Thách thức với phương Tây khi sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine
Giới chức phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm các cơ chế pháp lý phù hợp nhất để sử dụng nguồn tài sản bị đóng băng của Nga cho công cuộc tái thiết Ukraine.
Siêu du thuyền Amadea trị giá 300 triệu USD của nhà tài phiệt người Nga Suleiman Kerimov đã bị chính quyền địa phương ở Lautoka, Fiji tịch thu theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ. Ảnh: AFP
Theo tờ Financial Times, trong bài phát biểu qua video tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos tuần qua, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã kêu gọi phương Tây sử dụng tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga và các nhà tài phiệt để hỗ trợ chi phí tái thiết Ukraine ước tính 500 tỷ USD.
Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã ủng hộ đề xuất này của Tổng thống Zelenskyy. Trong đó, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell, cho rằng sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối của Nga để tái thiết Ukraine là suy luận hợp lý. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đã đáp lại lời kêu gọi của ông Zelenskyy bằng tuyên bố Nga “cũng nên đóng góp” vào công cuộc tái thiết nước láng giềng.
Tuy nhiên, những lời kêu gọi này đã tạo ra làn sóng phản đối trong giới tài chính, doanh nghiệp từ các quốc gia phương Tây và đồng minh. Điều này không phải vì họ không ủng hộ Ukraine, cũng không phải vì họ không nhận ra rằng công cuộc tái thiết hậu chiến tranh sẽ rất rộng lớn. Mà thay vào đó, theo giới quan sát, vấn đề quan trọng nhất chính là EU chưa đưa ra lộ trình thích hợp.
Trong khi phần lớn giới chức EU cho rằng cần phải hỗ trợ Ukraine và đưa ra biện pháp trừng phạt thích đáng nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga, giới chuyên gia cảnh báo đóng băng tài sản của Nga là một vấn đề hoàn toàn khác với việc giải ngân chúng.
Nếu một trong hai hành động này được thực hiện không nhất quán và thiếu minh bạch, các chính phủ phương Tây sẽ phải đối mặt với nhiều năm kiện tụng tốn kém. Cuối cùng niềm tin – điều vốn là nền tảng đối với nền kinh tế chính trị của các quốc gia thành viên – cũng sẽ bị phá hủy. Như Tổng thống Zelenskyy đã nhấn mạnh “giá trị” hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi thị trường thế giới đang rơi vào tình trạng mất ổn định.
“Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi đã nhất trí với nhau rằng phương Tây rất tôn trọng luật pháp và chúng tôi đầu tư vào phương Tây trên cơ sở đó. Nhưng liệu nền tảng này có đang bị phá vỡ? Chúng tôi nên nghĩ gì?”, một nhà đầu tư hàng đầu ở phương Tây bình luận.
Các đề xuất sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu qua video trong lễ khai mạc phiên họp thường niên lần thứ 51 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ hôm 23/5. Ảnh: AP
Giới chức đang nỗ lực tìm giải pháp sử dụng nguồn tài sản bị đóng băng của Nga một cách phù hợp nhất. Phát biểu tại WEF trong tuần này, bà Von der Leyen cho biết “các luật sư của chúng tôi đang làm việc để tìm ra những biện pháp khả thi đối với việc sử dụng nguồn tài sản bị đóng băng này”. Trong đó, các luật sư phương Tây ủng hộ Ukraine đang nghiên cứu các công cụ lập pháp hiện có, để xem liệu có thể thay đổi chúng giúp thực hiện mục đích này hay không.
Một số chuyên gia đề xuất nên áp dụng quy tắc tố tụng trọng tài liên quan đến một số hiệp ước đầu tư trực tiếp ít được biết đến được ký kết giữa Nga và Ukraine trong những năm 1990. Hiệp ước này sẽ áp đặt thiệt hại trong trường hợp một quốc gia gây tổn hại kinh tế cho nước còn lại. Do chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều chuyên gia cho rằng Nga là bên cần phải bồi thường thiệt hại cho Ukraine khi tiến hành phá hủy cơ sở hạ tầng ở Urkaine.
