Tết trốn nợ của mẹ tôi
Dù bây giờ đã lớn, đã trưởng thành, nhưng, với kí ức của tôi thì Tết là mùa trốn nợ, là khoảng thời gian mà trước thời khắc giao thừa, mẹ tôi luôn vắng nhà.
Suốt những năm tháng ấu thơ của tôi, Tết là một cái gì đó vừa buồn, vừa tủi cũng lại vừa giận, vừa thương. Nhà tôi nghèo, nghèo lắm. Nghèo đến độ, mỗi khi Tết về, không một đêm 30 nào mẹ tôi có mặt ở nhà, điều đó đồng nghĩa với việc, ba anh em chúng tôi không bao giờ có một bữa cơm tất niên như những nhà hàng xóm. Không phải vì mẹ tôi bận đi làm cả ngày 30 Tết mà mẹ tôi đi trốn nợ.
Ảnh: IT.
Ở quê, thường ngày 30 Tết là ngày đòi nợ, các chủ nợ bao gồm những tiệm tạp hóa cho gia đình tôi mua đồ chịu, những người mà ba tôi đã vay tiền để chơi bạc. Hồi đó, ba tôi mê cờ bạc lắm. Không một cái Tết nào ba có mặt ở nhà mà luôn ngồi thâu đêm trên những xới bạc. Và đó cũng là lý do mà những cái Tết sau đó, mẹ tôi phải đi trốn nợ chỉ vì những người cho ba vay tiền đánh bạc đến đòi. Họ rất đông.
Ở quê tôi có phiên chợ Tết vào ngày 29 Âm lịch. Trước đó, mẹ tôi thường ra đồng và gom tất thảy những gì có thể bán được để làm sao đủ lo cho chúng tôi một cái Tết no ấm. Nhưng, đó chỉ là trong suy nghĩ của mẹ. Những luống ngô mẹ trồng vừa bán khỏi thì các chủ nợ họ đã đợi sẵn chỉ chờ thương lái trả tiền mẹ, mẹ chưa cầm khỏi tay, chưa kịp nhét vội vài đồng lẻ vào người để lo Tết cho 3 đứa con ở nhà họ đã lấy hết cả. Mẹ lại nước mắt ngắn, nước mắt dài gạt ngang tay áo thất thểu đi về.
Ngày 29 Tết chợ phiên, tôi vẫn luôn háo hức và hi vọng mẹ sẽ có một chút tiền, dù chỉ một chút thôi để dẫn tôi đi chợ mong được cảm nhận không khí chợ Tết. Còn chắc chắn, tôi cũng sẽ không đòi mẹ phải mua cho mình cái gì đâu. Vì tôi biết, mẹ tôi nào có nhiều tiền. Thế nhưng, chưa lần nào ước mơ của tôi được thực hiện cả. Tôi ngồi nhà, nghe những đứa bạn hàng xóm chúng nó được ba mẹ đưa đi chợ Tết mua cho những bộ quần áo mới mang đi khoe nhau, rồi tụi nó hò reo ầm ĩ vì được mua súng nước, mua một con lợn đất để nhét tiền mừng tuổi. Cứ thế, tôi ngồi góc nhà và nước mắt ngắn, nước mắt dài chảy xuống.
Còn mẹ tôi năm nào cũng vậy, từ sáng sớm ngày 30 Tết đã không có ở nhà. Mẹ đi trốn nợ. Ngày 30 tết cũng là ngày nhà tôi đông khách đến nhất trong năm. Họ đến đòi nợ, có những người đến ngồi nhà tôi đợi mẹ tôi vài tiếng đồng hồ, họ chán quá đành phải ra về. Có những người, họ đến rồi đi, rồi lại quay lại, lại quay lại thêm một vài lần nữa. Rồi họ chán, họ lại bỏ cuộc ra về trong một câu chửi thề hắt vào ánh mắt chúng tôi. Trong đầu tôi khi đó, họ chính là kẻ thù. Họ là những con người xấu xa, vì họ mà mẹ tôi phải vắng nhà ngày 30 Tết. Vì họ mà ngày 30 Tết anh em chúng tôi như ba đứa trẻ mồ côi. Trong khi đó, những đứa trẻ hàng xóm, chúng được quây quần trong bữa tiệc tất niên với đủ mùi hạnh phúc.
Video đang HOT
Chỉ khi thời khắc giao thừa vừa điểm, tiếng pháo nổ rền vang thì mẹ tôi từ đâu thất thểu trở về. Mẹ vào bếp nấu một mâm cơm để cúng tất niên và ôm chúng tôi vào lòng. Tôi biết, mẹ tôi đói và mệt lắm. Thế nên, cả ba anh em chúng tôi đều không đòi hỏi gì cả mà phụ mẹ nấu cơm và cố gắng cười nói để ngăn những dòng nước mắt của mẹ khỏi rơi lã chã.
