Tết với ký ức bóng bay
Cái thời để được định nghĩa là tuổi thơ của tôi, nó đã trôi về một nơi thật xa xôi nào đó, nơi có cái áo dạ mới, cái quần màu xanh nước biển thẫm, đôi dép lê gót cao lên khoảng hai phân, và có những quả bóng bay màu hồng.
Cách đây 20 năm, hẳn rằng cũng không còn quá gần gũi nữa, nhà tôi vẫn nghèo, bố mẹ vẫn đi làm ăn xa, và chúng tôi lớn lên bằng những bát cơm chan canh suông kèm vài quả cà nén. Bốn chị em, lớn như ngô như ngỗng, chẳng mấy bận ốm đau, hoặc có ốm đau chúng tôi cũng không còn ghi nhớ trong cái đầu những đứa trẻ lên năm lên bảy.
Ảnh: IT.
Không khí Tết của nhà tôi sẽ bắt đầu bằng việc ông nội ngồi chẻ lạt phía đầu hồi. Sau đó, ông treo túm đám lạt vừa chẻ lên một góc hiên nhà, để gió hanh hao hút hết nước ở thân tre, trả lại những chiếc lạt mỏng tanh tang mà dai mà chắc, dùng gói bánh chưng và cuốn giò thủ. Bắt đầu bằng việc những chiếc lá rong được ông rửa sạch kĩ càng, dùng mấy lượt khăn lau cho khô sạch nước, đặt trên chiếc nia rồi cất gầm giường. Gạo nếp, đỗ xanh cũng được bà đem ra nhặt sạch lại sạn (và mọt, nếu có). Chúng tôi rất khoái mấy trò nhặt sạn, bởi được xòa tay vào đám gạo ấy, một chốc sau tay trăng trắng cám gạo rồi xoa vào má nhau cười khanh khách, để nghe bà mắng “Nẻ má bỏ bố chúng bay ra bây giờ”.
Mùi tết, ngập tràn trong tim chính là mùi kỉ niệm.
Bố mẹ tôi đi làm ăn xa, suốt cả năm, chúng tôi ở cùng bà và chú. Chú sau bố, chú thứ hai. Ông bà có bốn người con, thì đi làm ăn xa cả, chỉ có chú ở nhà, ngày ngày cọc cạch đạp chiếc xe đạp khung trở đi, tối trở về cành cạch phía cổng. Chúng tôi hay gọi là bố, bố Huệ.
Mỗi dịp tết, bố Huệ sẽ mua cho chúng tôi quần áo mới, hoặc giày dép mới. Đứa nào cũng giống đứa nào, chỉ khác kích cỡ, để cho mấy chị em khỏi tị nạnh. Cả năm ở nhà cùng bố Huệ, cứ đứa nào được điểm 10 là được thưởng năm trăm đồng. Ngày nào chị em cũng thích được cô giáo chấm điểm, để lấy được thưởng tiền của bố.
Ảnh : IT
Video đang HOT
Văn hóa tết mà chúng tôi thích nhất là được mừng tuổi. Có người mừng tuổi hai trăm đồng hay năm trăm đồn g, nhưng bao giờ bố Huệ cũng mừng chúng tôi năm nghìn đồng; kèm theo đó là những quả bóng bay sâu màu hồng, lốm đốm li ti thêm mấy màu xanh xanh vàng vàng, tim tím. Nhà tôi, tết năm nào cũng rất nhiều bóng bay, và đám trẻ con đến nhà chơi luôn được mừng tuổi kèm theo một quả bóng bay như thế.
Tôi vẫn nhớ chúng thích lắm, chắc chắn rất thích. Bởi năm ấy, theo một thói quen, chúng nó tới chúc tết mà không còn bóng màu xanh, màu hồng; chúng hỏi ông tôi: “Ông ơi không có bóng bay ạ?”. Tôi thấy bà nội tôi ngồi góc giường lau nước mắt, còn ông tôi lặng lẽ khất “Cho ông nợ sang năm”. Đó là năm bố Huệ của chúng tôi mất.
