Tết về miệt ruộng Cà Mau cùng dân đi bắt lươn đồng to bự
Tết là khoảng thời gian để mọi người trở về đoàn tụ gia đình và thư giãn sau bao ngày vất vả làm việc trong năm. Du lịch sinh thái vào dịp tết đang trở thành xu hướng của người dân thị thành.
Gác lại những lo toan, rời xa cái náo nhiệt cuộc sống hiện đại nơi đô thị, trong tiết trời se lạnh, gió xuân kèm chút nắng hanh vàng, được hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức những bữa ngon dân dã, tiếng nói cười rôm rả sẽ làm ấm thêm mùa xuân sum vầy.
Tất cả cảm giác này, du khách sẽ được tận hưởng tại Khu du lịch Mười Ngọt (Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) – điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đặc trưng của vùng rừng tràm U Minh Hạ.
Khi về điểm du lịch Mười Ngọt, du khách được trải nghiệm đặt trúm, đặt lọp bắt lươn đồng, cá đồng – là nét đặc trưng đời sống của người dân vùng ngọt Cà Mau.
Để đến điểm du lịch Mười Ngọt, từ trung tâm TP. Cà Mau, du khách đi gần 50km bằng xe ô tô và đoạn đường này sẽ ngắn hơn 10km nếu đi bằng xe gắn máy. Tùy theo điều kiện mà du khách chọn phương tiện di chuyển phù hợp, thế nhưng để cảm nhận hết vẻ đẹp hoang sơ, tiết trời mùa xuân miệt U Minh Hạ thì du khách hãy thử nghiệm đi bằng xe gắn máy.
Trên đoạn đường đi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh bình yên những cánh đồng lúa vàng hai bên đường đang vào độ chín, thoảng hương lúa đưa trong làn nắng sớm tinh khôi. Dọc theo đường đi, những hàng cây tràm với những bông hoa rung rinh theo gió, hương hoa thơm ngát; những căn nhà thanh bình, những hàng cây ăn trái nép mình bên dòng kênh mát lành.
Hơn 5 năm “bén duyên” với du lịch sinh thái, điểm du lịch Mười Ngọt hiện tại sở hữu hàng ngàn kèo ong, trên diện tích hơn 60ha đất rừng. Tuy chưa được đầu tư bài bản, nhưng chính những hoạt động trải nghiệm thực tế dành cho du khách là điểm mạnh của khu du lịch này. Trong đó, trải nghiệm “ăn ong” để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng mỗi du khách khi đến đây.
Anh Phạm Duy Khanh, con trai ông Mười Ngọt, hiện đang quản lý khu du lịch, chia sẻ: “Gia đình tôi đi lên từ tán rừng. Với mong muốn duy trì được giống cá đồng tự nhiên, bảo tồn được nghề gác kèo ong nguyên sơ, nên cả gia đình đồng lòng làm du lịch; luôn quý cái lung xưa cũ, từng gốc tràm, từ con cá, con lươn cho đến từng đàn ong về đây làm tổ.
Chúng tôi luôn vạch kế hoạch hướng tới mục đích vừa phát huy được thế mạnh du lịch tỉnh nhà vừa duy trì hệ sinh thái tự nhiên của rừng. Bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ gia đình mình”.
Video đang HOT
Gia đình ông Mười đã khéo léo đưa vào trong hoạt động du lịch những trải nghiệm bình dị, dân dã để du khách như trở thành những nông dân thực thụ. Khi đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm hoạt động bắt cá đồng, các sản phẩm thu được sẽ được chế biến tại chỗ thành nhiều món ngon: Cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, canh chua cá đồng, lươn um lá nhàu, lẩu mắm rau rừng…
Nhằm làm phong phú thêm thực đơn, gia đình còn đầu tư nuôi vịt trời và gà nòi; sẵn nguồn chuối cây phong phú, món gà nòi, vịt trời hấp nõn chuối cây, tuy dân dã nhưng rất hấp dẫn thực khách.
Sau một ngày vui chơi thấm mệt, khoảnh khắc ngồi quây quần bên mâm cơm với những món ăn đồng quê ngon lành, nồng đượm khói rơm rạ, thưởng thức giai điệu ngọt ngào của những bài bản đờn ca tài tử, thú vị còn gì bằng.
Du khách được hướng dẫn viên không chuyên đưa đi tham quan bằng vỏ máy và trải nghiệm khi có nhu cầu.