Ngày mồng 1 Tết, so với ngày 30 trước đó với chúng tôi là một ngày bình yên. Vì ngày đó mẹ tôi ở nhà cả ngày, không đi làm cũng không phải đi trốn nợ. Mẹ lấy bột nếp và ít đường làm bánh rán, bánh trôi cho chúng tôi ăn. Mẹ kể những câu chuyện về Tết xưa. Rồi mồng 2 Tết, mẹ lại nhắn anh nhà bác lên đón mẹ và 3 anh em tôi về quê ngoại ăn Tết. Năm nào cũng thế.
Ảnh: IT.
Tết với con nhà nghèo như chúng tôi thường không có ước mơ được nhận nhiều tiền mừng tuổi như những đứa trẻ khác. Có khi tổng kết mùa Tết, các bạn tôi được vài trăm ngàn. Còn tôi, chỉ vài ngàn lẻ. Các bạn tôi chúng hỏi: “Sao cậu không mặc quần áo mới đón Tết?” Tôi luôn nói dối rằng, do mẹ tớ mua rộng quá nên đợi qua Tết đổi lại mới mặc được. Và năm nào tôi cũng nói dối bạn tôi như thế.
Bây giờ, khi ba anh em chúng tôi đã trưởng thành, mỗi người đều có công việc ổn định với thu nhập khá và tất nhiên với mẹ tôi, Tết đã không phải đi trốn nợ nữa mà mẹ đã có tiền để sắm Tết tươm tất. Lúc này mẹ mới nói, hồi đó, mẹ đến nhà cô P. (sống một mình ở túp lều cuối làng) xin ở nhờ ngày 30 để trốn nợ. Và, trong khi trốn ở túp lều đó, mẹ luôn nghĩ về 3 đứa con.
HOÀNG DƯƠNG
Theo thegioitiepthi.com
Tết có ông bà
Dù cháu đã chớm 30, Tết vẫn luôn gắn với hình ảnh giản dị, ấm nồng của ông bà, như một tuổi thơ mãi kéo dài...
***
Cháu đã từng có nhiều ngày xuân thật ấm áp bên ông và bà! Ông bà không chỉ là trung tâm tụ họp của đàn con nay đã lớn khôn mỗi người một hướng, mà còn như chiếc cầu nối vô hình giữa tổ tiên trên ban thờ kia với lũ cháu chắt vô tâm: những bức ảnh đen trắng đó, vì đó là bố của ông, mẹ của bà nên không còn xa lạ.
Tết sẽ mới chớm khi ngày hai mấy tháng chạp, ông hô hào một chiến dịch dọn dẹp hoành tráng cho ban thờ: đánh bóng lư hương, đồ thờ cho kịp ngày ông công ông táo. Cháu là đứa ngoan nhất nhà, luôn lăng xăng hào hứng, rồi chả mấy năm đã được lãnh chức kỳ cọ chính. Nhìn những mâm đồng, lư hương sáng bóng, đứa trẻ nhỏ ấy cũng cảm thấy tự hào vì đã có có những đóng góp "xứng đáng" cho... các cụ, và thấp thoáng đâu đây một lời chúc an lành cho năm mới. Sau này cháu đi lấy chồng, không còn mấy người hào hứng với cái nhiệm vụ ông giao nữa, việc chuẩn bị Tết cũng bớt nhộn nhịp hơn, ông nhỉ?
Tết bắt đầu khi bà quấn khăn nhung lầm rầm khấn vái ngay trước thời khắc Giao thừa, ngoài sân là mâm cơm cúng quan thần linh. Nhà ngập trong mùi hương loanh quanh luẩn quẩn. Sau đó cả gia đình ta cùng ngồi ăn mâm cơm giao thừa với xôi gấc, gà luộc, nghe ca nhạc Tết xập xình - cả một năm quả là không có thời điểm nào cái thứ âm nhạc cổ truyền lại trở nên hợp cảnh hợp tình hơn thời khắc ấy. Cháu chưa từng muốn đi chơi giao thừa, ngắm pháo hoa cùng bạn bè, vì cứ quyến luyến cái không khí ấm đặc truyền thống đó.
