‘Tết là ngày nghỉ mà không được một giấc ngủ ngon’
Luôn mong Tết là dịp nghỉ ngơi sau một năm vất vả, nhiều bà nội trợ, sinh viên hay người đi làm “vỡ mộng” khi suốt ngày phải đi thăm hỏi, chúc tụng, chuẩn bị cỗ bàn.
“Hay anh về một mình thôi cũng được, em với thằng Bảo ở lại, em sợ về lắm. Đợi ra Tết mình về cho thư thả được không, về chưa chơi được mấy ngày lại phải đi rồi”, Nương (28 tuổi) tỏ ý lưỡng lự khi chồng bàn chuyện về quê nội ăn Tết.
“Thôi em đừng bàn lùi nữa, anh đặt vé xong hết cho cả nhà mình rồi”, câu nói của chồng khiến Nương không muốn đôi co thêm nữa.
Nương quê Cần Thơ, chồng cô ở Nghệ An. Cả hai làm việc ở Sài Gòn, quen, yêu, cưới rồi mua đất làm nhà định cư ở đây.
Vì ở xa, mỗi năm cả gia đình Nương chỉ về thăm quê nội một lần vào dịp Tết. Thế nhưng với cô, mỗi lần về ăn Tết ở quê chồng không khác gì một lần “chinh chiến”.
Nương còn nhớ lần đầu tiên về quê chồng ăn Tết là cách đây 2 năm. “Lúc đó mình hồi hộp lắm, lên kế hoạch đủ thứ, nào về Nghệ An đi chơi đâu, ngoài đó Tết có gì hay, mua quần áo gì đẹp để đi chơi nhà họ hàng”, Nương kể với Zing.vn.
Nhưng rồi cô “vỡ mộng”, nhanh chóng thấy mệt mỏi ngay khi phải đi mua sắm rồi mang vác lỉnh kỉnh đủ thứ về quê.
“Mấy ngày Tết, hết đi chúc họ hàng, lại phải canh giờ về soạn cỗ bàn ra cúng. Ngày nào cũng xào xào nấu nấu rồi quay ra lại rửa bát. Mình thì lạc lõng, anh xã nhà mình tính vô tư quá, về quê suốt ngày đi chơi, nhậu nhẹt với bạn bè. Lúc đó chỉ mong nhanh nhanh hết Tết để trở lại Sài Gòn”, cô kể thêm.
Nhiều người mệt mỏi khi mỗi dịp Tết lại phải lo sắm sửa, chuẩn bị lỉnh kỉnh đủ thứ.
Không chỉ Nương, với nhiều người trẻ, Tết đến cũng mang theo nhiều nỗi sợ khác nhau. Sinh viên chán bị hỏi chuyện điểm chác, định hướng tương lai. Dân F.A sợ bị hỏi chuyện yêu đương, lập gia đình. Còn những người mới lập gia đình lại lo lắng vì quá nhiều lễ nghi, trách nhiệm.
Thay vì được tận hưởng kỳ nghỉ lễ dài ngày, nghỉ ngơi sau quãng thời gian tất bật suốt cả năm, nhiều người mang tâm lý “sợ Tết” bởi suốt ngày phải chúc tụng, ăn uống, làm tròn bổn phận trong các cuộc gặp gỡ.
Chỉ mong hết Tết để về nhà ngoại
Huyền Trang (26 tuổi, nhân viên kinh doanh ở Hà Nội) cho biết từ ngày lấy chồng, dịp Tết nào cô cũng muốn nó trôi qua thật nhanh.
Video đang HOT
Tết là ngày nghỉ lễ nhưng nhiều người không thực sự được nghỉ ngơi.
Vợ chồng Trang lấy nhau được 4 năm, thuê nhà trọ để làm việc ở Hà Nội. Đến Tết, hai vợ chồng cùng con gái lại kéo nhau về quê nội. Nhà chồng đông anh em nên con dâu trưởng như Trang phải mang trọng trách lớn.
Về quê tối 28 thì sáng 29 cô phải dậy sớm quét sân vườn, dọn dẹp nhà vừa, cọ lá cho mẹ chồng gói bánh chưng. Chiều, Trang cùng mẹ chồng tất bật sửa soạn mâm cơm cúng tất niên. Ăn xong lại tiếp tục màn gói bánh lá, rồi luộc, canh bánh chín tới nửa đêm.
“Năm nào cũng vậy thành thông lệ rồi, rất khó bỏ. Mấy ngày Tết, mỗi hôm nhà tôi phải dọn cỗ tới 5-6 lần, hễ khách đến nhà uống nước xong là mời cỗ. Cứ như vậy triền miên 3 ngày Tết khiến người làm cũng mệt mà người ăn cũng chẳng thích thú gì”, Trang kể.