Về phía Mỹ, nước này thường sử dụng quyền thu giữ tài sản của các cá nhân hoặc quốc gia nước ngoài để thực hiện biện pháp trừng phạt kinh tế. Trong xung đột tại Ukraine, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể tìm kiếm thẩm quyền lập pháp từ Quốc hội để ban hành luật mới cho phép thu giữ tài sản tiền tệ của Nga mà không vi phạm luật quốc tế hoặc Hiến pháp Mỹ. Hoặc Tổng thống Mỹ có thể áp dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 để tái phân bổ tài sản trong các ngân hàng Mỹ, dựa theo tiền lệ được thiết lập từ những năm 1980 liên quan đến Iran.
Video đang HOT
Đạo luật Quyền hạn Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế năm 1977 chỉ cho phép đóng băng, không cho phép bán tài sản nước ngoài trong trường hợp xảy ra khủng hoảng quốc tế. Sau khi Iran tấn công và chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979, Chính phủ Mỹ đã thu giữ tài sản trị giá hàng tỷ USD của Iran ở Mỹ.
Trong khi đó, Kiev cũng đã đưa ra một đề xuất thú vị. Nước này đã soạn thảo một bản ghi nhớ kêu gọi Liên hợp quốc thành lập một ủy ban mới về tịch thu và đóng băng tài sản “hợp hiến, hợp pháp, minh bạch và hiệu quả” của những quốc gia có hành động tấn công vũ trang.
Song dù là biện pháp nào, cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine đang được coi là dự án thử nghiệm cho việc tạo ra một khuôn khổ toàn cầu để áp dụng trong các cuộc xung đột khác.
Ông Rinat Akhmetov, tỷ phú Ukraine, cho biết ông sẽ kiện Nga để đòi “bồi thường thích đáng cho mọi chi phí và doanh thu bị mất” do nước này đã phá hủy tài sản của ông ở Mariupol, chẳng hạn nhà máy thép Azovstal.
Theo giới chuyên gia, đề xuất của Ukraine có thể sẽ được hoan nghênh. Một luật sư phương Tây, người đã xem xét bản ghi nhớ từ Kiev cho biết: “Khái niệm cơ bản về việc đưa ra khuôn khổ quốc tế, bao gồm các biện pháp trừng phạt, có thể hợp lý hơn việc áp đặt các biện pháp trừng phạt khá đặc biệt hiện nay”.
Tuy nhiên, quyền phủ quyết của Nga trong Hội đồng Bảo an sẽ gây khó khăn cho việc thành lập một ủy ban của Liên hợp quốc. Hơn nữa, đề xuất triển khai đạo luật quyền hạn khẩn cấp năm 1977 của Mỹ cũng đang gây tranh cãi về mặt pháp lý và việc thông qua bất kỳ luật nào của nước này một cách nhanh chóng cũng là điều rất khó khăn.
Nếu khái niệm về thủ tục tố tụng và quyền tài sản chưa bị thay đổi, tài sản của Nga vẫn chỉ có thể bị đóng băng trong nhiều năm hoặc các cuộc chiến pháp lý bất tận sẽ xảy ra sau đó.
Những quốc gia coi trừng phạt Nga là cơ hội 'ngàn năm có một'
Khi Mỹ và các đồng minh rời khỏi Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đang tiến vào.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin.. Ảnh: AFP / Sputnik
Theo trang Asia Times, các biện pháp trừng phạt của phương Tây, khiến hàng loạt công ty Mỹ và các nước đồng minh rời khỏi Nga, cũng sẽ tạo khoảng trống cho các đối thủ cạnh tranh từ Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc nhảy vào.
Ngày 13/4, đài phát thanh công cộng quốc gia Mỹ NPR đã đặt câu hỏi: "Phương Tây đang giáng đòn trừng phạt vào Nga. Nhưng, chúng có tác dụng không?". Theo một cuộc khảo sát do Trường Quản lý Yale (Mỹ) thực hiện, gần 300 công ty Mỹ, châu Âu, Đông Á và các công ty nước ngoài khác đã hoàn toàn ngừng kinh doanh tại Nga kể từ khi Moskva đưa quân vào Ukraine. Hơn 470 công ty đã tạm ngừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động và hơn 110 công ty khác hoãn các khoản đầu tư mới.
