Thái Trinh từng bị bạn bè xa lánh sau hiện tượng “The show”
Bạn í chia sẻ rất nhiều điều với chúng tớ về cuộc sống hiện tại nhá!
Hẹn gặp Thái Trinh vào một buổi trưa sau giờ tan học, chúng tớ đã có một buổi trò chuyện khá thú vị với bạn í về những cuộc sống hiện tại cũng như chia sẻ niềm vui khi Thái Trinh vừa nhận được hai giải thưởng khá quan trọng của Bài Hát Việt 2011 là giải triển vọng và giải do hiệp hội ghi âm bình chọn.
Chào Thái Trinh, sau khi nhận được cú đúp hai giải thưởng ở Bài hát Việt 2011 thì Trinh chia sẽ niềm vui này cho ai đầu tiên?
Đó là gia đình của Trinh, những người luôn theo sát, ủng hộ để mình có thể theo đuổi và thực hiện ước mơ. Trinh tham gia bất kì cuộc thi nào, gia đình cũng ủng hộ, có những khi công việc nhiều quá, không thể làm xuể thì gia đình sẽ hỗ trợ. Sau đó là những người bạn, họ cũng chia sẻ và ủng hộ cho Trinh rất nhiều.
Sau hiện tượng “ The show” tại sao bây giờ Thái Trinh mới trở lại với khán giả?
Bởi vì khi ca khúc The show được nhiều khán giả quan tâm lúc ấy Trinh chỉ mới học lớp 11, sự nổi tiếng đến với mình quá nhanh khiến Trinh hơi e ngại, không biết rằng có nên bước tiếp hay không. Trinh đã dùng dằng giữa việc lặng đi, bước chậm lại hay vội vã nắm bắt cơ hội. Điều đó cũng giống như là khi bạn bước vào một kho báu, thấy có rất là nhiều vàng bạc đá quí, rất muốn chạm đến nhưng lại sợ có bẫy. Thế là Trinh quyết định dừng lại và tập trung 100% cho việc học. Trinh cũng muốn trong thời gian nghỉ ngơi đó cho mình một khoảng thời gian suy nghĩ để biết rằng con đường đó có thực sự dành cho mình không.
Nghe Thái Trinh nói có vẻ như sau thành công bất ngờ của “The show” cuộc sống của bạn gặp nhiều xáo trộn?
Chắc chắn là có rất là nhiều xáo trộn nên Trinh cũng trở nên khép kín hơn, kể cả nhận show và các mối quan hệ. Nó có ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của một cô bé mới 16 tuổi lúc đó như Trinh, nhưng chỉ về cuộc sống và giao tiếp bạn bè thôi chứ không có ảnh hưởng đến việc học.
Video đang HOT
Bỗng nhiên nổi tiếng, Trinh đã phải đối diện với rất nhiều thứ, bị nói xấu hay nhận được những thông tin không tốt về mình trong lớp. Nhưng nó chỉ xảy ra ở lớp 11, đến năm 12 thì Trinh chuyển lớp và có những mối quan hệ mới. Bạn bè lúc đó rất tốt với Trinh và mình đã có rất nhiều kỉ niệm đẹp khi chia tay thời học sinh.
Vậy khoảng thời gian đó ngoài việc học, Thái Trinh không theo đuổi đam mê ca hát nữa sao?
Hạn chế trong việc nhận show, Trinh chỉ biểu diễn ở các phòng trà của những người quen. Một phần Trinh không muốn vì sự không hòa nhập được của mình mà từ bỏ đam mê ca hát, phần khác Trinh cũng muốn nhân đây tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để đến khi mình quyết định theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp thì mình sẽ đủ lực. Và Bài hát Việt là bước ngoặc để Thái Trinh thực hiện đam mê của mình.
Có người nhận xét rằng bây giờ Thái Trinh rất khác, đã biết điệu đà và ra dáng sao rồi?
