Thái Lan nỗ lực sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nội địa
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, người dân Thái Lan có thể sẽ có vaccine ngừa COVID-19 do nước này tự phát triển để tiêm nhắc lại vào năm tới, mặc dù cho tới nay vẫn chưa có loại vaccine nội địa nào vượt qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Hiện 3 loại vaccine mà Thái Lan tự nghiên cứu phát triển là Baiya SARS-CoV Vax 1 do công ty Baiya Phytopharm bào chế, Chula-Cov 19 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vaccine của Đại học Chulalongkorn sản xuất và NDV-HXP-S do Cơ quan Dược phẩm Chính phủ (GPO) bào chế chưa thể được sử dụng để đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện nay hoặc giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt vaccine khi chiến dịch tiêm chủng đại trà ở nước này bắt đầu từ ngày 7/6.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu sản xuất vaccine nội địa đã khẳng định công việc nghiên cứu và phát triển vaccine của họ vẫn có thể giúp ích cho những nỗ lực lâu dài nhằm ngăn chặn COVID-19 và nâng cao khả năng của đất nước chống lại những căn bệnh như vậy trong tương lai.
Phó Giáo sư Suthira Taychakhoonavudh, nhà nghiên cứu tại Khoa Dược thuộc Đại học Chulalongkorn và là Giám đốc điều hành của Baiya Phytopharm, cho biết người Thái Lan sẽ có nhiều lựa chọn vaccine hơn từ năm 2022 khi vaccine của nước này được đưa ra thị trường.
Video đang HOT
Theo bà Suthirai, vaccine của Baiya Phytopharm đã được chứng minh có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm COVID-19 ở động vật, tuy nhiên vaccine này vẫn sẽ phải hoàn thành các thử nghiệm trên người. Hiện công ty đã đạt đến giai đoạn thử nghiệm trên người và sẽ bắt đầu với 100 tình nguyện viên vào tháng 8. Công ty hy vọng vaccine sẽ sẵn sàng để sử dụng vào năm tới.
Giáo sư, Tiến sĩ Kiat Ruxrungtham, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu vaccine của Đại học Chulalongkorn, cho hay việc phát triển vaccine của Thái Lan có thể là quá muộn để giải quyết các vấn đề trước mắt, nhưng điều quan trọng đối với tương lai và an ninh y tế của đất nước là có thể tự sản xuất vaccine. Thái Lan sẽ có kiến thức và cơ sở vật chất để kịp thời chuẩn bị vaccine cho riêng mình, vì vậy sẽ không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào vaccine nhập khẩu trong trường hợp có một đại dịch khác.
Ông Kiat cho biết thêm vaccine Chula-Cov 19 sẽ có mặt trên thị trường sớm nhất vào quý I hoặc chậm nhất là quý III/2022.
Theo Giám đốc điều hành GPO Withoon Danwiboon, việc phát triển vaccine NDV-HXP-S hiện trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai trên người. Loại vaccine này có thể được cung cấp vào đầu năm sau. Quy trình sản xuất vaccine này tương tự như quy trình sản xuất vaccine cúm mà nhà máy của GPO đã sản xuất. Điều đó có nghĩa là việc sản xuất hàng loạt vaccine ngừa COVID-19 có thể bắt đầu ngay tại nhà máy có quy mô công nghiệp của GPO với công suất sản xuất khoảng 25 – 30 triệu liều mỗi năm.
Ngày 7/6, Chính phủ Thái Lan sẽ chính thức bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà với hy vọng sẽ có 50 triệu người, tức 70% dân số, được tiêm vào cuối tháng 12. Hiện nước này mới chỉ chính thức đặt mua được 61 triệu liều vaccine từ hãng dược phẩm AstraZeneca và 6 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc.
Chính phủ Thái Lan đang tìm cách có thêm 8 triệu liều vaccine từ Sinovac cùng 25 triệu liều vaccine từ các hãng Pfizer và Johnson & Johnson nhằm đạt được mục tiêu có 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay. Ngoài ra, quốc gia này cũng có kế hoạch đặt mua thêm 50 triệu liều vaccine cho năm tới.
Đa số người dân Thái Lan đồng ý tiêm vaccine do Chính phủ cung cấp
Kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit Rajabhat thực hiện được công bố ngày 23/5 cho thấy đa số người dân Thái Lan đồng ý tiêm vaccine ngừa COVID-19 do chính phủ cung cấp, bất kể nhà sản xuất nào, mặc dù vaccine Pfizer được ưa chuộng hơn so với những loại khác.
Người dân chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, cuộc thăm dò được thực hiện trực tuyến đối với 2.644 người trên khắp cả nước từ ngày 17 - 20/5 để đánh giá phản ứng của họ trước thông báo của chính phủ đưa việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 thành chương trình nghị sự quốc gia nhằm thuyết phục người dân về hiệu quả của vaccine trong chiến dịch với mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng.
Theo kết quả thăm dò, 56,49% số người được hỏi cho biết họ đã đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong khi 32,39% chưa đăng ký và 11,12% vẫn chưa quyết định.
Khi được hỏi tên các công ty sản xuất vaccine ngừa COVID-19 mà họ tin tưởng (một người trả lời được phép đưa ra nhiều hơn một câu trả lời), các câu trả lời lần lượt là Pfizer (75,11%); Moderna (72,14%); Johnson & Johnson (68,52%); AstraZenaca (65,89%); và Sputnik V (61,89%).
Cuối cùng, 64,39% số người được hỏi đồng ý tiêm vaccine do chính phủ cung cấp; 22,30% vẫn chưa quyết định và 13,31% nói rằng họ không muốn tiêm chủng.
Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 28/2, với ưu tiên dành cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao là các chuyên gia y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Theo kế hoạch, công tác tiêm chủng đại trà ở Thái Lan sẽ bắt đầu từ ngày 7/6 và kéo dài cho tới cuối năm.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha mới đây nói rằng Thái Lan có dân số trưởng thành khoảng 60 triệu người (trong tổng số dân khoảng 70 triệu người) và do đó cần ít nhất 120 triệu liều vaccine để tiêm mỗi người hai mũi. Để chuẩn bị cho những rủi ro tiềm ẩn và sự không chắc chắn, Thái Lan có thể cần 150 - 200 triệu liều vaccine cho các giai đoạn trong tương lai của chương trình tiêm chủng.
Về tình hình COVID-19, quốc gia Đông Nam Á này ngày 23/5 ghi nhận thêm 3.382 ca mắc mới và 17 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh từ trước tới nay lên 129.500 ca, trong đó có 776 người không qua khỏi.
Thái Lan bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 nội địa Tổ chức Dược phẩm Chính phủ (GPO) của Thái Lan ngày 22/3 đã khởi động giai đoạn thử nghiệm đầu tiên trên người đối với vaccine ngừa COVID-19 do nước này tự nghiên cứu để có thể tự chủ hơn trong chính sách tiêm chủng. GPO đang phát triển vaccine ngừa COVID-19 theo phương pháp nuôi cấy virus bất hoạt trong trứng gà...