Thách thức chờ đợi Ấn Độ khi nới phong tỏa
Ấn Độ đang từng bước dỡ lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới, nhưng phải đối mặt nguy cơ ca nhiễm nCoV tăng và hệ thống y tế quá tải.
Nối lại đường bay nội địa trong tuần này là dấu hiệu rõ ràng rằng Ấn Độ đang dần dỡ hoàn toàn lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới, điều chưa từng có tiền lệ với hơn 1,3 tỷ người nước này. Các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát Covid-19 đã khiến nhiều người mất việc, đe dọa an ninh lương thực và khiến nhiều lao động rời thành phố lớn về quê.
Nhưng thách thức đang chờ đợi Ấn Độ. Lệnh phong tỏa đã làm chậm tốc độ lây lan của nCoV, nhưng không giúp làm phẳng đường cong của dịch, theo giới chuyên gia. Số ca nhiễm mới vẫn gia tăng. Ấn Độ là quốc gia thứ 4 trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất, chỉ sau Nga, Brazil và Mỹ. Quốc gia Nam Á đã báo cáo gần 160.000 ca nhiễm và hơn 4.500 ca tử vong vì Covid-19.
Vài tuần gần đây, chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng hạn chế đi lại, hoạt động giao thông vận tải, thương mại và sản xuất. Tụ tập đông người vẫn bị cấm, trong khi đường bay quốc tế chưa được nối lại. Nhiều chuyên gia cảnh báo nới lỏng phong tỏa đồng nghĩa số ca nhiễm sẽ tăng nhanh hơn, gây áp lực lên hệ thống bệnh viện và ảnh hưởng tới việc tiếp cận dịch vụ y tế nói chung.
Mumbai và Delhi, hai thành phố lớn nhất Ấn Độ, đang chuẩn bị ứng phó với đợt gia tăng số ca nhiễm mới. Tại Mumbai, thành phố chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của Covid-19, nhiều phòng bệnh Covid-19 đã hết chỗ, trong khi đội ngũ y bác sĩ thiếu hụt khiến giới chức địa phương phải kêu gọi giúp đỡ từ các bang khác.
Tại Delhi, giới chức đã trưng dụng thêm một bệnh viện lớn thuộc quản lý của nhà nước làm trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời yêu cầu tất cả bệnh viện tư phải dành riêng 20% giường bệnh cho người nhiễm nCoV.
“Mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn”, Jayaprakash Muliyil, nhà dịch tễ học hàng đầu Ấn Độ, nhận định. Ông thêm rằng với một thành phố đông dân như Mumbai, “việc kiểm soát lây nhiễm nCoV là gần như không thể”.
Video đang HOT
Lao động nhập cư tập trung đông tại nhà ga ở thành phố Mumbai, bang Maharashtra, để bắt tàu về quê. Ảnh: AP.
Mumbai, thủ đô tài chính của Ấn Độ, đã ghi nhận gần 33.000 ca nhiễm nCoV. “Phòng bệnh dành cho người nhiễm nCoV của chúng tôi đã hết chỗ từ ba tuần trước. Chúng tôi buộc phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân”, Lancelot Pinto, chuyên khoa hô hấp tại Bệnh viện P.D. Hinduja, cơ sở y tế tư nhân lớn của thành phố, cho hay.
Chính phủ Ấn Độ đã thay đổi rất nhiều cách tiếp cận với đại dịch. Hồi thàng 3, Thủ tướng Narendra Modi thông báo một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới có hiệu lực chỉ sau vài giờ, khi quốc gia này báo cáo hơn 500 ca nhiễm nCoV. Ở nhà trong 21 ngày là cần thiết để “cắt đứt chuỗi lây nhiễm”, Thủ tướng Modi nói và tự tin cho rằng Ấn Độ sẽ chiến thắng đại dịch.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu đầu tháng này, Thủ tướng Modi không còn nhắc tới việc ngăn chặn hay đánh bại Covid-19. “Chúng ta sẽ sống chung với nCoV trong thời gian dài”, ông nói.
Hạn chế sẽ được nói lỏng và mỗi bang tự đưa ra các quyết định riêng tùy theo tình hình thực tế, theo Modi.
Thay đổi này cho thấy chính quyền ông Modi thừa nhận phong tỏa có thể gây ra thiệt hại kinh tế lớn cho quốc gia có mạng lưới an sinh xã hội yếu như Ấn Độ. Trong năm tài khóa này, nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ chứng kiến lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 1980 và hơn 100 triệu người mất việc làm.
Giới chức chính phủ nhấn mạnh thực tế rằng số người chết ở Ấn Độ vẫn tương đối ít so với nhiều vùng dịch lớn khác trên thế giới. Tỷ lệ tử vong của Ấn Độ là 2,9%, trong khi Mỹ là 5,9%.
Lệnh phong tỏa đã giúp Ấn Độ có thời gian chuẩn bị để không phải đối đầu với tình trạng “quá tải” số ca nhiễm, theo V.K Paul, thành viên bộ phận phụ trách lập kế hoạch của chính phủ. “Chúng tôi đã sẵn sàng đương đầu với thách thức sắp tới”, ông nói tại cuộc họp báo tuần trước.
Paul từ chối đưa ra bất kỳ dự đoán về tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới. Tháng trước, ông từng chia sẻ một biểu đồ cho thấy số ca nhiễm nCoV ở Ấn Độ sẽ giảm.
