Thái Lan: Tràn ngập tin đồn đảo chính quân sự
Tin đồn quân đội sẽ tiến hành một cuộc đảo chính nhằm giải quyết bế tắc chính trị hiện nay ở Thái Lan đang được lan truyền khắp đất nước này, khi quân đội di chuyển một lượng lớn khí tài vào Bangkok.
Người biểu tình đòi lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck tuyên bố sẽ “đóng cửa” Bangkok từ ngày 13/1 tới.
Tuy nhiên người đứng đầu quân đội Prayuth Chan-Ocha kêu gọi công chúng không nên tin vào tin đồn mà việc di chuyển của quân đội là nhằm chuẩn bị cho một cuộc diễu binh hàng năm, chứ không phải là nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
“Mọi người lo sợ về điều chưa xảy ra”, Prayuth Chan-Ocha cho biết với các phóng viên tại Bangkok. “Đừng sợ nếu bạn không thể thấy điều đó. Mọi thứ diễn ra chắc chắn phải có một lý do. Nếu không có lý do thì không có gì xảy ra cả.”
Căng thẳng đang ngày một gia tăng khi những người biểu tình chống chính phủ kêu gọi chính phủ của bà Yingluck phải được thay thế bằng một hội đồng không cần bầu cử. Phe biểu tình dọa sẽ chiếm nhiều khu vực của trung tâm Bangkok vào tuần tới cho đến khi nào giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh của mình. Chính phủ của bà Yingluck cũng đối mặt thêm áp lực sau khi một cơ quan chống tham nhũng ngày 7/1 cho biết họ tìm thấy đủ bằng chứng để buộc tội 308 nghị sỹ trong một vụ việc có thể khiến họ bị mất ghế.
Prayuth từ chối công khai đứng về bên nào trong cuộc đối đầu căng thẳng hiện nay. Nhưng vào ngày 27/12 vừa qua, khi được hỏi liệu cánh cửa đảo chính có mở, ông đã không loại trừ việc này. “Tôi sẽ không nói nó mở hay đóng. Mọi thứ phụ thuộc vào tình hình”, ông tuyên bố. Thái Lan đã trải qua 9 cuộc đảo chính và thay hơn 20 thủ tướng kể từ năm 1946.
Tin đồn đảo chính lan rộng khi các tướng lĩnh thông báo sẽ di chuyển binh sỹ và khí tài, gồm cả pháo xạ, vào Bangkok vào tuần này để kỷ niệm Ngày thành lập quân đội 18/1. Prayuth nhấn mạnh rằng quân đội làm điều này mỗi năm.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo Paul Chambers, giám đốc phụ trách nghiên cứu Tại Viện quan hệ Đông Nam Á, đại học Chiang Mai và chủ biên cuốn sách “Knights of the Realm: Thailand’s Military and Police, Then and Now”, việc di chuyển vũ khí, xe quân sự vào Bangkok, đặc biệt là từ phái quân sự đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin, anh trai của bà Yingluck, năm 2006, không phải không có ý nghĩa gì.
“Prayuth Chan-Ocha là nhân vật bảo hoàng nhiệt thành và chống Thaksin”, ông nhận định. “Tôi thấy cuộc di chuyển quân đội này là một cảnh báo đối với cảnh sát, chớ có cố gắng đàn áp lực lượng của Suthep (lãnh đạo biểu tình hiện nay).”
Trong khi quân đội và các nhân vật bảo hoàng cùng nhiều người trong tầng lớp trung lưu Thái Lan phản đối ông Thaksin, thì cảnh sát nhìn chung trung thành với cựu Thủ tướng này. Theo Chambers, ông Thaksin vốn là một trung tá cảnh sát trước khi tham gia chính trường.
Năm 2008, người biểu tình trung thành với nhà vua cáo buộc đồng minh của ông Thaksin cố gắng biến Thái Lan thành một nước Cộng hòa và những người muốn tẩy chay tổng tuyển cử đã chiếm tòa nhà chính phủ trong nhiều tháng trước khi chiếm giữ các sân bay ở Bangkok. Khi đó quân đội từ chối thực thi theo một luật khẩn cấp.
Cuộc chiếm giữ kết thúc khi đảng cầm quyền, đồng minh của ông Thaksin bị giải tán theo một quyết định của tòa án, mà theo nhiều học giả đây thực chất là một cuộc đảo chính tư pháp. Điều đó cho phép Đảng Dân chủ, vốn không giành được chiến thắng nào trong các cuộc tổng tuyển cử trong suốt hơn 20 năm, lên nắm quyền nhờ lá phiếu ở quốc hội.
