Thái Lan sơ tán hiện trường, chuẩn bị giải cứu đội bóng nhí
Chính quyền Thái Lan sơ tán người dân khỏi khu vực hang Tham Luang, dấu hiệu cho thấy công tác giải cứu đội bóng nhí sẽ sớm bắt đầu.
Quân đội Thái Lan di chuyển các bình oxy tới khu vực giải cứu đội bóng nhí trong hang Tham Luang. Ảnh: AFP.
Chính quyền Thái Lan hôm nay cho biết sẽ di dời dân khỏi khu vực gần cổng chính hang Tham Luang, nơi 12 cậu bé và huấn luyện viên mắc kẹt hơn hai tuần nay, bởi họ cần không gian để tiến hành hoạt động giải cứu, theo AFP.
“Những người không liên quan tới chiến dịch phải ra khỏi khu vực ngay lập tức. Theo đánh giá tình hình, chúng tôi cần sử dụng khu vực này để giúp đỡ các nạn nhân”, cảnh sát chuyển thông báo bằng loa tại khu cắm trại ngoài cửa hang. Người dân sau đó nhanh chóng sắp xếp đồ đạc và di chuyển.
Các cơ quan truyền thông cũng nhận được lệnh di chuyển. Chính quyền đồng thời cảnh báo không ai được phép chụp ảnh trong quá trình giải cứu. Nếu có bất cứ bức ảnh không phù hợp nào được tung ra, người chụp sẽ phải chịu trách nhiệm, theo Guardian. Những thợ lặn, nhân viên y tế và xe cứu thương đã tập hợp xung quanh khu vực từ sáng, dấu hiệu cho thấy việc giải cứu sẽ bắt đầu ngay lập tức.
Trận mưa đêm qua có thể là nguyên nhân dẫn đến quyết định giải cứu, dù Thống đốc tỉnh Chiang Rai Narongsok Osottanakorn trước đó nói rằng đội cứu hộ vẫn đang trong “cuộc chiến với nước lũ và thời gian” và mọi hành động cần thận trọng.
Các cầu thủ nhí dưới 16 tuổi và huấn luyện viên 25 tuổi mắc kẹt trong hang Tham Luang từ ngày 23/6 do mưa lớn khiến mực nước trong hang dâng cao. Các thợ lặn Anh tìm thấy 13 người vào ngày 2/7, nhưng vẫn chưa thể đưa họ ra ngoài do cấu trúc hang phức tạp và nhiều khu vực vẫn hoàn toàn ngập nước.
Cấu trúc phức tạp của hang Tham Luang, nơi đội bóng mắc kẹt.
Ánh Ngọc
Theo VNE
Chiến dịch "nghẹt thở" giải cứu đội bóng Thái Lan phức tạp hơn vụ thợ mỏ Chile
Chaiyaporn Siripornpaiboon - chuyên gia hang động tại Cục Tài nguyên khoáng sản Thái Lan chia sẻ với The Nation rằng, mực nước lũ trong hang Tham Luang là yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định phương án nào là thích hợp nhất để giải cứu các cầu thủ nhí bị mắc kẹt.
Các chuyên gia nhận định việc giải cứu đội bóng Thái Lan phức tạp hơn nhiều so với vụ 33 thợ mỏ Chile. Ảnh: The Nation.
Dữ liệu mới nhất cho thấy, thách thức lớn nhất trong cuộc giải cứu là để các cậu bé lặn đi qua đoạn hang ngập nước dài 200m, có mực nước sâu từ 5-10m gần khu vực "Bãi biển Pattaya".
Chia sẻ của chuyên gia Thái Lan được đưa ra sau khi một cựu đặc nhiệm SEAL thiệt mạng, nêu bật những nguy hiểm khi đưa các cậu bé chưa từng biết lặn ra ngoài.
Ông Chaiyaporn mong muốn mực nước giảm xuống thấp hơn để các cậu bé có thể thoát ra. Tuy nhiên, hi vọng này không mấy khả thi khi mùa mưa mới bắt đầu.
Phương án khác là tiếp tục tìm một lối đi tự nhiên thông với hang Tham Luang, từ đó đưa các cậu bé lên trên mặt đất. Tuy nhiên, tới nay các nhà thám hiểm chưa tìm ra được lối đi nào phù hợp.
Thanasarn Narue-sataporn - một bác sĩ có kinh nghiệm cứu hộ bị thiên tai, từng tham gia cứu hộ trong trận động đất mới nhất ở Nepal cho biết, mực nước lũ trong hang là yếu tố quan trọng nhất. Vì thế giới chức Thái Lan đã phải theo dõi tình hình suốt ngày đêm để có thể ra quyết định giải cứu kịp thời.
Theo ông, thách thức trong việc cứu hộ ở Tham Luang là độc nhất, không giống như bất kỳ nỗ lực cứu hộ khác trên thế giới, đặc biệt là về số lượng người bị kẹt trong một hệ thống hang động phức tạp.
Trong các vụ mắc kẹt trong hang ở Đức hay Pháp, chỉ có số ít chuyên gia thám hiểm hoặc là những người đi dã ngoại mắc kẹt và đều là người trưởng thành. Trường hợp ở Thái Lan bị mắc kẹt là những cậu bé từ 11 đến 16 tuổi và trợ lý huấn luyện viên 25 tuổi.
Dù lượng lớn nước được bơm ra ngoài trong vài ngày qua, mực nước trong hang vẫn còn cao do địa thế tự nhiên của khu vực. Các nhà chức trách lo ngại kịch bản tồi tệ nhất là mưa lớn nhiều ngày có thể ngập toàn bộ hang, trong đó có cả gò đất đội bóng cùng 10 đặc nhiệm SEAL đang trú ẩn.
Tiến sĩ Suttisak Soralump - Đại học Kasetsart cho biết, thách thức trong vụ giải cứu hang Tham Luang khó khăn hơn nhiều so với vụ giải cứu 33 thợ mỏ Chile mắc kẹt 69 ngày trong lòng đất năm 2010.
Theo Tiến sĩ Suttisak, hang Tham Luang hoàn toàn tự nhiên, không có đầy đủ dữ liệu về địa chất để các kỹ sư tìm giải pháp nếu muốn khoan vào hang. Trong vụ thợ mỏ Chile, địa điểm là hầm mỏ, đã được khảo sát kỹ trước khi sập và có nhiều dữ liệu có sẵn cho các nhân viên cứu hộ.
THANH HÀ
Theo Laodong
Thế giới 24h: Thông tin chấn động về đội bóng Thái bị kẹt trong hang Sau gần 10 ngày khắc khoải ngóng chờ và cầu nguyện, cả đất nước Thái Lan vỡ òa trong vui sướng khi được thông báo, các thợ lặn đã tìm thấy toàn bộ 13 thành viên và huấn luyện viên của đội bóng thiếu niên tỉnh Chiang Rai vẫn còn sống trong hang Tham Luang. Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng đã...