Tết của những người trưởng thành
Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác được đón gió xuân dưới cảm nhận của một đứa trẻ ngây thơ. Chiều 29, 30 Tết, bố mẹ chuẩn bị mua sắm bao nhiêu là thứ: mứt tết, bánh kẹo, hoa quả, cành đào, cành mai, câu đối đỏ, đèn nháy,… và đặc biệt là lá rong, đỗ xanh, thịt lợn,… để gói bánh chưng.
Không khí Tết tràn qua hiên nhà nhiều đến nỗi khiến những đứa trẻ như tôi và mấy đứa hàng xóm quên đi cơn buồn ngủ vào đêm Giao thừa mà chạy ra trước cửa nghe những tiếng pháo giấy nổ giòn giã.
***
“Ngày xưa, tôi luôn chờ đợi Tết, vì nó rất đáng chờ đợi.
Bây giờ thì tôi cũng vẫn còn chờ Tết, không phải vì áo mới, vì dưa hấu, mà muốn kết lại một chặng đời, để sau Tết mình sẽ sống những ngày mới. Để thấy những lỗi lầm, những dại dột đã thuộc về quá khứ, không thể chỉnh sửa.” - Nguyễn Ngọc Tư
Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác được đón gió xuân dưới cảm nhận của một đứa trẻ ngây thơ. Chiều 29, 30 Tết, bố mẹ chuẩn bị mua sắm bao nhiêu là thứ: mứt tết, bánh kẹo, hoa quả, cành đào, cành mai, câu đối đỏ, đèn nháy,… và đặc biệt là lá rong, đỗ xanh, thịt lợn,… để gói bánh chưng. Không khí Tết tràn qua hiên nhà nhiều đến nỗi khiến những đứa trẻ như tôi và mấy đứa hàng xóm quên đi cơn buồn ngủ vào đêm Giao thừa mà chạy ra trước cửa nghe những tiếng pháo giấy nổ giòn giã.
Cho đến tận bây giờ, dù đã cố gắng như thế nào, tôi vẫn không sao có lại được những niềm vui dù nhỏ xiu xíu nhưng lại đầy ắp những ấm áp hân hoan như ngày xưa nữa. Cứ gần đến 26, 27 là lại nghe thấy những tiếng than ngắn thở dài của đồng nghiệp, bạn bè: “Giời ơi lại Tết à?”, “Tao còn tiền chưa trả, Tết đến thì biết đào đâu ra tiền để chạy nợ đây?”. Tôi dần hiểu ra, đối với người lớn, Tết là lúc đong đếm những đồng tiền họ đã làm ra và những khoản nợ trong năm họ đã vay mà chưa thể trả.
Gia đình tôi làm ăn buôn bán, nên lúc còn nhỏ, mẹ tôi hay dẫn tôi đi đến nhà khách hàng để đòi nốt những khoản nợ. Lúc ấy tôi cũng chẳng hiểu sao mẹ lại mất công đem tôi đi theo chỉ để đòi vài đồng bạc lẻ mà lúc ấy tôi nghĩ chẳng đáng là bao. Cho đến tận sau này, tôi mới hiểu ra, mẹ làm thế là để cho tôi thấy sự vất vả để kiếm ra từng đồng tiền, nhà người ta cũng khó khăn lắm mới chắt bóp được vài đồng để trả cho hết nợ mỗi khi Tết đến.
Một lần đi cùng mẹ, đến nhà của một cụ bà cũng đã cao tuổi. Trong ngôi nhà chỉ rộng khoảng 10m2, hai bà cháu đang ngồi ăn bữa cơm đạm bạc trong khi đã giáp Tết, bà tâm sự: “Mẹ đứa cháu của bà bỏ đi rồi, bố nó thì đi làm ăn xa cả năm giời, đến giờ vẫn chưa về, chỉ có hai bà cháu nuôi nhau thế này thôi”. Nghĩ nhiều lại thấy buồn.
