Tết Việt Nam cũng có món bánh truyền thống xinh đẹp cầu kì chẳng thua kém gì Wagashi Nhật
Nếu như các Wagashi Nhật được xem như một trường phái nghệ thuật vì những chiếc bánh được tạo hình tỉ mỉ thì Việt Nam cũng có một loại bánh tạo hình tinh tế và phức tạp chẳng kém, thậm chí còn từng là vật phẩm tiến vua ngày xưa.
Wagashi của Nhật Bản nổi tiếng không phải chỉ vì hương vị, mà chủ yếu nhờ vào ngoại hình tinh xảo bắt mắt, màu sắc sặc sỡ đa dạng. Phía sau mỗi chiếc wagashi là một đôi tay điêu luyện của nghệ nhân. Từng nếp gấp, từng màu sắc đều được chế tạo thủ công, thời gian chế tác có thể lên đến hàng giờ đồng hồ. Những chiếc wagashi được xem là tác phẩm nghệ thuật, và là món quà quý được tặng trong các dịp đặc biệt hoặc lễ tết.
Wagashi có nhiều hình dạng dựa trên hoa lá, trái cây hoặc động vật, nhưng thường có mối liên kết mật thiết với các mùa trong năm. Ví dụ như mùa xuân thì các món wagashi sẽ mang màu hồng và có hình hoặc biểu tượng hoa anh đào. Đối với người Nhật, tính nghệ thuật trong wagashi thể hiện nhiều nét đẹp trong đời sống tinh thần Nhật Bản.
Nhiều người trong chúng ta biết wagashi được thế giới công nhận nhờ vẻ đẹp và sự tinh tế cũng như kỳ công đằng sau nó, song hiếm ai biết được Việt Nam cũng có một món bánh tinh tế và cầu kì không kém.
Đó chẳng được xem là ẩm thực cấp cao hay được liệt vào trường phái nghệ thuật như wagashi, mà trái lại là một món bánh “tuổi thơ” hết sức gần gũi.
Chính là bánh đậu xanh tạo hình trái cây.
Thuở nhỏ, nhiều đứa trẻ có thể dễ dàng thấy món bánh này được bán ngoài chợ, hoặc được bà, mẹ mua về như một thức quà vặt. Bánh đậu xanh tạo hình trái cây có vẻ ngoài vô cùng bắt mắt, với màu sắc và chi tiết được làm cẩn thận đến khó tin. Có những quả như quả khế cũng có sự “đổ màu” từ xanh lá sang vàng ở các cánh đi vào trong, như một quả khế chín tới tự nhiên thật sự. Quả xoài chín thì đôi khi được đổ màu cam nơi phần đầu, còn những quả chôm chôm thì từng sợi râu đều mỏng, được chấm đỏ y như thật.
Những chiếc bánh hết sức bình dân ấy được tỉ mỉ chế tạo từ khâu tạo hình đến lên màu. Với kích cỡ nhỏ cỡ hơn một lóng tay người trưởng thành một chút, thật khó để tưởng tượng làm sao những thợ làm bánh lại có thể tạo ra một thức quà tinh tế như thế.
Mặt khác, cũng hiếm người biết rằng món bánh “trẻ con” này thực ra có nguồn gốc hết sức… “quý tộc”. Đây là một món bánh phổ biến trong Tết của người miền Trung, đặc biệt là cố đô Huế. Từng có thời, món bánh này là một trong những món được đem tiến vua.
Video đang HOT
Món bánh đậu xanh giản dị ta quen thuộc từng có thời là vật phẩm tiến vua trân quý.
Để làm được một mẻ bánh nhỏ có thể mất đến cả một ngày. Bánh được làm từ đậu xanh đãi vỏ, đem nấu chín rồi xay nhuyễn. Trong quá trình xay, người làm bánh phải quấy đậu sao cho đều tay để hỗn hợp có độ ẩm thích hợp cho việc tạo hình. Chỉ mỗi công đoạn này thôi cũng mất đến 4 giờ đồng hồ.