Những tập đoàn nổi tiếng đã từ bỏ hoặc tạm ngừng kinh doanh ở Nga bao gồm các công ty dầu khí BP, Exxon và Shell; nhà sản xuất máy bay Airbus và Boeing; các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Ericsson và Nokia; và những "người khổng lồ" công nghệ Alphabet (Google), AMD, Apple, Cisco, Global Foundries, Intel, Nvidia, Samsung, TSMC và Qualcomm.
Điều đó sẽ làm tê liệt nền kinh tế Nga? Một số người nghĩ như vậy. Chính Thị trưởng Moscow, Sergey Sobyanin, cũng từng viết blog rằng tại thành phố của ông, "theo ước tính, khoảng 200.000 người có nguy cơ mất việc làm."
Vào ngày 24/4, chuyên gia Jeffrey Sonnenfeld và nhóm nghiên cứu của ông tại Trường Quản lý Yale đã công bố danh sách cập nhật các công ty đã tạm dừng hoặc cắt giảm hoạt động tại Nga.
Cuộc khảo sát của họ xếp hạng các công ty như sau: Hạng A: Rút lui - Dọn sạch, gồm các công ty hoàn toàn ngừng tham gia với Nga hoặc hoàn toàn rời khỏi Nga (299 công ty); Hạng B: Đình chỉ - Tạm thời ngừng hầu hết các hoạt động nhưng vẫn có các lựa chọn để quay trở lại (364); Hạng C: Mở rộng quy mô - Giảm một số hoạt động quan trọng nhưng vẫn tiếp tục các hoạt động khác (112); Hạng D: Chờ đợi - Trì hoãn các khoản đầu tư mới trong khi tiếp tục hoạt động kinh doanh thực chất. (143): Hạng F: Vẫn "chiến", gồm các công ty đang tiếp tục kinh doanh bình thường ở Nga (181)
Nhưng theo Asia Times, xếp hạng trên cần phải bổ sung một danh mục khác. Đó là Hạng E: Eurasia - các công ty Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đang tìm cách tận dụng sự rút lui hàng loạt của các đối thủ phương Tây và Đông Á khỏi thị trường Nga.
Có thể thấy phần lớn các quốc gia trên thế giới đã từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Trong đó quan trọng nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ấn Độ
Theo chính phủ Ấn Độ, khoảng 300 công ty Ấn Độ hiện đang hoạt động tại Nga. Thêm nhiều công ty nữa đang trên đường tới. Chủ tịch của Liên đoàn Các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO), A Sakthivel, giải thích: "Xuất khẩu sang Nga không nhiều, chỉ ở nông sản và dược phẩm. Bây giờ cả phương Tây đang cấm vận Nga, sẽ có rất nhiều cơ hội cho các công ty Ấn Độ vào Nga ".
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Astana, Kazakhstan, ngày 9/6/2017. Ảnh: Sputnik
Susil Dungarwal, người sáng lập công ty tư vấn bán lẻ Ấn Độ Beyond Squarefeet Advisory, cho biết: "Chúng tôi đang tìm cách đưa các thương hiệu Ấn Độ đến Nga vì hầu hết các thương hiệu Mỹ và Châu Âu không còn bán ở đó nữa... Giả sử một anh chàng đang điều hành 50 cửa hàng của Calvin Klein với tư cách là một đại lý nhượng quyền chính ở Nga. Bây giờ, Calvin Klein không còn ở đó nữa, nhưng công ty đó vẫn còn 50 cửa hàng trống. Vì vậy, hoặc anh ấy đóng cửa 50 cửa hàng đó và bỏ kinh doanh, hoặc anh ấy có thể mang các thương hiệu Ấn Độ vào thay thế ".
Việc định giá một phần hoặc tất cả hoạt động thương mại Nga - Ấn bằng đồng rupee và đồng rúp sẽ giúp Ấn Độ tránh được các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và giảm sự phụ thuộc vào đô-la Mỹ.
Chỉ có một công ty Ấn Độ là Infosys đang ngừng hoạt động ở Nga (Hạng A); ba công ty khác - Reliance, Tata Motors và Tata Steel - tạm ngừng hoạt động (Hạng B), trong khi 13 công ty Ấn Độ đang tiến hành kinh doanh như bình thường (Hạng F).
Thổ Nhĩ Kỳ:
"Hơn 3.000 doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau ở Nga", Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Nga-Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè năm ngoái.
