Tetra Pak phổ biến công nghệ tiệt trùng UHT cho sinh viên
Sinh viên ngành công nghệ thực phẩm tại 17 trường Đại học ở Việt Nam đã có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận với công nghệ tiệt trùng UHT, một phát minh quan trọng trong ngành chế biến thực phẩm trong thế kỷ 20.
Ông Nguyên Long Duy, chuyên gia của Tetra Pak phổ biến công nghệ chế biến và đóng gói tiệt trùng với sinh viên
Chương trình “Hội thảo và giới thiệu sách về công nghệ chế biến và đóng gói tiệt trùng” do tập đoàn Tetra Pak thực hiện được mở đầu tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội và tiếp theo là trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng với sự tham gia của sinh viên ngành công nghệ thực phẩm (CNTP) tại đây. Đồng thời, Tetra Pak Việt Nam cũng đã dành tặng cho các giảng viên và sinh viên cuốn sách “Cẩm nang Chất lượng về Xử lý nhiệt và Đóng gói vô trùng, Sản phẩm có hạn dùng dài”, dày 230 trang xuất bản vào Quý III/2015 dưới sự phối hợp của Tetra Pak và Nhà xuất bản KH-KT.
Đây là tài liệu mà hầu hết các nhà sản xuất sữa, sữa đậu nành, nước giải khát trái cây tại Việt Nam và trên thế giới đang sử dụng. Sau đó chương trình sẽ tiếp tục được mở rộng và điểm dừng tiếp theo là Đại học Bách khoa TPHCM và Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM.
Bạn Nguyễn Đức Anh, sinh viên ngành CNTP, trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Dù biết đây là một công nghệ đã phổ biến trong ngành chế biến thực phẩm lỏng trên thế giới và nhận thấy ngành công nghệ chế biến thực phẩm lỏng của Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển nhưng em chưa có cơ hội nhiều để đi tìm hiểu sâu về công nghệ này. Qua những gì mà các chuyên gia chia sẻ, đó là kiến thức nền tảng mà em có thể trau dồi và phát huy về sau”.
Video đang HOT
PGS.TS Trương Thị Minh Hạnh, Giảng viên trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Nhiều sinh viên tỏ ra rất hứng thú và mong muốn có thêm tài liệu cũng như có các chuyên gia từ những tập đoàn như Tetra Pak đến chia sẻ những kinh nghiệm về công nghệ tiệt trùng UHT. Chính những hội thảo như thế này rất cần thiết để cập nhật kiến thức khoa học công nghệ mới, giúp sinh viên kết hợp với những kiến thức trên giảng đường để tự tin hơn sau khi tốt nghiệp”.
Được biết, công nghệ tiệt trùng UHT là một phát minh quan trọng ở thế kỷ XX. Nguyên tắc căn bản của công nghệ này là các loại thực phẩm dạng lỏng được tiệt trùng, diệt khuẩn bằng phương pháp xử lý nhiệt ở 135-140 độ C trong thời gian cực ngắn, sau đó làm nguội nhanh xuống 25 độ C.
Chính quy trình xử lý nhiệt siêu cao và làm lạnh cực nhanh này đã giúp tiêu diệt hết vi khuẩn có hại, các loại nấm men, nấm mốc. Đồng thời sản phẩm vẫn giữ được tối đa các chất dinh dưỡng và mùi vị tự nhiên. Sản phẩm có thể tươi ngon trong 6 tháng hoặc lâu hơn mà không cần trữ lạnh hay dùng chất bảo quản.
Nhờ ứng dụng công nghệ tiệt trùng UHT vào dây chuyền sản xuất trong các nhà máy chế biến sữa, nước trái cây nên đã đem lại hiệu quả cao. Mỗi năm, hàng trăm tỷ lít sữa tiệt trùng UHT được bán ra trên toàn thế giới, giúp hàng tỷ người tiếp cận với nguồn dinh dưỡng này.
Ở Việt Nam, công nghệ tiệt trùng UHT đã có mặt thông qua các doanh nghiệp chế biến sữa từ những năm đầu của thập kỷ 90 và giờ đây được sử dụng rộng rãi tại tất cả các doanh nghiệp sữa bò, sữa đậu nành và nước trái cây.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sữa Việt Nam đang kéo theo sự gia tăng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật, nhằm tạo ra nhiều hơn nữa các chuyên gia trẻ có hiểu biết và kinh nghiệm về công nghệ tiệt trùng UHT làm việc trong ngành này.
Ông Robert Graves, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam cho biết: “Hoạt động chia sẻ về quy trình, công nghệ chế biến, đóng gói thực phẩm dạng lỏng tiên tiến, đang được sử dụng rộng rãi của công ty Tetra Pak sẽ giúp các bạn sinh viên có được hành trang kiến thức tốt nhất để sẵn sàng làm việc khi ra trường. Chúng tôi hi vọng rằng hoạt động này sẽ góp một phần nâng cao chất lượng nguồn lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và đích cuối cùng là mang đến cho người dân Việt Nam các sản ph ẩm thực phẩm an toàn”.
