Tết của những bạn trẻ xa nhà
Cánh cửa năm mới đã dần hé mở, bên cạnh niềm vui đoàn viên của nhiều gia đình thì đâu đó trong thành phố này, vì nhiều lí do mà vẫn còn những sinh viên phải chịu cảnh ăn tết xa nhà.
Nhiều bạn trẻ bắt đầu đổ xô về quê đón tết.
Những ngày cuối năm, lòng thành phố như lắng xuống, hầu hết mọi người đều ngược xuôi để về quê đón tết. Các quán hàng, trường học cũng không còn nhộn nhịp, thi thoảng mới nghe thấy tiếng rao của mấy cô hàng rong đầu ngõ. Thế nhưng, trong một góc của khu ký túc xá vẫn còn đâu đó nỗi buồn cô quạnh của những bạn trẻ bởi tết này họ không được đoàn tụ bên gia đình.
Đôi mắt của Đỗ Thị Huyền, cô sinh viên năm 4 trường đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh có vẻ đượm buồn khi nhớ về những cái tết ở quê. Năm nay đã là năm thứ 2 Huyền không được tự tay dâng nén hương lên bàn thờ của bố, không được cùng mẹ gói bánh chưng và quây quần bên mâm cơm của gia đình chiều 30 tết.
Khác với những bạn trẻ cùng trang lứa, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ làm lụng vất vả nuôi 3 con ăn học nên từ những ngày đầu vào Sài Gòn, cô gái Phú Thọ đã cố gắng tự lập để đỡ đần một phần gánh nặng cho mẹ ở quê. Ngoài giờ học, Huyền tranh thủ xin làm các công việc partime ở nhà hàng để có thêm tiền trang trải cuộc sống.
Tết, ai mà không muốn về nhà, ai mà không muốn sum họp bên bạn bè, người thân. Huyền cũng vậy nhưng cuộc sống khó khăn, ăn còn bữa được bữa mất thì thử hỏi lấy đâu ra tiền mà mua vé về quê. Có lẽ, nỗi ám ảnh lớn nhất của những sinh viên là phải đối mặt với cái tết buồn ở thành phố. Huyền nói trong nước mắt: Sài Gòn lạ lắm, bình thường đông đúc bao nhiêu thì tết lại tĩnh lặng bấy nhiêu, đường vắng tanh, mọi người đều về hết, nhiều khi tủi thân chỉ biết ôm mặt khóc rồi gọi về nhà để được nghe tiếng mẹ.
Khi được hỏi về cảm giác đón tết xa quê, đa số các bạn trẻ đều tỏ ra buồn, hụt hẫng, một số không giấu khỏi sự xúc động. 3 năm học ở Sài Gòn nhưng đây là lần đầu tiên chàng trai Nguyễn Duy Thanh, trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn phải ngậm ngùi chịu cảnh ăn tết xa nhà.
Video đang HOT
Vì không muốn bố mẹ vất vả nên tết này, sau khi tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện, Thanh quyết định ở lại thành phố kiếm việc làm thêm để có tiền lo cho kỳ thực tập và trang trải học phí. “Năm nay em không được ngồi cùng bố mẹ và em gái để đón giao thừa, em không biết mình có đủ dũng cảm để vượt qua những ngày tháng lạnh lẽo, cô đơn này không”, Thanh trải lòng.
Nhiều bạn trẻ xa quê tham gia các hoạt động xã hội vào dịp Tết Nguyên đán.
Đến từ quê hương miền Trung đầy nắng và gió, cô gái Lê Thị Trang, Học viện Hàng không Việt Nam mang theo nhiều hoài bão và cô luôn trăn trở về một tương lai ổn định ở thành phố. Có lẽ, Trang đã dự đoán được về những cái tết xa quê vì tính chất công việc mà cô chọn đều khác với những ngành nghề khác.
Năm thứ 2 ở lại Sài Gòn ăn tết, cô gái người Hà Tĩnh vẫn còn cảm giác buồn, bỡ ngỡ. Trang tâm sự, những ngày cuối năm nhìn bạn bè dọn đồ, xách vali về quê, thật sự mình cũng muốn bỏ tất cả đề về bên gia đình. Nhiều khi ngồi một mình, nhớ nhà, chỉ biết lục lại mấy bức hình để coi.