Bố Huệ mất năm 27 tuổi, bằng tuổi tôi bây giờ. Năm ấy, bố đưa người yêu về ra mắt trong sự mong ngóng của cả gia đình. Hai 27 tuổi mới lấy vợ, thuộc dạng “ế” của làng của xã. Mà người ế này lại rất đẹp trai và tốt bụng. Bao lâu bà nội tôi giục “Mày có nhanh cho tao còn bế cháu không?”, sau bao cái cười trừ, những tưởng năm ấy, nhà tôi có thêm thành viên mới, vậy mà…
“Văn hóa” tặng bóng bay xanh, hồng của nhà tôi bắt đầu từ bố Huệ, bởi bố bảo chúng tôi rất thích bóng bay, nên tết đến “Bố mua cho các con chơi chán thì thôi”. Nhưng chúng tôi còn chưa chán, bố lại không mua nữa rồi…
Cho đến bây giờ, người ta cứ nhắc tết không còn vẹn nguyên như xưa nữa. Nhưng với chúng tôi, cất trong một góc tim, một khoảng trời nghèo nhiều bóng bay xanh, hồng, khi đó tết mới tròn đầy, mới đủ an ủi những tâm trí đầy non nớt và thương nhớ.
Dù thời gian đã trôi đi, dù có thể chúng tôi đã quên đi ít nhiều dáng hình của bố, dù gia đình tôi vẫn thống nhất tặng kèm bóng bay xanh, hồng cho mỗi đứa trẻ khi chúng tới nhà để luôn thấy bóng dáng bố gần bên chúng tôi… Dù điều gì đi chăng nữa, thứ mùi Tết yêu thương và thiết tha mong cầu níu kéo ở đây, chính là đầy đủ một gia đình.
Tết là đoàn viên, là đủ đầy tất cả nụ cười một gia đình.
TUYẾT MINH
Theo thegioitiepthi.vn
Tôi muốn mẹ ly hôn ba khi mình đi làm xa
Tôi như tấm bình phong, chỗ trú ẩn an toàn của mẹ mỗi lần ba gây sự. Bởi vậy, tôi sợ khi mình đi làm xa không ai can thiệp, ba sẽ hành động hung hăng dẫn đến chuyện không hay đối với mẹ...
Ngày lên máy bay càng gần, tôi càng thấy không yên tâm. Tôi muốn mẹ ly hôn ba thì tôi mới có thể an lòng đi làm ăn xa được. Ý nghĩ đó có vẻ ngược đời và bất hiếu nhưng có như thế, tôi sẽ không còn nỗi lo lắng vô hình nữa.
Năm nay ba mẹ tôi đã ngoài 60 tuổi, hai người kết hôn hơn 30 năm và có hai đứa con. Chị gái tôi đã có gia đình riêng và sống ở quê chồng cách nhà gần 50km. Bởi vậy, trong nhà chỉ có ba người ở cùng nhau.
Ba có thói quen kiếm chuyện, trút giận vô cớ đánh mẹ. (Ảnh minh họa)
Từ khi biết nhận thức tôi đã chứng kiến cảnh ba xô xát đánh mẹ diễn ra hàng ngày. Tất cả đều xuất phát từ tính gia trưởng đến vô lý của ba dù mẹ tôi không có lỗi gì.
Ba rất ít nói, xa lánh tất cả mọi người, kể cả anh em trong gia đình. Ba không giao tiếp với bất kì ai từ hàng xóm đến người quen biết thân sơ. Suốt ngày ông chỉ quanh quẩn trong phòng ngủ. Ba tôi trước đây từng làm giáo viên dạy thể dục.
Mọi việc trong gia đình đến các mối quan hệ giao tiếp bên ngoài đều do mẹ tôi đảm nhiệm. Vào dịp lễ, Tết, hiếm khi ông đi đâu ra khỏi nhà. Từ ngày ba về hưu, cuộc sống càng khép kín hơn, thậm chí ngày giỗ ông bà nội, ba cũng chẳng sang nhà chú thắp hương.
