Thái Lan bỏ ngỏ khả năng tham dự AFF Cup 2020: ‘Đòn gió’ của người Thái?
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmuang vừa đưa ra phát biểu: “Tham dự AFF Cup là một niềm tự hào với các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, các quy định của Liên đoàn bóng đá châu Á không bắt buộc các quốc gia phải tham gia giải đấu này. Vì thế, chúng tôi hoàn toàn có thể từ chối tham dự giải đấu năm nay. Chúng tôi hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát và giải đấu có thể cạnh tranh mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả các đội tuyển tham dự”.
Cho đến giờ phút này thực hư của phát biểu đó ra sao, tính chính xác ở mức độ nào, tất cả đều chưa được kiểm chứng một cách chính xác nhất, nhưng chuyên mục bàn tròn cùng Thể thao & Văn hóa vẫn xin được chuyển tải đến quý độc giả quan điểm và cách thức đánh giá, nhìn nhận về vấn đề này của các nhà quản lý, giới chuyên môn.
Những ý kiến chia sẻ đều dựa trên giả thiết rằng thông tin từ phía người Thái là sự thật.
Phát biểu là chuyện riêng của Thái Lan…
“Còn với chúng ta, cứ làm tốt phần việc của mình”, như lời Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, “hiện VFF chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) hay từ chính Thái Lan về việc nước bạn không cử ĐTQG dự AFF Cup 2020″.
Ông Trần Quốc Tuấn nêu lên quan điểm rằng nếu Thái Lan nghỉ chơi ở AFF Cup 2020 thì đây là quyết định riêng của nền bóng đá của họ mà thôi.
Ông Tuấn nói: “Chúng ta và cả đội tuyển Việt Nam vẫn đang tập trung vào những việc của mình một cách tốt nhất. AFF Cup là sân chơi truyền thống của bóng đá khu vực, chúng ta hiện nay ở vào vị thế của nhà ĐKVĐ.
Việt Nam luôn trên tinh thần tập trung cao, chuẩn bị tốt nhất cho AFF Cup vào cuối năm. Theo đó là tìm những giải pháp vừa vẹn cho V-League hoàn tất, kế hoạch tập trung cho ĐTQG với lực lượng, chất lượng được đảm bảo. Cơ bản là nằm ở chính tâm thế của chúng ta để không bị động cũng như không chịu tác động hay ảnh hưởng tâm lý gì về thông tin từ phía Thái Lan đưa ra”.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn
Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định: “Chúng ta phải đang cố gắng trong những hạn mức, điều kiện, bối cảnh có thể để giải quyết khối lượng công việc cho cả các giải đấu trong nước.
Đồng thời với đó là bàn thảo, lên phương án và tạo điều kiện tốt nhất cho thầy trò HLV Park Hang Seo được đảm bảo tinh tươm mọi thứ khi bước vào 2 giải đấu quan trọng ở 3 tháng cuối năm.
Bây giờ, tình hình dịch bệnh như thế đương nhiên là khó khăn nhưng đấy là khó khăn chung, khó tránh khỏi. Tuy vậy, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn dành những gì thuận lợi cho ĐTQG và HLV Park Hang Seo cho 2 chiến dịch quan trọng nhất bao gồm vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020″.
Có phải chiêu “ném đá dò đường” của người Thái?
“Thực ra, cho đến lúc này, chúng ta chỉ được nghe thông tin một chiều từ chính Thái Lan đưa ra. Ngay cả phía họ cũng chưa có động thái nào chính thức đề xuất lên AFF.
Đồng thời AFF cũng chưa hề đưa ra thông báo chính thức về câu chuyện này. Tôi cho rằng khi đã “bắn” đi thông điệp như thế ở vào thời điểm này, rất có thể chỉ là “đòn gió” của người Thái mà thôi”, chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận câu chuyện dựa trên quan điểm của mình như thế.
Nói rộng ra, theo ông Xương, dựa trên những căn nguyên sau đây, để Thái Lan có thể họ tung tin để “chơi chiêu”. Hay nói cách khác, nếu tình thế ở vào mức xấu nhất, Thái Lan chỉ quan tâm đến số phận của Thai League cùng với các trận đấu vòng loại World Cup hơn là AFF Cup.
“Chúng ta thấy rằng một trong nguyên nhân được Chủ tịch FAT Somyot Poompanmuang đưa ra là Thai League 2020 đang bị hoãn vì dịch Covid-19.