Cạnh nhà trọ của tôi ở trên thành phố cũng có một chị đi làm ăn xa trên này, bảo tôi Tết nhất khổ lắm, cả năm chạy vạy đi đây đi đó tích góp được vài đồng, giờ phải tranh nhau mua vé tàu xe để về quê chuẩn bị Tết. “Mà có rẻ rúng gì đâu”, chị bảo, “còn phải mua sắm bao nhiêu là thứ, con gà, đĩa giò còn thắp hương, trả nốt mấy món nợ lặt vặt, rồi lại rau cỏ thịt cá cho qua 3 ngày Tết, chỉ mong sao dư lại ít tiền để mua cho bọn trẻ vài món đồ chơi, quần áo, cho chúng nó đỡ tủi thân.” Rồi chị lại nói: “Nhưng Tết vẫn có cái vui của nó, cả năm đi biền biệt, giờ được mấy ngày về nhà, quây quần bên chồng và mấy đứa trẻ, chị cũng thấy dù có vất vả đến đâu thì cũng đáng lắm em ạ.”
Tôi nghĩ ngợi về lời của chị, rồi nhận ra, tôi cũng muốn được về nhà biết bao. Về nhà gói bánh chưng với bố mẹ, cùng nhau chờ đợi khoảnh khắc Giao thừa, vật vã với đống bát đũa của những mâm cỗ linh đình, rồi có thể lì xì cho ông bà, bố mẹ bằng những đồng tiền đầu tiên mình tự kiếm ra được, tuy không nhiều nhưng cũng là mồ hôi nước mắt của bản thân suốt một năm phấn đấu.
Dẫu cho Tết của người lớn không còn mang màu sắc rực rỡ như khi chúng ta còn là những đứa trẻ nữa, và Tết đã khiến chúng ta thấy rõ những áp lực khi trở thành người lớn, nhưng dù sao đó cũng là cách khiến chúng ta thêm trưởng thành, và cũng là khoảnh khắc chúng ta dừng lại đúc kết những kinh nghiệm đã thu thập được qua một năm, tận hưởng niềm hạnh phúc khi được trở lại bên gia đình thân yêu.
Nguyễn Hà Trang
Theo blogradio.vn
Chỉ mong cho đến ngày Tết để về nhà với mẹ
Tôi bỗng thấy thèm cái cảm giác bình yên của ngày xưa, cái ngày bé tí ngồi sau xe mẹ đèo đi chợ, cầm tay mẹ làm nũng đòi ăn quà, cái tay bé tí nắm cái áo của mẹ nhăn nhúm.
Nhớ đến những tối thắp đèn dầu ngồi học bài đồng hành cùng mấy mẹ con nhà muỗi, thấy nhớ cái mùi hương của đèn dầu khen khét mà ấm áp, nhớ những trận đòn mẹ đánh vì ham chơi quên học rồi nhận ra từ lúc nào đã không còn bị mẹ đánh đòn nữa và "mình đã trưởng thành".
***
Mời nghe bài hát Đi để trở về 3 - Soobin Hoàng Sơn.
Giữa cái khoảnh khắc tiếng pháo nổ trên bầu trời, bất chợt nhận ra đã qua một năm. 365 ngày, nói dài cũng không dài, nói ngắn cũng không ngắn, nhưng nó đủ dài để cho ta ngày càng trưởng thành, đủ ngắn cho những hành trình kế tiếp trong tương lai.
Đà Nẵng ở những ngày cuối năm sẽ không có những cơn gió lạnh giá buốt như Hà Nội, cũng không có cái nóng nực cùa Sài Gòn, nó chỉ đủ lạnh để người ta cần một cái ôm hay một cái nắm tay của ai đó.
Đêm lạnh dần, tiếng nhạc của sự kiện đã tắt, sự ồn ào được vây kín bằng màn đêm, sự tĩnh lặng của đêm dài đôi khi bị phá đi bằng những tiếng xe bất chợt đi trong đêm, hay tiếng giọt nước tí tách bên ngoài mái hiên, lại cảm thấy dường như có tiếng côn trùng kêu mà lại dường như không phải, và đôi khi nghe đâu đó có cơn gió mồ côi thổi nhè nhẹ trên mái nhà. Cảm giác tĩnh lặng bỗng nhộn nhịp.
