Thai ngoài tử cung: Nguy hiểm đến khả năng làm mẹ và tính mạng
Theo TS Vũ Bá Quyết – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mang thai ngoài tử cung là biến chứng sản khoa thường gặp trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Việc nhận biết sớm dấu hiệu mang thai ngoài tử cung giúp chị em xử lý kịp thời để đảm bảo sức khỏe sinh sản và tính mạng của mình.
Mang thai ngoài tử cung là trường hợp thai không nằm trong buồng tử cung mà nằm ở các vị trí bên ngoài tử cung như ở vòi trứng, cổ tử cung, buồng trứng, ổ bụng, nhưng hay gặp nhất là thai nằm ở vòi trứng.
Trong quá trình diễn ra sự thụ tinh có hàng triệu tinh trùng được phóng vào âm đạo nhưng chỉ có một tinh trùng khỏe mạnh nhất mới có thể gặp trứng để tạo nên hợp tử. Hợp tử tự nhân đôi và di chuyển qua ống dẫn trứng về làm tổ trong buồng tử cung.
Vì một lý do nào đó, quá trình di chuyển của hợp tử bị trục trặc, ách tắc giữa đường đi nên đành phải phát triển tại nơi ách tắc (thường là vòi trứng). Đây không phải là nơi an toàn để phôi thai phát triển và khi phôi thai càng lớn khiến vòi trứng phải căng ra, đến khi bị vỡ, máu chảy vào ổ bụng sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ. Theo thống kê 1.000 phụ nữ mang thai có khoảng 4-5 người mang thai ngoài tử cung.
Cũng theo TS Quyết, nguyên nhân hàng đầu khiến thai phụ mang thai ngoài tử cung là viêm nhiễm vòi trứng, viêm vùng chậu do mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, chlamydia hoặc do nạo phá thai.
Ngoài ra, có thể còn do tắc, hẹp vòi trứng bẩm sinh, mắc các bệnh u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, hậu quả của việc từng phẫu thuật vòi trứng… Phụ nữ nghiện thuốc lá, sống lâu dài trong môi trường có khói thuốc lá, cũng có nguy cơ cao bị chửa ngoài tử cung. Lí do, chất độc nicotin trong khói thuốc phá hủy các nhung mao trên thành ống dẫn trứng, giảm cử động vòi trứng khiến quá trình hợp tử di chuyển về tử cung khó khăn.
Dấu hiệu nhận biết và đề phòng
Thai ngoài tử cung rất nguy hiểm có thể gây biến chứng đến sức khỏe sinh sản về sau, thậm chí là tử vong. Do vậy, chị em cần nhận biết dấu hiệu mang thai ngoài tử cung sớm để xử lý kịp thời.
Thông thường sau 5-10 ngày quan hệ tình dục, quá trình thụ thai diễn ra, thai đã làm tổ trong buồng tử cung. Vì vậy, nếu có dấu hiệu mang thai nhưng siêu âm thai vẫn chưa thấy hình ảnh túi thai, cần xem xét đến việc mang thai ngoài tử cung.
Thai ngoài tử cung thường có dấu hiệu ra máu âm đạo bất thường. Đây là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của mang thai ngoài tử cung. Việc ra máu chút ít ở “ vùng kín” đôi khi chị em không để ý hoặc nhầm tưởng là dấu hiệu có thai chứ không nghĩ là cảnh báo sảy thai hay mang thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, khi ống dẫn trứng bị vỡ, bạn sẽ bị xuất huyết âm đạo ồ ạt.
Nếu bạn có thai kì bình thường, lượng HCG sẽ tăng dần theo tuổi thai nhưng nếu qua dụng cụ thử thai lại thấy mức độ HCG tăng chậm hoặc đứng yên thì là dấu hiệu cảnh báo chửa ngoài tử cung. Đây lý do vì sao một số chị em cảm nhận bản thân có dấu hiệu mang thai nhưng thử thai lại không thấy 2 vạch.
“Chị em đau bụng dữ dội một bên kèm theo chảy máu âm đạo, cũng cần nghĩ tới dấu hiệu mang thai ngoài tử cung”, TS Vũ Bá Quyết cho biết thêm.
Đau bụng dữ dội một bên có thể là dấu hiệu của mang thai ngoài tử cung
Để hạn chế chửa ngoài tử cung, chị em nên thường xuyên vệ sinh “vùng kín”, đặc biệt trong kì kinh nguyệt, sau quan hệ tình dục, khi đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa, sau sinh nở, tránh viêm nhiễm phụ khoa. Khi có dấu hiệu bị bệnh, cần sớm thăm khám để xử trí kịp thời.