Trong trường hợp giải đấu cao nhất Thái Lan hoãn đến tháng 8 hoặc muộn hơn thì FAT có thể sẽ đưa ra kế hoạch trên hoặc cử đội U23 dự đấu trường lớn nhất khu vực, hoặc bỏ luôn không tham dự.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương
Cho đến lúc này, Thái Lan vẫn trên tinh thần giải đấu cao nhất Thai League 2020 vẫn phải diễn ra cho hoàn tất chứ không hủy bỏ gì cả. Có nghĩa là lúc nào hết dịch, họ sẽ đá cho đến kết thúc, thậm chí nếu gối đầu sang đầu năm 2021, vẫn phải diễn ra.
Nói cách khác, câu chuyện những lợi ích kinh tế, thu nhập và tiếng vang của Thai League sẽ được người Thái coi trọng. Khách quan mà nói, nhìn tổng thể trên nhiều phương diện giải đấu chuyên nghiệp của Thái Lan đang đứng đầu khu vực, đương nhiên trên tầm V-League của chúng ta.
Ở đó, danh tiếng, thương hiệu, giá trị thương mại từ đầu tư, tài trợ, khai thác hình ảnh đến cả việc bán bản quyền giải đấu cũng cao hơn hẳn các nước trong trong khu vực. Nói cách khác, lợi ích và bầu sữa từ Thai League buộc người Thái phải tính toán để chọn lựa”.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương bình luận: “Theo tôi Thai League 2020 sẽ tiếp tục diễn ra, cho tới khi hoàn tất. Lúc đó cầu thủ Thái Lan sẽ vừa phải căng mình ở cấp CLB vừa làm nhiệm vụ cho ĐTQG.
Vì thế, nếu ĐTQG Thái Lan phải chiến đấu ở cả vòng loại World Cup 2022 hay AFF Cup vào cuối năm thì rất khó đảm bảo mọi thứ tốt nhất. Trong khi đó, Thái Lan vẫn tính toán trên hướng giải quyết là đến tháng 8 thì giải đấu tiếp tục.
Chúng ta nên nhớ đây là giải đấu có đến 18 CLB, đá 2 lượt đi về. Do vậy, khả năng Thai League 2020 kéo dài đến cuối năm hoặc vắt qua đầu năm 2021 là không tránh khỏi”.
Nếu người Thái bỏ, ĐTQG Việt Nam được mất ra sao?
“Người Thái đang tính rất kỹ, có cả việc chơi chiêu trong chuyện này. Bây giờ họ có đưa ra thông tin sẽ không tham dự AFF Cup như thế. Thông tin mà chưa chính thức, chưa ai xác nhận và chưa biết họ có làm đúng như thế hay không.
Ngược lại, có thể họ tính nếu Thái Lan đá tốt, có vé đi tiếp ở vòng loại World Cup, hoặc họ bỏ luôn AFF Cup, hoặc lúc đó, phấn chấn tinh thần và vẫn tham dự bình thường. Một vấn đề khác sẽ ảnh hưởng tới các quyết định của người Thái là AFF Cup không thuộc lịch FIFA Days.
AFF Cup 2020 sẽ kém đi rất nhiều hấp dẫn nếu thiếu vắng màn so tài giữa HLV Park Hang Seo và HLV Akira Nishino. Ảnh: Hoàng Linh
Trong lịch thi đấu cũ, AFF Cup diễn ra khi các giải quốc nội châu Á đã hoàn tất, thuận lợi cho việc triệu tập cầu thủ về đội tuyển. Nhưng với tình hình này, khả năng AFF Cup phải diễn ra khi các giải vô địch quốc gia chưa kết thúc là rất cao.
Người Thái sẽ gặp khó khăn để gọi về 4 cầu thủ đang chơi ở nước ngoài. HLV Akira Nishino nhiều khả năng không thể có lực lượng mạnh nhất trong trường hợp Thái Lan vẫn tham dự AFF Cup 2020. Do AFF Cup không nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của FIFA nên Thái Lan không thể gọi về nhiều ngôi sao quan trọng đang chơi bóng ở nước ngoài.
Họ thậm chí chưa chắc có được sự ủng hộ từ các CLB trong nước nếu Thai League khi đó chưa kết thúc. Tức là ngay cả khi muốn, Thái Lan cũng khó lòng cử lực lượng tốt nhất tới đấu trường khu vực”, chuyên gia Đoàn Minh Xương đưa ra phân tích.
Ông Xương kết luận: “Nhìn đa chiều cũng như nói hết ý như thế sẽ thấy những thuận lợi lẫn khó khăn (về lý thuyết) dành cho thầy trò ông Park.
Chúng ta bàn luận câu chuyện trên giả thiết người Thái bỏ thật hoặc giả họ tung “đòn gió”. Chứ nói thật, AFF Cup 2020 mà không có màn đối đầu giữa ông Park cùng đồng nghiệp Akira Nishino thì mất hay”.