Cái màu đen của màn đêm đem lại đâu đây một chút cô đơn, một chút buồn kèm theo một chút nhớ, bất giác ta thấy mình như già đi.
Bất chợt ngoảnh lại thời gian đã trôi qua nhanh như thoi đưa, nhìn lại những gì đã qua, có những thứ khiến ta hoài niệm, khiến ta buồn, khiến ta vui và có những thứ khiến ta thật muốn quay về để "mình sẽ làm tốt hơn". Vậy nên hãy đứng và nhìn lại một chút để thấy ta đã sai ở đâu và cần những gì cho tương lai.
Khi ánh sáng dần bao trùm lên, những tiếng xe như dần nhiều hơn, tiếng còi xe náo nhiệt trên mọi con đường bắt đầu hối hả, nhịp sống của một ngày lại tất bật và nhộn nhịp như mọi khi. Bình minh của thành phố được đánh thức bằng những tiếng nhộn nhịp giòn giã, tiếng ồn ào của thành phố, nó dường như thay thế những tiếng gà gáy báo hiệu trời sáng khi xưa.
Khoác chiếc áo, đeo một cái khẩu trang nhỏ, khoá cửa và bước ra khỏi phòng, cảnh vật bên ngoài đón tôi bằng những cơn gió lạnh, bằng những tiếng ồn ào cãi vã đâu đó, tiếng người qua lại tất bật, tiếng nhạc vui buồn phát ra từ quán cà phê cóc bên đường. Tiếng búa va đập vào những công trình đang dang dở, tiếng cười nói vui đùa của những đứa trẻ và thi thoảng nghe thấy tiếng máy bay qua bầu trời. Cuộc sống lúc nào cũng vui tươi và tất bật.
Dòng người thì vẫn hối hả, mọi thứ vẫn diễn ra đều đặn như một quy luật của tự nhiên. Tôi bỗng thấy thèm cái cảm giác bình yên của ngày xưa, cái ngày bé tí ngồi sau xe mẹ đèo đi chợ, cầm tay mẹ làm nũng đòi ăn quà, cái tay bé tí nắm cái áo của mẹ nhăn nhúm. Nhớ đến những tối thắp đèn dầu ngồi học bài đồng hành cùng mấy mẹ con nhà muỗi, thấy nhớ cái mùi hương của đèn dầu khen khét mà ấm áp, nhớ những trận đòn mẹ đánh vì ham chơi quên học rồi nhận ra từ lúc nào đã không còn bị mẹ đánh đòn nữa và "mình đã trưởng thành".
Đi chợ và nấu một bữa cơm ngon, cũng gia vị ấy, cũng nguyên liệu ấy, cũng cách nấu ấy nhưng lại không thấy hương vị của mẹ nấu, "thèm một bữa cơm của mẹ".
Thời gian trôi nhanh quá, tóc mẹ đã ngả 2 màu, đôi mắt hằn những vết chân chim thấy rõ, mẹ thật sự đã già rồi! Chỉ mong đến ngày nghỉ lễ đứng dậy và xách balo lên về với mẹ.
Mai Chung
Theo blogradio.vn
Thật không thể ngờ, em gái kết nghĩa lại dùng chiêu thức 'điếng hồn vía' thế này rồi nói yêu tôi Tôi vội vã bước vào lại phòng tắm rồi lớn tiếng bảo cô ấy mặc đồ vào. Không ngờ cô ấy lại nói... Đây là chuyện mà tôi định giấu kín nhưng tôi thấy khó chịu quá. Thật không ngờ, cô bé mà tôi luôn xem như em gái giờ lại tìm cách "tấn công" tôi. Gia đình tôi khá giả nên tôi...