Thái Nguyên ban hành công điện khẩn chủ động ứng phó diễn biến mưa lũ
Ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã ban hành công điện khẩn về chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất, gửi tới các sở, ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp trên địa bàn 9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Nhiều tuyến phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Quân Trang/TTXVN
Công điện nêu rõ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu tổ chức lực lượng khắc phục ngay tình trạng ngập úng; triển khai các phương án phòng chống lũ, ngập úng đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt là các công trình xây dựng đang thi công liên quan đến đê, kè, cống qua đê, hồ, đập, cầu tràn qua suối, cầu qua sông, các bãi thải khoáng sản; các khu vực, vị trí đã xuất hiện nứt, sụt lún, sạt lở đất như khu vực sạt lở xóm Yên Thái, xã Tân Thái huyện Đại Từ; xóm Nà Lay, xã Sảng Mộc huyện Võ Nhai…
Các đơn vị bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò, cầu tràn, ngầm tràn… để hướng dẫn người, phương tiện qua lại; nghiêm cấm việc vớt củi, các vật trôi trên sông khi đang có lũ; yêu cầu các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ở ven sông, suối, chủ đầu tư, đơn vị thi công trên các khu vực khai thác khoáng sản chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; triển khai phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa nước; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn hồ, đồng thời chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở hạ du các công trình.
Trước đó, như tin đã đưa, từ tối 9/9 đến sáng 10/9, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có mưa to đến rất to, lượng mưa bình quân 150 mm, kèm lốc, sét. Lượng mưa lớn nhất đo được tại thành phố Thái Nguyên là 243 mm, hồ Núi Cốc – huyện Đại Từ là 270 mm, huyện Võ Nhai 169 mm, xã Điềm Mạc – huyện Định Hóa là 134 mm, huyện Phú Bình 145 mm… đặc biệt tại xã Phúc Trìu (thành phố Thái Nguyên), lượng mưa đo được lên đến 361 mm…
Thiên tai đã làm 3 người chết, 1 người bị thương nhẹ tại tổ 5 phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên (do bị tường rào của Nhà máy Cơ khí 19/5 đổ đè vào). Ngoài ra, mưa lớn cũng làm gần 1.100 ngôi nhà bị ngập, 2 nhà bị hư hỏng, khoảng 670 ha lúa ngập, 4 con bò bị chết, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, chia cắt. Đặc biệt, Trạm biến áp 110kV Đán tại thành phố Thái Nguyên bị ngập dẫn đến mất điện toàn khu vực. Ngoài ra, khoảng 40 ô tô bị hư hỏng do ngập trong nước.
Chiều tối 10/9, tình hình ngập úng tại khu vực thành phố Thái Nguyên đã được khắc phục, tuy nhiên, mực nước trên các sông, suối tại cầu Gia Bảy, hồ Núi Cốc đang dâng lên nhanh, xấp xỉ mức báo động 1. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, đợt mưa này có khả năng kéo dài đến hết ngày 12/9, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 1.
Theo Thu Hằng (TTXVN)
Đề nghị Trung ương hỗ trợ 484 tỷ đồng khắc phục hậu quả lũ lụt
Ngày 10/9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả lũ lụt.
Đợt mưa lũ này, Quảng Bình có 11.021 ngôi nhà bị ngập và hư hỏng. Ảnh: Duy Hưng
Tỉnh Quảng Bình đề nghị Trung ương hỗ trợ tổng cộng 484 tỷ đồng, gồm: Mua hóa chất Chlorine hoặc TAC xử lý, đảm bảo nước sạch cho nhân dân sinh hoạt (4 tỷ đồng); nạo vét khẩn cấp cửa sông Nhật Lệ và Sông Gianh để cho tàu thuyền ngư dân ra vào cảng an toàn (50 tỷ đồng); đầu tư xây dựng khu neo đậu, tránh trú cho tàu cá khu vực Bắc Sông Gianh (350 tỷ đồng); sửa chữa, khôi phục các công trình giao thông, trường học, trạm y tế và các công trình phúc lợi (80 tỷ đồng).
Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình còn đề nghị hỗ trợ một số loại phương tiện, vật tư, hóa chất và vắc xin như: 100 máy phun tiêu độc khử trùng; 100 tủ lạnh để bảo quản vắc xin; 40 tấn hóa chất Han Iodine hoặc Bencocide để xử lý môi trường phục vụ chăn nuôi; 40 tấn hóa chất Chlorine để xử lý môi trường thủy sản; 1.300.000 liều vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn, cúm gia cầm và phòng bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò; đề nghị hỗ trợ trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ...
Đợt mưa lũ từ ngày 30/8 đến 5/9/2019 đã gây thiệt hại to lớn về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Tổng cộng có 4 người chết, 29 người bị thương; 11.021 nhà và gần 1.500 lúa, hoa màu, rau màu, cây trồng cây lâu năm bị hư hỏng và ngập; 30.452m đường giao thông và 30.100m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng... Thiệt hại ước tính đến thời điểm này là khoảng 411,196 tỷ đồng.
Duy Hưng
Theo Thanhtra
Nông dân "chết lặng" nhìn lúa nảy mầm trắng xóa sau lũ Không chỉ lúa ngoài đồng mà lúa được thu hoạch về nhà trước mưa lũ cũng nảy mầm trắng xóa khiến nông dân chết lặng. Cơn lũ dữ đã qua, nước đã rút, tận dụng lúc thời tiết nắng ráo, người dân trên địa bàn Hà Tĩnh tranh thủ ra đồng để thu hoạch những gì còn sót lại của vụ lúa hè...