Thăm các hồ thơ mộng ở Tây Nguyên
Không gắn với những truyền thuyết đẹp như các hồ của Đà Lạt , song hồ Lăk, hồ Eakao, hồ Ayun Hạ… vẫn làm say lòng du khách với những nét đẹp riêng.
Hồ Lăk
Hồ Lăk cách Buôn Ma Thuột khoảng 56km về phía Nam, theo quốc lộ 27 đi Đà Lạt. Nằm giữa vòng ôm của núi đồi và rừng thông xanh ngát, hồ Lăk như một sơn nữ, đẹp một cách hoang sơ và kỳ vĩ. Bên cạnh nét đẹp làm say đắm lòng người, hồ còn gắn liền với truyền thuyết về chàng trai tên Y Lăk đã dũng cảm băng rừng vượt suối, tìm ra hồ nước để cứu hạn cho dân làng.
Đến hồ Lăk, bạn sẽ trải nghiệm cảm giác thú vị của việc lênh đênh trên thuyền độc mộc ngắm hoa sen, đủng đỉnh cưỡi voi thăm các làng quanh hồ. Đêm đến, trong hơi ấm của bếp lửa, nhâm nhi rượu cần, ăn chén cơm dẻo, thưởng thức món chả cá thác lác, bạn sẽ cảm nhận được hương vị của núi rừng thấm vào từng thớ thịt.
Hồ Eakao
Hồ nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 12km theo hướng Đông Nam, thuộc địa bàn xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Eakao mang vẻ đẹp của hồ nước bao la in bóng những rặng núi, ríu rít tiếng chim, gần đó là những vườn rau quả xanh mát cùng không khí mát rượi.
Đến đây, bạn có thể thả thuyền lênh đên trên hồ, câu cá, cắm trại hay lang thang trong khu du lịch Eakao
Biển Hồ
Biển Hồ hay hồ Tơ Nưng, Ia Nueng cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7km, thuộc xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Biển Hồ có hình bầu dục với diện tích khoảng 230ha.
Đây vốn là một miệng núi lửa khổng lồ, quanh năm ăm ắp nước và luôn xanh ngăn ngắt. Nước trong đến độ có thể nhìn rõ từng đàn cá tung tăng bơi lội. Đứng bên hồ, du khách được thả tầm mắt ngắm nhìn thành phố Pleiku mờ ảo trong sương, những đồi đất đỏ, đồi chè trập trùng, hoa cà phê trắng xoá, xa xa là những cánh rừng bạt ngàn, xanh thẳm.
Hồ Ea Snô
Video đang HOT
Hồ Ea Snô là một hồ nước tự nhiên thuộc xã Đắk Rồ, huyện Krông Nô, Đắk Lăk. Hồ có vẻ đẹp của những ốc đảo xanh ngát soi mình trên mặt hồ bao la. Đến đây, bạn có thể chọn cách du thuyền trên mặt hồ vừa thưởng lãm cảnh đẹp vừa thả hồn theo làn gió mát rượi để xua tan những mệt mỏi, lo toan của cuộc sống.
Từ địa danh này, bạn cũng có thể ra sông Krông Nô rồi xuôi về bên trái để xuống thác Đray Sáp, hay ngược dòng lên thăm quê hương của tù trưởng Nơ Trang Gưh. Ngoài việc du ngoạn cảnh hồ, bạn còn có cơ hội tham quan các buôn làng: buôn Ol, buôn Choah, buôn Leng
Hồ Ea Sup Thượng
Ea Sup Thượng thuộc xã Chư Ma Lanh, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đây là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và lớn thứ hai ở Tây nguyên.
Ngoài việc chiêm ngưỡng hồ, bạn còn có những lựa chọn hấp dẫn khác như tham quan công trình thủy lợi lớn thứ nhì Tây Nguyên, hay thuê chiếc thuyền nhỏ và lưới của ngư dân địa phương rồi dong thẳng ra giữa hồ thử vận may với mẻ lưới. Vào ban ngày, hồ nên thơ với mặt gương soi bóng mây, rừng và từng đàn cò trắng bay là là để kiếm mồi. Khi hoàng hôn buông xuống, hồ trở nên thơ mộng với những đàn chim bay về tổ trong ánh sáng nhập nhoạng.
Hồ Ea Nhái
Ea Nhái là một hồ nhân toạ lạc giữa nông trường cà phê Thắng Lợi thuộc TP. Buôn Ma Thuột.
Hồ mang vẻ đẹp tuyệt vời của những đồi hoa cà phê trắng xoá hay những chùm trái chín đỏ âu trĩu cành. Cách “cảm” hồ tốt nhất là buông cần câu trên chiếc xuồng nhỏ hay ngả người xuống thảm cỏ ven hồ, nghe những âm thanh của cuộc sống hoà lẫn trong tiếng gió, tiếng nước.