Để tạo được các hình thù trái cây khác nhau từ bột đậu xanh, mỗi chiếc đều phải được nhào nặn bằng tay, dùng các vật dụng khác nhau để tạo hình, tạo đường vân, nếp gấp của các loại trái cây như quả đào, khế, thơm, lựu, táo, xoài… Sau đó, mẻ bánh đã “thành hình” sẽ được đưa đi sấy khô từ 5 đến 6 tiếng rồi chuyển qua công đoạn lên màu.
Công đoạn làm bánh phức tạp và mất nhiều thời gian.
Màu sắc của những chiếc bánh là điều hấp dẫn nhất, song cũng là khâu khó làm, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận vô cùng. Màu sắc bóng bẩy của những chiếc bánh được làm từ rau câu pha với các loại màu thực phẩm tự nhiên. Trước khi rau câu đông lại, nghệ nhân phải lấy que gỗ xiên vào đầu bánh rồi nhúng vào hỗn hợp màu. Tuy nhiên để tạo được sự “đổ màu” tự nhiên của các loại trái cây như khế, lựu, táo, xoài thì người làm bánh không chỉ phải cẩn thận mà cũng cần có khiếu thẩm mỹ cao.
Mặc dù phức tạp và cầu kì như vậy, song mỗi chiếc bánh lại có giá rẻ đến không tưởng, chỉ khoảng 1,5k – 2k cho một chiếc. Không bàn đến nguyên liệu, chỉ nghĩ đến giá trị tinh thần của loại bánh Tết từng là vật phẩm tiến vua trân quý, và công sức của người làm thì có thể thấy chiếc bánh đậu xanh Huế này quả thật rất đáng quý.
Theo Trí Thức Trẻ
Tết miền Trung: không thể thiếu những món bánh ngọt truyền thống cầu kì và tinh tế
Tết miền Trung là dịp đặc biệt hội tụ vô số các loại bánh ngọt khác nhau, có cả những loại cầu kì từng được tiến vua.
Người miền Trung nói chung và người Huế nói riêng có quan niệm, ngày đầu tiên của năm mới thì nên đón chào những thứ thanh tao ngọt ngào. Trong thực tế, mâm cỗ giao thừa của người dân xứ này thông thường chỉ bao gồm các loại bánh, chè chay ngọt. Vì vậy mà trong dịp đầu năm, những món bánh ngọt truyền thống trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. So với bánh chưng, bánh tét, giò, chả... và các món ăn đa dạng khác của hai miền Bắc - Nam vào Tết Nguyên Đán thì những món bánh ngọt lại là đặc trưng của những người con miền Trung.
Có người còn nói, Tết miền Trung mà thiếu vắng những món bánh ngọt này thì chẳng còn là Tết nữa. Hãy cùng chúng mình khám phá những món bánh ngày Tết cầu kì và đặc sắc, sản phẩm của những đôi bàn tay khéo léo của miền Trung nhé!
Bánh tổ
Bánh tổ xuất hiện sớm nhất cùng với sự hình thành của phố cổ ở Hội An vào thế kỷ 16 -17. Bánh thường hay được bày cúng trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết nên được gọi là bánh Tổ, sau này trở thành một trong số những loại bánh ngày Tết phổ biến miền Trung.
Bánh tổ được làm từ nếp, đường và nước gừng trộn lại rồi mang hấp. Bánh thường được bọc trong lá chuối, có thể để lâu đến nửa tháng. Vào ngày Tết, người miền Trung thường cắt bánh tổ thành những miếng nhỏ và mời khách hoặc nhâm nhi cùng trà như món tráng miệng. Nhiều người sành ăn sẽ lấy bánh đem phơi, khoảng mười ngày nửa tháng lấy ra đem chiên lên ăn vẫn ngon tuyệt vời.
