Thác 3 tầng đổ bọt trắng xoá tại Tuyên Quang
Thác Bản Ba được mệnh danh là cô sơn nữ giữa núi rừng Tuyên Quang, cảnh quan hùng vĩ bởi 3 tầng thác lớn.
Nằm giữa núi rừng Tuyên Quang, thác Bản Ba đổ bọt trắng xoá, nổi bật khi nhìn từ trên cao. Thác bao gồm các chuỗi thác liên hoàn, với 3 tầng lớn gồm Tát Củm, Tát Cao, Tát Gió cùng lúc đổ nước thẳng đứng từ độ cao hàng chục mét. Thác nằm bên triền núi Phiêng Khàng, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá, cách TP Tuyên Quang khoảng 70 km.
Dải lụa trắng xoá nhìn từ trên cao.
Từ Chiêm Hóa, con đường nhỏ rẽ vào thác dài 25 km nằm sâu trong rừng già và núi non trùng điệp. Tầng thác thứ nhất có tên gọi là Tát Củm, chân thác được người dân địa phương gọi là “vực rồng”, nơi có vách đá giống như hình rồng cuốn. Tầng thứ 2 là Tát Cao (Thác Cao), là tầng được chia làm 2 nhánh đổ xuống trông như 2 dải lụa trắng. Dưới chân có “vực quyên” với làn nước trong xanh, phù hợp để du khách tắm thác, thư giãn. Tầng thứ 3 chảy dọc theo những phiến đá vôi xuống vực sâu có tên “Vực Linh” (vực linh thiêng).
Nước chảy từ thác đổ xuống các vực có làn nước trong xanh.
Trịnh Nam Thái, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, trong chuyến ghé thăm nơi đây, đứng xa khoảng 5 km, anh đã có thể thấy thác đổ bọt trắng xoá, hệt như dải lụa trắng vắt giữa núi. Thác Bản Ba mời gọi anh từ phía chân thác với những cánh đồng trù phú. Mùi lúa non, mùi sương sớm giúp anh thấy sảng khoái, tạm xa rời khói bụi thành thị. Đến với thác Bản Ba, du khách được thám hiểm những cánh rừng già với nhiều cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, những cây leo chằng chịt và nhiều loại gỗ quý. “Đường vào thác rất đẹp, sạch sẽ, lại còn có cơ hội nhìn thấy nhà sàn của người Tày ở 2 bên. Cây cối mọc đan xen với vòng thác, giống trong những phim phiêu lưu, thám hiểm”, Thái kể lại.
Du khách đến tham quan thác cần chuẩn bị áo mưa, đề phòng trời mưa bất chợt hoặc nước từ thác đổ xuống mạnh, nhiều đoạn dễ bắn vào người. Nếu muốn cắm trại, nướng đồ ăn, du khách nên chuẩn bị sẵn củi khô và dụng cụ tạo lửa do gỗ trong khu vực thác ẩm. Sau khi tham quan, bạn lưu ý dọn sạch đồ, mang rác theo người. Theo như người dân địa phương, khách không nên du lịch vào mùa lũ lớn, có mưa dài ngày. Nếu thấy nước dâng bất thường khi trời mưa, người tham quan cần tiếp tục leo lên đồi, tuyệt đối không leo ngược lại xuống dưới.
Vẻ đẹp nguyên sơ của thác Bản Ba. Video: Nam Thai TV/Youtube
Tuyên Quang:"Săn" ảnh vùng lòng hồ
Vùng lòng Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình trải dài trên 2 nhánh sông Gâm, sông Năng với diện tích hơn 8.000 ha.
Với phong cảnh sơn thủy hữu tình, nơi đây đã làm mê hoặc biết bao du khách, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia. Họ kiên trì đi lại nhiều lần để chỉ "bắt" một khoảnh khắc để đời. Có thể là núi Pác Tạ đang vờn mây, thác Khuổi Nhi đang tung bọt trắng xóa hay sừng sững uy nghiêm Cọc Vài...
Các nghệ sỹ Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và tỉnh trong chuyến "săn" ảnh trên lòng hồ
Lòng hồ nằm trong Khu bảo tồn rộng với nhiều ngóc ngách. Người không thông thạo địa hình có thể đi nhầm hướng. Nhiếp ảnh gia Quang Minh - hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, nhiều lần anh đã đi vùng lòng Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình nhưng chưa chụp hết được vẻ đẹp ở nơi đây. Cái khó là cần một người bản địa thông thạo địa hình dẫn đường. Hơn nữa, chọn phương tiện để di chuyển trên mặt hồ sao cho hợp lý, đỡ tốn thời gian. Sau nhiều lần tìm kiếm, anh biết được Hoàng Hưng, ông chủ của Na Hang tour, chuyên tổ chức dịch vụ ca nô cao tốc trọn gói đưa các nhiếp ảnh gia đi săn ảnh trên lòng hồ.