Hồ Ayun Hạ
Hồ Ayun Hạ nằm trên địa bàn xã Chư A Thai, huyện Ayun Pa và xã H Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Đây là hồ nước nhân tạo lớn thứ nhất Tây Nguyên.
Ngoài việc cung cấp nước tưới cho việc trồng trọt quanh vùng, hải sản, thuỷ điện, hồ còn là địa điểm tham quan du lịch cho người dân địa phương và khách du lịch với các hoạt động thể thao dưới nước, dã ngoại ngắm cảnh ven hồ.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Bản hùng ca của núi rừng Tây Nguyên
Có một vùng đất mà mỗi khi nhắc đến lại thấy những năm tháng thăng trầm của lịch sử lại ùa vế trong ký ức....
Tây Nguyên núi đồi hùng vĩ, theo năm tháng vẫn giữ lại trong mình một vẻ đẹp hoang sơ và kỳ bí đến lạ thường. Cứ mỗi lần đặt chân đến vùng đất này, trong lòng lại rộn lên những ký ức từ những năm tháng đau thương của chiến tranh. Bởi nơi đây, đã từng gồng mình hứng bao bom đạn dội xuống, nhưng vẫn hiên ngang, bất khuất như chính bản chất anh hùng của người dân nơi đây.
Mùa hè Tây Nguyên, trời xanh cao lồng lộng, mây núi cùng hòa nhịp một bản hùng ca anh hùng. Những cánh rừng bạt ngàn, những con thác ngày đêm ầm ầm đổ nước, hay những tiếng cồng chiêng của buôn làng... cứ thế mà đi theo năm tháng trong tiềm thức của mỗi người con núi rừng.
Núi đồi bao la hòa mình vào tiếng Cồng Chiêng
Ngày 15-11-2005, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại trong niềm hân hoan, vui mừng của người dân nơi đây. Văn hóa Tây Nguyên muôn màu muôn vẻ, đa sắc thái dân tộc, được bao bọc bởi chính đất mẹ nơi này. Đất nơi đây đỏ lắm, đỏ rực vì xương, vì máu của không biết bao thế hệ đã đổ xuống để giữ lại cho nơi này sự thanh bình và yên ổn.
Ồn ào và dữ dội, nhưng chính những thác nước đó lại góp phần tạo nên vẻ một Tây Nguyên oai hùng như ngày nay. Mang màu của phù sa, mang màu của sự sống mới, nước từ trên cao cứ thế đổ xuống như bất tận mang đến một cảm giác khó tả khi đứng trước nơi này. Bọt tung trắng xóa, dòng nước mát lạnh và cái âm thanh ồn ào kia lại lôi cuốn một cách kỳ lạ.
Thác Dray Sáp
Không theo bất kỳ quy luật nào từ cội nguồn xuôi dòng đổ ra biển cả như các con sông khác, dòng Sêrêpốk của Tây Nguyên lại chảy ngược lên thượng nguồn và đổ sang Campuchia. Sông Sêrêpốk ngày đêm cuồn cuộn chảy, uốn quanh Buôn Đôn, chia đôi bờ với một bên là buôn làng êm ả, một bên là rừng đại ngàn Yok Đôn với bao điều còn bí ẩn còn chưa khám phá.
Dòng Sêrêpốk chảy ngược kỳ lạ
Ẩn trong mình nét hoang sơ và dữ dội là một sự dịu dàng đến mê mẩn lòng người. Ai nói Tây Nguyên chỉ có núi, có rừng và những con thác dữ tợn ngày đêm cuộn nước. Hồ Lắk êm đềm và bình yên lắm, cuộc sống của buôn làng nơi đây trôi qua một cách chậm rãi và nhẹ nhàng.
Cưỡi voi trên hồ Lăk
Tây Nguyên đất đỏ hôm nay, dấu vết của chiến tranh tàn phá vẫn còn tồn tại, nhưng cuộc sống đã khá hơn xưa rất nhiều. Dạo bước về qua Kon Tum, vẫn mái nhà Rông oai hùng, vẫn nhà thờ Gỗ thiêng liêng, có chút bồi hồi và lưu luyến khi về lại nơi đây.
Nhà Rông và nhà thơ Gỗ Kon Tum
Và còn biển hồ Tơ Nưng trong vắt, xanh êm một màu lục đẹp như tranh vẽ. Nơi này trước kia là một miệng núi lửa, nhưng đã ngừng hoạt động cách đây từ trăm triệu năm trước và giờ đây trở thành linh hồn của Pleiku. Với những rặng thông bạt ngàn bao phủ xung quanh, nơi đây còn biết bao điều kỳ diệu mà đất mẹ và thiên nhiên đã ưu ái ban tặng. Tây Nguyên vẫn sẽ tồn tại muôn đời qua lịch sử, qua từng câu hát, và qua cả tấm lòng của những người con núi rừng đã gửi gắm lại.
Biển hồ Tơ Nưng