Hãng hàng không Turkish Airlines vẫn không ngừng bay đến Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có hơn 600 công ty đang làm việc tại Ukraine, quan tâm đến ngăn chặn chiến tranh và khôi phục lợi ích kinh doanh của mình ở cả hai nước, chứ không phải làm cho nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn bằng cách các lệnh trừng phạt.
Phát biểu trên kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mevlt avuşoğlu cho biết, "Về nguyên tắc, chúng tôi không tham gia vào các lệnh trừng phạt như vậy. Chúng tôi cũng không có ý định tham gia vào các lệnh trừng phạt này ".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giải thích: "Chúng tôi đang mua gần một nửa lượng khí đốt tự nhiên mà đất nước sử dụng từ Nga. Chúng tôi còn đang xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Akkuyy với Nga. Chúng ta không thể gạt chúng sang một bên... Thứ nhất, tôi không thể bỏ mặc người dân của mình trong cái lạnh giá của mùa đông. Thứ hai, tôi không thể tạm dừng ngành công nghiệp của mình. Chúng tôi phải bảo vệ những điều này ".
Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động tích cực tại thị trường Nga về xây dựng thương mại, cơ sở hạ tầng giao thông và xây dựng nhà máy công nghiệp, phát triển bất động sản, máy móc, thiết bị điện, phụ tùng ô tô, hàng không, thực phẩm, dệt may, kim loại và khoáng sản, năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên. Hai nước cũng đang nỗ lực để tạo thuận lợi cho giao dịch bằng đồng rúp và đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáng chú ý là cuộc khảo sát của Yale đề cập đến một công ty Thổ Nhĩ Kỳ - hãng hàng không Turkish Airlines (Hạng F), vẫn đang bay đến Nga.
Là thành viên NATO với nền kinh tế công nghiệp đang phát triển và dân số 85 triệu người, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác kinh tế quan trọng của cả Nga và Ukraine.
Trung Quốc
Danh sách Hạng F của Yale bao gồm 41 công ty Trung Quốc (trong đó có một công ty từ Hong Kong và hai từ Đài Loan). Đó là các công ty xây dựng, kỹ thuật và năng lượng do nhà nước kiểm soát, ngân hàng, SAIC Motor và một số công ty công nghệ nổi tiếng bao gồm Alibaba, ANT, China Mobile, Oppo, Tencent, Xiaomi và ZTE.
Huawei, đã đình chỉ các đơn đặt hàng mới ở Nga, được xếp loại D, nhưng hành động của họ có thể chỉ là một nỗ lực để tránh thu hút sự chú ý nhiều hơn của Mỹ. Dù thế nào, Huawei cung đã là nhà cung cấp thiết bị, phần mềm và dịch vụ viễn thông lớn nhất ở Nga. Cùng với ZTE, họ sẽ giành lấy thị phần bị Nokia và Ericsson bỏ rơi.
Có vẻ như Trung Quốc sẽ làm những gì có thể để cung cấp các chất bán dẫn mà Nga không còn có thể nhập khẩu từ phương Tây và Đông Á. Đây sẽ không phải là một sự thay thế hoàn toàn, nhưng nó sẽ tăng lên theo thời gian khi ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc phát triển.
Không rõ chính xác có bao nhiêu công ty Trung Quốc đang kinh doanh tại Nga, nhưng thông tin từ các nguồn truyền thông và chính phủ cho thấy con số này lên tới hàng nghìn, và có khả năng sẽ tăng lên. Chính phủ Trung Quốc được cho là đang giúp các công ty tư nhân của nước này "lấp đầy khoảng trống trên thị trường Nga", đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nga và Trung Quốc cũng đang tăng lượng giao dịch bằng đồng rúp và nhân dân tệ, để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.
Tóm lại, một nền kinh tế mới của Nga có khả năng xuất hiện khi các công ty Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc tiến vào các thị trường bị bỏ trống bởi người châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và những nước khác phản đối cuộc chiến ở Ukraine.
Những chiến thuật của Tổng thống Putin nhằm tăng giá trị đồng rúp Đồng nội tệ Nga đã có cú bật tăng trở lại ấn tượng sau khi chịu những đòn nặng nề do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng Mỹ cho rằng sự phục hồi của đồng rúp đang được thúc đẩy bởi "nhiều sự thao túng". Đồng rúp hiện đang được giao dịch xung quanh mức trước khi Nga tiến hành chiến...