Thà ở nhà thuê còn hơn sống cảnh “chó chui gầm chạn”
Được bố mẹ vợ hứa cho căn hộ chung cư, ai cũng bảo số tôi sướng, “chuột sa chĩnh gạo”, nhưng vì mâu thuẫn vợ chồng, tôi muốn trả lại ngôi nhà cho nhạc phụ, nhạc mẫu để khỏi mang tiếng đào mỏ mà lép vế nhà vợ.
Tôi năm nay 30 tuổi, là kĩ sư phần mềm, còn vợ tôi 28 tuổi, đang nghỉ sinh ở nhà. Chúng tôi mới chào đón đứa con đầu lòng được hơn 1 tháng.
Vợ chồng tôi mới cưới nhau tháng 10 năm ngoái, đến nay cũng chưa được một năm, vẫn trong thời gian mật ngọt nhưng đã phát sinh nhiều vấn đề do quan điểm sống của hai vợ chồng không đồng nhất.
Gia đình tôi ở quê chỉ làm nông nghiệp đơn thuần nên kinh tế có phần khó khăn. Còn vợ tôi là gái thành phố, gia đình kinh doanh từ lâu đời nên rất khá giả, nhà lầu, xe hơi.
Sau khi chúng tôi kết hôn, bố mẹ vợ đã hứa cho vợ chồng tôi một căn hộ chung cư ngay gần trung tâm để chúng tôi yên tâm công tác và nuôi con.
Ai cũng bảo số tôi sướng, đúng là “chuột sa chĩnh gạo”, vừa lấy được cô vợ thành phố xinh đẹp giỏi giang, bố mẹ vợ có điều kiện lại tâm lý, hết lòng vì con cái.
Trong thời gian chờ bàn giao nhà, vợ chồng tôi ở nhờ trong căn nhà của anh chị vợ vì trong thời gian này anh chị đang đi công tác ở nước ngoài nên cuộc sống của đôi vợ chồng son rất thoải mái.
Video đang HOT
Cứ tưởng cuộc sống của vợ chồng tôi viên mãn như vậy thì còn phàn nàn gì nữa nhưng từ khi vợ tôi sinh con đã bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn, bất đồng. Vợ tôi cậy nhà có điều kiện, mọi thứ vật chất là do bố mẹ cô ấy lo nên lên mặt cả với chồng, làm việc gì cũng toàn theo ý mình, không thèm bàn bạc với tôi. Ngay cả việc sinh con ở đâu, mua nhà chỗ nào vợ tôi cũng tự mình quyết định mà không thèm nói với chồng. Nhưng vì vợ đang trong thời gian bầu bì, sinh nở nên tôi cũng cố nhường nhịn, bỏ qua.
Trước khi vợ sinh con 1 tuần, tôi đón mẹ lên chăm vợ đẻ, mẹ tôi hết lòng thương yêu con dâu, coi cô ấy cũng như con gái nhưng vợ tôi lại cư xử không đúng mực và thiếu tôn trọng mẹ chồng, còn hỗn hào với bà.
Mẹ tôi tuy đau ốm nhưng vẫn cố gắng ra chăm cháu nội, dù không giúp được gì nhiều bà vẫn cố gắng phụ việc quét dọn nhà cửa, cơm nước, bỉm tã cho cháu. Nhưng với vợ tôi, tất cả những điều ấy còn chưa đủ. Nhiều lần, vợ tôi còn lớn tiếng quát vì bà chậm chạp không pha kịp sữa làm cháu khóc, tắm cháu lóng ngóng suýt làm rơi thằng bé…
Rồi những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu về cách chăm trẻ sơ sinh cũng khiến tôi mệt mỏi vô cùng. Mẹ tôi thì cứ muốn theo cách của các cụ xa xưa truyền lại cộng với kinh nghiệm bản thân đã sinh 3 đứa con mà muốn con dâu làm theo. Nhưng vợ tôi thì chỉ thích nghe theo sách vở, làm theo những lời chỉ dẫn trên mạng Internet và bảo những kiêng kị của mẹ chồng là cổ hủ, lạc hậu. Hai trường phái khác nhau khiến mẹ chồng nàng dâu lúc nào cũng mặt nặng mày nhẹ với nhau.
