Tết của những cụ già mê lao động
17h chiều, cụ Nguyễn Trung Khánh (Thanh Oai, Hà Nội) loạng choạng đạp chiếc xe cà tàng trở về nhà sau buổi chợ ế ẩm. Tết năm nay bán chậm, ông lão 84 tuổi tính cố giải phóng nốt số chuối trong nhà để 28 Tết nghỉ.
17h chiều, cụ Khánh mới tan buổi chợ ế ẩm. Ảnh: Bình Minh.
Vẫn dáng vẻ lom khom, chân đất và bộ quần áo nâu, cụ Khánh (thôn bãi Trung Việt, xã Cao Viên, Thanh Oai) run rẩy với chiếc xe buộc hai chiếc sọt. Nhảy xuống để phanh xe lại, cụ lắc đầu ngán ngẩm: “Bán cố mãi mới hết”.
Khác với ngày thường, cận Tết cụ không phải tất bật đi cắt chuối ở các vườn cách đó vài cây số. Trước đó cụ đã cắt sẵn rồi để trong bếp bán dần. Trời nóng, chuối chín nhanh nên cụ phải bán tháo để không lỗ vốn. Cụ tiếc rẻ, nếu trời lạnh, chuối giấm lâu sẽ ngọt hơn.
Ngồi xuống ghế nghỉ, cụ Khánh chia sẻ, buổi chợ hôm nay cụ mang đi 45 nải chuối, cả vốn lẫn lời chỉ được một triệu đồng. Chuối bán rẻ, có nải 100.000-150.000 đồng nhưng cũng có nải chỉ 30.000 đồng. Mọi năm, cụ đi chợ chuối xanh từ trước Tết khá lâu, nhưng năm nay mãi 24 tháng chạp âm lịch cụ mới túc tắc chở hàng đi bán.
Năm ngoái, chuối được giá nên trung bình mỗi buổi chợ cụ kiếm được khoảng 3-4 triệu cả vốn lẫn lời. Tiền bán chuối, cụ thoải mái sắm sửa và mừng tuổi các cháu.
Số chuối xanh này cụ định cố bán nốt để 28 Tết nghỉ. Ảnh: Bình Minh.
Cụ Khánh tâm sự, mỗi dịp Tết, tiền sắm đồ của cụ cũng ngót nghét 3-4 triệu đồng. Con cái đủ đầy và muốn bố nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già nhưng ông lão vẫn muốn tự mình kiếm tiền để không làm phiền con cháu. Nhiều lần, con trai ở Hà Nội đón cụ lên phụng dưỡng nhưng chỉ được vài hôm, buồn chẳng có việc gì làm, cụ đòi về để đi bán chuối. Mỗi lần muốn đón bố, anh con trai này phải đặt lịch trước cả tuần bởi cụ phải dừng chặt chuối và sắp xếp buổi chợ.
Video đang HOT
Năm nào cũng vậy, cụ chỉ nghỉ vài ngày Tết. Đến mùng 4-5, cụ đã lại đạp xe lên Thanh Xuân, Hà Nội, bán chuối.
Không được “sung túc” như cụ Khánh, bà Nguyễn Thị Tính ở khu Trại Nhãn (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) vẫn lo ăn từng bữa. 27 Tết, nhà bà chưa sắm được thứ gì ngoài hai chiếc bánh chưng hàng xóm cho. Trong gian nhà chật hẹp, đứa con trai bệnh tật nằm đắp chăn, cháu trai ngồi gặm bánh còn bà ngồi nghỉ sau khi đi nhặt rác về.
Tết nên các cửa hàng thu mua phế liệu đóng cửa, bà đành chất số giấy vụn, lon bia một chỗ để ra giêng bán. Bà lão cho hay, không khác mọi năm, Tết năm nay bà chỉ dám mua vài lạng thịt rang mặn, nửa con gà để ăn qua ba ngày Tết và phải đợi 29 Tết mới mua. Số tiền độc giả VnExpress tặng, bà gửi tiết kiệm để phòng lúc con trai đi viện.
Bà Tính cùng hai đứa cháu trong căn nhà chưa có Tết. Ảnh: Bình Minh.
