Thái Lan một ngày sau đảo chính
Một ngày sau khi quân đội tuyên bố đảo chính, không khí tại Thái Lan khá bình lặng nhưng có vẻ như “thùng thuốc nổ” vẫn chưa được tháo ngòi.
Binh sĩ Thái Lan canh gác ở thủ đô Bangkok – Ảnh: Minh Quang
Chiều tối 22.5, cánh cổng doanh trại quân đội trên đại lộ Vibhavadi vừa mở, một chiếc xe kín mít chạy ra, 2 người đàn ông đưa mắt nhìn theo. Người mặc sơ mi, quần đùi sậm hỏi: “Có thấy ông tướng nào trong xe không?”, người đội mũ bảo hiểm trả lời: “Không!”. Chỉ vài phút sau khi tuyên bố đảo chính của quân đội, rất đông người dân ở thủ đô Bangkok kéo đến trước doanh trại vì muốn tận mắt nhìn thấy xe tăng, thiết giáp và những binh đoàn kéo ra đường phố. Hai người đàn ông trong đám đông bàn tán sôi nổi chuyện đảo chính dù chỉ mới biết nhau.
Vừa nói, cả hai vừa ngóng về phía cổng doanh trại. Ông đội mũ bảo hiểm vẫn không tin quân đội đã đảo chính. “Đảo chính thì có lợi cho ai chứ? Đang yên ổn… Sắp có chuyện lớn rồi đây”. “Tất nhiên là phe của Suthep”, ông mặc sơ mi, quần đùi trả lời. “Lần này “chế độ Thaksin” toi chắc luôn”. Một chiếc ô tô của một đài truyền hình chạy đến đỗ gần họ như cắt ngang câu chuyện của hai người bạn già. Một phóng viên bước ra trên tay cầm máy quay phim, quay lại hỏi đồng nghiệp vẫn còn ngồi bên trong: “Có chắc xe tăng, thiết giáp sẽ ra cổng này không?”. “Không biết”, người kia đáp. Một tiếng, 2 tiếng rồi 3 tiếng trôi qua, chẳng thấy chiếc nào, họ chờ suốt cả đêm…
6 giờ sáng 23.5, trước Trung tâm thương mại Terminal 21 trên đường Sukhumvit bên trong Bangkok, anh Surachai đặt khay bánh mì kẹp thịt lên chiếc ghế cao. Một người khách đi qua lấy bánh và đặt 25 baht (16.000 đồng) trên khay. Surachai nhét tiền vào túi, rồi với lấy tờ báo Matichon đang đọc dở. Anh mở trang có hình Tư lệnh bộ binh Prayuth Chan-ocha, người tuyên bố đảo chính ra xem với nét mặt vô tư. Thấy chúng tôi đến quay phim, chụp hình, anh cũng chẳng để ý. “Đảo chính có gì mà sợ, chuyện cơm bữa ở xứ này mà”, Surachai nói với chúng tôi. “Nhưng lật đổ chính phủ của Áo đỏ, họ không chịu để yên đâu”. “Có quân đội bảo kê rồi, Áo đỏ không dám làm gì đâu”, anh Surachai trả lời rất tự tin, “phe nào cũng ngán quân đội hết”. “À, quân đội sẽ giữ an ninh cho cả Bangkok?”. “Nhưng đó là chuyện hiện tại, trong tương lai nếu thiết quân luật không còn thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, giọng Surachai trầm hẳn xuống.
Anh Surachai cố tỏ ra bình thản sau cuộc đảo chính
Tại khu biểu tình của phe chống chính phủ, chị Duangporn W. cũng không che giấu nét lo lắng. Hôm qua là thời hạn cuối cùng để người phe ông Suthep Thaugsuban giải tán nên chị muốn đến nhìn lần cuối. Chị bảo cũng như những người chống chính phủ khác, chị cảm thấy hài lòng trước quyết định đảo chính. “Mệt mỏi lắm rồi. Đảo chính để chấm dứt những cái nhùng nhằng kéo dài mấy tháng nay”, chị Duangporn nói. “Quân đội đã làm hết sức để giải quyết chuyện này, để không gây tổn hại cho đất nước chúng tôi”. “Nhưng đó mới là giai đoạn 1 của đảo chính. Chúng tôi không biết chuyện gì rồi sẽ xảy ra mà cũng không dám nghĩ đến vì chúng tôi biết chắc phe kia không chấp nhận thua cuộc dễ dàng thế đâu”, chị chia sẻ, ngừng một chút lại tiếp: “Tại sao người Thái lại bắn nhau, ném đạn pháo vào nhau, gây tang tóc?”.