Tetra Pak là tập đoàn hàng đầu thế giới về các giải pháp chế biến và đóng gói bao bì giấy cho thực phẩm dạng lỏng. Tetra Pak Việt Nam được thành lập vào năm 2003 trên cơ sở chuyển đổi hoạt động của văn phòng đại diện có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, là công ty con của tập đoàn Tetra Pak ra đời từ năm 1951 tại Thụy Điển. Đến nay tập đoàn này đã hoạt động 165 quốc gia trên thế giới. Các sản phẩm của Tetra Pak giúp bảo tồn giá trị dinh dưỡng và hương vị nguyên thủy cho các loại thực phẩm đóng hộp như sữa và nước trái cây các loại. Ngoài hoạt động kinh doanh, Tetra Pak cũng tích cực chia sẻ kiến thức mới để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật tại Việt Nam.
Nguyễn Ngân
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Phú Thọ đưa nước sạch về làng
Với nhiều giải pháp tích cực xây mới và nâng cấp các công trình cấp nước hợp vệ sinh, trong những năm qua, việc đưa nước về các vùng nông thôn tỉnh Phú Thọ đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ dân trước đây phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm để sinh hoạt, nay đã được dùng nguồn nước hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kiểm tra công tác cấp nước hợp vệ sinh cho người dân tại Nhà máy xử lý nước sạch thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh (Phú Thọ).
Ở tuổi ngoài 70, nhưng đến bây giờ bác Hoàng Văn Khánh ở khu 11, xã An Đạo, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) và nhiều người dân khác mới được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Bác Khánh cho biết: "Những gia đình ở khu 11, xã An Đạo chúng tôi có nước hợp vệ sinh từ cuối năm 2014 do Nhà máy xử lý nước sạch thị trấn Phong Châu cung cấp. Cả khu rất phấn khởi và càng vui hơn khi nguồn nước được cung cấp rất đầy đủ, nước khỏe và rất bảo đảm". Anh Lê Văn Sủng khu 11, xã An Đạo chia sẻ: "Khoảng vài năm trước, người dân trong khu chúng tôi muốn có nước ăn thì phải lọc nước từ giếng khoan để sử dụng. Không bảo đảm vệ sinh nhưng chẳng còn cách nào khác. Hiện nay, gia đình tôi có bốn người đều dùng nước máy hằng ngày, rất tiện lợi và an toàn".
Đời sống người dân ở vùng nông thôn Phú Thọ còn nhiều khó khăn. Nhu cầu được sử dụng nước hợp vệ sinh của người dân vùng nông thôn là rất bức thiết. Những năm qua, với sự quan tâm của tỉnh cũng như các ban, ngành chức năng trên địa bàn, các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở Phú Thọ đã và đang được triển khai hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước hợp vệ sinh năm sau luôn cao hơn năm trước, đến nay đã đạt gần 90%; tỷ lệ người nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh là gần 78%.
Theo Chi cục trưởng Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ) Lâm Việt Tuấn, việc cấp nước hợp vệ sinh đến với người dân đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh đã xây dựng được 197 công trình nước sạch từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có khoảng 130 công trình nước tự chảy, nên khi vào mùa khô thường thiếu nước. Bên cạnh đó, khoảng 60 công trình cấp nước nhỏ không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Một số công trình không sử dụng thường xuyên nên đã xuống cấp, khả năng cung cấp nước bị hạn chế; nhiều công trình đã lạc hậu.
Đứng trước thực trạng đó, khoảng 5 năm trở lại đây, Phú Thọ đã đổi mới tư duy đầu tư bằng việc tập trung xây dựng các nhà máy lớn và mở rộng các công trình cũ nhằm tăng khả năng cung cấp nước, đưa công nghệ hiện đại vào sử dụng, bảo đảm chất lượng nước và tính bền vững của công trình. Giám đốc Nhà máy xử lý nước sạch thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh) Nguyễn Ngọc Trung cho biết, Nhà máy có công suất 9.500 m3/ngày đêm, được khởi công từ ngày 10-11-2011, bao gồm các hạng mục trạm bơm nước thô; đường ống dẫn nước thô chiều dài 1,75 km; khu xử lý nước với bể chứa nước sạch dung tích 1.000 m3, trạm bơm nước sạch, nhà hóa chất; đường ống dẫn nước sạch dài 5,99 km... tổng nguồn vốn đầu tư 55 tỷ đồng. Nhà máy hoàn thành đưa vào sử dụng bảo đảm cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các nhu cầu khác tại các xã, thị trấn trong huyện Phù Ninh và Lâm Thao từ nay đến năm 2020. Hiện, Nhà máy đang cung cấp nước cho khoảng 10 nghìn hộ dân ở 17 xã, thị trấn của hai huyện Phù Ninh và Lâm Thao. Nhà máy lấy nước mặt sông Lô để xử lý theo quy trình trước khi cung cấp đến hộ dân.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đánh giá lại toàn bộ các công trình đã đầu tư trước đó để có phương hướng giải quyết nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu nước hợp vệ sinh của nhân dân tốt hơn; đối với các công trình chưa bảo đảm hiệu quả, sẽ thay đổi cách thức để phục vụ người dân tốt hơn; tập trung đầu tư xây dựng các công trình cấp nước hướng đến nhu cầu của người dân và theo hướng bền vững...
Bài và ảnh: Hân Thành Đạt
Theo_Báo Nhân Dân
Cận cảnh xe Mercedes đón ông Tập Cận Bình tại Việt Nam Mercedes-Benz S600 Pullman Guard Limousine với khả năng chống đạn và động cơ mạnh mẽ là phương tiện phổ biến dành cho các nguyên thủ quốc gia. Chiếc xe limousine sang trọng xuất hiện tại sân bay Nội Bài trưa 5/11 để đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam là một trong hai chiếc...