Trần Tuấn
Đá tập trung là 'lối mở' cho V League 2020
Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, bàn bạc, thỏa thuận rồi đưa ra những kịch bản thế nào, phương án ra sao để mọi việc êm xuôi, vẹn cả đôi đường, đó không hề là câu chuyện đơn giản của VFF, VPF cùng với các CLB đang tham gia địa hạt bóng đá nước nhà.
Một trong những ý tưởng mới nhất là LS V-League 2020 sẽ được tổ chức tập trung ở vài địa điểm cụ thể nào đó, song tất cả những tính toán cũng phải dựa vào tình hình biến chuyển của dịch Covid-19 mà thôi. Thể thao & Văn hóa xin được truyền tải đến quý độc giả những ý kiến từ nhà quản lý đến chuyên gia.
Từ ý tưởng V-League 2020 được đá theo kiểu tập trung
"Tinh thần của VFF, VPF là làm hết sức mọi khả năng, phương án có thể để giải đấu tiếp tục diễn ra chứ không phải hủy bỏ LS V-Legue 2020. Ý tưởng tổ chức giải tập trung ở một vài địa điểm nào đó cũng đã được tính đến. Hôm qua, VFF và VPF đã có buổi gặp mặt để đưa ra những phương án khác nhau nhằm có thể tổ chức trở lại LS V-League 2020. Lúc này, bản thân các CLB vẫn duy trì tập luyện, sẵn sàng tâm thế quay trở lại thi đấu khi dịch qua đi. Điều đó là hết sức cần thiết, thể hiện tính chuyên nghiệp của các CLB tham dự V-League và hạng Nhất", Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ như thế về tình hình hiện nay cũng như diễn biến trong thời gian sắp đến của hoạt động bóng đá nước nhà.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn
Với vấn đề quan trọng nhất, đó là những phương án đặt ra để các giải đấu được tiếp tục như thế nào, Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn cho biết: "Chúng ta thấy 2 vòng đấu vừa qua đã được tổ chức chu toàn dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bộ phận y tế, sự quản lý của các CLB và BTC địa phương.
Các địa phương cũng như các đội bóng đã phối hợp rất tốt về mặt quản lý, thể hiện trách nhiệm cùng với VFF, VPF trong hoàn cảnh như thế này. Chúng tôi ghi nhận nỗ lực rất lớn từ nhiều phía trong khâu tổ chức ở 2 vòng đấu kể trên.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến khó lường, lan rộng như hiện nay nên việc đảm bảo an toàn được coi như yêu cầu đầu tiên. Khi đó, nếu thi đấu thì việc di chuyển giữa các điểm thi đấu có thể gây ra nguy cơ nhiễm dịch.
Chính vì điều đó nên chúng tôi quyết định tạm hoãn giải đấu. Trong tất cả các phương án, kịch bản cho thời gian tới nếu giải đấu được tiếp tục diễn ra, có ý tưởng LS V-League 2020 sẽ đá tập trung ở khu vực nhất định nào đó. Khi mà việc di chuyển bằng máy bay vào lúc này được coi như nguy cơ lớn nhất lây lan dịch bệnh thì khả năng các đội di chuyển nội bộ bằng ôtô và tập kết ở địa điểm cụ thể nào đó để thi đấu cũng đã được tính đến.
Nếu mọi thứ suôn sẻ, khả quan và đáp ứng được yêu cầu đặt ra thì giải vẫn có thể diễn ra để cầu thủ vẫn đảm bảo đạt được phong độ và giải quyết nhiều vấn đề không chỉ cho các CLB mà còn cho cả câu chuyện chung nhất ở các ĐTQG".
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho rằng, V-League không chỉ quan trọng đối với mỗi CLB hay các giải đấu thường niên trong nước. Sân chơi cao nhất của bóng đá nước nhà còn ảnh hưởng đến cả việc tập trung cho ĐTQG.
Chính V-League sẽ tạo ra tiền đề cơ bản cho kế hoạch của ĐTQG tham dự những giải đấu quan trọng vào cuối năm nay. Do đó, những tính toán của VFF, VPF vào lúc này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho các đội bóng mà theo đó còn đáp ứng cho những công việc của HLV Park Hang Seo về kế hoạch của ĐTQG.
Ông Tuấn khẳng định: "Chúng tôi sẽ làm việc, phối hợp và bàn thảo với các đội bóng để cố gắng tìm ra những phương án khác nhau. Những phương án đó phải dưới góc độ đảm bảo được an toàn con người, chi phí kinh tế, thời gian, mật độ thi đấu nhằm đảm bảo hài hòa nhất có thể, mang lại điều kiện tốt cho các CLB tham gia giải trong nước.