Cả cái Tết, Trang chỉ mong chờ ngày mùng 3 để được về nhà ngoại. Đến mùng 4, nếu không phải đi trực, cô lại tiếp tục “điệp khúc” ở nhà dọn dẹp sau mỗi lần có đoàn khách đến chơi, rồi làm cơm đãi khách.
Trước đây, Tết với Trang luôn là dịp nghỉ dài ngày để xả hơi, thư giãn sau một năm làm việc, chạy deadline mệt mỏi. Nhưng sau khi lấy chồng, trách nhiệm với gia đình hai bên nặng hơn, chỉ cần nhắc chuyện về quên ăn Tết cô lại thấy “ám ảnh”.
“Tết là ngày nghỉ lễ mà không được một giấc ngon. Mình cũng muốn làm cuộc ‘cách mạng’ để thay đổi nếp này đi, nhưng rồi nghĩ cả năm mới về và vất vả một lần, nên lại thôi”, Trang nói.
“Tết mà cứ như ngày hội hỏi khó nhau”
Hơn một năm tốt nghiệp rồi đi làm, Nguyễn Huynh (24 tuổi) bắt đầu quen hơn với những câu hỏi mà trước đây anh không quan tâm lắm: “Ra trường rồi công việc ổn không cháu?”, “Lương tháng bao nhiêu?”, “Thưởng Tết chắc nhiều nhỉ?”, “Có bạn gái đi chứ còn gì nữa?”.
“Chưa đến Tết nhưng trong đầu mình đã bắt đầu lên tinh thần để đối mặt với những câu hỏi kiểu vậy. Nhiều nhất là câu lương bao nhiêu, có bạn gái chưa. Tết mà cứ như ngày hội hỏi khó nhau vậy”, Huynh bày tỏ.
Là con trai cả trong gia đình, 9X còn mệt mỏi vì phải đi chúc Tết khắp lượt họ hàng, đồng nghĩa với chúc rượu hết người này đến người khác.
“Nghỉ Tết được mấy ngày nhưng không có ngày nào thực sự được nghỉ ngơi, hết bạn bè gọi đến họ hàng gọi, thiếu mặt trong cuộc vui nào cũng thấy áy náy. Thế là đến lúc đi làm lại vẫn cảm giác mình chưa được nghỉ chút nào”, anh nói.
Nhiều người trẻ lựa chọn đi du lịch dịp Tết để thay đổi không khí. Ảnh: PNG Tree.
Khác với mọi người chọn về nhà ăn Tết, vì muốn tránh những “lễ nghi rườm rà” và thay đổi nhịp điệu nhàm chán năm nào cũng lặp lại, Trà My (19 tuổi, Hải Phòng) có cách tận hưởng kỳ nghỉ cho riêng mình.
“Hai năm nay, mình đều dành thời gian nghỉ Tết đi du lịch. Tết được nghỉ khá nhiều, không vướng bận học tập, công việc nên mình đã dành thời gian ấy để tận hưởng cho bản thân. Tuổi trẻ không kéo dài, bây giờ còn độc thân, được tự do nên mình muốn làm những điều bản thân yêu thích”, My nói.
Lúc đầu, khi tiết lộ về việc “trốn Tết” đi du lịch, My vấp phải sự phản đối của gia đình. Mẹ cô – người vốn có tư tưởng khá truyền thống – cho rằng Tết là lúc gia đình quây quần.
“Nghe tin mình đi Thái Lan 5 ngày từ 28 đến mồng 5 Tết ban đầu mẹ phản đối lắm. Cả tháng liền mẹ không thèm nói chuyện với mình”, My kể.
Tuy nhiên sau khi thấy con gái đi du lịch về trông vui vẻ, tinh thần phấn chấn, còn có quà cho cả nhà nên mẹ không còn cằn nhằn chuyện con gái trốn Tết đi chơi.
“Tết năm nay, ngay sáng mùng Một mình đã lên đường đi Phú Quốc nhưng gia đình cũng không còn phản đối mà quay ra ủng hộ nhiều hơn”, Trà My cho hay.
Theo news.zing.vn
Ba năm con trai lấy vợ, mẹ khóc thầm thèm bữa cơm sum vầy
Ba năm con trai lấy vợ cũng là quãng thời gian tôi khóc thầm từng đêm, thèm một bữa cơm sum vầy khi Tết đến.
Tết nghĩa là đoàn viên nhưng với tôi, điều đó quá xa vời. Tôi năm nay 50 tuổi, làm giáo viên dạy cấp 2, sống một mình ở Hà Nội. Cậu con trai độc nhất của tôi lập gia đình, chuyển vào Cần Thơ sinh sống 3 năm nay.
