Tha phương cầu thực xứ người: ‘Thiên đường’ không có thật
Không như nhiều người bị bỏ lại phía sau, anh Nguyễn Văn K. đã đối mặt với những trận chiến sinh tử, cuối cùng anh cũng đến được đảo quốc sương mù. Nhưng anh đã phải uất hận trở về, để rồi bệnh tật, nợ nần bủa vây sau 3 năm lưu lạc xứ người.
Cảnh sát Anh triệt phá một trang trại trồng cỏ của người Việt
u dưới gầm xe để vào Anh
Có lẽ nhờ những năm tháng được rèn luyện trong quân đội, sự nhạy bén của một người lính đặc công, mà anh đã không trèo lên thùng container như nhiều người khác, để bị ngạt thở vì thiếu không khí. Anh và một người bạn quê Nghệ An quyết định đu dưới gầm xe tải để vào Anh. Theo anh K. đó là cách an toàn nhất để qua mặt hàng rào an ninh dày đặc tại khu vực biên giới của nước Anh.
Sau gần 3 tháng chờ đợi ở bãi ém quân, vào một tối cuối tháng 4, anh K và người bạn quê Nghệ An được bọn buôn người dẫn xuống bãi xe tải. Bằng con mắt nhà nghề, bọn chúng chọn cho anh chiếc xe tải chuẩn bị vào Anh đang dừng nghỉ ở đây. Để chuẩn bị cho cuộc hành trình đầy cam go, mỗi người mang theo 2 thanh gỗ và dây thừng, chui xuống gầm xe, lựa nơi thuận tiện và kín đáo, gác hai thanh gỗ vào gầm xe, dùng dây thừng néo chặt, rồi luồn người nằm lên đó.
Khoảng 1 giờ sáng, chiếc xe bắt đầu lăn bánh, chui qua đường hầm xuyên biển để vào Anh, trong lúc người tài xế không hề hay biết có hai người đang đu dưới gầm xe của mình. Đúng như nhận định, xe đi qua nhiều trạm kiểm soát, với đầy đủ máy móc soi chiếu tối tân nhưng không hề phát hiện ra hai người dưới gầm xe.
Chiếc xe cứ thế tiến sâu vào nội địa nước Anh mà không dừng nghỉ. Xe chạy liên tục 12 giờ đồng hồ, anh K. và bạn đồng hành bụi bám đầy người, mình mẩy đau nhức, đói, khát và buồn ngủ. Chỉ một giây sơ sẩy, họ có thể bị rơi xuống đường bất cứ lúc nào. “Đu dưới gầm xe, nghĩ về vợ con, khoản nợ trước khi ra đi đã giúp tôi vượt qua giới hạn của sự chịu đựng. Xe dừng lại, hai anh em chúng tôi thả tay và rơi tự do từ gầm xe xuống đất, chỉ kịp trườn ra bãi cỏ cạnh đó trước sự ngỡ ngàng của người tài xế và ngủ thiếp đi cho đến khi viên cảnh sát đánh thức để đưa về đồn” – anh K. kể.
ịa ngục giữa thiên đường
Nửa câu tiếng Anh không biết, tại đồn cảnh sát, anh K. và người bạn như lạc vào hành tinh khác. Hai anh chỉ biết viết vào tờ giấy hai chữ Việt Nam. Sau khi lăn dấu vân tay, một viên cảnh sát đưa tới chiếc máy điện thoại, ra hiệu rằng, hãy điện cho người thân. Người bạn Nghệ An liền liên lạc với người thân đang ở Anh, sau mấy giờ đồng hồ, một người Anh đến làm thủ tục bảo lãnh các anh rời đồn cảnh sát.