Sau bài viết “Bà lão 70 tuổi nhặt rác nuôi cháu ngoại” được đăng tải trên VnExpress, nhiều độc giả đã tới chia sẻ với bà Tính. Số gạo, mì tôm độc giả biếu, bà dặn con cháu không ăn lãng phí. Mùa đông năm nay, bà và con cháu ấm áp hơn khi được tặng chăn, quần áo. Bà vẫn áy náy khi chưa gửi lời cảm ơn tới “các bác, các cô, các chú” đã tới thăm, tặng quà.
28 Tết, căn lều không cửa của cụ Vũ Văn Chanh ở xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) gió lùa vào se sắt. Cụ ông 93 tuổi ngồi co ro trên chiếc phản cũ cúi rạp tấm lưng còng, đôi bàn tay run run lần dở đùm gạo nếp mua cách đây ít ngày để chuẩn bị gói bánh chưng.
Hơn tuần nay, cụ Chanh vẫn ngày quảy gánh đồ nghề lên thành phố mài dao, tối về lại cặm cụi dọn dẹp nhà cửa. Căn lều nhỏ hai gian vốn là nền chuồng lợn cũ là nơi trú ngụ của cụ Chanh nhiều năm nay. Vài bộ quần áo cũ được cụ cẩn thận giặt sạch sẽ từ mấy ngày trước để mặc chơi Tết.
“Mình dù đói rách nhưng phải sống cho sạch không người ta cười chê cho. Cả năm bận rộn, nhếch nhác rồi, có vài ngày Tết cũng phải lo tươm tất để khỏi xấu hổ với xóm làng”, cụ Chanh tâm sự.
Cụ Chanh chuẩn bị gạo để gói bánh. Ảnh: Lê Hoàng.
Cụ Chanh bảo, năm nay ăn Tết tươm hơn những năm trước vì có chút tiền từ bạn đọc hảo tâm ủng hộ. Số tiền ấy được con cháu dành dụm gửi tiết kiệm cho cụ hưởng tuổi già. Gần đây, cụ ốm đau liên miên, thi thoảng lại vào viện điều trị. Song cứ khỏe hơn chút, cụ lại lên phố mài dao.
Tết Quý Tỵ này, cụ Chanh quyết định gói dăm tấm bánh chưng, mua thêm vài cân thịt và chút rượu ngon để mời mấy ông bạn già trong xóm qua xông đất rồi ăn Tết luôn.
Theo VNE
Cụ già hiến tặng 56 cổ vật cho bảo tàng
56 cổ vật được cho là rất quý giá, mang ý nghĩa lớn về văn hóa, lịch sử và cả giá trị vật chất vừa được cụ ông Cung Văn Được (80 tuổi) hiến tặng cho Bảo tàng Lâm Đồng.
Ông Được sống một mình trong tòa nhà 4 tầng ở đường Đoàn Thị Điểm, TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Từ sàn nhà đến các vật dụng trong nhà ông đều láng bóng, không có hạt bụi. "Tôi là người khó tính, không ai có thể ở cùng và cũng không thích ở chung với ai. Sau này cả việc chết tôi cũng tự lo liệu cho mình", cụ Được tự đánh giá về mình.
Sinh ra tại xã Đại Kim (Hoàng Mai, TP Hà Nội), năm 1954 ông Được vào Huế và đi lính cho Pháp. Sau đó ông từ giã đời binh nghiệp để buôn bán. 21 năm sinh sống ở Huế và Đà Nẵng ông sưu tầm được rất nhiều hiện vật quý, kể cả những cổ vật của Hoàng Triều mà ông được chính những người trong gia đình Hoàng tộc ban tặng.
Chiếc đồng hồ hiệu Carillon Romanet của Pháp được cho là sản xuất vào đầu thế kỷ thứ 20. Ảnh: Q.D.
Theo tín ngưỡng thờ Mẫu như nhiều người trong Hoàng tộc của Triều Nguyễn, ông được ông Ưng Lê, cháu nội của vua Thiệu Trị nhận làm con nuôi. Ông còn có mối quan hệ rất thân thiết với bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại và nhiều người khác trong Hoàng tộc. Có khả năng trong việc tế lễ, nhiều dịp lễ của gia đình Hoàng tộc ông được mời và cũng chính môi trường này khiến ông đam mê sưu tầm cổ vật.