Bánh thuẫn
Đã nhiều năm nay, cứ đến Tết là làng Hiền An thuộc xã Vĩnh Hiền, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) lại tất bật với nghề làm bánh thuẫn Tết truyền thống. Bánh thuẫn là món bánh Tết không thể thiếu của người miền Trung. Bánh được làm từ bột củ bình tinh hoặc bột nếp pha tẻ cùng đường và trứng gà.
Trứng gà được đánh tan với đường cát tinh khiết thành hỗn hợp đặc sánh béo ngậy, sau đó thêm bột đã rây mịn. Nhiều nơi bây giờ còn thêm chút bột vani để dậy mùi thơm. Bánh thuẫn còn được gọi là bánh xoài, dù không được làm từ xoài. Có lẽ là do màu vàng ươm hấp dẫn như xoài chín mà người ta gọi như vậy.
Bánh ngũ sắc
Được biết đến với nhiều tên khác nhau như bánh cộ, bánh in, bánh ngũ sắc... song bánh ngũ sắc vẫn được biết đến nhiều nhất. Tuy nhiên "ngũ sắc" ở đây không nói đến bản chất chiếc bánh mà là dùng để chỉ các loại bánh được gói trong giấy kính nhiều màu bắt mắt. Ngày xưa, những chiếc bánh này thường được dùng để tiến vua nên phải có vẻ ngoài đẹp đẽ. Hiện tại, bánh được dùng để cúng tổ tiên và đãi khách vào dịp Tết.
Bánh thực chất là bánh in, được làm từ nhiều loại bột như bột nếp, bột huỳnh tinh, bột đậu xanh, hạt sen trần... Về cơ bản thì những chiếc bánh này có cách làm tương tự nhau, khác biệt tuỳ khuôn đúc. Loại bánh truyền thống nhất, đồng thời cũng nổi tiếng nhất chính là bánh in đậu xanh có chữ Thọ.
Bánh su sê
Bánh su sê, hay bánh phu thê những tưởng chỉ xuất hiện trong dịp cưới hỏi, nhưng lại khá phổ biến vào ngày Tết ở miền Trung. Bánh khá phổ biến và có mặt ở nhiều nơi, tuy nhiên phiên bản bánh su sê của người Huế lại có điểm rất đặc biệt. Ấy là thay vì được bọc trong giấy vàng, đỏ hay lót lá chuối, bọc lá chuối thì bánh su sê Huế được gói bằng lá dừa trong hình dạng một chiếc hộp nhỏ.
Bánh dai dai, nhân đậu xanh ngọt thanh, lại thơm bùi mùi dừa. Đây cũng là một chiếc bánh phổ biến trong ngày Tết miền Trung.
Bánh đậu xanh
Bánh đậu xanh có hình dạng trái cây đẹp đến lung linh này được khá nhiều người biết đến, song hiếm ai biết được những chiếc bánh này có xuất thân "hoàng tộc". Ngày xưa, vật phẩm tiến vua đều phải có ngoại hình bắt mắt xinh đẹp. Cũng như bánh ngũ sắc được nhắc đến ở trên, bánh đậu xanh hình trái cây cũng là một trong số đó.
Bánh đậu xanh trái cây được làm từ đậu xanh và "không liên quan" gì đến trái cây, ngoại trừ vẻ ngoài được tô vẽ tỉ mỉ. Ngày xưa, loại bánh này được mang đi tiến vua và là món ăn vặt tinh tế của các gia đình quyền quý. Sau này, món bánh dần trở nên phổ biến và thường xuất hiện trong các bữa tiệc, lễ lộc, nhất là ngày Tết.
Theo Trí Thức Trẻ
Nhà tôi có món bánh đậu xanh chiên gia truyền 3 đời, hễ mùa đông là phải có Bánh đậu xanh là món ăn vặt cực hấp dẫn mỗi khi mùa đông về. Nguyên liệu: - 200 gram đậu xanh nguyên vỏ - 2 trái ớt đỏ - 5 gram hạt thì là - 1 củ hành tây - 2 trái ớt xanh - 5 gram gừng - 3 nhánh rau mùi - 5gram muối - 5 gram muối nở -...