Thắc mắc hay gặp khi chăm trẻ tiêu chảy
Bé bị tiêu chảy khi đi tiêu trên 3 lần trong 24 giờ và phân lỏng. Thiếu một trong hai yếu tố trên thì không thể gọi là tiêu chảy.
Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) hướng dẫn chăm sóc đúng cách trẻ bị bệnh tiêu chảy.
Khi nào được gọi là tiêu chảy?
Bé bị tiêu chảy khi đi tiêu trên 3 lần trong 24 giờ và phân tiêu ra phải lỏng (phân lỏng, phân có “nước nhiều hơn cái” và khác với ngày thường). Thiếu một trong hai yếu tố trên thì không thể gọi là tiêu chảy.
Ví dụ, bé có thể đi tiêu nhiều lần trong ngày và một lần chỉ ra vài hạt phân tròn, cứng như viên bi, thì bé đã bị táo bón. Nếu bé bú mẹ có thể tiêu phân sệt, có lúc tóe nước nhưng 2-4 ngày mới tiêu một lần thì hoàn toàn bình thường.
Trẻ tiêu chảy thường có các biểu hiện khóc ít hoặc không có nước mắt, môi lưỡi khô, mắt trũng, thóp lõm, véo da.
Tiêu chảy khiến cơ thể trẻ nhanh chóng bị khô kiệt dẫn đến tử vong nếu không được bù nước nhanh chóng và thích hợp. Ảnh minh họa: hotnews
Phân loại tiêu chảy như thế nào?
Người ta phân loại tiêu chảy ở trẻ em dựa trên 2 yếu tố: thời gian tiêu chảy và tính chất phân. Về mặt thời gian thì khi đợt tiêu chảy kết thúc trước 14 ngày gọi là tiêu chảy cấp tính, nếu vẫn còn tiêu chảy sau 14 ngày thì gọi là tiêu chảy kéo dài và khi tiêu chảy hơn 30 ngày thì gọi là tiêu chảy mạn tính. Về tính chất phân thì nếu tiêu chảy phân có máu sẽ gọi là tiêu đàm máu (hay còn gọi là lỵ) và những dạng phân còn lại sẽ được gọi chung là tiêu chảy phân nước.
Trên thực tế có 3 dạng bệnh tiêu chảy ở trẻ em thường gặp là tiêu chảy cấp tính phân nước (thường gặp nhất nên được gọi đơn giản là tiêu chảy cấp), tiêu chảy cấp tính có máu trong phân (gọi đơn giản là tiêu đàm máu) và tiêu chảy kéo dài.
Tiêu chảy nguy hiểm ra sao?
Tiêu chảy làm bé bị mất nước và điện giải theo phân. Điều này rất nguy hiểm, cơ thể trẻ nhanh chóng bị khô kiệt dẫn đến tử vong nếu không được bù nước nhanh chóng và thích hợp. Tiêu chảy còn là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng. Lý do chính là trẻ ăn ít đi trong khi bị tiêu chảy và khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cũng bị giảm một phần, trong khi đó nhu cầu dinh dưỡng của trẻ lại cần phải cao hơn để chống lại bệnh.
Video đang HOT
Khi trẻ bị tiêu chảy có cần thiết phải cho nhập viện không?
Điều may mắn là hiện nay đã có các biện pháp điều trị hiệu quả và đơn giản. Hầu hết trường hợp không còn cần thiết phải nhập viện (không tới 3%, theo số liệu của khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1) mà có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau khi thăm khám bác sĩ sẽ quyết định chế độ điều trị, nhập viện hay có thể điều trị và theo dõi tại nhà.
Khi trẻ không cần nằm viện, những người trong gia đình, nhất là bà mẹ giữ vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công trong việc chăm sóc bé. Nếu biết chăm sóc trẻ bệnh một cách đúng đắn, trẻ sẽ tránh được nguy hiểm, mau lành bệnh và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà như thế nào?
Để chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách, bà mẹ cần làm tốt 4 nguyên tắc sau:
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày để ngừa mất nước do tiêu chảy.
