Thạc sĩ Sóng Hiền lo ngại Chí Phèo sẽ khiến học sinh bạo lực
Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền – người đưa ra đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi sách giáo khoa phổ thông cho rằng, tác phẩm này chỉ nên đưa lên bậc học cao hơn và dạy nó trong một chỉnh thể của nguyên bản chứ không phải cắt xén gây nên cái nhìn méo mó về nó.
Trả lời PV báo Dân Việt ngày 7.12 về những phản hồi của dư luận xung quanh đề xuất của mình, Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền cho biết, ông vẫn bảo lưu quan điểm bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi sách giáo khoa phổ thông.
Ông Hiền khẳng định: “Giáo dục là cuộc sống và cuộc sống không bao giờ đứng yên mà nó vận động, thay đổi từng ngày từng giờ. Vì vậy một nền giáo dục tiến bộ cũng cần phải thay đổi để bắt kịp với những thay đổi của cuộc sống. Nếu giáo dục xa rời cuộc sống, không phản ánh thực tiễn cuộc sống là nền giáo dục kinh viện, một nền giáo dục lạc hậu của thế kỷ trước”.
Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền
Ông Hiền cũng cho rằng, hiện chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cách mạng cộng nghệ. Chỉ đơn giản một cái click trên màn hình máy tính bạn có thể nhìn thấy cả thế giới thì vai trò của giáo dục cũng đến lúc phải thay đổi để bắt kịp với những tiến bộ đó.
“Sẽ có nhiều kiến thức và nội dung giảng dạy không còn phù hợp với cách nhận thức cách suy nghĩ của lớp trẻ nữa. Vì vậy chúng ta cần phải cân nhắc để thay thế, bổ sung những kiến thức mới, tri thức mới phù hợp với xu thế mới và nhận thức mới của các em. Nó đặt ra một yêu cầu cấp bách hơn đối với các nhà quản lý giáo dục, những người làm giáo dục và cả thầy cô khi đưa bất kỳ kiến thức, nội dung hay chương trình nào vào giảng dạy cho các em dù ở bất kỳ cấp độ để có cái nhìn thấu đáo hơn, toàn diện hơn và xem nó có phù hợp với đòi hỏi cuộc sống hiện tại không? Có tác động tiêu cực tới tâm lý và nhận thức các em không? Có giúp các em trong cuộc sống thực tế của các em không?” – ông Hiền đặt câu hỏi.
Video đang HOT
Theo thạc sĩ Sóng Hiền, học sinh lớp 11 đang ở đội tuổi chưa hoàn thiện về mặt nhận thức xã hội, sự phát triển tâm lý khá phức tạp, thích nổi loạn, thích khẳng định cái tôi. Các em dễ tiêm nhiễm cái xấu và tiêm nhiễm cái xấu nhanh hơn cái tốt.Ông Hiền khẳng định, tôi không phủ nhận giá trị nghệ thuật và sự thành công trong cách viết của nhà văn Nam Cao ở tác phẩm của ông về Chí Phèo. Nhưng ở góc độ giáo dục, tác phẩm Chí Phèo không nên giảng dạy ở chương trình lớp 11 vì những tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến nhận thức của các em học sinh.
Ông Hiền cho rằng, với lứa tuổi học sinh lớp 11 chưa đủ chín chắn để thẩm thấu hết sự nhân văn của tác phẩm Chí Phèo mà dễ học cái xấu từ thói hung hãn, thú tính của Chí Phèo
“Chúng ta đâu ai dám chắc được rằng các thầy cô liệu có đủ thời gian để truyền tải hết các giá trị nhân văn của tác phẩm khi tác phẩm cũng đâu được dạy trong một chỉnh thể đầy đủ và ai dám chắc được rằng tất cả các em có thể nhận thức được mặt hay của tác phẩm hay chỉ nhìn vào những cái xấu của Chí để bắt chước để làm theo? Chúng ta đã và đang chứng kiến quá nhiều cảnh đau lòng như bạo lực học đường, giết người cướp của, cưỡng hiếp… mà đối tượng không ai khác chính là các em-những trẻ vị thành niên. Ai dám phủ nhận rằng nó không phải là một lỗi của giáo dục? Và ai dám phủ nhận những hành vi bạo lực và thú tính ấy không phải bắt chước từ hành vi của Chí” – ông Hiền nói.