"Những cổ vật, hiện vật mà tôi đang sở hữu có giá trị rất lớn về văn hóa, lịch sử và cả tiền bạc, nhưng với tôi tiền bạc không quan trọng, chết rồi cũng sẽ bỏ lại tất cả", ông Được nói giọng hào sảng. Vợ đã qua đời gần 10 năm, có một con trai, 3 cháu nội và vài ba đứa chắt đang sinh sống ở Hà Nội, nhưng ông Được bảo con cháu không nhất thiết phải giữ những cổ vật này nên quyết định hiến tặng hết.
Trong 56 cổ vật, hiện vật tặng cho Bảo tàng Lâm Đồng, giá trị nhất là chiếc cân tiểu li, cán được làm bằng ngà voi có nguồn gốc từ Hoàng tộc triều Nguyễn. Bảo vật này ông được bố nuôi là ông Ưng Lê tặng năm 1960. Giới chuyên môn định niên chiếc cân này có vài ba trăm năm tuổi.
Tiếp đến là bộ trường kỷ được chạm trổ rất tinh xảo, trang trí hoa văn cúc dây cánh điệu mềm mại, bốn chân ghế tạo hình đầu lân là môtíp trang trí thường thấy của các gia đình người Việt vào giữa thế kỷ 20. Chiếc đồng hồ hiệu Carillon Romanet của Pháp sản xuất vào đầu thế kỷ thứ 20 có tiếng chuông rất hay và độc đáo mà ông Được đã bỏ tiền mua vào năm 1956.
Ngoài ra còn có hộp đựng trang sức bằng gỗ quý, trang trí, khảm xà cừ và dát đồng. Đây là vật dụng được các quý bà, quý cô rất ưa chuộng, thể hiện sự quý phái, sang trọng của giới thượng lưu trong thập niên 50 của thế kỷ XX. Đợt hiến tặng này của ông Cung Văn Được còn có rất nhiều hiện vật gốm sứ, thủy tinh như chén đĩa có niên đại hàng trăm năm.
Bộ tràng kỷ quý ông Được vừa tặng cho bảo tàng. Ảnh: Q.D
Đây không phải là lần đầu tiên ông Được tặng cổ vật. Ông từng tặng bát hương cổ, cửu võng, câu đối, bát tống và một số vật thờ tự cho đền Hùng Vương (phường 6, TP Đà Lạt); hiến tặng lục bình lớn, bát tống, trống đồng lớn phục chế ở Thanh Hóa cho đền thờ Hùng Vương tại Khu du lịch Thác Prenn Đà Lạt.
Là hội viên câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật Việt Nam, gian phòng khách của nhà ông Được treo nhiều giấy khen, bằng khen về những đóng góp của ông trong việc sưu tập đồ cổ. Trong đó có tấm bằng khen về thành tích xuất sắc, đóng góp những cổ vật tiêu biểu triển lãm tại Hà Nội nhân dịp Đại lễ ngàn năm Thăng Long vào năm 2010.
Dù còn rất khỏe mạnh, nhưng ông Được đã chuẩn bị đầy đủ nhiều loại giấy, biên nhận để chuẩn bị cho ngày qua đời. Bộ quan tài ông đóng bằng gỗ huỳnh đàn, ván dày 5 cm được gửi ở chùa Linh Sơn, Đà Lạt. Ông còn gửi một số tiền cho Hội người cao tuổi phường để lo hậu sự. Một mảnh đất đã xây sẵn phần mộ, gắn bia và hình cũng được ông hoàn tất.
"Tôi già rồi biết sống chết giờ nào, tôi không muốn phiền đến ai, kể cả con cháu. Những gì tôi có sẽ cho hết khi nhắm mắt xuôi tay", ông lão 80 nói.
Theo VNE
Dưỡng lão nơi... cửa chùa Ốm đau, bệnh tật, con cháu hắt hủi, không nơi nương tựa... 136 cụ già phải tìm đến cửa chùa Lâm Quang (bến Bình Đông, quận 8, TPHCM) nương tựa các sư cô, các phật tử. Người mạnh hơn đỡ đần kẻ yếu hơn, cụ nào yếu quá không đi lại đựợc đành ngồi yên một chỗ, phó mặc cho các sư cô,...