- Cho trẻ ăn và bú nhiều bữa hơn thường ngày để có sức, mau lành bệnh.
- Cho trẻ tái khám đúng lúc để được theo dõi và xử trí kịp thời.
- Cho bé uống viên kẽm lúc đói, đủ 10-14 ngày.
Cho trẻ uống nhiều nước như thế nào cho đúng?
Trẻ bị tiêu chảy cần nhiều dịch hơn bình thường để bù lại lượng dịch đã mất qua phân và ói. Thường bạn có thể phòng mất nước cho trẻ nếu cho uống đủ lượng dịch ngay khi mới bị tiêu chảy. Sữa mẹ vừa là thức ăn vừa là loại “nước” rất tốt, cho bé bú mẹ càng nhiều càng tốt và mỗi bữa cho bé bú lâu hơn. Nếu con của bạn được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ thì chỉ cần sữa mẹ và nước chín là đủ.
Các trường hợp khác cần cho trẻ uống thêm các loại nước sau: nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín.
Cần tránh các loại nước giải khát, nước ép trái cây quá ngọt vì chúng làm cho bệnh xấu hơn. Tuy nhiên, nếu trẻ quá “thèm”, bạn có thể dùng nhưng pha loãng ít nhất 3-4 lần. Tránh các thức uống có cà phê. Cho trẻ uống nhiều tùy theo khả năng. Cần phải uống chậm, từng muỗng (từng ngụm nếu trẻ lớn hơn). Nếu trẻ bị ói thì ngưng lại khoảng 10 phút, sau đó cho trẻ uống lại nhưng chậm hơn.
Oresol là một dung dịch điện giải, không có tác dụng cầm tiêu chảy nhưng lợi ích của nó là rất hiệu quả trong việc bù lại số lượng nước và các chất điện giải (muối) bị mất qua phân. Dung dịch này thường được dùng để chữa mất nước do tiêu chảy. Phải tuyệt đối tuân theo hướng dẫn về cách pha, cách sử dụng được ghi rõ trong toa thầy thuốc. Để ngừa mất nước, bạn chỉ cho trẻ uống dung dịch này sau một lần trẻ tiêu lỏng, nhớ là phải sau khi trẻ tiêu lỏng, uống xen kẽ với nước chín hoặc các dịch khác như đã nói ở trên.
Cho trẻ ăn và bú nhiều hơn hằng ngày ra sao?
Chế độ ăn thích hợp cho trẻ bị tiêu chảy cấp là đủ dưỡng chất và cân đối giữa sữa, thức ăn đặc, phù hợp lứa tuổi. Nói chung khi bé bị tiêu chảy thì chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn đặc và sữa đều bị tổn thương không ít thì nhiều. Nếu cho bé ăn lệch nhiều quá một loại thức ăn thì cũng sẽ làm “quá tải” phần ruột này.
Một số tác nhân gây bệnh chỉ làm tổn thương chủ yếu phần ruột “chịu trách nhiệm” tiêu hóa sữa (nói chính xác hơn là đường latose của sữa). Khi đó bé nên giảm sữa (tất nhiên là ăn sữa đặc nhiều hơn để bù lại năng lượng) hoặc dùng sữa có ít hoặc không có đường latose. Bạn có thể nhận ra điều này nếu bé tiêu chảy nhiều hơn rõ rệt sau khi dùng sữa, phân thường tóe nước, có mùi chua và gây hăm đỏ da vùng hậu môn. Trong một số ít trường hợp này có thể bác sĩ sẽ cho đổi một loại sữa đặc biệt và hiếm khi trẻ phải dùng loại sữa này quá hai tuần.
Nếu trẻ còn bú mẹ cần được bú nhiều hơn và mỗi cữ bú lâu hơn. Cho trẻ ăn thành nhiều bữa, thêm ít nhất 2 bữa so với những ngày không bệnh. Ăn uống chậm. Nếu trẻ còn bú bình, tốt nhất nên dùng muỗng đút sữa chậm.