Trường hợp phụ nữ từng có thai ngoài tử cung, cần thông báo cho bác sĩ trước khi có ý định mang thai vì có nguy cơ bị tái lại cao hơn người bình thường. Những trường hợp này cần được tư vấn, theo dõi chặt chẽ khi mang thai kì.
Theo các chuyên gia y tế, không phải tất cả trường hợp mang thai ngoài tử cung đều phải phẫu thuật. Nếu được phát hiện sớm, khối thai vỡ, kích thước nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc giúp khối thai tự tiêu. Còn nếu thai có kích thước lớn (thường là trên 3cm) sẽ được phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở.
Nếu chần chừ, thai ngày càng phát triển khiến người mẹ khó thở, mệt mỏi, đau bụng dữ dội do khối thai vỡ, máu chảy vào ổ bụng. Vì thế, khi chửa ngoài tử cung, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám và điều trị. Sau điều trị thai ngoài tử cung, phụ nữ nên áp dụng biện pháp tránh thai từ 6-12 tháng để các chức năng sinh sản hồi phục trở lại.
Video đang HOT
Mai Anh
Theo phunuvietnam.vn
Các triệu chứng mang thai theo từng ngày sau khi rụng trứng
Đối với những người đang muốn có thai, những ngày sau rụng trứng đánh dấu hai tuần chờ đợi vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, biết những gì đang xảy ra trong cơ thể, cũng như các triệu chứng mang thai điển hình xảy ra qua từng ngày sau khi rụng trứng có thể làm cho việc chờ đợi dễ dàng hơn một chút.
Nhiều người tự hỏi liệu mỗi cơn co thắt và đau có thể là dấu hiệu mang thai hay không. Tuy nhiên, các triệu chứng sớm của thai kỳ thường rất giống với triệu chứng của kinh nguyệt sắp xảy ra. Một số, như đau và nhức cơ, cũng là một phần của cuộc sống hàng ngày.
Không thể biết chắc liệu ai đó có mang thai hay không cho đến khi có xét nghiệm xác nhận. Ngoài ra, các triệu chứng mang thai, và thời điểm chúng xảy ra, rất khác nhau giữa mỗi người.
Dưới đây là những gì sẽ xảy ra trong cơ thể xung quanh khoảng thời gian rụng trứng, và những dấu hiệu ban đầu mà mọi người có thể nhận thấy trong những ngày sau khi rụng trứng.
Các triệu chứng qua từng ngày sau khi rụng trứng
Ngày 0-7 sau rụng trứng
Rụng trứng là thời điểm khi buồng trứng giải phóng một trứng.
Ngay khi buồng trứng giải phóng một quả trứng, pha hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Pha hoàng thể sẽ kết thúc bằng kinh nguyệt, trừ khi mang thai xảy ra.
Mọi người sẽ không gặp bất kỳ triệu chứng mang thai nào trong phần đầu của pha hoàng thể. Điều này là do thai nghén không xảy ra cho đến khi trứng được thụ tinh làm tổ trong thành tử cung.
Trong pha hoàng thể, cơ thể sản sinh nhiều progesterone hơn, một loại hoóc-môn giúp duy trì thai kỳ sớm. Mức progesterone đạt đỉnh điểm vào 6-8 ngày sau khi rụng trứng ngay cả khi người đó không mang thai.
Mức progesterone có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và cơ thể của một người - nghĩa là sau một tuần hoặc hơn, người phụ nữ bắt đầu mang thai có thể gặp các triệu chứng tương tự như trước kì kinh.
Khi trứng thụ tinh đến tử cung, nó sẽ tự "vùi" vào trong thành tử cung. Điều này được gọi là làm tổ và đánh dấu sự khởi đầu của thai kỳ. Làm tổ thường xảy ra 6 đến 12 ngày sau khi thụ tinh.
Đây là thời điểm mà người phụ nữ có thể bắt đầu thấy các triệu chứng mang thai, bao gồm:
đau vú
chướng bụng
thèm ăn
tăng độ nhạy cảm của núm vú
nhức đầu và đau cơ
Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể xảy ra ở những người không mang thai. Nguyên nhân là do mức tăng progesterone ở giai đoạn cuối của chu kỳ kinh nguyệt.