Mẹ tôi vì tủi thân mà lắm lúc ngồi khóc một mình, vợ tôi đã không biết hối lỗi được thể lại càng lấn tới.
Tôi rất thất vọng và tức giận khi vợ không tôn trọng mẹ mình như vậy. Dù sao bà cũng chỉ muốn tốt cho con cho cháu. Tôi đã nói chuyện với vợ và yêu cầu vợ xin lỗi mẹ nhưng vợ tôi không nghe. Cô ấy còn la làng kể lể những nỗi khổ khi phải ở nhà chăm con.
Sau khi tổ chức lễ đầy tháng cho con, tôi có ngỏ ý bảo vợ đưa con về quê để ông bà tiện bề chăm sóc. Ông bà vẫn còn vườn tược cấy hái ở nhà nên mẹ tôi không thể cứ mãi ở trên Hà Nội để chăm con dâu và cháu nội. Ông bà cũng rất muốn cho cháu nội về quê để tận hưởng không khí trong lành, tươi mát. Hơn nữa đồ ăn thức uống ở quê đều là do nhà trồng được nên ăn uống rất yên tâm, không phải lo sợ rau, thịt nhiễm thuốc sâu, thuốc tăng trọng như ở trên thành phố. Nhưng vợ tôi nhất định không chịu. Bởi vì theo cô ấy điều kiện ở thành phố tốt hơn nhiều, gần bệnh viện nếu có vấn đề gì có thể đưa con kịp thời đi khám bác sĩ. Cơ sở vật chất tiện nghi cũng đầy đủ hơn. Về quê thì thiếu thốn đủ thứ, vợ tôi lại quen sống sung sướng nên không quen với cách sống của người nhà quê và nằng nặc đòi đem con về nhà ông bà ngoại.
Vẫn biết nhà vợ ở phố điều kiện tốt hơn nhà mình ở quê rất nhiều nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn vì không có sự cảm thông của vợ để vượt lên khó khăn cùng với chồng. So với ở quê thì môi trường sống nhà tôi cũng tương đối tốt, nhà mới xây cao ráo, sạch sẽ, có vườn cây, ao cá, công trình vệ sinh, nước non đủ cả. Dù không giàu có dư dả gì nhưng cũng là mong ước của nhiều gia đình ở cùng quê tôi.
Bố mẹ tôi vốn sống giản dị, giàu tình cảm lại rất thương con thương cháu nên khi biết con dâu không muốn về quê ở thì ai cũng buồn, tôi lại là con trai duy nhất của ông bà, con tôi là cháu đích tôn của ông bà mà không được chăm bẵm, bế bồng nên cảm thấy tủi vô cùng. Bố mẹ tuy không nói ra nhưng tôi cũng hiểu. Tôi rất buồn vợ mình, lại là người đứng giữa khiến tôi rất khó xử nhưng dù nói thế nào vợ tôi cũng không thay đổi ý định. Đã nhiều lần góp ý với vợ nhưng chẳng ăn thua gì cả. Tôi cũng muốn vợ chồng có gì cứ to nhỏ với nhau thì mọi chuyện đều có thể giải quyết được. Nhưng vợ tôi chỉ thích làm theo ý mình và kiểu ăn nói rất khó nghe. Tôi thấy rằng vợ đang cậy bố mẹ có điều kiện mà sống thiếu sự chia sẻ khó khăn với chồng, đó là điều đáng buồn nhất.
Vì chán chường với lối sống và cách cư xử của vợ nên tôi nghĩ sẽ trả lại ông bà ngoại căn hộ mà ông bà đã mua cho. Mặc dù bố mẹ vợ không hề nói hay tỏ thái độ gì với con rể nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Không thể vì tiền bạc, nhà cửa mà bất chấp để sống một cuộc sống phụ thuộc vô vị không có định hướng, không có sự cảm thông chia sẻ của vợ được.
