Mùa xuân vuông
Khi những nụ đào chúm chím báo hiệu ngày Tết đang đến gần, lòng tôi lại nôn nao trào dâng hoài niệm về những mùa xuân vuông chưa xa…
Lúc tôi còn bé, năm nào gia đình cũng gói bánh chưng ăn Tết. Khoảng đầu tháng 12 âm lịch, mẹ tôi bắt đầu chuẩn bị gạo, đỗ và các nguyên phụ liệu để gói bánh. Mẹ thường dặn những người bán hàng quen để lại cho ít gạo, ít đỗ ngon và gom thành nhiều lần để có đủ số lượng làm bánh. Những lần đến nhà bà con thân quen để xin lá dong, mẹ cũng hay cho tôi đi theo để phụ giúp mẹ gom lá.
Hình ảnh mẹ già ngồi gói bánh chưng, bánh tét. Ảnh: IT.
Ngày ấy, cứ ba bốn nhà tập trung lại gói bánh và nấu chung một nồi bánh chưng. Thế nên, nồi luộc bánh thường là những chiếc thùng phuy “vĩ đại”. Mỗi lần luộc, cũng phải được bốn năm chục cái bánh. Thế nên, khâu chuẩn bị khá vất vả, nhất là người rửa lá và đãi đỗ. Người thì góp công, góp sức, có người chỉ cần góp mặt giúp những người khác có thêm tinh thần và sự phấn chấn để làm việc. Mọi người, ai cũng phấn khởi và hồ hởi. Chưa nói đến việc có được những chiếc bánh ngon hơn, nhìn cảnh quây quần chia vui ấy, cũng thấy không khí Tết rộn ràng, ấm cúng biết nhường nào.
Sáng ngày gói bánh, mẹ dậy thật sớm đi chợ để chọn những miếng thịt tươi ngon nhất làm nhân bánh. Sau đó, đem về tẩm ướp gia vị và chế biến sơ qua để nhân bánh được thơm và không bị nát khi luộc. Gạo làm bánh phải là loại nếp cái thơm, hạt mẩy, được chuẩn bị khá kỹ từ đầu. Mẹ còn dùng ít lá giềng rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước để trộn vào gạo và đem ngâm với nước từ tối hôm trước. Tất cả các công đoạn giúp cho chiếc bánh chưng sau khi luộc có được màu xanh đặc biệt quyến rũ cùng mùi thơm hấp dẫn.
Tôi thích nhất lúc nhìn mẹ và mọi người làm bánh. Nhìn thấy cô bác rửa lá, đãi đỗ, tôi cũng xin được phụ giúp một tay. Tưởng là dễ dàng, nhưng hóa ra không đơn giản chút nào, bởi thời tiết lạnh giá còn nước thì tê buốt. Chúng tôi bèn chạy vào bếp sưởi ấm bên nồi đỗ ninh. Sau đó, tranh nhau quết đỗ để viên lại thành từng nắm nhỏ và “ăn trộm” những nắm đỗ nhỏ xíu thơm lựng.
Nhưng lúc luộc bánh mới đem lại cho bọn trẻ chúng tôi sự thú vị và hồi hộp nhất. Bởi vì khi gói bánh, thế nào người lớn cũng chừa lại một ít để gói cho chúng tôi mấy chiếc bánh con con. Những chiếc bánh màu xanh, vuông vắn được xếp chồng lên nhau, buộc lại bằng sợi dây đỏ hoặc lạt tre màu trắng. Dù chưa được ăn ngay nhưng nhìn đã thấy thích đến mê mẩn. Tôi và bọn trẻ chỉ mong bánh nhanh chín, để được thưởng thức ngay “chiếc bánh của mình”. Khi ấy, bao mệt nhọc của cả năm dồn lại dường như được cái không khí rộn ràng tiếng cười, cái cảnh quây quần của các gia đình quanh nồi bánh chưng đang sôi sùng sục kia xua tan hết. Vậy mà, ký ức về những Mùa xuân hình vuông giờ đây đã lùi rất xa, tưởng chừng như không còn nữa…
Video đang HOT
Không chỉ là một nét đẹp văn hóa, tục gói bánh chưng ngày Tết còn là cầu nối để những người thân yêu trong mỗi gia đình và bà con lối xóm thêm gần gũi, sẻ chia và thương yêu nhau hơn. Nó còn giúp cho các thế hệ con cháu mai sau biết nâng niu, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, để bồi đắp cho mỗi tâm hồn Việt ngày càng thêm phong phú. Mỗi chiếc bánh chưng như gói cả trong mình hương vị của đất trời, hương vị của mùa xuân, của tình cảm gia đình và không khí vui tươi, ấm cúng của những ngày Tết.