Điểm du lịch Mười Ngọt có phục vụ nhu cầu lưu trú cho du khách. Rời xa tiện nghi hiện đại, những vách nhà lá đơn sơ, mùng vải, gối, mền đơn giản sẽ phù hợp với những ai muốn trải nghiệm một đêm ở rừng.
Vào mùa cao điểm, khách đến với điểm du lịch Mười Ngọt rất đông, có khi lên đến 300 – 400 khách/tuần. Để bảo vệ nguồn lợi cá đồng tự nhiên, sắp tới, gia đình sẽ mở thêm trại cá giống chuyên về các loại cá đồng thiên nhiên, bởi khai thác phải đi đôi với bảo vệ thì mới bền vững được.
Bên cạnh đó trồng thêm mít, cam, quýt, dâu, xoài… theo hướng nông sản sạch, nhằm cung ứng cho du khách mua làm quà và thưởng thức tại vườn”, anh Khanh cho biết.
Điểm du lịch sinh thái Mười Ngọt cũng là điểm trình diễn nghề gác kèo ong và các sản phẩm từ mật ong thương hiệu RUM.CM – sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2015. Khi đến đây trải nghiệm, du khách có thể mua về làm quà: Mật ong nguyên chất, rượu ong, mắm ong, sáp ong, rượu trái giác, các loại khô cá đồng…
Để liên hệ đặt trước, du khách có thể gọi trực tiếp cho anh Phạm Duy Khanh qua số điện thoại 0942.655.056 hoặc tìm hiểu qua Website: dulichmuoingotcamau.com.
Một mùa xuân nữa lại về với xứ biển Cà Mau, nhưng giờ đây, ngoài Khu du lịch Đất Mũi, du khách còn có thể trải nghiệm du lịch miệt vườn của những nông dân ở vùng ngọt. Tuy chưa thật sự bài bản nhưng tâm thế của nhà nông làm du lịch đã nâng tầm giá trị sản phẩm từ rừng, ao cá, vườn nhà. Khai thác đi đôi với bảo tồn, phát triển là hướng đi mà điểm du lịch Mười Ngọt đang hướng đến.
Theo Thiên Kim (Báo ảnh Đất Mũi)
Khai thác thủy sản đầu năm: Ngư dân Cà Mau ấm áp mùa Tết biển
Ngư dân ra khơi đánh bắt trong dịp Tết không chỉ với kỳ vọng được nước biển đầu năm mà còn mang theo ước muốn cả 1 năm đánh bắt thuận lợi.
Sông Đốc là thị trấn biển sầm uất nhất vùng ĐBSCL. Nơi đây có hàng ngàn phương tiện đánh bắt ra vào trao đổi mua bán hàng hóa mỗi nước biển nên cửa biển lớn nhất tỉnh Cà Mau luôn tấp nập.
Đặc biệt, nhiều gia đình nơi đây vẫn giữ cái nếp ăn Tết biển nên thời gian gần Tết không khí càng nhộn nhịp hơn. Họ ra khơi đánh bắt không chỉ với kỳ vọng được nước biển đầu năm mà còn mang theo ước muốn cả 1 năm đánh bắt thuận lợi.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Tân (khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) vừa làm xong các "thủ tục" để anh em ngư phủ ra khơi đánh bắt chuyến biển Tết. Trong đó, không thể thiếu bữa cơm ấm áp trước khi ra khơi. Bữa cơm có mặt tất cả 8 "thủy thủ" là bạn đi nghe lưới của gia đình ông. Họ đến từ nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau và có cả những người đến từ tỉnh thành khác.
Nhiều ngư dân thị trấn Sông Đốc ra khơi ăn Tết biển.
Ông Tân cho biết, những anh em này đã gắn bó với gia đình ông cả năm nên bữa cơm cuối năm là lúc tổ chức trang trọng để cảm ơn họ. Bà xã ông Tân đã chuẩn bị sẵn những "đặc sản" như: cá đồng, ba khía muối... đãi những bạn tàu chí cốt vì đối với người đi biển họ ngán nhất là hải sản.
Chuyến đánh bắt vừa qua trừ chi phí gia đình ông Tân lãi được khoảng 50 triệu đồng nên dù đã chia đủ tiền bạn, ông Tân vẫn cho mỗi bạn tàu ứng trước 3 - 5 triệu đồng để họ gửi về cho vợ con lo Tết. Chính vì vậy mà bữa cơm vào tối 20 tháng Chạp tại nhà ông Tân đầy ắp niềm vui và những niềm hy vọng mới.