Bởi vì khi học cấp 3 thì nhà trường không cho nhuộm tóc, với lại gia đình của Trinh rất nghiêm khắc, Trinh cũng rất muốn điệu đấy chứ nhưng chỉ trong phạm vi cho phép thôi. Bình thường thì nhìn Trinh rất là giản dị, không make-up hay trau chuốt gì nhiều đâu, vì Trinh cảm thấy như vậy rất là gò bó và thiếu tự nhiên. Còn khi đứng trên sân khấu thì mình phải tôn trọng khán giả và phải làm thế nào cho nó phù hợp với phong cách, với bài hát. Sau 2 năm thì quan niệm của Trinh cũng thay đổi, hơn nữa Trinh cũng đã 18 tuổi rồi, không phải đủ lớn để diện đồ sexy này nọ nhưng Trinh cũng không thể nào như một đứa thiếu nhi cột tóc hai chùm lên sân khấu được (cười).
Hiện tại, lịch một ngày của Trinh được sắp xếp như thế nào?
Hầu hết thời gian Trinh dành cho việc học ở trường. Dù lịch học của Trinh không hẳn là dày đặc nhưng lại không thống nhất trong ngày nên Trinh phải sắp xếp công việc rất nhiều. Trinh có quản lý riêng để giúp Trinh trên con đường ca hát, sắp xếp lịch và biết về mặt chuyên môn cũng như am hiểu thị trường âm nhạc nên mọi chuyện cũng ổn.
Tại sao Thái Trinh không nghĩ đến việc chọn một trường đào tạo nghệ thuật khi thi đại học?
Trước đây gia đình hướng Trinh theo ngành y, ở nhà Trinh có rất là nhiều sách về nghiên cứu y khoa. Tuy nhiên thế mạnh của Trinh là các môn xã hội nên Trinh không thể theo được và hiện thì Trinh đang theo học ngành truyền thông thương mại. Trinh thấy nó cũng cần thiết cho công việc của mình sau này, không hẳn phải học một trường chuyên nghiệp về nghệ thuật. Trinh học ngành truyền thông sau này có thể biết cách lên kế hoạch cho những dự án âm nhạc của mình chẳng hạn (cười).
Nghe nói Thái Trinh từng không được gia đình ủng hộ trong việc ca hát? Bạn đã thuyết phục người nhà như thế nào?
Lúc trước khi biết Trinh đam mê ca hát thì ba rất nghiêm khắc, cho đó là nghề “xướng ca vô loại”, tuy nhiên dần dần Trinh cũng đã chinh phục được ba. Nhất là đến trong chương trình Bài hát Việt, Trinh mời ba đến xem để nghe những tâm sự, chia sẻ thông qua các bài hát tham gia chương trình. Trở về ba nói với Trinh đây là con đường của con chọn, thứ nhất con phải có trách nhiệm với nó, thứ hai là một ca sỹ con hãy là một ca sỹ trong giới trí thức. Vì vậy, bên cạnh việc học văn hóa ở trường, Trinh còn học thêm tiếng Pháp và học đàn violin nữa.
Định hướng âm nhạc sắp tới của Thái Trinh như thế nào? Trinh có sợ bị so sánh với anh chị đi trước không, điển hình là Lê Cát Trọng Lý ?
Trinh đã định hình riêng cho mình một phong cách phù hợp nhưng không có định hướng cụ thể về thể loại nhạc, vì âm nhạc rất rộng lớn, nếu mình chỉ định hình duy nhất một thể loại thì nó rất tiếc và phí. Trinh chọn phong cách âm nhạc của mình là tự nhiên, mộc nghĩa là Trinh sẽ gắn liền với nhạc cụ.
Trinh không sợ bị so sánh, vì chị Lý có định hướng về thể loại và phong cách riêng rồi. Trinh có một sự trùng hợp với chị Lý là đều là con gái và biết chơi đàn, đó là phong cách âm nhạc, còn thể loại nhạc thì Trinh chọn theo thế mạnh của mình, nếu đã nghe bài hát Đứng yên của Trinh, nhất là đối với giới chuyên môn thì sẽ hiểu được phong cách âm nhạc của Trinh như thế nào.
Trinh sẽ cho ra một single gồm hai ca khúc, trong đó có ca khúc Đứng yên đã được giới thiệu ở Bài hát Việt và một ca khúc nữa Trinh chuẩn bị thu âm. Bên cạnh đó, trong năm nay Trinh sẽ ra một album online bao gồm các bài hát cover và một vài MV để gửi tặng khán giả.
