Tết bình an cùng người bệnh ung thư
Bánh chưng xanh, đào khoe sắc thắm và tiếng hát, nụ cười đang mang tết đến sớm với bệnh nhân ung thư ngay tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Năm nay, cái tết đã đến sớm với mẹ con chị Phùng Thị Thu Hằng (phố Bát Tràng, Hà Nội) nhờ những món quà, lời động viên thăm hỏi của các nhà hảo tâm, các y bác sĩ – ẢNH BẢO NGỌC
Đón tết trên giường bệnh
Những ngày cuối năm tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, tin vui nhất đối với những bệnh nhân là kịp ra viện để trở về nhà đón tết. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những người bệnh nằm hôn mê hoặc phải điều trị đặc biệt không thể trở về đoàn tụ bên gia đình.
Mắc bệnh ung thư vú đã 8 năm nay, chị Phùng Thị Thu Hằng (nhà ở Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) xem bệnh viện như là ngôi nhà thứ hai của mình. Xa nhà dịp tết, bệnh nặng, chồng phải đi làm thuê trang trải cho gia đình, nỗi buồn dường như hằn rõ trên gương mặt chị.
Giơ cánh tay đã bầm tím qua nhiều lần truyền thuốc cho chúng tôi xem, chị Hằng cho biết bản thân đã trải qua gần 40 lần hóa trị. Căn bệnh ung thư vú di căn cả vào phổi và gan khiến chị đau đớn, khó thở. “Tôi đã từng nghĩ, có khi mình chết đi, gia đình lại đỡ cực khổ. Nhưng nhìn con đang tuổi ăn học cần có mẹ bên cạnh, tôi lại phải cố gắng gượng”, đôi mắt như chực trào nước mắt, chị tâm sự.
Tết ở bệnh viện không chỉ bệnh nhân ở lại thấy lo lắng, mà người đi chăm bệnh cũng đầy tâm trạng, người khỏe mạnh không chỉ lo cho người nằm đau, mà còn nghĩ về cái tết ở quê nhà.
Chương trình sinh hoạt CLB bệnh nhân Ung thư với chủ đề “Tết bình an” là cầu nối giúp người bệnh ung thư vơi đi nỗi đau bệnh tật, nỗi nhớ nhà trong dịp tết – ẢNH BẢO NGỌC
Cùng con ngồi chờ kết quả xét nghiệm tại hành lang bệnh viện, chị Vũ Thu Phương (ở Bắc Ninh) cho biết, năm nay là năm thứ hai chị phải ở lại bệnh viện đón tết cùng con gái. “Con tôi bị ung thư trực tràng, không ăn uống được gì, lúc nào người cháu cũng sưng phù vì nổi hạch. Tháng trước, tình trạng bệnh cũng đã thuyên giảm đôi chút, tưởng sẽ được về nhà ăn tết, thế mà giờ bệnh chuyển biến xấu không về nhà được. Tết năm nay, tôi ở lại cùng con”, chị Phương nghẹn ngào chia sẻ.
Những người bệnh, người nhà của bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội có nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng mang tâm trạng chung, đó là gánh nặng lo toan về chi phí chữa bệnh qua mỗi giai đoạn điều trị, nỗi nhớ quê nhà đau đáu, nhất là những dịp tết đến xuân về.
Video đang HOT
Người bệnh tham dự chương trình được hướng dẫn tập luyện khí công Hymalaya giúp họ cân bằng trạng thái tinh thần, sức khỏe để đối mặt với bệnh tật – ẢNH BẢO NGỌC
Mang tết bình an đến với người bệnh ung thư
Thấu hiểu được nỗi lòng của bệnh nhân ung thư không thể về nhà đoàn tụ cùng người thân dịp tết, sáng 20.1, chương trình sinh hoạt CLB bệnh nhân Ung thư với chủ đề “Tết bình an” đã được Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tổ chức, với sự hỗ trợ của Quỹ Makna, bạn đọc Báo Thanh Niên, CLB Khiêu vũ quận Hoàn Kiếm.
Chương trình đã huy động được 80 bánh chưng, 40 cây giò tặng bệnh nhân ung thư nghèo đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Đặc biệt, người bệnh tham dự chương trình còn được hướng dẫn tập luyện khí công Hymalaya, tư vấn về sức khỏe dinh dưỡng; cùng nhau hát vang những bài ca trước thềm năm mới… Không gian ấm cúng giúp họ cân bằng trạng thái tinh thần, sức khỏe và nghị lực để đối mặt với bệnh tật.