Bên cạnh công việc trong kỳ nghỉ tết, Trang còn dành thời gian tham gia nhiều hoạt động như: gói bánh chưng, vui tết cùng trẻ em… trong chiến dịch Xuân tình nguyện, những việc làm tuy nhỏ nhưng góp phần lan tỏa tình yêu thương và giúp Trang với bớt nỗi nhớ nhà.
Nhằm hỗ trợ các sinh viên đón tết xa nhà, vừa qua, Hội Sinh viên Thành phố cũng tổ chức buổi họp mặt và trao 2.000 phần quà tết, hy vọng đây sẽ là nguồn động viên, khích lệ tinh thần cho các bạn trẻ, giúp các bạn nguây ngoai bớt phần nào khi không có gia đình ở bên.
Theo thegioitiepthi.vn
Một bếp lửa to nhất trong năm
Bỏ lại một năm bộn bề nơi phố thị, nơi những vòng quay của bánh xe mải miết nhả khói bụi trùm phủ thời gian, tôi về quê mẹ trong một chiều cuối năm.
Vẫn lối nhỏ nâng niu bước chân tôi, hai bên cỏ màn trầu xanh mướt xòe nở như những bông hoa sắc nhọn, những cánh lá mỏng manh khẽ cứa vào tuổi thơ những vết xước ngọt ngào.
Từ căn bếp, làn khói mỏng bay lên như những sợi mây hờ hững về trời. mùi khói chạm vào nỗi nhớ, chạm vào những cái Tết xưa.
Tôi đẩy cánh cổng gỗ bước vào. Mẹ đang lúi húi trong bếp, bên nồi bánh chưng to. Và bên cạnh vẫn là hai phên cá nướng. Mẹ lặng lẽ cầm que cời bếp lửa. Mùi khói sực lên nồng đượm.Gửi Biên Tập
Tôi nhớ Tết của một thời tuổi cũ. Năm nào mới đến giêng hai cũng đã đếm ngược thời gian để mong tết quay về. Mà tết nào cũng say trong mùi khói và cái roi mây cha phải rút khỏi mái hiên.
Cánh đồng hoa. Ảnh: Dương Thanh Xuân.
Nghe đến Tết là háo hức. Tết là manh áo mới, là tiền lì xì, là tranh nhau xác pháo trước hiên nhà, là trông nồi bánh chưng và phên cá nướng. Năm nào cũng thế, chiều 29 là mẹ tôi sang nhà bác cả, lấy thịt lợn đụng để mang về gói bánh. Tôi ở nhà lau lá dong. Gạo nếp, đỗ xanh, mẹ tôi đã chuẩn bị đủ. Còn cha tôi thì cùng các bác ra đánh cá ở sông Tích. Anh tôi là con trai nên được đi theo, tôi muốn lắm nhưng không được, trong lòng ấm ức. Mẹ tôi dỗ dành: "Con là con gái"... Con gái thì đã sao? Tôi vùng vằng. Mẹ bảo tôi bướng bỉnh.
Tối 29 cả ngõ nhà tôi rộn ràng gói bánh. Lũ chúng tôi chạy lăng xăng làm chân sai vặt. Rồi chẳng biết ngủ quên lúc nào trên chiếu, đến khi tỉnh giấc, những cái bánh chưng xanh, vuông vắn, có buộc những sợi giang mỏng tang, trắng tinh đã được xếp ngay ngắn trong nồi. Cha không quên gói cho tôi và anh, mỗi đứa một cái bánh chưng con. Cha xuống bếp hì hụi nhóm lửa. Những cành củi chưa kịp khô sau những trận gió bấc mưa phùn. Là khói! Khói sực lên ngai ngái, cay cay. Khói vương vào mái tranh, dùng dằng không bay lên trong màn đêm gần sáng. Khói đọng lại trong cổ họng, nuốt vào, khạc ra đều không được. Hai hàng nước mắt tôi trào ra. Mẹ đuổi tôi lên nhà. Nhưng tôi vẫn muốn xem cha nhóm lửa. Cả một năm, tôi mới được nhìn bếp lửa lớn và ấm áp đến nhường này. Khi bếp lửa cháy đều, tôi lên nhà ngủ nốt giấc ngủ còn dang dở. Trong giấc mơ là khói, quyện vào bánh chưng xanh. Có lúc, khói đọng lại trong chiếc bánh chưng con của tôi. Tôi ăn không được, tức tưởi khóc trong mơ rồi choàng tỉnh.
