Thái Lan trả giá vì buông lỏng tụ điểm ăn chơi
Covid-19 tại Thái Lan tái bùng phát do người dân chủ quan, chính phủ lơ là quản lý các quán bar, tụ điểm vui chơi về đêm.
Ngày 15/4, Thái Lan báo cáo thêm 1.543 ca Covid-19, trong đó 409 trường hợp tại thủ đô Bangkok. Đây là ngày thứ tư nước này ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục. Tình hình trở nên căng thẳng kể từ đầu tháng 4, sau khi Bộ trưởng Giao thông vận tải Saksayam Chidchob được chẩn đoán dương tính với virus.
Năm 2020, Thái Lan chiến đấu với đại dịch một cách kiên định, bền bỉ, giữ tỷ lệ nhiễm và tử vong thấp so với các nước phát triển. Giờ đây, cụm dịch từ những điểm ăn đêm nổi tiếng ở thủ đô Bangkok khiến các ca dương tính tăng chóng mặt. Chính quyền Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chật vật để kiểm soát tình tình hình. Điều này cho thấy đất nước có thể đã ngủ quên trên chiến thắng, trong cảm giác “an toàn giả” trước khi bắt đầu tiêm chủng hàng loạt.
Dù tình hình sáng sủa hơn nhiều nước, số ca nhiễm tại Thái Lan trong ba tháng đầu năm nay vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2020. Đường cong dịch tễ theo ngày cũng leo thang nhanh chóng.
Trong đợt bùng phát mới, virus lây lan chủ yếu ở người trẻ tuổi, giàu có và hay di chuyển. Một số trường hợp nhiễm biến thể nguy hiểm hơn từ Anh.
Chính phủ cho biết Bộ trưởng Saksayam Chidchob có thể đã nhiễm virus từ một phụ tá. Người này là khách quen của một số tụ điểm ăn uống, vui chơi về đêm. Các tụ điểm kiểu này ngang nhiên hoạt động, phớt lờ giãn cách xã hội. Sự việc khiến công chúng hoài nghi về cách chính phủ xử lý làn sóng dịch bệnh mới nhất.
Người dân đeo khẩu trang để làm lễ trước một ngôi chùa trong ngày lễ Songkran, 14/4. Ảnh: Reuters
Trước đó, Thái Lan áp dụng các biện pháp mạnh như cấm hoạt động du lịch quốc tế, yêu cầu người nhập cảnh cách ly bắt buộc 14 ngày. Thời điểm này năm ngoái, giới chức hủy bỏ ngày lễ Songkran, đặt giờ giới nghiêm, cấm phục vụ rượu, đóng cửa quán bar, trung tâm mua sắm.
Quốc gia bắt đầu nới lỏng hạn chế gần đây. Tuần này, khoảng một triệu người đi thăm gia đình hoặc đổ xô đến các bãi biển. Nhiều bệnh viện tạm ngừng xét nghiệm Covid-19 khi hàng nghìn người lo lắng đã nhiễm virus hoặc cần giấy chứng nhận âm tính nCoV để đi lại.
Một số cơ sở y tế tuyên bố hết kit thử. Song lý do thực sự là họ lo lắng không thể lập tức tiếp nhận bệnh nhân theo yêu cầu của chính phủ vì thiếu giường bệnh. Giới chức thay đổi quy định, cho phép bệnh nhân chuyển tuyến và thiết lập các bệnh viện dã chiến với hàng nghìn giường. Nhiều hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhân viên y tế kiệt sức trong trang phục bảo hộ, nằm ngủ trên bàn và ghế.
Theo tính toán của Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh, trong tình huống xấu nhất, nếu không có giải pháp hiệu quả, cả nước ghi nhận tối đa hơn 28.000 ca nhiễm mới hàng ngày.
“Tình hình vẫn đáng lo ngại, cần áp dụng thêm hạn chế khác”, tiến sĩ Opas Karnkavinpong, giám đốc cơ quan, cảnh báo hôm 13/4.
Tướng Natthapon Nakpanich, giám đốc điều hành của Trung tâm Quản lý Tình hình Covid-19, cho biết chính phủ đang xem xét phong tỏa một số khu vực sau kỳ nghỉ lễ như Bangkok, Prachuab Khiri, Chiang Mai, và một phần East Seaboard, nơi có điểm du lịch Pattaya nổi tiếng.