“Trong bối cảnh xã hội hiện tại tôi nghĩ tác phẩm đó không phù hợp với các em học sinh 11 . Còn những tác phẩm khác tôi hy vọng rằng sẽ có những nhà chuyên môn xem xét và nhìn nhận lại và có sự đánh giá một cách thấu đáo, toàn diện hơn để đưa vào giảng dạy một cách hợp lý nhất” – ông Hiền chia sẻ.Nói về việc giáo viên và học sinh phản ứng gay gắt về quan điểm của mình, Thạc sĩ Sóng Hiền cho biết, ông không phải là giáo viên văn, ông chỉ đứng trên góc độ của nhà giáo dục và nhìn ra mặt trái của tác phẩm đối với các em học sinh có thể bị tác động và ảnh hưởng.
Theo Danviet
Đề xuất bỏ "Chí Phèo" ra khỏi sách giáo khoa: Giáo viên THPT phản ứng thế nào?
Sau khi ý kiến bỏ tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi chương trình sách giáo khoa, nhiều giáo viên THPT cũng giật mình bày tỏ quan điểm.
Vừa qua, anh Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng, nên loại bỏ tác phẩm tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi chương trình sách giáo khoa THPT.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, tác phẩm này không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh.
Sau khi ý kiến này được đưa ra đã tạo nên một làn dư luận tranh cãi gay gắt về việc có hay không nên bỏ tác phẩm "Chí Phèo" khỏi chương trình SGK lớp 11. Nhiều giáo viên THPT cũng giật mình bày tỏ quan điểm.
Thầy Trịnh Quỳnh - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định đã chia sẻ quan điểm của mình về đề xuất bỏ tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi sách giáo khoa.
Theo thầy Quỳnh, quan điểm của anh Nguyễn Sóng Hiền, tưởng như hợp lý, logic, dùng văn hóa, chuẩn mực đạo đức và pháp luật của thời hiện đại để phán xét câu chuyện của xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ đã là một sự không phù hợp.
Nghiên cứu sinh này sử dụng điểm nhìn xã hội học khi khám phá một tác phẩm đã làm mất đi tính nhân văn của nó. Khi đó chỉ toàn thấy "giai cấp" "bóc lột" "sự phản kháng"... để lúc nào cũng thấy "người bị hại" "hành vi trái pháp luật" "lên án và cách ly" như thể muốn bỏ tù bất cứ nhân vật nào còn có những điểm nhìn từ chiều sâu văn hóa, chiều sâu con người để thấy đằng sau những sự thật khách quan lạnh lùng là muôn vàn nỗi buồn thương, chua xót dành cho một kiếp người.
Dưới góc nhìn xã hội học, nhân vật Chí Phèo điển hình cho người nông dân không chỉ bị áp bức bóc lột đến bần cùng hóa mà còn bị tha hóa, lưu manh hóa trước cách mạng tháng Tám.
Xét ở khía cạnh khác, Chí Phèo lại đại diện cho ý thức cá nhân của mỗi con người trong hành trình đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Chí Phèo là người luôn khát khao vượt lên hoàn cảnh sống chính vì vậy không nên bỏ tác phẩm này ra khỏi chương trình sách giáo khoa.
Thầy Đào Tuấn Đạt, lãnh đạo trường THPT Anhxtanh, Hà Nội cũng cho biết, không nên bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa.
Thầy Đào Tuấn Đạt cho rằng, Chí Phèo là tác phẩm học sinh đáng đọc.
Lãnh đạo trường THPT Anhxtanh không đồng tình với quan điểm của nghiên cứu sinh cho rằng, tác phẩm này có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh.
Theo thầy Đạt, học sinh nên học tất cả các tác phẩm văn học hay trong đó có "Chí Phèo" của Nam Cao. Tất cả những cái xấu, cái tốt nên được ra thảo luận từ đó học sinh sẽ rút kinh nghiệm, chắt lọc và ứng xử cho đúng.
Hơn nữa, tác phẩm "Chí Phèo" sẽ giúp học sinh nhìn lại một thời của xã hội phong kiến, thấy được giai cấp bóc lột người yếu thế khiến con người ta bị bần cùng hóa, lưu manh hóa.
Thầy Đào Tuấn Đạt cho biết, ở các nước trên thế giới, học sinh và giáo viên sẽ đọc và học những tác phẩm hay đại diện cho mọi tầng lớp chứ không phải lấy cái hay, cái đẹp ra ca ngợi, để giáo dục.
Theo Danviet
Đưa "Chí Phèo" khỏi sách Ngữ văn: Một góc nhìn hớt váng! Sau khi đọc bài viết "Nên đưa tác phẩm " Chí Phèo " ra khỏi chương trình Ngữ văn 11?", độc giả Hoàng Anh đã gửi tới VietNamNet bài viết phản bác. Theo giảng viên Hoàng Anh, "đọc Chí Phèo, tôi luôn trân trọng tấm lòng đối với con người của nhà văn Nam Cao, hiểu được thái độ dũng cảm đối mặt...