Cám ơn Thái Trinh và chúc cho sản phẩm âm nhạc của Thái Trinh sẽ được khán giả đón nhận!
Theo PLXH
"FaceBook có Hội những người không hiểu Lý hát gì, tôi cũng không phàn nàn"
Trẻ, xinh xắn, hát hay là những gì người ta nói về Lê Cát Trọng Lý.
Sở hữu hai giải thưởng được xem là danh giá nhất hiện nay - Bài hát Việt (giải Ca khúc của năm 2008 với bài Chênh Vênh), Cống hiến (giải nhạc sĩ của năm 2010), hàng chục tác phẩm được đánh giá cao cùng một lượng fan không nhỏ cả nước và ngoài nước, có vẻ như Lê Cát Trọng Lý đã có đầy đủ những điều kiện cần thiết để bước trên vị trí ngôi sao.
Thế nhưng, cô vẫn thầm làm việc sớm tối đi về với những sân khấu nho nhỏ từ vài chục tới vài trăm khán giá. Hỏi, cô nói: "Tôi không đi tìm khán giả", nhưng vẫn khẳng định: "Tôi không muốn chia sẻ âm nhạc với tất cả mọi người".
Nhận kỷ niệm chương và giấy chứng nhận Nhạc sĩ của năm trong lễ trao giải Cống hiến tối 5/4 tại Nhà hát Thành phố (Tp. HCM), Lý bất chợt lóng ngóng đến tội nghiệp so với chỉ vài phút trước đó, khi cô ôm đàn hát Chênh vênh. Giữa sân khấu rộng, cô cứ đứng nhìn xuống (may mà chưa gãi đầu như ở vài nơi khác), phân vân giữa việc đi vào hay làm gì tiếp theo. Khán giả, vốn đã quen với kiểu cách của các "lễ trao giải" vẫn lặng yên chờ đợi, rồi vỗ tay khuyến khích, càng khiến Lý bối rối hơn. Đến khi MC giục nói vài lời thì Lý... "Em xin lỗi! Em không được chuẩn bị để nói nên... không biết phải nói gì".
Đó không phải là lần đầu tiên cô xin lỗi khán giả ngay trên sân khấu. Đêm nhạc Acoustic tại phòng trà WE trung tuần tháng Ba vừa qua, Lý cũng xin lỗi khán giả vì: "Em đã chuẩn bị bài hát mới để hát cho mọi người nghe. Bài hát cần có phần đệm piano nhưng (chép miệng, lắc đầu) bạn chơi piano vẫn chưa tới nên thôi giờ em hát bài khác vậy". Những nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm sân khấu thường sẽ không ứng xử như cô mà chỉ việc thản nhiên giới thiệu bài hát tiếp theo rồi lại tiếp bài hát khác cho đến khi nhạc công đến. Song chính từ câu xin lỗi ấy người ta có thể nhìn thấy ở Lý sự chân thành hiếm có trong làng văn nghệ.
Cô không dùng kỹ năng nghề nghiệp mà đang trò chuyện, tâm sự với bạn bè. Cả khi nói về tác phẩm sắp trình bày, Lý cũng không theo khuân mẫu: "Và sau đây là một sáng tác của..." mà cho biết: "Bài em sắp hát có một câu không phải tiếng Việt, không phải tiếng Anh, cũng không phải tiếng gì hết mà em... chế". Và cô bắt đầu ca khúc Chuyến xe của mình bằng "pà tun bì đa la kha ma ta ri đa" - một "câu kinh" nửa như trong Ẩn giáo, nửa như trong Phật giáo Tây Tạng - tôn giáo mà Lý thừa nhận là rất thích vì sự bình yên của nó. Lý kể, mỗi khi rảnh rỗi, cô thường đọc sách Phật giáo, tìm gặp các vị sư để trò chuyện. Cũng có thể đó là lý do khiến nhạc của cô luôn phảng phất triết lý thiền, về có - không, còn- mất, về hành trình kiếm tìm hạnh phúc của từng cá nhân.