Video đang HOT
Hôm 13/4, chính phủ Thái Lan gây sốc khi đăng tải bức ảnh binh sĩ phun thuốc khử trùng dọc theo các khu rừng biên giới, dù các chuyên gia cho rằng nguy cơ lây nhiễm lớn nhất đến từ đường hàng không.
Cuộc khủng hoảng mới nhất đã làm rõ điểm yếu khác trong chiến lược dập dịch của Thái Lan: thất bại trong chiến dịch tiêm chủng. Nước này không mua đủ số vaccine để tiêm cho 70% dân số, vốn được coi là ngưỡng an toàn để có miễn dịch cộng đồng. Đến nay, chỉ 1% trong 69 triệu người Thái Lan đã tiêm chủng, tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Nhiều chuyên gia chưa thể lý giải vì sao Thái Lan và một số nước trong khu vực dập dịch thành công trong năm ngoái. Nhiều người phỏng đoán hệ thống y tế công cộng rộng khắp và giàu kinh nghiệm đóng vai trò lớn. Thành công ban đầu của chính phủ trong ngăn chặn virus rất đáng chú ý với khách du lịch quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.
Song quốc gia này đã phải trả giá đắt cho nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong năm 2020. Nền kinh tế suy giảm 6,1%. Khoản nợ của các hộ gia đình tăng 42% do mức thu nhập eo hẹp.
Chuỗi may mắn của Thái Lan cũng kết thúc vào cuối năm ngoái, khi nước này phát hiện cụm dịch từ các nhà máy, chợ hải sản. Nguồn lây chủ yếu là lao động nhập cư, sống trong các ký túc xá đông đúc. Chính phủ sau đó phải áp lệnh hạn chế nghiêm ngặt và xét nghiệm diện rộng. Dịch bệnh hạ nhiệt sau vài tuần.
Nhân viên y tế chuẩn bị giường nằm trong bệnh viện dã chiến ở Bangkok, ngày 12/4. Ảnh: Reuters
Khi ấy, ông Prayut phát biểu: “Chúng tôi không muốn đóng cửa toàn bộ đất nước, vì chúng tôi biết vấn đề là gì. Các bạn có thể chủ động giãn cách tại nhà không. Điều này tùy thuộc vào tất cả mọi người, nếu bạn không muốn nhiễm bệnh, chỉ cần ở trong nhà 14 đến 15 ngày”.
Sau đợt bùng phát, chính phủ chú trọng hơn đến chương trình vaccine, nhất là khi mỗi ngày, số người được tiêm chủng tại Mỹ và châu Âu tăng gấp đôi. Đầu tháng 1, ông Prayut Thái Lan cố gắng đảm bảo 63 triệu liều vaccine, đủ tiêm cho một nửa dân số. Khâu sản xuất vaccine AstraZeneca tại địa phương dự kiến bắt đầu vào tháng 6.
Tuy nhiên, các khiếu nại bắt đầu xuất hiện. Nhiều người cho rằng công ty chịu trách nhiệm sản xuất, phân phối đang thu lợi bất chính từ hợp đồng cung ứng của chính phủ. Cáo buộc này bị giới chức và công ty liên quan phủ nhận.
Đối thủ chính trị của ông Prayut cũng bắt đầu phàn nàn về khâu quản lý lỏng lẻo, thiếu minh bạch và sự thất bại trong việc đa dạng hóa vaccine, ngoài sản phẩm của AstraZeneca và Sinovac.
Đến nay, Thái Lan chủ yếu tiêm vaccine cho nhân viên y tế, những người có nguy cơ nhiễm nCoV đặc biệt cao. Đơn đăng ký tiêm chủng cho công chúng nói chung được mở vào đầu tháng 5.
Nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 từ khu vực biên giới các quốc gia Đông Nam Á
Khu vực biên giới ở một số quốc gia Đông Nam Á đang còn nhiều kẽ hở khiến các nhà chức trách lo ngại những người vượt biên có thể khiến virus SARS-CoV-2 dễ dàng lây lan.
Cảnh giác chống lại virus coronavirus đã được nâng cao ở thị trấn biên giới của Thái Lan Mae Sot, nằm ngay bên kia sông Moei từ Myawaddy, Myanmar. Ảnh: NYTimes
Biên giới Thái Lan - Myanmar có chiều dài hơn 2.400 km, phần lớn là rừng rậm dày đặc. Myanmar đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 không kiểm soát. Trong khi đó, Thái Lan cho đến nay được coi là một trong những quốc gia có chiến lược chống dịch COVID-19 thành công trên thế giới.