Các anh được đưa về London, nơi anh bạn Nghệ An có người thân. Cùng nhau vượt qua bao sóng gió, từ xa lạ thành thân thiết, người bạn Nghệ An hẹn rủ anh K. ở lại cùng làm ăn. Tại đây, ban đầu hai anh được ông chủ người Việt gốc Nghệ An nuôi cơm và cho đi thu hoạch cỏ (cần sa) mỗi khi đến kỳ để làm quen. Được một thời gian, khi bắt đầu biết việc, quen người, hai anh được ông chủ tách ra, mở cho mỗi người một “trang trại” trồng cỏ. Nói là trang trại, nhưng thực chất họ trồng trong các ngôi nhà phố được ngụy trang kín mít.
Anh K. được đưa đến một ngôi nhà 3 tầng, nằm trên một con phố khá sầm uất. Ở đây, dưới sự hướng dẫn của một kỹ thuật viên, anh K. tự tay trộn đất, phân bón, gieo giống… cho vào 100 chiếc chậu được chia ra đặt ở 5 phòng trong ngôi nhà. Những phòng có chậu cỏ được mắc rất nhiều bóng đèn sợi đốt để giữ nhiệt và tạo ánh sáng thay thế ánh mặt trời. Thức ăn, nước uống được cung cấp một lần cho 3 tháng, thời điểm tới kỳ thu hoạch đầu tiên.
Ngôi nhà được đóng kín mít không một ánh sáng bên ngoài lọt vào. Một mình trong ngôi nhà rộng thênh thang sáng chói vì ánh điện, anh K. hầu như không biết đâu là ngày đâu là đêm nếu không có đồng hồ. Ngày ngày, anh K. pha hóa chất vào nước tưới cho các chậu cỏ, theo dõi tốc độ sinh trưởng chờ đến ngày thu hoạch. “Ban đầu chưa quen tôi buồn nẫu ruột, thèm nhìn thấy ánh sáng mặt trời, thèm nghe thấy tiếng người một cách lạ lùng. Nhiều khi muốn mở cửa ra ngoài nhưng lại sợ bị phát hiện nên đành cắn răng chịu đựng, nghĩ về vợ con nheo nhóc ở quê nhà mà cố gắng vượt qua” – anh K. tâm sự.
Video đang HOT
Đúng 3 tháng, khi các bông hoa của cây cần sa đạt độ chín, anh điện thoại cho ông chủ thông báo để thu hoạch. Ông chủ cho biết, 3 ngày nữa sẽ cho người đến thu hoạch. Tuy nhiên, vào khoảng nửa đêm ngày thứ 2, khi đang ngủ anh giật mình tỉnh lại vì nghe tiếng cậy cửa. Anh lồm cồm ngồi dậy, chưa kịp định thần thì xuất hiện 3 người đàn ông Việt Nam bịt mặt, người cầm thanh sắt cạy cửa, người cầm liềm, người cầm súng tiến vào, yêu cầu anh ngồi im không sẽ bị bắn. Lúc này anh mới hiểu ra, mình đang bị cướp. Nhìn bọn chúng thoăn thoắt dùng liềm hái những bông cần sa, anh định vùng dậy chiến đấu để bảo vệ thành quả đầu tiên của mình. Nhưng anh nhớ lại ông chủ dặn: “Nếu có bị cướp thì đừng chống cự mà mất mạng”.
Tiếp theo, cứ gần vụ thu hoạch thứ 2, thứ 3, khi anh thông báo cho ông chủ là y như rằng lại có bọn cướp đến “hớt tay trên”. Anh bắt đầu mường tượng ra, đây là chiêu trò của ông chủ để khỏi phải ăn chia 50/50 với người trồng cỏ. Anh điện thoại cho người quen ở thành phố Manchester đến đón về và tiếp tục nghề trồng cỏ.
Trở về từ ngục tù
Người quen của anh ở Manchester trước đây cũng trồng cỏ nhưng đã giải nghệ và mở chuỗi nhà hàng ăn uống tại đây. Anh ta đề nghị trả lương để anh K., phục vụ trong nhà hàng của mình, nhưng anh K. không đồng ý, mà quyết tâm vay tiền để tự mình trồng cỏ.
