Tết quê xưa khó phai mờ trong ký ức
Càng thêm tuổi, chúng ta lại càng bị nhiều áp lực, lo toan đè nặng lên vai. Nhiều công việc, nhiều mối quan hệ cần giải quyết. Thành người lớn đâm ra sợ Tết. Điều duy nhất còn nồng ấm trong lòng chúng ta về Tết là những ký ức xa xôi…
Nhớ ngày xưa còn bé, một năm điều mong chờ nhất là mấy ngày Tết. Tết là thời khắc đầm ấm sum vầy. Ai đi xa cũng muốn trở về nhà trong ba ngày Tết để thờ cúng ông bà tổ tiên, để đoàn viên với gia đình họ mạc.
Quê tôi tết thường hay có tục đụng lợn. Để được chén bữa lòng lợn tiết canh cuối năm thì sắp Tết còn bao nhiêu việc. Việc đầu tiên là lấy bùn nháo than và xay lúa giã gạo. Bây giờ chất đốt lương thực, thực phẩm chẳng thiếu thứ gì. Chẳng mấy người còn nhớ được cái khung cảnh ngày xưa ấy.
Những ngày áp Tết người ta thường coi sóc lại phần mộ của gia đình. Tết đến xuân về phần mộ ông bà cha mẹ không thể không chăm sóc hương nhang.
Cận Tết đi học ngang qua cánh đồng lã bã mưa phùn gió bấc, rét cắt ruột cắt da, chỉ mong sớm được nghỉ để ở nhà. Trưa học về, vừa đói vừa rét, cứ nhìn cái thân cây gạo khẳng khiu chỉ mong thật mau đến Tết để được no nê thịt mỡ, bánh chưng xanh.
Người nhà quê luôn mang nặng ý thức hướng về nguồn cội và hiếu thảo với ông bà tổ tiên. Những ngày áp Tết người ta thường coi sóc lại phần mộ của gia đình. Tết đến xuân về phần mộ ông bà cha mẹ không thể không chăm sóc hương nhang.
Hăm sáu Tết, người nhà quê đã chọn những tàu lá chuối hột thật đẹp trong vườn, dùng liềm cắt xuống để vài ba bữa cho lá mềm đi gói bánh chưng. Cũng có nhiều nơi gói bánh lá dong. Phiên chợ Tết quê đầy những dãy hàng lá dong xanh ngăn ngắt. Những bó lạt mỏng mềm cảm giác như buộc được cả mùa xuân. Việc gói bánh chưng trong những ngày cuối năm quả là trọng đại. Cứ xong nồi bánh chưng thì nhà nào nhà ấy mới thấy nhẹ nhõm.
Buổi sáng ngày hăm tám Tết, những người đàn bà trong gia đình bắt đầu ngâm gạo đãi đỗ. Những thúng gạo nếp đầy vập, cái rá đựng đỗ xanh đãi vỏ lòng vàng ươm. Chiều đến mấy nhà quanh xóm đụng lợn, chia mỗi nhà mươi cân thịt lợn. Người ta thường thái những miếng to để gói bánh chưng, sau khi thịt được ướp muối hạt và tiêu sọ thì được nâng niu đặt vào giữa lòng khuôn bánh gồm gạo nếp trắng tinh, đỗ xanh lòng vàng bóng.
Video đang HOT
Tết xưa, người xưa đều giản đơn và mộc mạc, chỉ cần có nồi bánh chưng, vài cân thịt lợn là thấy cuộc đời ấm no hạnh phúc.
Người gói khéo léo ém miếng thịt cân đối, góc bánh chắc không xô lệch, lạt buộc vuông thành sắc cạnh… Bánh gói xong được luộc bằng than hoặc củi, đêm cuối năm, hơi lửa quện với mùi thơm của bánh chưng, lúc này người ta mới thấy thong thả và thấy hạnh phúc. Cảm giác như đất trời và con người giao hòa với nhau gần gụi biết bao nhiêu.