Tuy nhiên, trong vài tuần qua, ít nhất 19 ca mắc COVID-19 tại Thái Lan đều liên quan đến người lao động nhập cư trái phép giữa hai quốc gia. Giới chức y tế Thái Lan đang chạy đua để truy vết hàng trăm người có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Điều này này làm nổi bật cách một số quốc gia Đông Nam Á chiến đấu để ngăn chặn virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, khu vực biên giới Myanmar và Thái Lan - ngăn cách một quốc gia đã kiểm soát được virus với một quốc gia vẫn đang phải đối mặt với làn sóng bùng phát mạnh mẽ - đang trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng.
"Biên giới rất dài", Đại tá Chatri Sanguantham, người chỉ huy lực lượng binh sĩ tuần tra khu vực miền núi phía bắc Thái Lan, gần thị trấn Tachileik, Myanmar, cho biết. "Họ sẽ làm bất cứ điều gì, thực hiện bất kỳ biện pháp nào, để đạt được những gì họ muốn, kể cả việc nhập cảnh trái phép vào đất nước này," ông nói về những người lao động nhập cư từ Myanmar.
Binh sĩ Quân đội Thái Lan tuần tra dọc sông Moei ở Mae Sot. Ảnh: NYTimes
So với các quốc gia khác, tổng số ca mắc COVID-19 ở Thái Lan tính đến ngày 10/12 là trên 4.100 ca nhiễm, con số này được cho là khá thấp trong khu vực. Thái Lan cho biết họ đã thắt chặt an ninh ở các khu vực biên giới của mình, tăng cường tuần tra quân sự và rào dây thép gai tại các điểm vượt biên trái phép phổ biến, để ngăn chặn sự lây lan của virus trong thời gian gần đây.
Cảnh sát đã bắt giữ những kẻ tình nghi là buôn lậu người, những người được trả ít nhất 15 USD để giúp người di cư vượt biên trái phép.
Những người lao động không có giấy tờ, thường phải lao động trong điều kiện đông đúc, đang được chính quyền đặc biệt quan tâm. Tình trạng pháp lý không rõ ràng cũng khiến họ không dám thừa nhận mắc bệnh, làm tăng nguy cơ lây lan virus mà không được phát hiện.
"Vì đây là những người nhập cư bất hợp pháp, họ sẽ trốn tránh. Nếu mắc bệnh, họ sẽ không bao giờ đến bệnh viện để xét nghiệm", ông Suthasinee Kaewleklai, điều phối viên của Mạng lưới Quyền của Người lao động Nhập cư ở Thái Lan cho biết.
Những nguy cơ của việc phớt lờ lao động nước ngoài, ngay cả những người đã đăng ký với chính phủ, cũng đã được minh chứng tại Singapore, nơi virus lây lan nhanh chóng trong các khu ký túc xá đông đúc dành cho người nhập cư.
Các nhóm bảo vệ quyền lợi cho biết trong khi việc truy vết kỹ lưỡng đã giúp kìm hãm sự bùng phát ở các cộng đồng dân cư khác ở Singapore, việc lao động nhập cư không được giám sát chặt chẽ, khiến họ dễ mắc COVID-19 hơn.
Công nhân tại một nhà máy ở Mae Sot đóng gói hàng hóa trên một chiếc xe tải đến Myanmar. Ảnh: NYTimes
Tại Malaysia, hàng nghìn công nhân nước ngoài đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Top Glove, nhà sản xuất găng tay dùng một lần lớn nhất thế giới. Các nhà chức trách Malaysia hiện đang theo đuổi hành động pháp lý chống lại công ty này vì công nhân của họ phải sống trong điều kiện chật chội, dễ lây lan COVID-19.
Việc cảnh giác phòng dịch cũng đã được tăng cường ở thị trấn biên giới Mae Sot của Thái Lan, chỉ cách thị trấn Myawaddy của Myanmar một con sông. Tại điểm hẹp nhất của con sông này, trẻ em có thể ném bóng qua lại giữa hai quốc gia. Vào mùa khô, những người di cư cũng dễ dàng lội qua dòng sông và vào mùa mưa, họ đi thuyền.