Nhờ sự giúp đỡ của người quen này, anh K. nhanh chóng thuê được nhà để gầy dựng trang trại trồng cỏ cho riêng mình. Vụ đầu tiên, với 100 chậu cỏ, toàn bộ số tiền bán được vừa đủ trả nợ cho người quen và một phần làm vốn cho vụ sau. Theo anh K. thường vụ đầu tiên mất 3 tháng, còn các vụ tiếp theo nhờ có gối đầu nên chỉ mất 20 ngày là đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, khi thành quả chưa kịp thu hoạch thì anh bị cảnh sát Anh bắt giữ ngay tại trang trại và bị kết án 2 năm tù.
Sau này, khi vào tù anh mới biết nguyên nhân mình bị lộ, lí do là tiền điện của ngôi nhà anh thuê tăng đột biến nên người của ngành điện báo cho cảnh sát. Dân trồng cỏ chuyên nghiệp, thường câu trộm điện để tránh bị phát hiện, ngay cả rác sinh hoạt cũng cần phải tiêu hủy nếu không sẽ là manh mối cho cảnh sát lần tìm ra địa chỉ.
Ở nhà tù Anh 1 năm thì anh được phóng thích. Cảnh sát Anh mua vé máy bay, tặng thêm thẻ tín dụng (trị giá 50 triệu VND)làm lộ phí và áp giải anh ra máy bay về nước. Do những ngày cô độc một mình trong trang trại trồng cỏ, nhớ vợ con, nhớ quê nhà anh đã tập hút cỏ; cộng với môi trường ẩm thấp, thiếu ánh sáng mặt trời, anh trở về nước được một thời gian, sức khỏe giảm sút và bắt đầu phát bệnh. Bác sỹ bảo anh bị bệnh khớp, nhũn não, sỏi mật…
Không tiền trả nợ, gia đình lại phải vay thêm để chạy chữa bệnh tật cho anh. Anh K. chua xót: “Để sang được Anh không phải dễ, không chỉ tủi nhục mà nhiều khi phải đánh đổi cả tính mạng của mình. Nhưng khi đến Anh rồi không phải ai cũng may mắn kiếm được tiền. Về nước đã lâu, nhưng những gì đã trải qua trên hành trình đến nước Anh vẫn cứ ám ảnh trong tâm trí tôi không thể xóa nhòa. Giờ hối hận thì đã muộn”.
Triệu tập một số đối tượng
Ngày 31/10, đại tá Nguyễn Tiến Nam, Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đang triệu tập một số người để điều tra làm rõ đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép trên địa bàn. Trước đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” xảy ra trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay. Việc khởi tố vụ án liên quan đến đơn trình báo của nhiều gia đình ở Hà Tĩnh có người thân mất liên lạc khi di chuyển sang Anh. Tính đến ngày 31/10, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xác định có 10 trường hợp mất liên lạc với gia đình khi trên đường sang Anh. Còn tại Nghệ An, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 21 gia đình làm đơn trình báo có người thân mất liên lạc. Hoài Nam
Cảnh sát Đức bắt 17 người Việt không giấy tờ
Hôm 28/10, cảnh sát Đức bắt 17 người Việt Nam không có giấy tờ tùy thân, nghi ngờ đang di chuyển trái phép từ Đông Âu sang.
Theo báo Đức Bild, tại một trạm kiểm soát trong khu đỗ xe Am Heidenholz ở TP.Dresden, cảnh sát Đức chặn chiếc xe do một người Ukraine điều khiển, trên xe có 2 người Việt ở sau cốp xe và 5 người khác ngồi trên ghế. Chiếc xe này mang biển đăng ký của CH Séc. Khoảng 1 giờ sau đó, một chiếc Ford Focus bị chặn lại. Chiếc xe do tài xế người Hungary điều khiển này chở 5 người Việt Nam. Tất cả họ đều không có giấy tờ tùy thân.