Những bao lì xì của bạn đọc Báo Thanh Niên được trao đến tận tay bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội – ẢNH BẢO NGỌC
Dịp này, bạn đọc thân thiết của Báo Thanh Niên đã dành 12 triệu đồng lì xì cho 60 bệnh nhân ung thư. “Bao lì xì nhỏ mong muốn cùng bệnh nhân ung thư đón tết bình an. Mong thật nhiều nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc sẽ khỏa lấp những ưu lo trước thềm năm mới”, một bạn đọc của Báo Thanh Niên, quê ở Hải Phòng, gửi gắm.
“Đón tết trong bệnh viện là điều không ai mong muốn, nhưng nếu đón tết nơi đây, chúng tôi mong bệnh nhân cảm nhận được những ấm áp mà mỗi thầy thuốc, điều dưỡng và các nhà hảo tâm dành tặng. Những lời động viên, món quà nhỏ dịp tết là liều thuốc tinh thần khiến người bệnh ung thư phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, nỗi buồn vì bệnh tật”, bác sĩ Phương Linh, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, xúc động bày tỏ.
Theo thanhnien
Bác sĩ chữa ung thư: 'Khó nhất là lúc thông báo bệnh nhân bị ung thư'
Làm việc hơn 11 giờ mỗi ngày trong suốt 8 năm qua, bác sĩ Thịnh luôn tâm niệm bệnh viện là nhà còn bệnh nhân là người thân.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh 35 tuổi, đang làm việc tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội. Đây là bệnh viện tuyến cuối chữa ung thư ở miền Bắc. Mỗi ngày, bệnh viện khám khoảng 500 đến 600 bệnh nhân và điều trị hơn 3.000 bệnh nhân nội trú. Hiện, bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ là ung thư vú, ung thư cổ tử cung và nam giới là ung thư đường tiêu hóa, phổi, gan.
Một ngày, bác sĩ Thịnh làm việc từ 7h sáng đến 5h chiều và thăm khám cho hơn 100 bệnh nhân. Thời gian đông bệnh nhân nhất vào khoảng 8 đến 10h sáng hoặc 13h30 chiều. Số lượng bệnh nhân đông, bác sĩ luôn dặn dò phải ưu tiên người già và trẻ nhỏ được khám sớm.
Hàng ngày, bác sĩ Thịnh khám tại phòng bệnh và tham gia các ca tiểu phẫu, sinh thiết. Ngoài ra, bác sĩ còn hỗ trợ chuyên môn tại bệnh viện đồng thời giảng dạy ở các trung tâm y tế.
"Tôi xem bệnh viện ung bướu như ngôi nhà thứ hai", anh chia sẻ. "Bệnh nhân đến với tôi cũng như người nhà".
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh tại phòng làm việc. Ảnh: Thùy An
"Ung thư trong tiềm thức của mọi người là án tử", bác sĩ Thịnh chia sẻ.
Hầu hết bệnh nhân chỉ cần nghe nói mình mắc bệnh ung thư đều mang tâm lý hoang mang, dễ bị kích động và không chấp nhận sự thật. Tuy nhiên, những người khỏe mạnh bình thường thì rất ngại đi khám khiến bệnh bị phát hiện ở giai đoạn quá muộn. Bởi vậy, với anh, điểm khác biệt nhất của bác sĩ ung bướu là tạo niềm tin cho bệnh nhân và người nhà ngay từ quá trình thăm khám, sàng lọc bệnh.
Hơn 8 năm làm nghề, bác sĩ Thịnh cho rằng cần ưu tiên chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân từ lúc khám bệnh. Đó là sự giảm nhẹ về tâm lý và giảm nhẹ áp lực bệnh tật. "Đây là nghệ thuật chăm sóc bệnh nhân của mỗi người", anh nói.
Bác sĩ ung bướu ngoài chuyên môn còn tự rèn dũa khả năng đoán tâm lý người bệnh để biết ai sẵn sàng điều trị, ai lưỡng lự. Đối với bệnh nhân cần điều trị nhưng từ chối vào viện, anh không ngại cho số điện thoại cá nhân để giúp đỡ. Nhiều bệnh nhân đổi ý, nghe theo lời khuyên của bác sĩ mà sống thêm được nhiều năm. "Thậm chí những cuộc gọi của bệnh nhân muộn 1, 2h sáng tôi cũng sẵn lòng nghe và chia sẻ với họ", bác sĩ Thịnh cho biết.