Bây giờ còn chưa dọn vào ở trong căn nhà mà bố mẹ cô ấy cho cô ấy còn tỏ thái độ như vậy thì không biết sau này nếu dọn vào ở rồi sẽ còn chuyện gì nữa. Cuộc sống chắc chắn sẽ căng thẳng không lối thoát, thà sống thiếu thốn một chút nhưng nhẹ cái đầu còn hơn.
Tôi chẳng thể nào chấp nhận một người vợ không muốn hòa nhập với gia đình chồng, hỗn xược với mẹ chồng, cái kiểu cậy ta có nhà riêng nên muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói, không có phép tắc là không thể chấp nhận được.
Dù rất thương con nhưng tôi không thể nhận nhà của ông bà ngoại lúc này. Vì con tôi sẽ phải phấn đấu và cố gắng rất nhiều để con mình không phải chịu khổ nhưng không phải là phụ thuộc vào gia đình vợ để rồi phải câm lặng theo kiểu “chó chui gầm chạn”.
Theo VNE
Trút bỏ hay giấu kín?
Cả nhà đang ăn cơm, chưa thấy mặt đã nghe tiếng chị Ba ngoài sân: "Con bỏ chồng thôi. Không thể nào chịu đựng được nữa. Thứ đàn ông vũ phu!".
Ngó ra, thấy chị đang dựng chống xe, điệu bộ hớt hải. Chị quẹt tay lên má, tức tưởi: "Tối qua, ảnh bợp con ba tát. Chồng vậy làm sao sống được". Cả nhà bỏ đũa, lắng nghe chuyện của chị.
Vợ chồng chị về nhà nội họp gia đình. Mẹ chồng tuổi cao, ngỏ ý phân chia chuyện lễ giỗ, đám tiệc. Chồng chị nhận phần làm giỗ cha. Cô Út lo hai đám của ông ngoại và bà ngoại.Chồng gật đầu trong khi chị giãy nảy: "Cứ để Út chủ trì, lo liệu hết. Vợ chồng con xoay xở chuyện tiền nong như đã làm mấy năm nay". Cô Út nhăn mặt: "Em còn mấy đám bên nhà chồng". Mẹ chồng chị xen ngang, nói hờn: "Ba chén cơm, một tô canh cúng cho ba bây đỡ tủi, có tốn kém hay vướng víu gì đâu mà đùn qua đẩy lại". Về đến nhà, chị gây với chồng, trách anh... rước khổ thêm cho vợ. Gút lại, chị tuyên bố: "Cha ai người nấy gánh. Tôi không can dự chuyện cúng kiếng này. Nhận phần cha rồi mai mốt phải chịu thêm phần mẹ, sức đâu mà lo". Anh không kìm được, vung tay đánh vợ.
Má lựa lời phân tích, khuyên can con gái không nên ích kỷ. Chồng là con trưởng, lo lắng chuyện giỗ chạp của gia đình là tất nhiên, con nên san sẻ mới trọn đạo dâu con. Má xoa dịu: "Chồng lỡ tay cũng vì con quá quắt". Chị Ba nghe thông suốt, thấy bớt giận chồng hơn. Chiều ấy, anh Ba ghé qua nhà, chào hỏi má rồi dấm dẳng rủ vợ về. Chị làm nư: "Về để bị đánh nữa phải không?". Anh rể đỏ mặt. Má nói vô: "Hai đứa về đi. Vợ chồng hết hồi rồi thôi chứ ghim gút làm gì". Chị ngúng nguẩy chào cả nhà, theo chồng về... Chị Ba tôi là vậy! Vợ chồng có chuyện gì hục hặc, thể nào cũng tìm má, phần để trút nỗi lòng, phần muốn xin lời khuyên; dù nhìn cái cách của chị, cứ ngỡ vợ chồng sắp bỏ nhau tới nơi hay gặp phải chuyện ghê gớm lắm.
