Thái Bình: Táo tợn đánh cắp trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản
Nhóm bắt cóc còn táo tợn dựng cả màn kịch hòng đoạt lấy bé sơ sinh từ tay bà và mẹ cháu bé.
Trao đổi với PV, Đại tá Trần Xuân Tuyết – Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình – cho biết: Ban Giám đốc Công an tỉnh đang chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tập trung lực lượng điều tra, làm rõ và truy bắt các đối tượng ra tay đánh cắp hụt một bé sơ sinh ngay tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh.
Theo thông tin từ cơ quan công an, sự việc táo tợn xảy ra vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng 26/8 tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình. Chị Vũ Thị Nga (SN 1976), trú tại xã Hồng Lý – Vũ Thư – Thái Bình tá hỏa phát hiện con trai mới sinh của mình bị đánh cắp.
Đến 15 giờ ngày 26/8, một đôi vợ chồng đi khám bệnh phát hiện ở góc thang máy tầng 3 của bệnh viện này có một túi xách du lịch, bên trong đựng một cháu bé. Điều may mắn là cháu bé đã được các bác sĩ cấp cứu và sức khỏe hồi phục bình thường.
Video đang HOT
Chị Nga xác định con trai trong bức ảnh do cơ quan công an cung cấp.
Chị Nga bàng hoàng kể lại sự việc: vào lúc 7 giờ 30 ngày 26/8, một cô y tá vào nói với chị cho bé đi tắm. Do mới cho con tắm hôm qua nên chị Nga giữ cháu lại. Tuy nhiên, sau đó ít phút, có một người đàn ông ở phòng bên cạnh lại ngó vào cửa hỏi ai là Vũ Thị Nga thì cho con đi tắm, vì vậy chị Nga chờ mẹ đưa cháu đi.
Khi bà ngoại bế cháu đến phòng tắm ở tầng 1, có một cô gái khoảng 20 tuổi mặc áo blu nói đưa cháu cho cô, khi bé tắm xong sẽ bế về cho gia đình. Bà ngoại cháu đã đưa cháu cho cô “y tá” này.
Một lúc lâu sau, bà ngoại xuống không thấy cháu bé đâu nữa nên hỏi cô ý tá ở phòng tắm là con của chị Nga đâu. Nữ y tá này cho biết từ sáng đến giờ không tắm cho con của sản phụ nào tên là Nga.
Lúc này gia đình chị Nga mới hốt hoảng đi tìm và báo với bệnh viện. Ít phút sau, Đại tá Nguyễn Đình Trung – Phó giám đốc Công an tỉnh Thái Bình – cùng tổ công tác đặc biệt đã có mặt tại bệnh viện để chỉ đạo, điều tra. Tuy nhiên, gần 7 giờ sau thì phát hiện cháu bé được đựng trong một chiếc túi du lịch,cháu bé không có biểu hiện bị đói và có vẻ được chăm sóc rất cẩn thận. Riêng về đối tượng bắt cóc cháu bé, sau gần 2 ngày điều tra, lực lượng chức năng nhưng chưa tìm ra tung tích.
Bệnh viện Phụ sản Thái Bình cũng tiến hành họp khẩn và khẳng định, cán bộ bệnh viện không ai có đặc điểm như gia đình cháu bé và những người chứng kiến kể lại.
Đại tá Tuyết cho biết, chiều 26/8, Công an tỉnh Thái Bình đã gửi mẫu ADN của cháu bé này đến Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) xác định xem đây có đúng là con của chị Nga hay không. Sau khi có kết quả xác định ADN, cơ quan công an sẽ lập biên bản bàn giao chính thức cháu bé cho gia đình. Tạm thời, chị Nga sẽ vẫn chăm sóc và nuôi dưỡng cháu bé này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Theo VNE
Mất tiền trong...thẻ tín dụng: Nguy cơ khó tránh
Dù được hưởng những ưu điểm như tính tiện lợi, đảm bảo riêng tư, song việc sử dụng thẻ tín dụng khó tránh khỏi nguy cơ bị đánh cắp tiền trong tài khoản. Nguy cơ thiệt hại càng cao đối với những người sử dụng mất cảnh giác, ít kinh nghiệm.
Tang vật và các đối tượng phạm tội liên quan đến thẻ tín dụng bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý
Tiện lợi và...bất lợi
Một hiện tượng ngoài mong muốn của các đơn vị phát hành thẻ và người sử dụng, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, là cùng với sự đa dạng các loại thẻ, tội phạm nhắm đến những chiếc "ví điện tử" ngày càng tinh vi hơn. Đại diện Hội thẻ ngân hàng Việt Nam nhận định: "Sự gia tăng của các loại tội phạm thẻ đang đe dọa đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động kinh doanh thẻ, qua đó gây áp lực lớn cho việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như của ngân hàng". Còn theo đánh giá của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an, những năm gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam diễn ra phức tạp, gây nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đúc kết của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao, thủ đoạn của tội phạm thẻ chủ yếu ở các dạng: lắp đặt thiết bị tại máy ATM để sao chép, trộm cắp dữ liệu, thông tin thẻ tín dụng, sau đó làm giả thẻ để rút tiền; người nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng giả để mua hàng hóa hoặc thanh toán các loại dịch vụ tại Việt Nam; sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua hàng hóa, vé máy bay, thanh toán các loại dịch vụ qua mạng Internet; lập các website sàn giao dịch thương mại điện tử để lừa đảo huy động vốn dưới dạng kinh doanh đa cấp nhằm chiếm đoạt tài sản. Một điều đáng lo ngại là trên mạng Internet hiện có rất nhiều trang web... dạy cách bẻ khóa, đột nhập để ăn cắp các dữ liệu của thẻ, mua bán các thông tin đó.