Mẹ đã nhờ nhiều người bạn đến khuyên ba nên tham gia vào các hoạt động xã hội cộng đồng, các tổ chức phù hợp với lứa tuổi nhưng đều không có kết quả. Nếu ba chỉ có như vậy thì không có gì đáng nói và khiến tôi lo lắng. Đằng này, ông có thói quen kiếm chuyện và trút giận vô cớ, đánh mẹ tôi.
Trong khi, mẹ tôi luôn chọn cách im lặng, không hề phản ứng lại. Có những việc hết sức bình thường hàng ngày, ông cũng tìm cách gây sự để đánh mẹ. Tôi còn nhớ, có lần máy bơm hư, mẹ kêu thợ về sửa. Họ mắc dây điện không theo ý ba, khi ba về thì thợ sửa đã đi. Ba chửi mắng mẹ rồi đánh tới tấp.
Có đợt ông bảo mình sẽ ăn chay, mẹ phải mua thức ăn nấu riêng cho ba. Mẹ nấu không ngon như ở quán, thế là ba cũng lôi mẹ ra đánh. Sống ở trong nhà, nửa đêm, không biết bao nhiêu lần tôi thức giấc vì tiếng la hét của mẹ. Không hiểu bực tức chuyện gì, đang ngủ, ba bật dậy cầm dao dí vào cổ mẹ dọa hại.
Lúc tôi học cấp ba, khi nào ba gây sự tôi cũng đứng ra can thiệp bảo vệ mẹ nên ông cũng hơi kiêng dè tôi. Nếu có tôi ở nhà, ông không dám gây gổ. Khi bị đánh, mẹ thường chạy đến chỗ tôi ngủ gọi : "Con cứu mẹ không ông ấy chém mất". Tôi như tấm bình phong, chỗ trú ẩn an toàn của mẹ mỗi lần ba gây sự.
Tôi không yên tâm khi đi xa vì mẹ phải sống với một người hung hăng, bạo lực như ba. (Ảnh minh họa)
Hơn 30 năm qua, mẹ tôi nín nhịn cũng chỉ vì hai chị em tôi. Bởi thế, tôi không dám đi xa nhà, học xong cấp ba, tôi cũng học nghề tại thị xã rồi đi làm. Gần đây, vì công việc khó khăn nên tôi đã đăng ký đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc.
Tôi mới đi học tiếng ở Hà Nội mấy tháng mà ba đánh mẹ rất nhiều lần. Tôi sợ khi mình đi xa, không ai can thiệp, tính nóng nảy hung hăng của ba sẽ dễ dẫn đến chuyện không hay với mẹ.
Tôi thật sự muốn khuyên mẹ ly hôn ba và sống riêng, tôi sẽ chu cấp cho cả hai đầy đủ. Nhưng tôi biết, mẹ sẽ không chịu bởi mẹ luôn nghĩ "xấu chàng hổ thiếp" mà chịu đựng mấy chục năm.
Càng già ba càng không kiểm soát được hành động, lại càng nguy hiểm. Tôi tham khảo trên mạng thì những người có tính tình như ba tôi có dấu hiệu trầm cảm. Tôi rất muốn đưa ba đi khám và chữa trị nhưng không có tiền. Tôi cần đi làm một vài năm có tiền sẽ tính đến chuyện đó. Tuy nhiên, tôi có nỗi lo lắng vô hình khi mình ở xa, ở nhà chỉ có ba mẹ.
Trần Sơn
Theo phunuonline.com.vn
Tết và nỗi buồn của muôn nẻo đường đời "Tết thì nhà nhà về quê, sum họp gia đình, cùng nhau vui Tết. Còn tôi thì không biết quê mình ở đâu, mà có biết thì cũng có tiền đâu mà về". Đó là chia sẻ của một cụ già bán vé số ở góc đường. Tết thì mọi người được vui chơi, có áo ấm để mặc. Còn những con người...