Một xe chở người Việt vượt biên trái phép bị cảnh sát bắt hôm 28/10 ảnh: Bild
Trưa hôm đó, cũng tại khu đậu xe Am Heidenholz, cảnh sát kiểm tra giấy tờ của những người ngồi trên chiếc xe VW, trong đó có một người Ukraine 47 tuổi và 5 người Việt Nam. Hai người đàn ông và 3 phụ nữ Việt Nam này cũng không có giấy tờ. Lái xe người Đông Âu bị bắt cùng 5 người Việt. Cũng trong ngày 28/10, cảnh sát Đức giữ một chiếc xe chở 5 người Việt khác không có giấy tờ nhập cảnh và một tài xế người Ukraine lái xe từ Đông Âu sang Đức. Bình Giang
Theo Hoàng Nam (Tiền Phong)
Tưởng đi sang Anh để "đổi đời", ai ngờ phải làm nghề "trồng cỏ"
Cũng có người "đổi đời" nhờ LĐXK, nhưng có người nhập cư trái phép sang Anh phải trốn chui lủi, làm những công việc âm thầm trong nhà mà rất ít khi được ra ngoài, vì mưu sinh, nhiều người đã lựa chọn làm nghề 'trồng cỏ' (cần sa) ở trong nhà.
Mạo hiểm cả tính mạng để hy vọng "đổi đời"
Xã Trung Trạch từ lâu đã nổi tiếng ở Quảng Bình vì có nhiều con em đi XKLĐ ở nước ngoài cho thu nhập cao. Nhiều người gọi vui rằng đây là xã "tỉ phú" của tỉnh. (Ảnh: Thanh Hà)
Những ngày qua, thông tin về 39 người chết trên đường nhập cư bất hợp pháp vào Anh khiến nhiều gia đình ở Hà Tĩnh và Nghệ An hoang mang, lo lắng. Họ lo lắng vì có nhiều gia đình có con, em đang làm ăn ở châu Âu nhưng bị mất liên lạc nhiều ngày qua.
Đúng lúc này, chị Nguyễn Liên (sinh năm 1975, quê Hưng Yên, hiện định cư tại tỉnh Kent, nước Anh) về thăm quê chồng ở xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). PV Infonet đã gặp và được nghe chị Liên chia sẻ những hành trình đến nước Anh của chị.
Chị Liên cho biết, để đến được với nước Anh thì phải bằng trí tuệ, chứ không phải bằng sự kém hiểu biết. Bởi nước Anh cũng như các nước châu Âu khác có hệ thống luật pháp và văn hóa khác, hệ thống ngôn ngữ khác, nên phải nói tiếng Anh giỏi mới hy vọng sang Anh và tồn tại ở đất nước này.
"Tôi sang Anh làm việc và sinh sống từ năm 1999, theo đường du học và ở lại làm việc trong một nhà hàng. Nhưng công việc không phù hợp, nên tôi cũng như nhiều người dân Việt Nam sang đây là làm trong các tiệm Nails. Được 10 năm thì tôi quen chồng tôi. Tôi cũng không biết anh ấy đi bằng đường nào mà đến được bên này. Để lấy anh - người cư trú bất hợp pháp, tôi phải chứng minh mình có thu nhập 28 ngàn bảng/năm mới có thể cưu mang được người khác" - chị Liên bắt đầu câu chuyện.
Theo chị Liên, chồng chị cũng như nhiều người Việt Nam khác đến với nước Anh bằng con đường không hiểu biết, trong đó mạo hiểm cả tính mạng của mình. Nhiều người ở Việt Nam khi nghe nói ở Anh có việc làm tốt, có thu nhập cao nên đã cố gắng cho con, em đi bằng mọi giá để hy vọng "đổi đời".
"Ở Anh hay ở châu Âu hoặc nơi nào cũng đều có những người lao động Việt Nam làm việc có thu nhập cao, kể cả làm Nails. Bởi số người thu nhập cao đó rất ít. Họ có tay nghề tốt, giao tiếp với khách hàng giỏi, họ làm cật lực nhiều giờ nên thu nhập tốt là đương nhiên. Nên những người đó trở thành những tấm gương để cho những kẻ môi giới đưa lao động bất hợp pháp quảng bá, thu hút người dân đi theo đường dây của họ. Đường dây môi giới bao giờ cũng vẽ ra viễn cảnh đẹp đẽ để người dân tin, từ đó làm theo hướng dẫn của họ, trong đó có con đường sang nước Anh".