Từng có một nhà báo so sánh Lê Cát Trọng Lý với Trịnh Công Sơn và rằng cô là người hát đồng dao thú vị nhất hiện nay. Tất nhiên đó là nhận xét hơi khoa dại, song như nhạc sĩ Trần Huân thừa nhận: "Âm nhạc Lê Cát Trọng Lý rất Tây, dù mộc mạc. Riêng ca từ, cách hát lại đậm màu sắc Phương Đông".
Nhiều năm mê mẩn theo học violon tại nhạc viên TP. HCM đã cho cô một nền tảng âm nhạc cổ điển châu Âu vững chắc nên cũng không ngạc nhiên lắm khi Lý chủ yếu dùng violon, piano, guitar để trình tấu tác phẩm. Cái sự Tây trong nhạc Lê Cát Trọng Lý cũng giúp các ca khúc của cô gần gũi, dễ cảm hơn với tai nghe khán giả nước ngoài. Những lời khen ngợi của bạn bè quốc tế dành cho Lý khi cô hát ở Trung tâm văn hóa Pháp (L' Espase) hay khi cô biểu diễn tại Na Uy, các đêm nhạc phòng trà phải đâu chỉ vì cô nhỏ nhắn, xinh đẹp. Ca sĩ Lee Kirby (Anh Quốc) khi quyết định viết lời Anh bản Chênh vênh để biểu diễn trong dự án "Trà đá với Lee Kirby" tại Việt Nam cũng chỉ vì mến mộ tài năng của Lý bên cạnh sự tương đồng trong âm nhạc.
Song nhạc Tây chỉ là cái nền để tôn vinh hồn Việt, Lý đặt vào tác phẩm cảm thức của một cô gái Á Đông nhiều khát khao bùng cháy nhưng vẫn cứ hoang mang, lạc lõng. Với nhiều bạn gái trẻ đang bước vào đời, đang bắt đầu yêu, Lý đã nói thay đổi lòng của họ.
Còn rất trẻ, nhưng sáng tác lại chứa đầy thân phận, cô đơn... Có bao giờ Lý lo rằng những điều đó sẽ vận vào chính mình?
- Vận vào là nói cái gì đó từ bên ngoài đi vào mình, còn cảm xúc của tôi là từ chính tôi thể hiện ra nên làm sao còn vận vào được nữa. Nó đã có sẵn vậy rồi mà. Hơn nữa, nếu đó đã là số phận thì mình có thể tránh được sao? Thế thì ta cứ chấp nhận những gì mà cuộc sống mang đến, cố gắng thích ứng với nó, vui với nó, thưởng thức nó thì mình sẽ vui vẻ, thoải mái hơn.
Các tác giả nữ thường mang bản thân vào tác phẩm, tôi tạm gọi đó là "ăn" chính mình. Lý có thế không? Nếu chẳng may Lý "ăn" hết vốn thì sao?
Đúng là tác giả nữ thường có khuynh hướng như thế, nhưng tôi không "ăn" mình. Những gì tôi viết ra chỉ có một phần nhỏ của tôi, phần lớn còn lại là nhờ tích lũy được từ cuộc sống, từ những người xung quanh. Nhiều thứ có thể sử dụng được ngay, nhưng nhiều thứ khác thì vẫn phải chờ chín muồi.
Thực ra, bài hát của tôi không phải những câu chuyện có đầu có đuôi mà là các mảnh cảm xúc khác nhau. Mà cảm xúc thì vô chừng lắm, gọi là bất tận cũng đúng nên tôi không ngại chuyện một ngày mình hết vốn, chỉ ngại mình đánh mất cảm xúc, đánh mất đam mê thôi.
Tôi vẫn không hiểu sự mâu thuẫn giữa việc Lý muốn chia sẻ tác phẩm với tất cả mọi người nhưng lại không đi tìm họ...
Tôi biết khán giả của mình lúc nào sẽ có mặt ở đâu mà tìm? Tuy nhiên, tôi cũng chưa từng nói rằng mình sáng tác chỉ cho bản thân hoặc cho một cộng đồng nhỏ những người yêu mến mình. Vì muốn chia sẻ với tất cả tôi cứ đi. Đi từ Nam ra Bắc, ra cả nước ngoài. Khán giả muốn gặp tôi sẽ luôn biết ở đâu. Nhưng nói chung cũng phải tùy duyên nữa. Có duyên thì chắc chắn sẽ gặp mà!