Chơi đùa đợi Tết. Ảnh: Dương Thanh Xuân.
Chiều 30 Tết, anh trai theo bố đi tảo mộ. Mẹ tôi tranh thủ ra chợ mua sắm nốt những gì còn thiếu. Tôi phải ở nhà trông nồi bánh chưng và 2 phên cá nướng. Nồi bánh chưng bốc hơi lên nghi ngút. cá nướng tai tái, tỏa ra mùi thơm ngầy ngậy. Những nan tre bị cháy sém, hằn trên những miếng thịt cá chắc nịch. Lửa cháy rừng rực. Đôi má tôi chín đỏ trong chiều cuối năm gió rét mưa phùn.
Cha dặn tôi phải thêm nước vào nồi bánh, phải lật phên cá để cá chín cho đều. Nhưng ngồi bên bếp lửa, ánh lửa bập bùng như một vũ điệu thôi miên. Rồi không biết tôi ngủ thiếp đi lúc nào. Đến khi tỉnh dậy, hai phên cá đã cháy khét lẹt. Hoảng quá, nhưng không biết làm sao. Tiếng cha tôi đã vang vang nơi đầu ngõ. Thế là chiều 30 Tết cha lại rút roi mây khỏi mái hiên. Tôi bị ăn roi vì làm cháy mất hai phên cá nướng. Đã dặn thế rồi mà còn ngủ quên. Anh tôi đứng ngoài lấy hai tay kéo ngoác miệng ra trêu. Tôi ức lắm mà không khóc được. Nhìn những miếng cá cháy đen, lòng tôi đắng ngắt.
Những sợi khói vi vút, âm thầm len lỏi vào trong tôi. Nhưng chỉ chiều 30 như vậy thôi. Chẳng Tết nào tôi buồn cả. Vì chỉ cần đến khi những chiếc bánh nóng hổi được vớt khỏi nồi, hai anh em tôi tranh nhau tìm bánh chưng con, thì những miếng cá cháy và cái lằn roi mây ở mông cũng tan biến hết. Chỉ còn nỗi thèm thuồng được cắn một miếng bánh mềm béo ngậy mà mỡ ở nhân bánh sẽ chảy ra nhếnh nhoáng cả hai bên mép. Vừa ăn vừa thổi, vừa xuýt xoa. Nhưng đứa nào cũng tiếc, chẳng muốn ăn mất cái bánh của mình. Cứ thế, cái bánh chưng con theo anh em tôi hết cả mấy ngày tết.
Tôi nhớ đêm giao thừa, khi thắp hương ở bàn thờ tổ tiên và làm lễ ở ngoài sân xong, cha tôi châm lửa đốt pháo. Cả xóm nhỏ bừng lên xôn xao. Những quả pháo đỏ như một tràng hoa bắn những tia lửa chói sáng và rực rỡ trong màn đêm thâm u. Rồi tan. Chỉ còn mùi khói và xác pháo tả tơi như những cánh hoa rụng cuối mùa. Hai anh em tôi ùa ra tìm pháo xịt.
Bỗng mẹ vỗ vào vai tôi làm tôi choàng tỉnh. Trước mặt là nồi bánh chưng và phên cá của năm nay. Những sợi khói mỏng vấn vít làm khóe mắt cay. Sao mẹ vẫn gói nhiều bánh và nướng nhiều cá thế, có ai ăn đâu? À, để cho con được tìm về với mùi Tết của một thời tuổi cũ.
NGUYỆT CHU
Theo thegioitiepthi.vn
Nhớ cá đìa ngày giáp Tết Tôi ở với quê ngoại tận U Minh, một làng quê nghèo khó. Khi mai vàng lác đác nở ngoài sân, gió chướng bắt đầu thổi mạnh, bà con đã gặt lúa vô bồ, nhà cửa sơn quét sạch sẽ, thời gian này vào khoảng 28 - 29 âm lịch, cũng là lúc bà con ta chụp cá đìa và chia thịt heo...