Chị Ba khác chị Hai. Đố ai, kể cả má, có thể nghe được một lời chị Hai than phiền về gia đình mình. Chị Hai bình thản đến mức luôn thấy chị mỉm cười khi nghĩ về gia đình: "Tụi con ổn mà má!". Nhìn vẻ ngoài, có thể nghĩ cuộc sống chị ổn thật. Chồng là trưởng khoa của một trường đại học, vợ là giáo viên cấp II. Nhà cao cửa rộng, hai con đều học giỏi. Vợ chồng đi đâu cũng có nhau, quan tâm chăm sóc như thời còn son rỗi. Lo lắng cho chị Ba bao nhiêu thì ngược lại, má rất an tâm về chị Hai bấy nhiêu. Mọi chuyện chỉ bung bét vào Chủ nhật tuần rồi. Chị Hai một mình về nhà, mặt tươi rói: "Chồng con đi công tác, tuần sau mới về". Chị ở chơi cả ngày. Má để ý thấy đôi lúc chị thẫn thờ, mắt nhìn xa xăm...
Má đang định hỏi thì thấy chị Hai ra sau vườn, len lén mở điện thoại đọc tin nhắn. Má theo ra, hốt hoảng nhìn chị khuỵu gối, chiếc điện thoại rơi xuống đất. Má lập cập chạy đến đỡ, nhặt điện thoại lên đọc: "Đơn ly hôn tôi để dưới gối. Cô ký đi. Theo lẽ công bằng: tài sản chia đôi, con cái chia đôi". Chị Hai níu áo má, khóc như chưa bao giờ được khóc: "Con khổ quá má ơi. Mấy năm trời chịu đựng". Hóa ra, mái nhà của chị, đối nghịch với lớp sơn đẹp đẽ bên ngoài là phần gỗ đã mục nát bên trong.
Chồng chị Hai ngoại tình đã tám năm, từ khi chị mang thai đứa thứ hai. Giữ thể diện cho mình, cũng là cho chị, anh cấm vợ nửa lời hó hé. Yêu chồng, muốn giữ cho các con một mái nhà, chị nín nhịn. Chiếc giường chia đôi từ dạo ấy. Hàng chục lần, chị Hai lặng lẽ gặp tình địch đề nghị chấm dứt, để rồi sau đó là một phen "bầm giập" với chồng. Anh nhốt chị trong phòng, đánh đập không xót thương. Chị Hai ít ghé thăm má, cũng vì không muốn người nhà nhìn thấy đôi mắt mình sưng húp, tay chân tím bầm. Má nghe chuyện, rùng mình nhớ lần chị Hai nhập viện, cánh tay bó bột mấy tháng mới lành. Hồi đó hỏi, chị còn cười: "Vội đi dạy, con trượt cầu thang". Chồng chị ngồi bên cạnh, đút cho vợ từng muỗng cháo, trách yêu: "Lần sau em nhớ cẩn thận". Giờ chị mới kể, bữa đó má về rồi, anh cũng bỏ đi liền sau đó. Còn một mình, chị cùng quẫn đến mức toan tự tử. May hình ảnh các con kịp thời níu giữ, xua đuổi ý nghĩ dại dột đó. Nay tình nhân của anh đã xong khóa cao học, chuẩn bị về trường nhận công tác, anh muốn ly hôn vợ để đường hoàng đến với người ta.
Chị Hai kể đến đâu, cả nhà bàng hoàng, phẫn nộ theo đến đó. Rồi chị cười lạnh lùng: "Đừng hòng ly hôn. Con muốn giam giữ ảnh để trả thù". Nhìn con, má chưa muốn đưa ra lời phân giải ngay lúc đó. Nhưng, má thở dài: "Phải chi chị Hai bây mở lòng ngay từ đầu gặp chuyện, như con Ba, đừng cố gắng che đậy, thì có đến mức này không?".
Theo VNE
Đối phó với mẹ chồng đòi giữ của hồi môn "... Quả thật mẹ chồng vẫn cứ nhăm nhe số vàng đó nên chỉ vài ngày sau, bà lại vào phòng mình nhỏ nhẹ bảo số vàng đó vợ chồng mình chưa dùng tới thì đưa cho chú thím vay, vì chú thím đang sửa nhà..." Đưa tiền, vàng cho mẹ chồng giữ, mở mồm đòi lại khó như lên trời. Thế nên...