Sau này khi bà mất, mẹ thay bà nhiệm vụ thắp hương tổ tiên đêm Giao thừa, cũng đầy đủ thủ tục mâm cúng các loại. Mẹ khấn vái cũng đủ lâu nhưng cháu không gặp lại cái cảm giác nhói lòng như khi nhìn tấm lưng nhỏ bé của bà lầm rầm đứng trước ban thờ. Mỗi người có một phong vị riêng,... mất đi rồi không tìm lại được nữa. Bà mất rồi, hàng xóm cũng ít sang chơi, cháu cũng chẳng hóng hớt thêm được mấy chuyện, cái cảm giác làng quê giữa lòng Hà Nội cũng biến mất. Có lẽ đó là điều tuyệt vời nhất bà dạy cháu: bà cho cháu được sống cùng và yêu thương một bà già đặc sệt nhà quê, mặc dù hai mươi mấy tuổi bà đã thoát ly ra sống ngoài Hà Nội. Đủ thứ lèm bèm, tiết kiệm, thiên vị con cháu, tích trữ đồ đạc, buôn chuyện, quan tâm bà có cả. Khăn mỏ quạ, áo cánh cả chục lớp, nhuộm răng đen, mùi dầu gió và bao nhiêu đồ lặt vặt nơi đầu giường... Nhờ vậy mà mọi miền quê chưa bao giờ xa lạ với cháu, những người lao động lam lũ đều thật đáng yêu. Rồi cháu lấy chồng quê, và mỗi lần gặp một bà cụ rách việc cổ truyền như vậy, với cháu đều như một kho báu, một vẻ đẹp truyền thống mà đã - đang và sẽ mất.
Những ngày Tết sau này còn có ông, dù đã không ở cùng, cháu vẫn luôn cố gắng chạy qua chạy lại cho vui nhà, cũng là để kiếm không khí Tết cho chính mình. Làm cho ông những thứ nhỏ nhoi thôi, đĩa nhạc mới với những bài hát xưa cũ về mùa xuân, đề can dán cửa hình con giống năm đó, mấy đồ trang trí lặt vặt treo cành đào Tết. Thiếu cháu mâm cơm đêm giao thừa chắc lại ảm đạm thêm một chút, nên tối ngày 30 nào, cháu vẫn đi 30km để ăn cùng ông và bố mẹ cháu một bữa cơm - coi như "bù đắp" sự thiếu hụt lúc nửa đêm. Mua tặng ông chiếc áo len mới (mà chắc ông chỉ mặc đúng mấy ngày Tết năm đó), biếu ông bao lì xì đỏ thật to, chúc ông sức khỏe...
Năm nay lại một cái Tết nữa đến. Không biết bố mẹ với em trai có còn cùng nhau ăn mâm cúng Giao thừa? Một bữa cơm đoàn tụ mà thiếu vắng đi phân nửa người thì liệu còn mấy phần vui? Không có ông, cháu cũng không định đi 30km đường xa để ăn một bữa tối... Không mất công in một đĩa nhạc mới, chẳng cần ngó nghiêng mua mấy đồ lặt vặt làm ông vui. Thiếu một người, mỗi người còn lại mất vài thói quen cũ, thấy một gian buồng trong trái tim mình khép lại. Tự nhiên cháu muốn nghe bài hát ông vẫn bật ngày nào.
"Khi gió đồng ngát hương,
Ngoài trời chim én lượn.
Cây nảy đầy chổi xanh,
Mây trắng bay yên lành ..."
Mùa xuân này ông đã đi xa gần một năm rồi, có còn xa lạ, cô đơn nữa không ông?
Thời tiết mỗi năm dần thay đổi. Thành phố sẽ ồn ào hơn, khói bụi, náo nhiệt hơn. Chẳng ai dừng được thời gian và những ông bà cụ trên 80 tuổi sẽ nhanh chóng đi khỏi thế giới này mang theo những kỷ niệm và thói quen xưa cũ về một thời bao cấp. Và cháu bắt đầu nghĩ tới việc xây dựng những truyền thống mới cho gia đình nhỏ của mình cùng một em bé sắp chào đời. Chắc chắn sẽ không còn cọ lư hương hay lầm rầm khấn vái, nhang khói hay vàng mã cũng không nên dùng nhiều nữa,... nhưng điểm cốt lõi thì cháu đã học được và sẽ luôn luôn gìn giữ - đó là giá trị của cái Tết gia đình, những sự kiện mà ở đó mọi người trong gia đình được dịp gần bên nhau thoải mái, chân thành để rồi dần dần trong người này sẽ có những thói quen, kỷ niệm gắn bó với người kia mãi mãi.
Hianh
Theo blogradio.vn
Ngã ngửa vì chồng sắp cưới thú nhận "yêu lần đầu" lại có bí mật này Nghe người yêu thú nhận tôi là mối tình đầu của anh, tôi đã rất sung sướng. Nhưng cho đến khi sắp làm đám cưới, một bức ảnh trong điện thoại của anh đã khiến tôi ngã ngửa vì bất ngờ... Tôi gặp Long trong bữa tiệc tất niên của công ty hồi năm ngoái. Cũng phải nói thêm rằng, công ty có...