Bác sĩ khám bệnh tuy không can thiệp sâu như bác sĩ phẫu thuật nhưng là bước đầu tiên quan trọng để cứu sống tính mạng người bệnh. Bệnh nhân khám bệnh sẽ được chỉ định xét nghiệm máu, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, siêu âm... Khi có kết quả, bác sĩ trực tiếp đưa ra tư vấn để bệnh nhân được chữa trị kịp thời, gia tăng cơ hội sống. Do đó bác sĩ khám bệnh cũng chính là người đầu tiên thông báo cho bệnh nhân tin dữ là "anh/chị/ông/bà đã bị ung thư".
Bác sĩ đang kiểm tra lại xét nghiệm để phán đoán tình trạng bệnh nhân. Ảnh: Thùy An
"Là bác sĩ ung bướu, khó khăn nhất là thông báo họ bị mắc bệnh ung thư", anh nói.
Mỗi bệnh nhân sẽ có những chỉ định xét nghiệm riêng. Hầu hết mọi người đều sẽ có kết quả trong ngày. Bệnh nhân mắc u lành hoặc có triệu chứng ban đầu ung thư sẽ được tư vấn ngay hướng điều trị. Riêng với trường hợp bị ung thư, bác sĩ phải chuẩn bị sẵn tâm lý cho mình trước rồi mới đủ can đảm thông báo đến người bệnh.
Đối với bác sĩ Thịnh, anh thường dành 5 đến 10 phút trò chuyện với bệnh nhân và người nhà. Anh hỏi thăm công việc để tìm hiểu về thu nhập và hỏi về gia đình con cái để nắm được suy nghĩ và giảm nhẹ tâm lý cho người bệnh, giúp họ có cái nhìn khác về ung thư.
"Ai cũng muốn sống, nhưng kỳ vọng sống của mỗi người khác nhau", anh tâm sự. Có người mẹ trẻ bị ung thư mong sống lâu hơn để đứa con nhỏ kịp nhớ mặt, người mẹ già mong đủ sức khỏe chụp cùng con trong tấm ảnh gia đình ngày cưới hay mẹ từ chối xạ trị để cứu đứa con trong bụng. Do đó, người bác sĩ phải biết được mong muốn của bệnh nhân thì mới giúp được họ vượt qua bệnh tật.
Ngoài bệnh nhân, bác sĩ cũng phải có cách để trấn an tinh thần cho cả gia đình. Khi thông báo kết quả, anh thường mời cả bệnh nhân và người nhà cùng lắng nghe, giúp họ hiểu đầy đủ thông tin về bệnh và cùng nhau chiến đấu với căn bệnh đáng sợ này.
Ngoài công việc khám bệnh, anh còn tham gia vào ca mổ, tiểu phẫu. Với tâm lý sợ động dao kéo và sự đau đớn khi xạ trị, nhiều bệnh nhân bỏ bệnh viện và tin vào bài thuốc trị bách bệnh bên ngoài.
Anh luôn khuyên bệnh nhân có ý thức về sức khỏe và tầm soát ung thư sớm. Nhiều bệnh ung thư chỉ cần xét nghiệm thường quy, siêu âm, nội soi, chụp X-quang là có thể phát hiện bệnh và chữa khỏi hoàn toàn.
"Quan trọng nhất là họ tin tôi, tin vào y học", anh chia sẻ. Ung thư phát hiện sớm đều có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Bác sĩ đang giải thích tình trạng bệnh nhân trên chụp phim. Ảnh: Thùy An
Vợ anh Thịnh cũng là bác sĩ nên anh luôn tự hào khi có hậu phương tin tưởng và ủng hộ. Ban ngày làm việc, đêm về anh dành thời gian cho vợ và hai con nhỏ.
Anh thích đọc truyện, nấu ăn, thậm chí hát ru cho con. Anh nói rằng giờ đi ngủ là lúc anh thấy cuộc sống hạnh phúc và bình yên nhất. Mái ấm gia đình giúp anh có động lực lấy lại tinh thần để bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả.
Thùy An
Theo VNE
5 vấn đề xung quanh liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đang "thịnh hành" Chi phí một chu kỳ dùng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư khoảng 60 - 120 triệu đồng. Bệnh nhân sẽ phải truyền thuốc trong 1 ngày với thời gian khoảng 3 tuần/chu kỳ và truyền liên tục 3 chu kỳ, nghỉ một thời gian lại điều trị tiếp. Liệu pháp miễn dịch hiện được coi là thành tựu nổi...