Chia sẻ về hoàn cảnh riêng, thời trẻ tôi vướng vào mối tình với người đàn ông có vợ, chẳng may có bầu. Thời điểm đó, tôi đang là sinh viên năm 2.
Vượt qua định kiến xã hội và áp lực từ bố mẹ, tôi bỏ học giữ đứa bé, tự lực cánh sinh nuôi con. Suốt từ khi ra đời, con không biết mặt bố.
Sau này con lớn, nhờ người bạn thân giúp đỡ, tôi quay lại giảng đường, ra trường với tấm bằng sư phạm.
Cuộc sống hai mẹ con tằn tiện, thiếu thốn trăm bề nhưng khá hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ có ý định đi bước nữa, vì muốn dành toàn bộ tình cảm cho con trai.
Không phụ sự kỳ vọng của mẹ, con trai tôi ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ và thi đỗ vào trường đại học Y. Tốt nghiệp, con được bệnh viện lớn nhận vào làm.
Trong một lần đi công tác, con gặp cô bác sĩ sản khoa người Cần Thơ. Hai đứa nên duyên vợ chồng.
Nhà gái thuộc hàng danh giá, bố mẹ có quyền chức. Khi bàn kế hoạch tổ chức cưới, họ yêu cầu bố chú rể phải có mặt, ra mắt họ hàng.
Tất nhiên điều này tôi không thể đáp ứng. Suốt 30 năm qua chúng tôi chưa hề gặp lại, dù sống cùng quận, cùng thành phố.
Năm đó, ông ta lừa dối, nói rằng đã ly hôn vợ để chiếm đoạt sự trong trắng của tôi. Đến lúc biết tôi có bầu thì phủi tay, bắt tôi phá thai. Biết tôi kiên quyết giữ, ông ấy mặc tôi cực khổ nuôi con.
Ngày con trai học đại học, người đó lại nhờ họ hàng qua đánh tiếng, có ý quay lại nhận con nhưng tôi càng cự tuyệt.
Tôi vất vả một mình nuôi con bao nhiêu năm, đến lúc công thành danhh toại thì ông ta muốn nhận. Với hành xử như vậy, dù có nhân hậu bao nhiêu, tôi cũng không thể tha thứ.
Nhà gái nghe tôi từ chối, họ thẳng thắn bày tỏ, nếu không có đủ mặt bố mẹ chú rể, họ sẽ không đồng ý cho cưới.
Con trai tôi vì quá yêu vợ, cố gắng thuyết phục tôi đồng ý. Thấy tôi cương quyết, con tự ý tìm gặp bố đẻ, mời bố đẻ đến lễ ăn hỏi.
Tôi rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, bối rối. Tuy nhiên, vì hạnh phúc của con, tôi đành chấp nhận cho ông ta xuất hiện trong ngày trọng đại của con.
Tôi giao hẹn với con trai, mọi việc chỉ dừng lại ở đám cưới, sau đó con không được gặp gỡ bố đẻ nữa.
Nào ngờ, sau đó, con trai và con dâu vẫn tiếp tục thăm nom, chăm sóc ông ta. Trong lúc nóng giận, tôi đến gặp người cũ, xỉ vả bằng lời lẽ kích động. Con dâu cũng bị tôi hành hạ đủ điều vì lén lút thăm bố chồng.
Đến lúc mâu thuẫn mẹ con căng thẳng, con trai trách tôi hồ đồ, ích kỷ, cùng vợ con quay vào Cần Thơ sinh sống. Cháu nói, dù bố đẻ có tệ bạc thế nào vẫn là máu mủ, cháu không thể sống vô tình.
Suốt từ đó đến nay đã 3 năm, cháu không về thăm mẹ một lần. Nhiều lần tôi gọi điện, hẹn vợ chồng con về ăn Tết nhưng con chỉ vâng dạ rồi cúp máy.
Những ngày đầu năm, nhìn nhà người ta con cái quây quần, ngồi ăn bữa cơm đầm ấm, tôi lại chực trào nước mắt. Hi sinh một đời cho con, đổi lại là sự cô đơn lúc tuổi xế chiều.
Giá như con hiểu được nỗi lòng tôi...
Độc giả T.V
Theo vietnamnet.vn
Chàng trai sao Kim Ngưu thích trồng cây và nuôi động vật Anh đến từ Tiền Giang, quê hương của những dòng sông và cánh đồng. Anh cũng giống như bao người con trai khác, sống hòa đồng với bạn bè và đôi khi có tính hài hước. Anh thuộc chòm sao Kim Ngưu nên mọi người đánh giá anh khá hiền, tuy nhiên anh cũng rất kém về phần thổ lộ tình cảm. Anh...