Bình lặng trước cơn bão ?
Video đang HOT
Một ngày sau đảo chính, Thái Lan khá bình lặng. Ở tỉnh, người dân gần như chả bàn đến đảo chính mà chỉ kêu ca vì truyền hình bị cấm sóng nên họ không được xem Lakhorn, phim truyền hình rất được người vùng quê ưa thích. Trong khi đó, Bangkok vẫn nhộn nhịp với mua sắm, ăn chơi, chỉ khác là không có “tăng 2, tăng 3″. Trong và sau ngày đảo chính vẫn chưa thấy xe tăng, thiết giáp còn binh lính cũng chẳng đầy đường như trong suy nghĩ của nhiều người. “Đó là cuộc đảo chính nhưng không bằng vũ lực, súng đạn mà bằng lời nói”, ông Thái Mạnh Hùng, biên tập viên của Đài tiếng nói Thái Lan, nhận định. Là người Việt sinh ra và lớn lên ở đây, ông Hùng (60 tuổi) đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính. Ông nói làm gì bạo loạn được khi quân đội đã kiểm soát tất cả.
Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu căng thẳng khi đã nổ ra vài cuộc biểu tình nhỏ của những người phản đối đảo chính. Bất chấp thiết quân luật, những người này vẫn đổ ra đường và la hét vào những binh sĩ mặt lạnh như tiền trước khi giải tán. Tình hình sắp tới được cho là khó yên ổn khi phe Áo đỏ, lực lượng ủng hộ chính phủ vừa bị lật đổ và gia đình Shinawatra, đang vô cùng phẫn nộ. Một người ủng hộ phe này nói với Thanh Niên rằng Áo đỏ rất quyết liệt đối với đảo chính, vì với họ đó là vấn đề sinh tử. Người này bất bình cáo buộc quân đội là “xảo trá”, lừa lãnh đạo của họ đến gặp rồi “bắt nhốt”. Giới quan sát cũng nhận định hậu đảo chính mới là vấn đề lớn của Thái Lan. Ông Thái Mạnh Hùng nói quân đội sẽ giao cho một ủy ban cải cách soạn lại hiến pháp. “Hiến pháp mới được dự đoán sẽ loại dòng họ Shinawatra khỏi cuộc bầu cử ngay từ vòng loại. Liệu phe ủng hộ họ có chịu để yên?”.
Quân đội “giữ nhiều chính trị gia” Ngày 23.5, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cùng 2 người thân đã đến một doanh trại trình diện với tướng Prayuth Chan-ocha, người tuyên bố tạm nắm giữ quyền thủ tướng, theo yêu cầu của ông này. Họ nằm trong số 155 lãnh đạo và cựu lãnh đạo cao cấp thuộc hàng quốc gia của các phe phái chính trị Thái Lan phải đến trình diện, nếu không sẽ bị bắt. Đến chiều, quân đội ra lệnh cấm những người nói trên xuất ngoại và một nguồn tin cho hay họ đang bị giữ tại một địa điểm bí mật ngoài Bangkok. Nguồn tin dự đoán rằng họ có thể được trả tự do trong vòng 3 ngày tới sau khi quân đội bình ổn tình hình. Quân đội chưa có phản ứng về thông tin này.
Khuyến cáo du khách không ra ngoài trong giờ giới nghiêm Ngày 23.5, Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TP.HCM (TAT) cho biết việc kinh doanh cũng như các dịch vụ công cộng ở Thái Lan điều chỉnh giờ hoạt động cho phù hợp lệnh giới nghiêm. Tàu điện trên không, tàu điện ngầm, các cửa hàng tiện lợi thay đổi giờ hoạt động, từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối. Trong giờ giới nghiêm, TAT khuyến cáo du khách đến Thái Lan “cần ở trong khách sạn và tránh đi ra ngoài với bất cứ lý do gì”. Theo cơ quan này, lệnh giới nghiêm của quân đội kéo dài từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng, bắt đầu từ ngày 22.5 và thiết quân luật vẫn tiếp tục được áp dụng cho đến khi có thông báo mới. “Tất cả các sân bay tại Thái Lan vẫn mở cửa hoạt động và hành khách di chuyển bằng đường hàng không đến – đi theo lịch trình vẫn có thể di chuyển qua tất cả các sân bay bình thường. Hành khách phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết và đến sân bay trước giờ giới nghiêm. Du khách cũng có thể nghỉ ngơi tại phòng CIP – sân bay Don Muang từ phòng số 1 – 7 hay phòng CIP tại sân bay Suvarnabhumi, từ phòng 1 – 4. Xe buýt miễn phí từ sân bay Don Muang đến sân bay Suvarnabhumi vẫn hoạt động bình thường”, TAT nói thêm. Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua, các công ty du lịch trong nước cho biết vẫn tổ chức tour đến Thái Lan và khách đăng ký tour như bình thường. Hiện đang có nhiều đoàn khách Việt tại Thái Lan.