Mô hình dự đoán của các nhà thống kê và dịch tễ học tại Đại học Michigan, Mỹ cho rằng tới 15/7, Ấn Độ sẽ ghi nhận gần một triệu ca nhiễm nếu không “thận trọng” khi mở cửa đất nước sau phong tỏa. “Tại Ấn Độ, đường cong của dịch chưa được làm phẳng và dịch cũng chưa đạt đỉnh”, Bhramar Mukherjee, nhà thống kê sinh học tại Đại học Michigan, nhận định.
Nhiều người vẫn hoài nghi liệu số ca nhiễm và tử vong được báo cáo có phản ánh đúng quy mô của Covid-19 tại Ấn Độ. Trong hai tháng qua, quốc gia Nam Á này cũng tăng cường khả năng xét nghiệm và hiện có thể tiến hành khoảng 110.000 xét nghiệm mỗi ngày. Tuy nhiên, với một quốc gia có dân số đông như Ấn Độ, điều này đồng nghĩa chỉ một tỷ lệ rất nhỏ dân số đã được sàng lọc nCoV.
Chương trình xét nghiệm nCoV ở Ấn Độ vẫn đối mặt với nhiều vấn đề. Thái độ kỳ thị với Covid-19 đã khiến nhiều người không đi xét nghiệm trong giai đoạn đầu của bệnh, theo K. Sujatha Rao, người từng làm việc trong Bộ Y tế, cho hay.
Trong cuộc chiến với Covid-19, nhiều bang của Ấn Độ đã hành động rất quyết liệt và hiệu quả. Bang Kerala ở miền nam đã huy động hệ thống y tế công cộng để theo dõi, điều trị và cách ly người dương tính với nCoV. Số ca nhiễm của bang đã giảm xuống 16 hồi đầu tháng, nhưng tăng trở lại khi cư dân từ nơi khác ở Ấn Độ trở về hoặc trên các chuyến bay đưa người từ nước ngoài về nước.
Tuy nhiên, ở nhiều bang khác, Covid-19 đã phơi bày những lỗ hổng về cơ sở hạ tầng y tế của Ấn Độ, đặc biệt là trong các bệnh viện công thường là lựa chọn đầu tiên của người nghèo. Một cơ quan đánh giá của bang Gujarat gần đây cho biết bệnh viện công lớn ở thành phố Ahmedabad, nơi chuyên điều trị cho bệnh nhân Covid-19, có điều kiện “tệ hơn ngục giam”.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại thành phố Gauhati, bang Assam, hôm 17/5. Ảnh: AP.
Tiếp cận dịch vụ y tế, vốn là thách thức với nhiều người nghèo ngay cả thời điểm bình thường, giờ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trong suốt thời gian dài phong tỏa, nhiều bệnh viện đã dừng phẫu thuật không cấp thiết và đóng cửa khoa điều trị ngoại trú để giảm nguy cơ lây nhiễm. Một số bệnh viện ở Mumbai và Delhi thậm chí đã dừng tiếp nhận bệnh nhân mới sau khi nhân viên nhiễm nCoV.
R.V Singh Pundhir, 64 tuổi, bán máy kéo ở thành phố Agra, phía nam Ấn Độ, bị bệnh thận và phải lọc máu thường xuyên. Hồi tháng 4, cơ sở y tế mà ông hay điều trị đóng cửa do phát hiện ca nhiễm nCoV gần đó. Vài ngày sau, ông bắt đầu thấy khó thở, theo con gái Akansha Pundhir.
Gia đình vội đưa ông tới một bệnh viện công gần nhà nhưng nơi này không có đủ khả năng tiếp nhận bệnh nhân cần lọc máu. Một bệnh viện tư khác yêu cầu ông phải xét nghiệm nCoV để chứng minh không mang virus. Nhưng mọi thứ đã quá muộn. Ông Pundhir đã chết trên xe ngay bên ngoài bệnh viện này. Kết quả xét nghiệm được trả cùng ngày hôm đó cho thấy ông âm tính với nCoV.
“Chúng tôi không thể tin những gì đã xảy ra. Tôi cứ nghĩ sẽ có bệnh viện nào đó tiếp nhận điều trị cho bố tôi. Cái chết của ông là điều hoàn toàn có thể tránh được”, cô Akansha Pundhir nói.
Ấn Độ nguy cơ bùng phát Covid-19 từ người lao động di cư trong nước
Mặc dù số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 đang giảm song chính phủ Ấn Độ lo ngại nguy cơ gia tăng các ca nhiễm trở lại từ hàng triệu lao động nhập cư.
Theo báo cáo của chính phủ Ấn Độ, tính đến nay, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng lên hơn 145.000 ca với hơn 4.100 ca tử vong. Giới chức Bộ Y tế nhận định, tỷ lệ tử vong do Covid-19 hiện nay ở Ấn Độ ở mức 0,3 trên 100.000 người và đây là dấu hiệu đáng mừng sau những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.
Tuy nhiên, trước làn sóng người lao động trở về từ các thành phố lớn, Chính quyền các địa phương lo ngại khả năng bùng phát dịch Covid-19 sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Ấn Độ đối mặt nguy cơ bùng phát Covid-19 từ người lao động di cư. (Ảnh: PTI)
Giới chức y tế bang Bihar cho biết, hàng trăm lao động đã trở về từ thủ đô New Delhi đã thử nghiệm dương tính. Điều này cũng làm gia tăng lo ngại về khả năng bùng phát nhiều ổ dịch mới./.
Ấn Độ kéo dài phong tỏa vì Covid-19 tới ngày 31/5 Chính phủ Ấn Độ ngày 17/5 đã quyết định kéo dài các biện pháp phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 tới ngày 31/5. Quyết định được Bộ Nội vụ Ấn Độ đưa ra chiều tối 17/5, chỉ 6 tiếng trước thời điểm đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 kết thúc trong bối cảnh số ca dương tính...