VFF và VPF đang tính tới phương án để LS V-League 2020 diễn ra ở một địa điểm tập trung để các đội bóng không phải di chuyển quá nhiều bằng máy bay. Ảnh: Hoàng Linh
Sau đó nữa là hài hòa và kịp thời cho quãng thời gian ĐTQG tập trung thi đấu vào cuối năm ở vòng loại World Cup 2022 cũng như sau đó là AFF Cup 2020.
Nói tóm lại, dù giải pháp gì đi nữa, kế hoạch ra sao, phương án cụ thể thế nào để triển khai thì vẫn phải đảm bảo được các yêu cầu, tiêu chí đặt ra: "An toàn, tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi cho các đội bóng tham dự giải".
Các bên nên ngồi lại cùng nhau để tìm tiếng nói chung
"Trong bối cảnh này, chúng ta thấy cả VFF, VPF hay bản thân các CLB đều đã đưa ra những ý kiến, quan điểm và đánh giá của riêng mình về câu chuyện V-League sẽ thế nào trong thời gian đó.
Đương nhiên, đứng trước tình hình thực tế và dưới góc độ nhìn nhận sẽ thấy mỗi bên đều có quan điểm thế này thế kia, có cái chung nhất, có cái chưa tìm được tiếng nói chung.
Điều này cũng dễ hiểu vì mỗi quan điểm đều có cái lý của riêng chuyện đó. Vậy nên, theo tôi, vào lúc này là tất cả các bên liên quan phải ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc, lắng nghe, ghi nhận, thảo luận và thống nhất các ý kiến để có thể tìm ra phương án", chuyên gia Đoàn Minh Xương đưa ra ý kiến của mình.
"Tôi đồng cảm và thấu hiểu được những khó khăn hiện nay mà bóng đá chúng ta đang đối mặt. Tôi cũng ghi nhận, chia sẻ và đồng cảm với ý tưởng có thể V-League 2020 sẽ đá tập trung ở địa điểm cụ thể vào thời gian nào đó của anh Trần Quốc Tuấn.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương
Chúng ta thấy, trên cương vị quản lý, điều hành, anh Tuấn cũng đang phải hết sức đau đầu, nan giải tìm ra các biện pháp tối ưu vào lúc này. Ý tưởng của anh Tuấn là tích cực nếu dựa trên cơ sở diễn biến của dịch bệnh cũng có chiều hướng tích cực.
Còn thực tế, mọi thứ chúng ta đều đặt ra trên giả thiết và phải bị động khi chạy theo dịch bệnh mà thôi".
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng các bên phải ngay lập tức ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung trong những lựa chọn hài hòa nhất. Lợi ích ở đây là bao quát cho tất cả từ cơ quan quản lý, các CLB, ĐTQG, nhà tài trợ, người hâm mộ chứ không chỉ riêng ai.
Ông Xương nói: "Cho nên giải pháp và kế hoạch cũng phải được đưa ra từ chính tất cả các bên chứ không phải ý kiến của riêng bộ phận nào cả. Cụ thế, sẽ đá hay dừng, đá thì đá ra sao, dừng thì dừng đến khi nào.
Chúng ta thấy nếu mọi việc ổn định thì có thể đá lại vào tháng 4, xa hơn nữa là tháng 5. Nhưng nếu như kéo dài đến tháng 6 hay tháng 7 thì đã là vấn đề khác rồi, không giống bối cảnh hiện nay.
Chưa kể đến tháng 8 hay tháng 9 mà dịch bệnh còn phức tạp thì cũng tính đến phương án đá vắt qua 2 năm như các giải VĐQG ở châu Âu chẳng hạn. Thậm chí chúng ta phải đặt vào những tình huống xấu nhất nếu nó xảy ra.
Lý do là bởi thiên tai dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng nó vẫn ập đến bất kỳ lúc nào. Do vậy, khi mọi thứ không cho phép, không phải cứ muốn là được.
Ngay cả việc nếu VFF, VPF hay các CLB muốn như thế nhưng đơn vị quản lý cao hơn là Tổng cục TDTT hay Bộ VH, TT&DL hoặc ngay cả Chính phủ chưa cho phép vì tình hình dịch bệnh thì vẫn phải tuân thủ".
Trần Tuấn
Khi các giải bóng đá đóng băng Những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các trận đấu ở vòng loại World Cup 2022 diễn ra trong tháng 3 và tháng 6/2020 sẽ được dời đến tháng 10 và tháng 11/2020. Điều này khiến kế hoạch tập trung của ĐT Việt Nam trong năm nay bị ảnh hưởng đáng kể, khi thầy trò HLV Park Hang Seo gần như có...