Thức ăn cần nấu nhừ. Cho trẻ ăn thêm trái cây tươi như chuối, nho, cam, xoài, mãng cầu. Nói chung các thức ăn hàng ngày của trẻ trước tiêu chảy đều có thể dùng, nếu phù hợp lứa tuổi. Không kiêng ăn, không kiêng sữa. Không cần pha loãng sữa. Thường thì bạn không cần phải đổi sữa.
Tuyệt đối không được bắt trẻ nhịn ăn để “ruột nghỉ ngơi”. Điều này hết sức sai lầm và rất nguy hiểm. Thực tế dù trẻ tiêu chảy nhưng vẫn còn khả năng hấp thu hơn 70% chất dinh dưỡng. Cho trẻ ăn sớm sẽ có tác dụng tốt lên tiến trình của bệnh. Bạn cũng nên ăn và uống thêm để có sức mà lo cho trẻ.
Cho trẻ tái khám thế nào để được theo dõi và xử trí kịp thời khi bệnh diễn tiến nặng?
Tiêu chảy thường sẽ giảm sau 5-12 ngày, trẻ bắt đầu chơi, đòi ăn trở lại và lúc này bạn nhớ cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong ít nhất 2 tuần để phục hồi sức khỏe.
Một số ít trẻ bị tiêu chảy có thể diễn biến phức tạp, do đó thầy thuốc sẽ dặn khi nào tái khám để cho y lệnh tiếp theo. Trong thời gian chăm sóc tại nhà, cũng cần phát hiện những diễn biến không thuận lợi và nhanh chóng đưa trẻ khám lại ngay để được xử trí kịp thời.
Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Đem trẻ đến cơ sở y tế ngay khi: Trẻ bỏ bú, bỏ ăn, mệt, nhiều bệnh hơn, trẻ rất khát nước, ói liên tục, sốt, tiêu phân có máu, li bì, khó đánh thức, giật mình…
Lê Phương
Theo VNE
Bé 9 tháng ăn được loại quả nào
Con tôi 9 tháng tuổi. Xin cho tôi hỏi nên cho bé ăn bao nhiêu gam thịt, cá một ngày và ở tuổi này đã ăn được những loại trái cây nào? (Đinh Thị Sa)
Trả lời:
Chào bạn,
Bé 9 tháng tuổi một ngày cần 700-900 ml sữa (gồm bú mẹ, sữa công thức, sữa chua...) và 3 bữa bột hoặc cháo. Mỗi bát cháo hoặc bột bạn cho 20 g bột gạo, 20 g thịt hoặc cá, tôm, hoặc một nửa lòng đỏ trứng... Khi bé đủ 10 tháng mỗi bữa bạn tăng bột, thịt (thịt lợn, thịt bò, thịt gà) hoặc cá, tôm... thành 30 g.
Ảnh minh họa: Mymomsbest.com.
Trong bát cháo đó bạn cần cho thêm rau xanh và dầu, mỡ mới đủ dinh dưỡng. Bạn nên thay đổi các món ăn trong ngày, tránh tình trạng cả ngày chỉ ăn một loại cháo (ví dụ cả ngày ăn cháo thịt) bé sẽ chán và bỏ ăn.
Về hoa quả, bạn có thể nạo chuối chín cho bé ăn, đu đủ, xoài, dưa hấu... xay sinh tố, nước cam quýt vắt ra cho bé uống. Mỗi lần cho bé ăn một loại hoa quả hoặc món ăn nào mới, bạn nên cho bé nếm, ăn thử ít một để bé quen rồi mới cho ăn nhiều lên. Thời gian ăn hoa quả thường khoảng 30-60 phút sau khi ăn cháo.
Chúc bé khỏe, mẹ vui.
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi
Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế Thái Hà H
Theo VNE
Thận trọng với các loại thực phẩm lên men Thực phẩm lên men là một trong những món ăn khá phổ biến trong mọi gia đình. Không ai có thể phủ nhận được những lợi ích mà nó mang lại, tuy nhiên thực phẩm lên men vẫn có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Lên men là quá trình trao đổi chất, qua đó các chất hữu cơ bị...