Trước khi đại dịch bùng phát, mỗi năm có hàng trăm nghìn người qua sông đến Thái Lan làm việc, học tập và vui chơi. Trong số khoảng 5 triệu người di cư đến tìm việc làm, chỉ có khoảng một nửa là người lao động hợp pháp.
Một sòng bạc ở Myanmar được người Thái thường xuyên lui tới. Ảnh: NYTimes
Thái Lan đã bắt đầu thắt chặt biên giới Mae Sot vào mùa xuân, tạm dừng giao thông qua cầu Hữu Nghị đến Myawaddy. Các biện pháp hạn chế đã nới lỏng một chút trong mùa hè này, và sau đó lại được thắt chặt trở lại vào tháng 8 khi số ca mắc COVID-19 ở Myanmar tăng mạnh.
Tuy nhiên, việc vượt biên trái phép vẫn tiếp diễn, bao gồm cả những người trốn lệnh cách ly bắt buộc trong 2 tuần ở Thái Lan. Người Thái vẫn sang Myanmar - nơi các sòng bạc và câu lạc bộ được quản lý lỏng lẻo - để vui chơi trong vài giờ. Những con thuyền này thường tìm cách né tránh các đồn biên phòng, ngang nhiên vận chuyển hàng hóa qua lại.
Bất chấp các hoạt động di chuyển trái phép này, Thái Lan vẫn không ghi nhận bất cứ ca nhiễm cộng đồng nào kể từ tháng 5. Theo giới chức y tế, các bệnh viện ở nước này chỉ đang điều trị cho khoảng 180 ca mắc COVID-19, hầu hết họ đều là người trở về từ nước ngoài và có kết quả dương tính trong quá trình cách ly bắt buộc.
Tuy nhiên, trong vài tháng qua, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia đã ghi nhận nhiều người đến từ Thái Lan có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo các nhà chức trách Myanmar, có ít nhất 70 lao động nhập cư trở về từ Thái Lan đã có kết quả dương tính ở Myawaddy.
Trong những ngày gần đây, 17 người vượt biên trái phép từ Myanmar sang Thái Lan đã mắc COVID-19. Họ đều là người Thái và có liên hệ với một khu phức hợp giải trí khách sạn ở Tachileik, hầu hết đều là phụ nữ. Họ đã vượt biên vào cuối tháng 11 và đi đến ít nhất 5 địa điểm trên khắp Thái Lan. Giới chức y tế kể từ đó đã đóng cửa các trường học, truy vết và khử trùng sân bay.
Một chiếc xe tải từ Myanmar được khử trùng trước khi đến Cầu Hữu nghị, gần biên giới Thái Lan. Ảnh: NYTimes
Các nhóm hoạt động nói rằng họ biết nhiều trường hợp công nhân trở về Myanmar từ Thái Lan mắc COVID-19, dẫn đến lo ngại rằng virus có thể đang âm thầm lây lan trong các nhà máy và công trường ở Thái Lan, mặc dù thống kê ca mắc COVID-19 ở nước này vẫn thấp.
Bác sĩ Sopon Iamsirithaworn, người phụ trách bộ phận về các bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Thái Lan, nói rằng quốc gia này có "tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng rất thấp".
Ở Mae Sot, người Thái đã bắt đầu tổ chức theo dõi khu phố và lập các chốt chặn vào ban đêm để ngăn người ngoài vào. Nhưng một thị trấn biên giới nằm ngay bên kia sông, đối diện một thị trấn ở Myanmar, đã có ít nhất 1.200 người mắc COVID-19. Các nhà chức trách cho rằng việc ngăn chặn dịch bệnh là bất khả thi.
"Khu vực này phụ thuộc vào thương mại, vào người di cư," Đại tá Krit Kityathiwat, phó chỉ huy Trung đoàn bộ binh số 4 tuần tra biên giới khu vực Mae Sot cho biết. "Chúng tôi không muốn được biết đến là nơi làm bùng phát dịch COVID-19 vào Thái Lan."
Các nước Mekong quan ngại về hạn hán Lãnh đạo 5 nước hạ lưu sông Mekong bày tỏ quan ngại về các đợt hạn hán nghiêm trọng đã khiến mực nước sông thấp kỷ lục, đặc biệt trong hai năm qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) lần thứ 9 theo hình thức...