Teens phát hoảng vì cách dạy dỗ của cha mẹ
Uốn nắn, dạy dỗ con cái là trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Nhưng nhiều bậc phụ huynh đã chọn những cách “dạy dỗ” con cái lạ lùng khiến cho người ngoài không khỏi “phát hoảng”.
Khi dạy dỗ biến thành bạo hành
Ở lứa tuổi “sáng nắng chiều mưa”, teens thay đổi rất nhiều trong suy nghĩ, tâm lí, hành động, đã có những chính kiến riêng chứ không phải lúc nào cũng nghe theo lời của bố mẹ. Đặc biệt, teens dễ xao nhãng việc học hành vì những yếu tố tác động bên ngoài. Điều đó khiến cho nhiều teen trở nên “cứng đầu, cứng cổ” khó bảo trong mắt các bậc phụ huynh. Thay vì chọn cách đối thoại, nhiều bậc cha mẹ đã chọn việc chửi mắng và đánh đập để “dạy dỗ” con cái mình.
Bố của Ngọc Anh đã giận dữ xé tan bảng điểm khi thấy kết quả điểm môn toán và lý quá thấp. Không cho Ngọc Anh có cơ hội giải thích, bố Ngọc Anh lấy cán chổi vụt liên tiếp vào mu bàn tay và mắt cá chân của Ngọc Anh. Bố Ngọc Anh còn bắt 2 em nhỏ của Ngọc Anh đi gọi bạn bè hàng xóm sang xem việc Ngọc Anh bị đánh. Vừa đau đớn vừa xấu hổ nhưng Ngọc Anh cũng không biết cầu cứu ai vì mẹ Ngọc Anh cũng đồng tình với việc “thương cho roi cho vọt này”.
Cũng bị mẹ và dượng đánh mắng vì điểm số thấp như Ngọc Anh, nhưng trường hợp của Thái còn kinh khủng hơn rất nhiều. Thái bị mẹ và dượng lột hết quần áo và bị dùng roi quất vào khắp người đến rớm máu. Sau đó dượng bắt Thái mặc một bộ đồ cũ nhàu nát và nhốt vào trong chuồng chó. Do nhà nằm khuất ở bên trong ngõ nên hầu như không ai nhìn thấy tình trạng đáng thương này của Thái. Thái ngồi co ro trong chuồng cùng với con chó béc giê to của gia đình. Gần hết một buổi sáng, Thái mới được giải thoát vì may mắn có dì và cậu ruột sang chơi.
Không dùng “chân tay” để “dạy dỗ” con cái, mẹ Phượng áp dụng biện pháp đay nghiến, nguyền rủa mỗi khi con cái phạm lỗi. Mỗi khi Phượng làm gì sai hoặc không vừa ý, mẹ Phượng đều dùng những từ thô tục nhất để mắng chửi Phượng rồi lại quay ra ca thán “tại sao lại sinh ra đứa trời đánh thánh vật, ngu si không biết làm gì như thế này…vv..” . Mỗi buổi tối hàng xóm đều được nghe “no tai” các bài chửi của mẹ Phượng mỗi khi bà kiểm tra sách vở của 2 chị em. Chỉ cần một lỗi nhỏ, một lời phê không tốt của cô giáo là 2 chị em Phượng phải ngồi nghe mẹ đay nghiến, chửi rủa cả tiếng đồng hồ. Hàng xóm góp ý vì thấy tội nghiệp cho 2 chị em Phượng lại càng làm tình trạng trầm trọng thêm vì mẹ Phượng cho rằng hai chị em đi “hớt lẻo” và cấm hai đứa không được “giao du” với ai. Bạn bè của Phượng cũng vì thế mà bị bó hẹp trong một phạm vi rất nhỏ do mẹ Phượng kiểm soát. Mỗi khi Phượng có điện thoại hay bạn đến nhà rủ đi học, đặc biệt là bạn trai thì lại bị nghe những câu kiểu như: ” Chơi bời hư hỏng rồi mai sau lại đi đứng đường, bán trôn nuôi miệng…vv..”
Khác với các bạn trên, 3 anh chị em Dương lại thường xuyên được bố “giáo dục” bằng cách cho ăn tát và đạp. Vì theo bố Dương ” làm thế cho nó chừa đi. Không dám nói năng, làm gì vớ vẩn”. Dù rất muốn bệnh con nhưng mẹ Dương cũng bất lực vì càng bênh thì chị em Dương càng bị đánh đau hơn. Dương vốn tính thẳng thắn nên thường xuyên phản đối và cãi lại bố nên cũng là người bị ăn tát và đạp nhiều nhất. Có lần, Dương đi chơi với bạn về muộn bị bố đạp va vào cạnh bàn uống nước phải đi khâu 10 mũi ở trên trán.
Những hậu quả đau lòng
Thường xuyên sống trong tình trạng bị ” tra tấn”, xúc phạm về tinh thần, Phượng đã uống thuốc ngủ để tự tử. Nhưng do được người nhà phát hiện ra sơm nên Phượng đã được đưa đến bệnh viện kịp thời. Hậu quả của lần tử tử không thành là những cơn nhức đầu liên tục xảy ra với Phượng, nhất là khi thời tiết thay đổi.
Sau nhiều lần chứng kiến cảnh Thái bị mẹ và dượng đánh đập, bà nội Thái đã đón Thái về nuôi. Tuy nhiên giờ đây Thái không còn nhanh nhẹn, hoạt bát như trước mà ít nói, ngại giao tiếp với mọi người hơn. Thái không khỏi giật mình khi nhắc lại quãng thời gian trước kia: ” Mẹ và dượng thường đánh em rất đau. Điểm thấp cũng bị đánh, quên đi dép ở bên ngoài vào nhà cũng bị đánh, hắt xì hơi trong khi ăn cơm cũng bị mắng. Em rất sợ. Bây giờ em chẳng muốn nhìn mặt mẹ nữa”.
Vết sẹo ở trên trán Dương tuy đã mờ đi nhưng vết sẹo trong lòng mãi chẳng bao giờ có thể lên da non. Bố càng đánh thì Dương càng tỏ ra chống đối và bất cần hơn. Điểm số của Dương ở trường cũng bị “xuống dốc” thê thảm vì Dương không muốn làm những điều mà bố mình thích.
Tất cả những hình thức bạo hành về mặt thể xác, tinh thần hay xã hội ( ngăn không cho tiếp xúc bạn bè, hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng) ở trên của bố mẹ đối với teens thường gây ra những hậu quả hết sức đau lòng không chỉ là những tổn thương về mặt thể chất, sức khỏe mà còn là những chấn thương vĩnh viễn về tâm lí gây ra những rối loạn trong việc hình thành nhân cách. Những trường hợp bị bạo hành thường gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống sau này. Teens có thể trở nên lầm lì, hung hãn, thích bạo lực hoặc trở nên co mình, trầm cảm, bi quan luôn nghĩ đến việc tử tự. Tỉ lệ trẻ vị thành niên bỏ nhà, nghiện hút, trộm cắp hay mại dâm trong nhiều trường hợp thường liên quan đến việc bị bố mẹ bạo hành trong gia đình.