Ngày 7-10 sau khi rụng trứng
Khi trứng thụ tinh tự làm tổ trong tử cung, khoảng một phần ba số người sẽ thấy ra máu nhẹ, hoặc chấm máu, được gọi là ra máu khi trứng làm tổ.
Tình trạng này chỉ kéo dài một hoặc hai ngày và rất ít. Ra máu khi trứng làm tổ là một trong những dấu hiệu sớm nhất của thai kỳ vì nó xảy ra vào khoảng thời gian người đó mang thai.
Tuy nhiên, ngay cả khi nhận thấy ra máu trong khoảng thời gian trứng làm tổ, xét nghiệm thai vẫn có thể âm tính. Người đó có thể bị sẩy thai rất sớm, gọi là mang thai hóa học, hoặc ra máu có thể do nguyên nhân khác.
Khi trứng làm tổ, cơ thể bắt đầu tạo ra một hoóc-môn mang thai gọi là gonadotropin màng đệm của người (hCG). Được gọi là hoóc-môn mang thai, hCG, cùng với progesterone và estrogen, chịu trách nhiệm cho các triệu chứng sớm của thai kỳ. Nó cũng là hoóc-môn mà các xét nghiệm mang thai sẽ xác định.
Tuy nhiên, có thể mất vài ngày để hCG đạt đến mức có thể phát hiện được, vì vậy các xét nghiệm thai có thể không phát hiện được hoóc-môn và các triệu chứng có thể không diễn ra ngay lập tức.
Ngày 11-14 sau rụng trứng
Một vài ngày sau khi trứng làm tổ, nồng độ hCG có thể đủ cao để gây ra các triệu chứng thai kỳ sớm. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn của kinh nguyệt khi một người dễ gặp các triệu chứng báo hiệu kinh nguyệt sắp xảy ra nhất.
Những phụ nữ biết rõ cơ thể của mình thường như thế nào mỗi tháng có thể xác định tốt hơn các triệu chứng của mình là do mang thai hay do kinh nguyệt.
Một số triệu chứng khác của thai kỳ sớm bao gồm:
núm vú sẫm màu
mệt mỏi
thèm ăn hoặc đói tăng lên
tăng nhu cầu đi vệ sinh
thay đổi tiêu hóa, chẳng hạn như đau bụng hoặc tiêu chảy
Cho đến thời điểm thấy có những triệu chứng thai kỳ sớm, có thể nồng độ hCG đủ cao để xét nghiệm thai cho thấy có thai. Tuy nhiên, mức độ hCG là khác nhau, vì vậy điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Những triệu chứng sớm phổ biến khi mang thai
Buồn nôn là triệu chứng phổ biến khi mới bắt đầu có thai.
Khi thai kỳ tiến triển và nồng độ hCG tăng lên cao hơn, nhiều người bắt đầu bị nhiều triệu chứng hơn. Một số triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
chóng mặt hoặc choáng váng do sự thay đổi nội tiết tố và những thay đổi về huyết áp và nhịp tim
buồn nôn, đặc biệt khi đói
nôn
đặc biệt sợ một số loại thực phẩm hoặc mùi
thay đổi về khứu giác
mệt mỏi
chướng bụng và giữ nước
Cho dù một người đang cố gắng mang thai hoặc cố gắng tránh mang thai, việc chờ đợi hai tuần có thể khá là bực bội.
Một số người theo dõi sự rụng trứng bằng cách tìm ra các triệu chứng thể chất hoặc sử dụng các xét nghiệm rụng trứng. Điều quan trọng cần lưu ý là cách duy nhất để phát hiện sự rụng trứng là thông qua xét nghiệm y khoa.
Tuy nhiên, các test rụng trứng tại nhà có thể gây hiểu lầm, đặc biệt nếu người đó có những tình trạng bệnh ảnh hưởng đến sự rụng trứng.
Không có triệu chứng đơn thuần nào có thể xác nhận sớm việc có thai, và nhiều người không có các triệu chứng sớm của mang thai. Cách duy nhất để xác định có thai hay không là thông qua xét nghiệm.
Cẩm Tú
Theo Dân trí
Nguyên nhân mang thai ngoài tử cung mẹ cần biết Mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm cho cả mẹ và em bé. Vì vậy bạn cần chú ý những nguyên nhân mang thai ngoài tử cung để phòng tránh kịp thời. Mang thai ngoài tử cung như thế nào Thông thường, trứng sau khi được thụ tinh sẽ di chuyển vào và làm tổ trong lòng tử cung. Tất cả các...