Ông Suthep, lãnh đạo của các cuộc biểu tình hiện nay, trở thành phó thủ tướng trong chính phủ khi đó. Ông đối mặt với cáo buộc giết người vì giúp giám sát cuộc đàn áp gây chết người năm 2010 đối với người ủng hộ ông Thaksin.
Bà Yingluck cũng trả lời cho những tin đồn đảo chính khi nói rằng những cuộc can thiệp của quân đội trước kia đã không giải quyết được chia rẽ trong nước và các bên phải tìm một giải pháp hòa bình.
“Tôi tin là toàn bộ những người đứng đầu quân đội sẽ nghĩ đến những vấn đề cần giải quyết về lâu về dài chứ không phải là dùng biện pháp vốn không thể chấp nhận được đối với nhiều nước”, bà tuyên bố.
Trong khi đó, tờ The Nation của Thái Lan dẫn lời Phó giáo sư Panupong Nitiprapa, trường Kinh tế đại học Thammasat, hôm nay 10/1 cho rằng cuộc “đóng cửa Bangkok” có thể dẫn đến đảo chính. Nhưng một cuộc đảo chính sẽ không có lợi lộc gì cho nền kinh tế Thái Lan, xét từ bài học đảo chính năm 2006. Ông cho biết khi đó Thái Lan đã mất nhiều cơ hội kinh tế do cuộc đảo chính gây ra. Cụ thể trong năm sau, tức 2007, châu Á tăng trưởng kinh tế 5,3% trong khi của Thái Lan chỉ là 4,5%. Ngoài ra, thay đổi về chính sách cũng gây ảnh hưởng lâu dài tới kinh tế, đặc biệt là khi chi tiêu công không thể được duy trì.
Theo Dantri
Thái Lan: Người biểu tình xông vào điểm bầu cử, cảnh sát bắn hơi cay
Các lực lượng an ninh Thái Lan hôm nay 26/12 phải dùng đạn hơi cay và đạn cao su đối với người biểu tình đã xông vào một sân vận động tại thủ đô, nhằm ngăn các đảng chính trị tới đăng ký cho cuộc bầu cử sắp tới.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động tại sân vận động ở Bangkok, ngày 26/12.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình đường phố kéo dài suốt nhiều tuần qua, nhằm phản đối thế thống trị chính trường Thái Lan của gia đình bà. Những người biểu tình muốn thành lập một "hội đồng nhân dân" không thông qua bầu cử, để giám sát các cải cách bầu cử ở nước này.
Các cuộc biểu tình đã khiến 5 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương, mặc dù căng thẳng đã lắng dịu sau các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát vào đầu tháng 12.
Bà Yingluck đã kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 2/2 tới nhằm giảm căng thẳng, nhưng phe đối lập chính, Đảng Dân chủ, vốn không giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử nào suốt khoảng 2 thập niên qua, tuyên bố sẽ tẩy chay bầu cử.
Người biểu tình tấn công một xe cảnh sát vào sáng nay.
Đối đầu mới nhất diễn ra khi đại diện của khoảng 30 đảng chính trị tập hợp bên trong một sân vận động Bangkok để thỏa thuận về các con số được sử dụng trên các lá phiếu.
Những người biểu tình đã tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chiến dịch phá bầu cử, với lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban dọa sẽ "đóng cửa đất nước" nhằm ngăn mọi người đi bỏ phiếu.
Bà Yingluck và người ủng hộ tại miền bắc Thái Lan ngày 23/12.
Thái Lan đã trải qua nhiều bất ổn chính trị kể từ khi anh trai của bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006.
Xung đột chính trị diễn ra chủ yếu giữa một bên là tầng lớp trung lưu ở Bangkok và những người trung thành với hoàng tộc, được quân đội ủng hộ, và các cử tri nông thôn, tầng lớp lao động ủng hộ ông Thaksin, hiện đang phải sống lưu vong.
Theo Dantri
Thái Lan: Thủ tướng muốn bầu cử sớm, phe đối lập rút khỏi quốc hội Phe đối lập Thái Lan tuyên bố rút toàn bộ nghị sỹ của mình khỏi quốc hội ngay sau khi Thủ tướng Thái Lan cho biết sẵn sàng kêu gọi bầu cử sớm để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đang bủa vây nước này. Bangkok đang chuẩn bị cho một cuộc biểu tình lớn vào ngày mai. Những động thái mới...