"Hiện nay nhà nước đang chấn chỉnh lại việc đánh bắt nên hi vọng thời gian tới việc đánh bắt sẽ hiệu quả hơn. Thường chuyến biển Tết đầu năm cũng ngư dân dễ trúng cá, trúng mực cho anh em ngư phủ có thêm thu nhập, lo cho cuộc sống tốt hơn", ông Tân chia sẻ.
Chuyến biển Tết của người dân thị trấn Sông Đốc thường bắt đầu ra khơi từ ngày 20 - 25 tháng Chạp và kết thúc sau khoảng 20 ngày đánh bắt. Bữa cơm trước chuyến ra khơi đó vừa là tiệc Tất niên vừa là tiệc chiêu đãi ăn Tết sớm.
Nhớ lại vị Tết biển những năm qua, anh Trịnh Văn Toàn - chủ ghe hành nghề câu mực chia sẻ, các chuyến biển thông thường chủ ghe chỉ chuẩn bị các nhu yếu phẩm đảm bảo bữa ăn hàng ngày, nhưng riêng chuyến biển Tết, ngư dân sẽ chuẩn bị thêm các sản vật và cả bia để anh em tổ chức ăn Tết trên biển.
Có thể bữa cơm ngày mùng 1 Tết trên ghe có thể không đầm ấm như trong bờ, nhưng vẫn đủ đầy vật chất và dạt dào tình cảm của những người đã gắn bó với nhau năm này qua tháng nọ. Sau khi kết thúc chuyến biển, vào bờ họ lại có một bữa tiệc ăn Tết muộn, chính vì thế cái Tết của anh em ngư phủ có thể trọn vẹn bên gia đình, nhưng vẫn đầy niềm vui và họ luôn sẵn sàng ra khơi mỗi dịp Tết đến Xuân về và mang theo những kỳ vọng.
"Năm vừa qua tàu đánh bắt cũng hiệu quả, mỗi chuyến biển mỗi tày kiếm được từ 20 - 30 triệu đồng, nhưng nhìn chung năm nay đánh bắt không có lời. Qua năm mới, ngư dân cũng mong ra khơi đánh bắt thuận lợi, thường xuyên trúng cá đảm bảo cuộc sống ngư dân", anh Toàn bày tỏ.
Ngư dân Cà Mau ra khơi mang theo kỳ vọng trúng chuyến biển đầu năm.
Tính riêng khóm 1, thị trấn Sông Đốc hiện nay đã có hơn 250 phương tiện đánh bắt. Tuy tình hình đánh bắt năm qua không thuận lợi như các năm trước nhưng vẫn có gần 150 phương tiện ra khơi ăn Tết biển. Trước những khó khăn ngư dân đang gặp phải, ông Phan Văn Bảy, trưởng khóm 1, thị trấn Sông Đốc mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ để bà con miền biển giảm bớt khó khăn.
"Thời gian gần đây nguồn lợi thủy sản có giảm sút, chính vì thế Nhà nước cần có hướng quy hoạch, quản lý khai thác vùng biển hợp lý để có thời gian cho các nguồn lợi thủy sản sinh sôi, nảy nở. Cùng với đó, tổng đầu tư của ngư dân hiện nay rất lớn, trong khi nguồn thu hạn chế nên cơ quan chức năng cũng cần xem xét có hỗ trợ cho ngư dân, nhất là trong việc lắp đặt thiết bị đường dài, thiết bị giám sát hành trình", ông Bảy mong muốn.
Ăn Tết biển đã như truyền thống đánh bắt của một bộ phận người dân thị trấn miền biển Sông Đốc. Tết này, các ngư dân nơi đây đều mang theo kỳ vọng chuyến biển đầu năm trúng mùa và công việc đánh bắt thuận lợi cả năm. Các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện siết chặt việc đánh bắt, nhằm đảm bảo phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững. Đây thực sự là những tín hiệu tích cực cho mùa khai thác mới, tạo tiền đề để những người dân bán biển, sống với biển nơi Đất Mũi - Cà Mau có một năm đánh bắt thuận lợi./.
Theo Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL
Thầy giáo quân hàm xanh dạy học nơi đảo xa Hiếm có lớp học nào đặc biệt như "Lớp học tình thương" trên đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Lớp có tới 3 chiếc bảng, bàn ghế cũng được kê theo 3 hướng khác nhau. Lớp chỉ có một thầy giáo duy nhất dạy 23 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 và tất cả ngồi chung một phòng......