Nộp mình cho cảnh sát để... về quê!
Trồng cần sa là nghề nhiều lao động Việt lựa chọn tại Anh.
Sang được Anh quốc, những người nhập cư trái phép phải trốn chui lủi, làm những công việc âm thầm trong nhà mà rất ít khi được ra ngoài. Được một thời gian, nhiều lao động không chịu được sự tù túng, nên đã nghĩ cách "nộp mình" cho cảnh sát, hy vọng lách luật để được ở lại.
Anh Nguyễn B. (ở Ba Đồn, Quảng Bình) - một người từng sang Anh và bị trục xuất về nước chia sẻ những khổ cực khi sống và làm việc ở Anh. "Tôi cùng mấy anh em chỉ trồng "cỏ" (cần sa-PV) trong nhà. Quanh đi quẩn lại trong nhà, không dám ra ngoài vì sẽ đụng ngay cảnh sát. Thực phẩm thì họ đưa đến theo tuần cho mình tự chế biến. Ngồi trong nhà chỉ có mỗi lên mạng để đỡ buồn. Còn đêm về, khi có lịch mới dám đến các quán Bar và Pub (ngôi nhà cộng đồng) để xả stress".
"Ở Anh họ dùng tiền mặt rất hạn chế, nên những đồng tiền mình kiếm được đến từ các nghề bất chính, bởi vậy cầm tiền mua gì cũng phải nhớ là không được mua nhiều để tránh nghi ngờ" - anh B. nhớ lại.
Sống chui lủi được một thời gian, thấy có cô gái ở Hải Phòng sang đã "nộp mình" cho cảnh sát và không xác định được quốc tịch nên được đưa vào diện tị nạn và không bị trục xuất, nên anh B. cũng học theo.
"Sống bên đó, không có giấy tờ tùy thân gì cả. Tên cũng giả nên không ai biết mình đến từ đâu. Suy nghĩ kỹ rồi, tôi đi đến một đồn cảnh sát xa chỗ mình trú để khai báo "bị bọn buôn người bắt đến đây để trồng cần sa". Cảnh sát thẩm vấn thì mình ú ớ và cái gì cũng không biết. Nhưng được 3 tháng, lời khai ban đầu với lúc sau không khớp nhau, nên họ điều tra ra và trục xuất về Việt Nam".
Chi phí để đi sang Anh của anh Nguyễn B. hết 1,1 tỷ đồng, nhưng đi bằng cách nào thì anh lại không tiết lộ. Anh cho rằng con đường sang Anh ngày càng nhiều rủi ro hơn, khi sang được rồi thì tồn tại bên đó không hề đơn giản.
"Nước Anh trong thời gian này đang tách ra khỏi Liên minh châu Âu, nên việc đi lại giữa Anh và các nước châu Âu đã thắt chặt hơn trước rất nhiều. Từ đó, các phương tiện qua lại giữa Anh và châu Âu (qua Pháp) thì thời gian, thủ tục cũng chặt chẽ và lâu hơn, nên trốn trong các thùng xe container, kiện hàng xe tải... đều bị kiểm tra chặt chẽ".
Theo Thanh Hà (Infonet)
Cảnh sát bắt 17 người Việt đi lậu vào Đức từ Đông Âu Cảnh sát Đức hôm 28.10 đã bắt giữ tổng cộng 17 người Việt Nam không có giấy tờ tùy thân, nghi là do đường dây buôn người từ Đông Âu đưa vào Đức. Cảnh sát bắt người Việt đi lậu vào Đức. Ảnh: Bild Theo báo Bild, tại một chốt kiểm soát ở bãi đậu xe "Am Heidenholz", thành phố Dresden, cảnh sát...