Những năm gần đây, dường như việc gói bánh chưng trong ngày Tết đang dần mai một. Không chỉ ở thành thị mà ngay ở những vùng nông thôn. Hôm trước, tôi về thăm nhà anh chị mình ở quê. Nhân tiện, có hỏi thăm Tết này, anh chị có gói bánh chưng không. Anh chị tôi cho biết: “Nhà không có ai ăn nhiều nên mấy năm nay, anh chị chẳng gói nữa. Ra mấy quán làm bán sẵn, mua mấy cặp bánh về thờ ông bà trong mấy ngày Tết là xong. Với lại lâu rồi, mọi nhà xung quanh có ai gói bánh chưng nữa đâu, vừa bận bịu, vừa tốn kém…”.
Các mẹ quây quần trông nồi bánh chưng. Ảnh: IT.
Nghe qua, một chút buồn man mác lướt nhẹ trong tôi. Cũng phải thôi, vì giờ đây, việc chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng không còn khó khăn như trước nữa. Ra chợ là có hết mọi thứ, nhất là có cả các cửa hàng bán bánh chưng gói sẵn cho nhiều gia đình trong những ngày tất bật này. Bây giờ, trẻ con cũng sẽ chẳng còn cái diễm phúc như chúng tôi thuở trước, được ngồi nắm từng nắm đỗ, nghe tiếng giẻ miết trên tàu lá, tiếng kéo cắt lá roèn roẹt, tiếng đổ gạo roàn roạt, tiếng lạt tre bị vặn lại, tiếng cười nói râm ran và tiếng lửa bung tí tách trong đêm ngồi trông nồi bánh chưng.
Mẹ tôi đã mất. Nếu còn sống, mẹ cũng khó mà được chứng kiến cảnh con cháu quây quần, rộn rã gói bánh chưng trong những ngày Tết, để có được niềm vui đến rưng rưng của tuổi già. Tôi tự nhủ và thầm hứa với lòng mình, là lần về quê ăn Tết này, tôi sẽ cùng anh chị mình nấu một nồi bánh chưng. Không chỉ vì muốn đem lại cho con trẻ cảm giác mà mình có được như thuở trước, cũng không chỉ vì sẽ được sống lại với kỷ niệm về những mùa xuân vuông đã qua, mà tôi còn muốn dâng lên tổ tiên và người mẹ kính yêu của mình một nén tâm hương…
LÊ HƯNG
(Hoàng Mai, Hà Nội)
Theo thegioitiepthi.vn
Một bếp lửa to nhất trong năm
Bỏ lại một năm bộn bề nơi phố thị, nơi những vòng quay của bánh xe mải miết nhả khói bụi trùm phủ thời gian, tôi về quê mẹ trong một chiều cuối năm.
Vẫn lối nhỏ nâng niu bước chân tôi, hai bên cỏ màn trầu xanh mướt xòe nở như những bông hoa sắc nhọn, những cánh lá mỏng manh khẽ cứa vào tuổi thơ những vết xước ngọt ngào.
Từ căn bếp, làn khói mỏng bay lên như những sợi mây hờ hững về trời. mùi khói chạm vào nỗi nhớ, chạm vào những cái Tết xưa.
Tôi đẩy cánh cổng gỗ bước vào. Mẹ đang lúi húi trong bếp, bên nồi bánh chưng to. Và bên cạnh vẫn là hai phên cá nướng. Mẹ lặng lẽ cầm que cời bếp lửa. Mùi khói sực lên nồng đượm.Gửi Biên Tập
Tôi nhớ Tết của một thời tuổi cũ. Năm nào mới đến giêng hai cũng đã đếm ngược thời gian để mong tết quay về. Mà tết nào cũng say trong mùi khói và cái roi mây cha phải rút khỏi mái hiên.
Cánh đồng hoa. Ảnh: Dương Thanh Xuân.
Nghe đến Tết là háo hức. Tết là manh áo mới, là tiền lì xì, là tranh nhau xác pháo trước hiên nhà, là trông nồi bánh chưng và phên cá nướng. Năm nào cũng thế, chiều 29 là mẹ tôi sang nhà bác cả, lấy thịt lợn đụng để mang về gói bánh. Tôi ở nhà lau lá dong. Gạo nếp, đỗ xanh, mẹ tôi đã chuẩn bị đủ. Còn cha tôi thì cùng các bác ra đánh cá ở sông Tích. Anh tôi là con trai nên được đi theo, tôi muốn lắm nhưng không được, trong lòng ấm ức. Mẹ tôi dỗ dành: "Con là con gái"... Con gái thì đã sao? Tôi vùng vằng. Mẹ bảo tôi bướng bỉnh.