Tết quê đầm ấm nhất là bữa cơm tất niên, con cháu xa gần về nhà đông đủ. Trẻ con xúng xính mặc thử quần áo mới, người lớn bày biện mâm ngũ quả, cắt cành đào, thắp nén hương trầm, đặt lên ban thờ trái bưởi đào mới cắt ở vườn nhà, sửa sang nhà cửa rồi lại chuẩn bị sắp sanh mâm lễ cúng giao thừa.
Ở quê có nhiều gia đình sau khi đón giao thừa ở nhà, họ cùng con cháu đội mâm lễ lên đình làng cúng Thành hoàng.
Đêm trừ tịch, đình làng sáng trưng ánh điện, dân làng tề tựu đông vui, cảm giác linh thiêng và thành kính đến vô cùng. Đêm giao thừa không trăng sao nhưng nếu trời đêm quang mây và sáng, các cụ già bảo năm mới sẽ độc trời, người hay ốm đau, thiên tai địch họa. Năm nao tối trời thì thuận thiên hạ thái bình, người già ít bệnh và dân chúng bình an lắm.
Tết quê xưa mãi mãi sẽ là những ký ức khó có thể phai mờ.
Tết xưa, người xưa đều giản đơn và mộc mạc. Người ta sống mà chẳng toan tính nhiều, chỉ cần cơm đủ no, Tết có nồi bánh chưng, vài cân thịt lợn là thấy cuộc đời ấm no hạnh phúc.
Nghi thức sáng mùng một, ai nấy rửa mặt bằng nước nấu lá mùi thơm phức. Trẻ con tự động giở sách ra đọc một bài rõ to gọi là khai chữ đầu năm để việc học hành cả năm trôi như cháo chảy. Người già thì đi lễ chùa lấy lộc xin chữ đầu năm. Tục mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy được người ta truyền tụng đời nối tiếp đời.
Tết xưa ấm áp và đơn giản như vậy đấy. Một cành đào chặt ở vườn nhà. Hương bài thơm ngọt quện với hương bưởi thanh tao trên bàn thờ ông bà cha mẹ. Con cháu thành kính dâng cơm cúng tổ tiên ba ngày Tết với thịt mỡ bánh chưng. Tết quê xưa mãi mãi sẽ là những ký ức khó có thể phai mờ.
Theo thegioitiepthi.vn
Nhớ da diết những chiều 30 Tết
Tôi nhớ da diết những chiều 30 Tết, khi nhà đã không còn hột bụi, khi khói đốt đống lá cây cuối cùng bay lên bảng lảng, tivi phát chương trình Chiều cuối năm, ba tôi đốt một nén hương trầm trên ban thờ tổ tiên, má tôi làm cơm cúng tất niên.
Tôi hay ngóng Tết về từ độ gió chướng cuối năm. Gió chướng, đúng như tên gọi của nó: khó chịu, ngang ngạnh, khô và lạnh. Gió đùng đùng cả ngày theo từng cơn thốc đám lá cao su, lá điều tứ tung đầy nhà đầy sân. Nhỏ em cầm chổi quét đằng trước gió lại quẩn lá về phía sau, những sáng thức dậy sớm, chúng tôi tranh nhau đốt lá cao su hơ tay sưởi ấm. Thỉnh thoảng, vài hạt điều sót lại nổ lép bép và dậy mùi thơm béo ngậy.
Gió chướng về, rau muống ra hoa, mía trổ cờ, ngoài đồng những con cá rô béo núc ngược dòng nước từng đàn.
Từ trước khi gió về là má đã làm đất gieo rau xà lách, thì là, rau mùi. Có gió xuống đám xà lách vừa vặn kịp cuộn lại, búp non mơn mởn. Rau này mà nấu canh cá với cà chua rồi chấm, hay cuộn chả giò chiên chấm nước mắm thì ngon hết sẩy.