Tội phạm "nội" cạnh tranh tội phạm "ngoại"
Hoạt động của tội phạm thẻ không bị hạn chế về địa lý, song ở Việt Nam, chủ yếu loại tội phạm này thực hiện các phi vụ trộm cắp tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đặc thù bất ngờ của loại tội phạm này, là có cả đối tượng nước ngoài lẫn tội phạm trong nước; cá biệt có đường dây hoạt động bởi sự câu kết giữa đối tượng trong nước với nước ngoài.
Chuyên án phá đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao trộm cắp thông tin của chủ thẻ để mua vé máy bay mà Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao bóc gỡ mới đây có thể xem là điển hình của tội phạm thẻ. Ban đầu, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao nhận được "đơn cầu cứu" của Hãng hàng không Việt Nam Airlines, (VNA) về việc họ bị thiệt hại nhiều tỷ đồng, do tội phạm thẻ đánh cắp thông tin trên 2 loại thẻ Visa và Master phát hành ở nước ngoài.
Suốt nhiều tháng "mật phục" trên...mạng Internet, lực lượng Chống tội phạm công nghệ cao dò ra được manh mối nhóm đối tượng do một sinh viên chuyên công nghệ thông tin cầm đầu. Đó là Nguyễn Thái Thông, nhà ở TP.HCM. Quá trình truy xét, đấu tranh sau này tại cơ quan công an, Thông khai anh ta quan tâm đển thẻ tín dụng từ khoảng cuối năm 2009. Đầu tiên là việc đăng nhập trở thành thành viên của một diễn đàn chuyên "bẻ khóa" các trang web. Tiếp đó, Thông bắt mối 2 "hacker" là Huỳnh Ngọc Long và Nguyễn Ngọc Ánh, bàn bạc cách thức trộm tiền trong thẻ tín dụng. Thí nghiệm đầu tiên nhóm Thông, Long nhắm đến là vé máy bay của VNA. Khi đã thuần thục, Thông tính cách làm ăn lớn bằng việc mở đại lý bán vé máy bay ở Nha Trang, thuê người bán. Vé máy bay do nhóm Thông, Ánh bán đều rẻ hơn so với giá chính hãng. Và cho đến khi sa lưới, Thông khai nhận đã sử dụng trái phép thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua 150 vé máy bay và đồ đạc các loại, gây thiệt hại gần 300 triệu đồng cùng hơn 1.000 USD cho hãng này.
Sau thời điểm phá đường dây trộm tiền trong thẻ tín dụng của Nguyễn Thái Thông, lực lượng Chống tội phạm công nghệ cao phát hiện, xử lý vụ 3 đối tượng người Trung Quốc mang máy tính, thiết bị đọc, in thẻ tín dụng vào Việt Nam, sau đó móc nối Nguyễn Thị Chắt, 59 tuổi, trú ở TP Vinh, Nghệ An để thực hiện việc rút tiền trái phép. Chỉ trong vòng 1 tuần kể từ khi vào Việt Nam, các đối tượng này đã thực hiện hơn 100 lần quẹt thẻ, rút trái phép được hơn 1,3 tỷ đồng. Cũng liên quan đến hoạt động của tội phạm thẻ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng phát đi văn bản "khẩn" gửi các tổ chức phát hành thẻ để thông báo thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng thẻ tín dụng. Một số người nước ngoài câu kết với đối tượng trong nước sử dụng thiết bị chuyên dụng và phần mềm đọc, in dữ liệu lên thẻ từ, sau đó tìm cách giao dịch thanh toán khống hàng hóa để rút tiền mặt. Chúng sử dụng trái phép rất nhiều thông tin thẻ tín dụng để in làm giả thẻ và quẹt ngay thẻ liên tục trong thời gian ngắn để chiếm đoạt số tiền lớn.
Theo quan điểm của một cán bộ Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, thì: "Việc phòng ngừa nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu thì không có biện pháp nào của ngân hàng có thể hiệu quả hơn chính chủ thẻ bảo vệ mình khi giao dịch". Đây là một thực tế buộc phải chấp nhận, và chỉ còn cách đó để hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra.
Theo ANTD
Dân Hà Nội hoang mang vì cướp đường ngày càng táo tợn Tình trạng cướp giật túi xách, ví, điện thoại của người đi đường giữa thanh thiên bạch nhật ngày càng táo tợn khiến dư luận hoang mang. Chị T. Nga, một nạn nhân của bọn cướp đường cho biết, chị vừa bị giật mất túi xách cách đây ít hôm, toàn bộ giấy tờ tùy thân, đăng ký xe, thẻ ngân hàng và...