Tối 29 cả ngõ nhà tôi rộn ràng gói bánh. Lũ chúng tôi chạy lăng xăng làm chân sai vặt. Rồi chẳng biết ngủ quên lúc nào trên chiếu, đến khi tỉnh giấc, những cái bánh chưng xanh, vuông vắn, có buộc những sợi giang mỏng tang, trắng tinh đã được xếp ngay ngắn trong nồi. Cha không quên gói cho tôi và anh, mỗi đứa một cái bánh chưng con. Cha xuống bếp hì hụi nhóm lửa. Những cành củi chưa kịp khô sau những trận gió bấc mưa phùn. Là khói! Khói sực lên ngai ngái, cay cay. Khói vương vào mái tranh, dùng dằng không bay lên trong màn đêm gần sáng. Khói đọng lại trong cổ họng, nuốt vào, khạc ra đều không được. Hai hàng nước mắt tôi trào ra. Mẹ đuổi tôi lên nhà. Nhưng tôi vẫn muốn xem cha nhóm lửa. Cả một năm, tôi mới được nhìn bếp lửa lớn và ấm áp đến nhường này. Khi bếp lửa cháy đều, tôi lên nhà ngủ nốt giấc ngủ còn dang dở. Trong giấc mơ là khói, quyện vào bánh chưng xanh. Có lúc, khói đọng lại trong chiếc bánh chưng con của tôi. Tôi ăn không được, tức tưởi khóc trong mơ rồi choàng tỉnh.
Chơi đùa đợi Tết. Ảnh: Dương Thanh Xuân.
Chiều 30 Tết, anh trai theo bố đi tảo mộ. Mẹ tôi tranh thủ ra chợ mua sắm nốt những gì còn thiếu. Tôi phải ở nhà trông nồi bánh chưng và 2 phên cá nướng. Nồi bánh chưng bốc hơi lên nghi ngút. cá nướng tai tái, tỏa ra mùi thơm ngầy ngậy. Những nan tre bị cháy sém, hằn trên những miếng thịt cá chắc nịch. Lửa cháy rừng rực. Đôi má tôi chín đỏ trong chiều cuối năm gió rét mưa phùn.
Cha dặn tôi phải thêm nước vào nồi bánh, phải lật phên cá để cá chín cho đều. Nhưng ngồi bên bếp lửa, ánh lửa bập bùng như một vũ điệu thôi miên. Rồi không biết tôi ngủ thiếp đi lúc nào. Đến khi tỉnh dậy, hai phên cá đã cháy khét lẹt. Hoảng quá, nhưng không biết làm sao. Tiếng cha tôi đã vang vang nơi đầu ngõ. Thế là chiều 30 Tết cha lại rút roi mây khỏi mái hiên. Tôi bị ăn roi vì làm cháy mất hai phên cá nướng. Đã dặn thế rồi mà còn ngủ quên. Anh tôi đứng ngoài lấy hai tay kéo ngoác miệng ra trêu. Tôi ức lắm mà không khóc được. Nhìn những miếng cá cháy đen, lòng tôi đắng ngắt.
Những sợi khói vi vút, âm thầm len lỏi vào trong tôi. Nhưng chỉ chiều 30 như vậy thôi. Chẳng Tết nào tôi buồn cả. Vì chỉ cần đến khi những chiếc bánh nóng hổi được vớt khỏi nồi, hai anh em tôi tranh nhau tìm bánh chưng con, thì những miếng cá cháy và cái lằn roi mây ở mông cũng tan biến hết. Chỉ còn nỗi thèm thuồng được cắn một miếng bánh mềm béo ngậy mà mỡ ở nhân bánh sẽ chảy ra nhếnh nhoáng cả hai bên mép. Vừa ăn vừa thổi, vừa xuýt xoa. Nhưng đứa nào cũng tiếc, chẳng muốn ăn mất cái bánh của mình. Cứ thế, cái bánh chưng con theo anh em tôi hết cả mấy ngày tết.
Tôi nhớ đêm giao thừa, khi thắp hương ở bàn thờ tổ tiên và làm lễ ở ngoài sân xong, cha tôi châm lửa đốt pháo. Cả xóm nhỏ bừng lên xôn xao. Những quả pháo đỏ như một tràng hoa bắn những tia lửa chói sáng và rực rỡ trong màn đêm thâm u. Rồi tan. Chỉ còn mùi khói và xác pháo tả tơi như những cánh hoa rụng cuối mùa. Hai anh em tôi ùa ra tìm pháo xịt.
Bỗng mẹ vỗ vào vai tôi làm tôi choàng tỉnh. Trước mặt là nồi bánh chưng và phên cá của năm nay. Những sợi khói mỏng vấn vít làm khóe mắt cay. Sao mẹ vẫn gói nhiều bánh và nướng nhiều cá thế, có ai ăn đâu? À, để cho con được tìm về với mùi Tết của một thời tuổi cũ.
NGUYỆT CHU
Theo thegioitiepthi.vn
Nhớ cá đìa ngày giáp Tết Tôi ở với quê ngoại tận U Minh, một làng quê nghèo khó. Khi mai vàng lác đác nở ngoài sân, gió chướng bắt đầu thổi mạnh, bà con đã gặt lúa vô bồ, nhà cửa sơn quét sạch sẽ, thời gian này vào khoảng 28 - 29 âm lịch, cũng là lúc bà con ta chụp cá đìa và chia thịt heo...