Theo TNO
Quân đội Thái Lan kiểm soát hoàn toàn Bangkok
Ngày 20.5, sau khi ban bổ thiết quân luật, từ sáng sớm, quân đội Thái Lan đã bố trí lực lượng chốt tại các khu vực trọng yếu và kiểm soát hoàn toàn Bangkok.
Quân đội hiện diện ở các "điểm nóng" trên đường phố Bangkok
Cảnh sát đã nhường vai trò giữ gìn an ninh, trật tự cho phía quân đội sau khi thiết quân luật được ban hành vào rạng sáng 20.5 tại Thái Lan
Trên các tuyến đường có nguy cơ bạo động, đều có các binh lính canh giữ. Cảnh sát không còn xuất hiện trên đường phố mà nhường sự kiểm soát và giữ gìn an ninh cho phía quân đội.
Người ta cũng thấy xe jeep của quân đội chạy trên đường phố tuy nhiên đường phố Bangkok không có dấu hiệu căng thẳng với sự xuất hiện của quân đội. Bởi lẽ từ khi biểu tình diễn ra, người dân Thái Lan quá quen thuộc với hình ảnh này.
Tuy vậy, không khí ở Bangkok sáng nay trầm lắng, không còn dấu hiệu nhộn nhịp như ngày thường.
Giới chức nhà nước và nhân viên các cơ sở tư nhân vẫn đến làm việc bình thường; trên đường phố người dân hạn chế đi lại.
Khách du lịch thỉnh thoảng có xuất hiện trên đường phố Bangkok, nhưng không nhiều và có vẻ ngạc nhiên, lo lắng khi nhìn thấy binh lính.
Quân đội phát lệnh các kênh truyền hình không phát chương trình gây kích động quần chúng. Tại các kênh này xuất hiện người của quân đội ngay từ sáng sớm nhằm kiểm soát việc phát sóng của các đài truyền hình, đặc biệt kênh truyền hình chính phủ, kênh của người biểu tình chống chính phủ và kêch ủng hộ chính phủ.
Tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh Bộ binh Thái Lan - người ban bố thiết quân luật hồi sáng sớm nay - liên tục yêu cầu người dân bình tĩnh, tránh gây hoảng loạn. Tướng Prayuth nói rằng quân đội kiểm soát Bangkok là để giữ an toàn cho thủ đô, ngăn chặn các phần tử bạo loạn ở cả 2 phe và cả "nhóm thứ 3" lợi dụng tình hình gây rối loạn cho Thái Lan.
Quân đội cũng kiểm soát cả khu vực biểu tình của cả 2 phe vì đây được xem là khu vực trọng tâm của bạo loạn.
Thiết quân luật được xem là khởi đầu cho cuộc đảo chính của quân đội. Năm 2008, tình trạng này đã được áp dụng và tiếp sau là đảo chính tuy nhiên tướng Prayuth phủ nhận quân đội sẽ đảo chính.
Chính phủ Thái Lan cho biết vẫn điều hành đất nước, cho đến nay cho dù có sự can thiệp hay khống chế nào quân đội tuy nhiên, chính phủ phải báo cáo tình hình cho quân đội.
Phe biểu tình trông đợi quân đội thực hiện giai đoạn tiếp theo của thiết quân luật là đưa người khác lên làm thủ tướng. Sáng nay phe này tuyên bố hủy bỏ các đợt xuống đường vận động ủng hộ cho cuộc biểu tình lớn vào cuối tuần này.
Đường phố Bangkok vắng vẻ hơn ngày thường
Thỉnh thoảng vẫn có khách du lịch xuất hiện ở Bangkok
Theo TNO
Xe tăng vào Bangkok, quân đội bác bỏ tin đảo chính Ngày 11.5, người dân Thái Lan một phen hoảng sợ khi thấy một đoàn xe tăng hàng chục chiếc tiến vào thủ đô Bangkok. Nhiều người kháo nhau quân đội chuẩn bị đảo chính vì trước đó không có thông báo nào về điều động xe tăng. Tuy nhiên, quân đội Thái Lan nhanh chóng bác bỏ tin đồn này nhưng không nói...