giờ chỉ có cách là tăng thêm mỗi người ngồi một cái nhà vệ sinh xé giấy sẵn, để các em vào rồi đưa, quản lý như các nhà vệ sinh công cộng có khi là làm được. Để giấy ở nhà vệ sinh thì coi như nước đổ biển rồi. Không bao giờ làm được" - cô Chí nói.
"Chuyện xé giấy xé vở thay giấy vệ sinh thì là do ý thức của sinh viên, phải có cuộn giấy, chuẩn bị sẵn", ông Tuyển lên tiếng.
Cô Chí cũng cho biết, trường ĐH Sư phạm nhiều loại hình đạo tạo nên nhiều đối tượng đến học. Có những bạn từ nhà quê đến Hà Nội thuê nhà trọ học, chưa biết đi vệ sinh thế nào, có khi đậy nắp vào mà không giật nước. Sinh hoạt còn nhiều bỡ ngỡ nên ý thức giữ vệ sinh của các em còn kém và ngây ngô lắm.
Chi 40 triệu/ 1 năm cho giấy vệ sinh
Trao đổi với PV về thông tin phản ánh nhà vệ sinh bẩn của SV trường ĐH Xây dựng, Ban lãnh đạo nhà trường có cho biết: "Nhà trường cũng thường xuyên quan tâm đến vấn đề giữ gìn vệ sinh trường học đặc biệt là các khu nhà vệ sinh của trường. Nhà trường có chuyên một phòng quản trị thiết bị quản lí về vấn đề vệ sinh, điện nước, thiết bị. Việc giữ gìn vệ sinh chung được nhà trường kí hợp đồng và giao công ti chuyên về vệ sinh trường học ".
Tuy nhiên để xảy ra tình trạng "buồng nhà vệ sinh" khiến phụ huynh học sinh bức xúc như vậy, cán bộ trường ĐH Xây dựng cũng thừa nhận trách nhiệm và sự yếu kém trong quản lí và sẽ rút kinh nghiệm. Nhà trường cũng bày tỏ những khó khăn nhất định về tài chính. Được biết, mỗi năm trường Xây Dựng chỉ chi 40 triệu đồng cho vấn đề vệ sinh mà không thu thêm của sinh viên bất kì một khoản thu nào. Đây là lí do chính biện minh cho việc thường xuyên thiếu giấy, nước, xà phòng...trong nhà vệ sinh của trường.
Đồng thời, cũng theo ban lãnh đạo nhà trường thì trường ĐH Xây dựng có số sinh viên đông, việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ là rất khó khăn và hầu như ý thức của các sinh viên còn rất yếu kém. Các sinh viên cứ vô tư xả rác bẩn, vứt đồ, đi vệ sinh không dội nước, vặn gãy vòi nước... chính các trò nghịch này đã làm cho các khu nhà vệ sinh ngày càng bẩn, hôi hám nghiêm trọng.
Thầy Nguyễn Văn Trung, cán bộ phòng quản trị thiết bị trường ĐH Xây dựng bày tỏ: "Trong thời gian tới nhà trường sẽ cố gắng xây dựng một hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ và khang trang hơn. Tuy nhiên, ý thức giữ gìn vệ sinh của các em sinh viên cũng vô cùng quan trọng. Có phối hợp như vậy thì mới tạo nên một môi trường xanh - sạch - đẹp cho nhà trường được".
Theo VietNamNet
Bài 2: Ám ảnh sinh viên dùng nước bẩn vệ sinh vùng kín Không chỉ là nỗi kinh hoàng, nhà vệ sinh bẩn ở nhiều trường ĐH khiến sinh viên rơi vào tình cảnh "buồn mà phải nhịn", gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của sinh viên. Từ chuyện dùng nước bẩn rửa vùng kín Với các sinh viên nam, nhà vệ sinh bẩn thì có thể "nhịn" hoặc tìm cách "đi nhờ" những chỗ...