Có phải đó là do Lý từ chối xuất hiện ở một số nơi?
Tôi biết rất nhiều nghệ sĩ tận dụng mọi cơ hội để đến với khán giả. Nhưng tôi coi trọng sự cần thiết hơn. Chẳng hạn, có một số nơi mượn tiếng từ thiện mời tôi đến diễn chỉ là vì muốn có Lê Cát Trọng Lý, vì một số lý do cũng không tiện nói, trong khi thật ra bất kỳ ca sĩ nào cũng có thể làm được. Ngược lại, ví dụ thôi nhé, bà của anh đang bệnh và rất muốn nghe Lý hát một lần, thì tôi sẵn sàng đến hát để bà vui. Một số bạn khác nhờ làm nhạc thì tôi làm. Nói chung, không phải là mình xuất hiện bao nhiêu lần, trước bao nhiêu người mà quan trọng là sự xuất hiện lại điều gì tích cực cho ai. Chắc chắn trong số các nghệ sĩ, có nhiều người cũng nghĩ như tôi vậy.
Trên Blog của Lý nhiều năm trước, tôi đọc thấy Lê Cát Trọng Lý đã kết hôn. Là sao nhỉ?
Hồi đó, tôi mới 18 tuổi, còn nhỏ xíu mà đi thi hát nên mọi người mới bày ghi tình trạng hôn nhân là đã kết hôn. Ngày xưa, ba tôi cũng đi hát nên ông không muốn con gái theo con đường "xướng ca vô loài" nhiều cám dỗ, lắm thị phi này. Tôi phải tranh đấu dữ lắm mới theo nghiệp hát được, nhưng tất nhiên để đổi lại thì mình càng phải thận trọng để đừng làm ba mẹ phiền lòng. Tôi có người yêu, chỉ là phải ở xa nhau thôi.
Tôi hơi ngạc nhiên vì so với lúc Lý đứng trên sân khấu Cống hiến 2010 nhận giải Nhạc sĩ của năm, Lê Cát Trọng Lý lúc này hoạt bát hơn hẳn?
Tôi rất ngại phải nói điều gì đó trước đông người, bởi những gì muốn nói thì đã nói trong nhạc rồi. Chúng ta thường cố gắng trò chuyện để hiểu nhau, nhưng trong nhiều trường hợp vẫn chẳng hiểu nhau được mấy. Có những người ở bên mình đã lâu, tưởng là rất hiểu mình, nhưng rồi một ngày phát hiện ra là người ta vẫn chẳng hiểu gì cả. Những lúc như thế, tôi có cảm giác rất lạ - người ta vẫn là bạn thân, nhưng lại quá xa lạ. Như khi một người nghe tôi hát, chắc chắn điều người đó cảm nhận và hiểu không giống cái trong đầu tôi.
Nhưng như thế chẳng phải là "bất đồng ngôn ngữ" sao?
Có quan trọng gì đâu. Người nghe hãy cứ hiểu điều họ muốn hiểu, miễn là điều đó tích cực cho cuộc sống. Trên mạng FaceBook có Hội những người không hiểu Lý hát gì, tôi cũng không phàn nàn. Có những người bảo nghe nhạc tôi vài bài sẽ mệt, nhưng cũng có người khác bảo nhạc của tôi càng nghe càng thấm. Ta không thể bắt người khác yêu mình, cũng không thể đúc khuôn suy nghĩ của mọi người nên hãy cứ chấp nhận sự đa dạng của mọi người nên hãy cứ chấp nhận sự đa dạng của cuộc sống. Sự phong phú đó thú vị đấy chứ!
Theo 2Sao
Mai Khôi khoe hình xăm ở lưng Diện chiếc áo ren khoét sâu phần lưng trong một sự kiện tại Hà Nội tối 1/4, Mai Khôi để lộ hình xăm hình nữ nhân mã với đôi cánh thiên thần, đang giương cung tên bắn thẳng lên trời. Cô ca sĩ - nhạc sĩ này còn có hình xăm độc đáo quanh vòng eo. Dù không mặc trang phục xẻ sâu...