Từ độ đưa ông Táo về trời là thời gian như cứ trôi vèo vèo, ba tôi vặt lá cho mấy gốc mai rồi sáng chiều chắp tay đi quanh ngó nghiêng tính toán xem thời tiết này mai có nở kịp không. Có khi ngủ nửa đêm thấy trời trở lạnh, ba còn lật đật trở dậy lấy bóng đèn ra thắp ủ ấm cho cây mai. Với ba, có cây mai mới ra Tết, mà còn phải là mai do chính tay ba chăm sóc.
Mấy anh chị em họ chúng tôi có thói quen đi chợ Tết cùng nhau vào những ngày 30. Từ khi chúng tôi còn là những đứa bé đạp xe đạp hẹn nhau ở đầu chợ, xin ba má được ít tiền đi chợ Tết, đến khi đã là những đứa trẻ lớn đầu thì chợ Tết luôn là một điều đặc biệt. Đó là phiên chợ rộn ràng và đầy sắc màu, người mang ra những xếp lá dong, lá chuối, người mang ra mấy con gà trống, những cây phát tài, những rổ trái cây hái từ vườn nhà.
Ở một góc chợ, có những người bán cả những cành mai rừng to đùng và rất dài thu hút cánh đàn ông đứng xem và bàn tán. Phụ nữ thì khỏi phải nói, các chị các mẹ ai cũng khệ nệ xách hai ba giỏ đầy ắp thị thà rau củ. Chợ quê mà, nghỉ Tết cũng phải ra mùng mới bán lại chứ không như ở thành phố có sẵn siêu thị mở cửa xuyên Tết.
Tết cuốn cả nhà vào sự bận rộn không rõ ràng, làm xong việc này lại thấy phải làm việc kia. Những bận rộn mà người ta than thở đó nhưng rồi lại ngóng chờ trong nhớ thương, chộn rộn. Phải chợ ngó nghiêng hoa cỏ, mấy chậu quất kiểng, bông cúc rồi ỏng eo chê mắc xong rồi vẫn mua "mua về sớm chưng cho có không khí Tết, chờ chi tới chiều 30, hết Tết mất rồi còn đâu"- má nói vậy.
Phải đi tới đi lui mấy nhà trong xóm hỏi nhau một câu "Sắm Tết tới đâu rồi", nghe người ta trả lời mới thấy không khí Tết. Phải lôi hết chén dĩa, ly tách ra rửa, lôi chăn lôi mền ra giặt phơi kín bờ rào, lau ban thờ, lau bát nhang, quét mạng nhện sạch bóng nhà cửa, cho có không khí Tết. Phải bày ra mấy trái dừa nạo làm mứt, sên đường, bày ra mấy ký gạo gói mấy cái bánh chưng, làm ít dưa hành củ kiệu đau muốn gãy cái lưng rồi đắp mền mở Táo quân, chuẩn bị sẵn đống củi chờ giao thừa châm lửa cho có không khí Tết.
Tết mà!
Tôi nhớ da diết những chiều 30 Tết, khi nhà đã không còn hột bụi, khi khói đốt đống lá cây cuối cùng bay lên bảng lảng, tivi phát chương trình Chiều cuối năm, ba tôi đốt một nén hương trầm trên ban thờ tổ tiên, má tôi làm cơm cúng tất niên. Cái mùi hương trầm ba tôi đốt những chiều đó không lẫn vào bất cứ ngày nào khác.
Bởi thế những chiều 30 khi nắng chếch sau hè, tôi hay ngồi ở mé hiên nhà tận hưởng từng phút giây như gần như xa. Bởi phải mất 364 ngày sau mới lại được gặp một chiều bình yên ấm cúng như thế, với những đổi thay chẳng ai đoán định.
HUYỀN TRẦN
Theo thegioitiepthi.vn
Mùa xuân vuông Khi những nụ đào chúm chím báo hiệu ngày Tết đang đến gần, lòng tôi lại nôn nao trào dâng hoài niệm về những mùa xuân vuông chưa xa... Lúc tôi còn bé, năm nào gia đình cũng gói bánh chưng ăn Tết. Khoảng đầu tháng 12 âm lịch, mẹ tôi bắt đầu chuẩn bị gạo, đỗ và các nguyên phụ liệu để...