Hoàng Hưng là một nhân viên Ngân hàng Agribank Na Hang đam mê nhiếp ảnh. Khi hồ thủy điện hoàn thành, anh đã tự bỏ tiền đóng thuyền máy để đi khám phá lòng hồ. Sau này thấy dịch vụ này có thể phát triển được anh mạnh dạn đầu tư ca nô cao tốc, thuyền hơi, lập ra Na Hang tour để phục vụ du khách. Theo Hoàng Hưng, trên vùng lòng hồ có rất nhiều địa điểm chụp ảnh đẹp như: Đập thủy điện, bến thủy (thị trấn Na Hang); Pắc Chóm (Năng Khả); Khuổi Nhi, Cọc Vài, hồ Bản Cài (Thượng Lâm); rừng cọ ngập nước, hang Phia Vài, Khu Phủng (Khuôn Hà); địa danh Thúy Loa cũ (Phúc Yên); Pắc Hẩu, Thác Đén (Sơn Phú)...
Để có chuyến đi săn ảnh thành công, Hoàng Hưng đã nghiên cứu tình hình thời tiết để gửi cho các đoàn. Hôm nào trời đẹp việc xuất phát đi chụp ảnh sẽ thuận lợi hơn. Ca nô của Hoàng Hưng có thể rời bến lúc 3 giờ sáng và trở về lúc 20 giờ cùng ngày hoặc vài ngày sau. Ca nô có thể chở tối đa 16 người, chạy với vận tốc 50 - 60 km/giờ. Do có lợi thế vận tốc và việc thông thạo địa hình chụp ảnh nên ca nô đến nơi đúng giờ đã định. Các nhiếp ảnh gia có thể thong thả gác chân máy chờ chụp bình minh, hoàng hôn một cách chủ động. Cứ đều đều như vậy, mỗi tuần Na Hang tour phục vụ các nhiếp ảnh gia khoảng từ 2 - 3 chuyến, mỗi chuyến đi từ 1 - 3 ngày.
Đang loay hoay tìm góc chụp danh thắng Cọc Vài, anh Phạm Hồng Hải, thành viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hải Phòng nói, anh đã từng chụp ảnh ở rất nhiều nơi, song vùng lòng Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình có vẻ đẹp riêng có, quyến rũ lòng người. Cảnh sông nước, núi non, mây trời, bản làng cứ quyện vào nhau một cách lãng mạn. Săn ảnh ở đây có cái thú riêng. Tờ mờ sáng thì chụp bình minh, tảng sáng thì chụp mây bồng bềnh, giữa trưa thì trời trong, mây trắng, nắng hiền hòa, buổi chiều chụp nắng xiên, nhá nhem tối chụp hoàng hôn xuống núi... Mỗi cảnh sắc lại có đặc trưng riêng để người chụp ảnh có thể khám phá.
Trở lại vùng lòng Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình đã nhiều lần, nhưng Nhiếp ảnh gia tự do Phượng Hiền (Hà Nội) vẫn hồi hộp, xen chút tò mò. Bởi mỗi lần khám phá, chị lại thấy nơi đây mở ra một cánh cửa mới. Mỗi chuyến đi chi phí trọn gói từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng, có dịch vụ đa dạng nên rất thuận lợi. Những câu lạc bộ hay những người cùng sở thích chụp ảnh thường tổ chức đi cùng nhau một chuyến. Vừa đi phượt du lịch, họ cùng giao lưu chụp ảnh, nâng cao tay nghề, thể hiện đam mê và cho ra "lò" những tác phẩm tốt.
Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình trở thành danh thắng quốc gia đặc biệt. Hàng năm lượng khách đến với Na Hang -Lâm Bình ngày càng tăng. Không chỉ có những dịch vụ đưa khách đi tham quan đơn thuần, mà Na Hang, Lâm Bình đã có những dịch vụ chuyên biệt, đưa khách đi săn ảnh vùng lòng hồ. Dịch vụ này mới được hình thành nhưng đang phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của du khách mê nhiếp ảnh. Đây cũng là kênh hiệu quả để quảng bá về thế mạnh của du lịch địa phương.
Lễ cấp sắc của đồng bào Dao Tiền Thanh niên Dao Tiền đến tuổi đều phải trải qua lễ cấp sắc mới được coi là trưởng thành về mọi mặt, được tổ tiên công nhận. Lâm Bình là một huyện miền núi thuộc tỉnh Tuyên Quang. Tại đây có tới 12 dân tộc và tộc người sinh sống, trong đó có người Dao Tiền. Dân tộc chiếm phần đông dân số...